Ngày xuân suy ngẫm về trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”

Đăng lúc: 07-02-2022 3:35 Chiều - Đã xem: 124 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

Chắc rằng mấy ngày đón Tết, mừng Đảng năm nay những ai đã được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lý giải về “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đều không khỏi vô cùng lý thú và tâm đắc, liên hệ đến những kỳ tích của Đảng ta, Nhà nước ta và Nhân dân ta đạt được trong gần một thế kỷ qua, để Tổ quốc Việt Nam có được cơ đồ và uy tín lừng lẫy như hiện nay.

Cây tre Việt Nam có Gốc vững, Thân chắc, Cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của Dân tộc Việt Nam. Đó là mềm mại, khôn khéo nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi thử thách, khó khăn… vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc. Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “lạt mềm buộc chặt”. Đây là sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.

Từ bao đời, cây tre là hình ảnh mang biểu tượng trong đời sống tinh thần người Việt Nam: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc[i]“, cây tre hóa thành sức mạnh “Phù Đổng Thiên Vương” trong hình ảnh Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân… Cây tre còn làm kinh hồn, khiếp vía các loại giặc từ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đến quân bành trướng xâm lấn biên giới trước những bãi chông, cung tên và nhất là các căn hầm bí mật trụ dưới các bụi tre sát ngay chân đồn giặc để các chiến sĩ cách mạng “xuất quỷ nhập thần” tiêu diệt địch. Cây tre đi vào truyền thuyết, lịch sử, thơ ca và hiện diện bình dị trong cuộc sống hàng ngày, nay được khái quát, nâng tầm thành Trường phái Ngoại giao của dân tộc Việt Nam.

Nhìn lại quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cũng như từ khi thành lập Nhà nước đến nay, nền ngoại giao Việt Nam đúng như lời khái quát của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường, kiên cường chống giặc ngoại xâm và hòa hiếu với các dân tộc được hun đúc trong hàng ngàn năm lịch sử. Ngày nay, việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia – dân tộc đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Từ phá thế bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc; có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước; là thành viên của hơn 70 Tổ chức, Diễn đàn đa phương, khu vực và toàn cầu. Đảng ta thiết lập quan hệ với 147 chính đảng ở 111 quốc gia; Quốc hội Việt Nam có quan hệ với Quốc hội, Nghị viện của hơn 140 nước…

Hàng loạt con số biết nói đó đã phần nào cho chúng ta biết Trường phái ngoại giao Cây tre Việt Nam có ý nghĩa to lớn đến nhường nào. Còn hơn thế nữa, tác giả của Trường phái ngoại giao Cây tre Việt Nam còn mong muốn trao truyền bài học lịch sử vừa hiện đại vừa thấm đẫm bản sắc dân tộc để Đảng ta, Nhà nước ta tiếp tục ươm trồng các thế hệ người Việt Nam hôm nay và cả mai sau vững gốc, trường tồn với sức mạnh Phù Đổng Thiên Vương, dùng tre đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới, phát triển đất nước.

 

Nguyễn Anh Liên


[i] Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm