Nghị định 161-CP về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu …

Đăng lúc: 09-01-2018 9:51 Sáng - Đã xem: 41 lượt xem In bài viết

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 
***********

Số: 161-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 Năm 1964

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN TRONG KHI ỐM ĐAU, BỊ THƯƠNG, MẤT SỨC LAO ĐỘNG, VỀ HƯU HOẶC CHẾT; NỮ QUÂN NHÂN KHI CÓ THAI VÀ KHI ĐẺ; QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀ DÂN QUÂN TỰ VỆ ỐM ĐAU, BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ QUÂN SỰ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào các điều 24, 31 và 32 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa;
Để cải tiến và thống nhất các chế độ có tính chất bảo hiểm xã hội đối với quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ;
Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Nội vụ; 
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 06 năm 1963; 
Căn cứ vào quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 03 tháng 10 năm 1964;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành, kèm theo nghị định này, điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; đối với nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; đối với quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng, các ông thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này. 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ CÁC CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN TRONG KHI ỐM ĐAU, BỊ THƯƠNG, MẤT SỨC LAO ĐỘNG, VỀ HƯU HOẶC CHẾT; NỮ QUÂN NHÂN KHI CÓ THAI VÀ KHI ĐẺ; QUÂN NHÂN DỰ BỊ, DÂN QUÂN TỰ VỆ ỐM ĐAU, BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ QUÂN SỰ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ)

 Từ ngày thành lập đến nay, quân đội ta luôn luôn được Đảng và Chính phủ chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Ngoài việc cải tiến chế độ cung cấp về ăn, mặc, phụ cấp tiêu vặt cho hạ sĩ quan, binh sĩ, định ra chế độ tiền lương thay thế cho chế độ cung cấp đối với sĩ quan và hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên nghiệp, Chính phủ đã ban hành một số chế độ trợ cấp ngoài tiền lương, như trợ cấp thương tật cho thương binh, trợ cấp mất sức lao động cho quân nhân phục viên, trợ cấp tiền tuất cho gia đình khi quân nhân chết và chế độ điều trị khi ốm đau; v.v… Các chế độ này đã cải thiện được một bước đời sống của quân nhân và gia đình quân nhân, đã khuyến khích cán bộ và chiến sĩ tích cực xây dựng quân đội, sẵn sàng chiến đấu.

Đến nay, quân đội đang trong thời kỳ xây dựng tiến lên chính quy và hiện đại, có nhiều yêu cầu mới đặt ra. Chính phủ lại đã ban hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội để cải thiện thêm một bước đời sống của công nhân, viên chức Nhà nước. Do đó, các chế độ trợ cấp hiện hành trong các lực lượng vũ trang cần được bổ sung và cải tiến cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới và chính sách chung của Nhà nước, với đặc điểm của quân đội tiến lên chính quy và hiện đại, đồng thời để cải thiện thêm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, động viên họ tích cực xây dựng quân đội, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời này để quy định các chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu, chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị, dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1– Các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân phải phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị và xã hội trong nước qua từng thời kỳ, phù hợp chính sách chung của Nhà nước, với đời sống của công nhân viên chức và nhân dân, phù hợp với tính chất và đặc điểm của quân đội, có tác dụng tốt cải thiện đời sống cho quân nhân và khuyến khích quân nhân tích cực xây dựng quân đội.

Điều 2– Mức đãi ngộ về các chế độ trợ cấp được quy định căn cứ vào tình trạng mất sức lao động nhiều hay ít, căn cứ vào sự cống hiến, thời gian công tác, điều kiện làm việc của mỗi quân nhân trong từng trường hợp và có ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ.

Điều 3– Điều lệ tạm thời này áp dụng cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ:

– Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ chuyên nghiệp được hưởng tất cả các chế độ;

– Hạ sĩ quan, binh sĩ làm nghĩa vụ quân sự được hưởng các chế độ trợ cấp khi ốm đau; bị thương, mất sức lao động và khi chết;

– Quân nhân dự bị và dân quân tự vệ được hưởng các chế độ đãi ngộ khi ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự.

Điều 4. – Quân nhân đang bị án phạt giam không được hưởng các chế độ đãi ngộ quy định trong điều lệ tạm thời này. Sau khi hết hạn phạt giam, thì tùy theo tội nặng, nhẹ mà quyết định cho hưởng hoặc không cho hưởng.

Chương 2:

CÁC CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG

TIẾT 1. – CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN KHI ỐM ĐAU

Điều 5. – Quân nhân khi ốm đau được khám bệnh và điều trị ở các bệnh xá, bệnh viện quân đội.

Điều 6. – Trong suốt thời gian điều trị, điều dưỡng, quân nhân hưởng nguyên lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có) như trước khi nghỉ việc vì ốm đau.

TIẾT 2. – CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN KHI BỊ THƯƠNG HOẶC BỊ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 7. – Quân nhân khi làm nhiệm vụ mà bị thương thành thương tật được gọi là thương binh và chia làm hai loại:

Thương binh loại A:

Bị thương vì chiến đấu với địch, vì anh dũng làm nhiệm vụ, xứng đáng được nêu gương cho đơn vị học tập.

Thương binh loại B:

Bị thương trong tập luyện quân sự, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất.

Điều 8. – Trong suốt thời gian điều trị, điều dưỡng, thương binh được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có) như khi đang công tác, cho đến khi khỏi hoặc thành cố tật.

Điều 9– Kể từ ngày ra viện, thương binh được xếp hạng thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn và được hưởng trợ cấp thương tật như sau:

  1. Đối với thương binh hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự):

Hạng

Tỷ lệ mất sức lao động do bị thương tật

LOẠI A

LOẠI B

1

Từ 5 đến 20%

Trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 3 tháng lương chính

Trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 2 tháng lương chính

Từ 21 đến 30%

Trợ cấp hàng tháng theo lương chính

Trợ cấp một lần hoặc hàng tháng theo lương chính

Khi đang công tác

Khi về 
gia đình

Khi đang công tác

Khi về
gia đình

4%

10%

Một lần từ 3 đến 4 tháng lương chính

8%

2

Từ 31 đến 40%

8%

20%

7%

16%

3

Từ 41 đến 50%

12%

30%

10%

24%

4

Từ 51 đến 60%

17%

40%

15%

32%

5

Từ 61 đến 70%

28%

50%

25%

40%

6

Từ 71 đến 80%

40%

60%

35%

50%

7

Từ 81 đến 90%

50%

70%

45%

60%

8

Từ 91 đến 100%

60%

80%

55%

70%

  1. Đối với thương binh hưởng chế độ cung cấp:

Hạng

Tỷ lệ mất sức lao động do bị thương tật

LOẠI A

LOẠI B

1

Từ 5 đến 20%

Trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 3 tháng sinh hoạt phí

Trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 2 tháng sinh hoạt phí

Từ 21 đến 30%

Trợ cấp hàng tháng

Trợ cấp một lần 
hoặc hàng tháng

Khi đang công tác

Khi về 
gia đình

Khi đang công tác

Khi về 
gia đình

2đ00

Trợ cấp một lần bằng từ 1 đến 4 tháng sinh hoạt phí

Trợ cấp hàng tháng 5 đồng

2

Từ 31 đến 40%

3đ00

10đ

2đ50

8đ00

3

Từ 41 đến 50%

4đ50

14đ

3đ50

11đ00

4

Từ 51 đến 60%

6đ50

18đ

5đ00

14đ00

5

Từ 61 đến 70%

9đ50

22đ

8đ50

18đ00

6

Từ 71 đến 80%

12đ00

27đ

11đ00

22đ00

7

Từ 81 đến 90%

15đ00

32đ

13đ50

27đ00

8

Từ 91 đến 100%

18đ00

38đ

16đ00

32đ00

 Điều 10. – Thương binh hưởng chế độ tiền lương, nếu mức trợ cấp thấp hơn mức trợ cấp cùng hạng đối với thương binh hưởng chế độ cung cấp thì được hưởng theo như chế độ cung cấp.

Điều 11– Hội đồng khám xét thương tật trong quân đội và Hội đồng khám xét thương tật các cấp thuộc Bộ Y tế nhiệm vụ xếp hạng thương tật cho quân nhân thường trực, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ bị thương.

Liên Bộ Quốc phòng, Công an; Nội vụ và Y tế sẽ quy định về tổ chức, nhiệm vụ; quyền hạn của Hội đồng khám xét thương tật.

Điều 12– Thương binh được chuyển sang các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước được bố trí công tác hợp với khả năng còn lại; ngoài trợ cấp thương tật hàng tháng, vẫn được hưởng chế độ trợ cấp như quân nhân chuyển ngành.

Hạ sĩ quan, binh sĩ nghĩa vụ quân sự bị thương tật, nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì được trở lại cơ quan, xí nghiệp cũ; hoặc chuyển sang cơ quan, xí nghiệp mới để tiếp tục công tác theo quy định trong Thông tư số 50-TTg ngày 28 tháng 04 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 13– Thương binh không có nơi nương tựa được xét thu nhận vào nhà an dưỡng hoặc trại thương binh, ngoài trợ cấp thương tật còn được hưởng một khoản trợ cấp một lần bằng hai tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).

Điều 14– Thương binh về gia đình được Ủy ban hành chính địa phương giúp đỡ công việc làm hợp với khả năng còn laị, ngoài trợ cấp thương tật hàng tháng, còn được trợ cấp như sau:

  1. Từ hạng 1 đến hạng 5, được hưởng chế độ trợ cấp phục viên hoặc xuất ngũ, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).
  2. Từ hạng 6 đến hạng 8, được hưởng hai tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).
  3. Những người tàn phế cần phải có người giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày thì hàng tháng được hưởng thêm một khoản trợ cấp bằng 10% lương chính hoặc sinh hoạt phí, nhưng khoản trợ cấp này cộng với trợ cấp thương tật không được quá 100% lương chính hoặc sinh hoạt phí.

Điều 15– Quân nhân có những hành động dũng cảm mà bị thương thì được ưu đãi cao hơn các thương binh bị thương trong những trường hợp khác:

  1. Nếu chuyển ngành, mà sau thời gian bảo lưu lương cũ, lương mới cộng với trợ cấp thương tật hàng tháng không bằng lương chính hoặc sinh hoạt phí cũ, thì được hưởng thêm một khoản trợ cấp chênh lệch cho bằng lương hoặc sinh hoạt phí cũ.
  2. Nếu về gia đình, vào nhà an dưỡng hoặc trại thương binh và đã thành tàn phế, thì được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng bằng 100% lương chính hoặc sinh hoạt phí; nếu chưa thành tàn phế thì ngoại trợ cấp thương tật sẽ được hưởng thêm một khoản trợ cấp do liên Bộ Quốc phòng, Công an và Nội vụ quy định.

Điều 16– Thương binh khi vào nhà an dưỡng, trại thương binh hoặc về gia đình, nếu đang hưởng trợ cấp con, thì vẫn được lĩnh trợ cấp của những đứa con đó theo chế độ hiện hành.

Khi ốm đau được khám và chữa bệnh tại các cơ sở ý tế nơi cư trú, được hưởng chế độ thuốc men, bồi dưỡng như công nhân, viên chức Nhà nước đi điều trị; nếu chết ở bệnh viện thì được trợ cấp tiền chôn cất như công nhân, viên chức Nhà nước chết; nếu do vết thương hoặc bệnh cũ tái phát thì được hưởng theo Thông tư số 19-TT-LB ngày 19 tháng 03 năm 1962 của liên Bộ Nội vụ, Y tế, Tài chính đã quy định.

Điều 17– Thương binh đã ra ngoài quân đội chết do vết thương cũ tái phát và thương binh được xếp hạng thương tật từ hạng 6 đến hạng 8 chết vì ốm đau thì được trợ cấp tiền chôn cất theo quy định ở điều 43 dưới đây.

Điều 18– Thương binh đã ra ngoài quân đội, khi chết, thân nhân được xét trợ cấp tiền tuất:

  1. Thương binh loại A chết được xác định là liệt sĩ thì thân nhân được hưởng tiền tuất theo quy định ở điểm a điều 45 dưới đây.
  2. Thương binh loại B chết do vết thương cũ tái phát và thương binh (cả loại A và B) từ hạng 6 đến hạng 8 chết vì ốm đau thì thân nhân được hưởng tiền tuất theo quy định ở điểm b điều 45 dưới đây.

Trường hợp không đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng, nếu gia đình gặp khó khăn thì được xét trợ cấp theo Nghị định số 14-CP ngày 02 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 19– Thương binh mà vết thương đã thành cố tật thì được xét cấp chân tay giả, mắt giả, kính, máy điếc, v.v… không phải trả tiền.

Điều 20– Thương binh loại A bị thương sau ngày 01 tháng 01 năm 1961 hiện đang hoặc chưa hưởng trợ cấp thương tật theo Nghị định số 13-CP ngày 02 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ và thương binh loại B từ ngày hòa bình được lập lại chưa được hưởng phụ cấp thương tật theo Thông tư số 27-TT-LB ngày 05 tháng 05 năm 1961 của liên Bộ Nội vụ – Quốc phòng, đều được xét để hưởng trợ cấp thương tật theo điều lệ này kể từ ngày ban hành.

Điều 21– Liên Bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ và y tế sẽ quy định chế độ đãi ngộ về các loại bệnh nghề nghiệp và quy định cụ thể các trường hợp bị thương thuộc loại A và loại B.

TIẾT 3. – CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN RA NGOÀI QUÂN ĐỘI VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Điều 22– Quân nhân đã công tác liên tục từ 5 năm trở lên vì ốm đau, vì bị thương, vì già yếu, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp thương tật, phải ra ngoài quân đội để về gia đình thì được hưởng trợ cấp mất sức lao động cho đến khi sức khỏe hồi phục hoặc đến khi chết, theo quy định, sau đây:

  1. Nếu đã công tác liên tục đủ 5 năm thì được trợ cấp hàng tháng bằng 35% lương chính.
  2. Nếu đã công tác liên tục trên 5 năm thì từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, mỗi năm thêm 1% lương chính và từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm thêm 2% lương chính, nhưng nhiều nhất trợ cấp hàng tháng không quá 65% lương chính.
  3. Nếu mất sức lao động, cần phải có người giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày thì hàng tháng được hưởng thêm một khoản trợ cấp bằng 10% lương chính.
  4. Nếu trước khi ra ngoài quân đội, vì sức khỏe sút kém, phải chuyển sang làm việc nhẹ và hưởng lương thấp hơn trước thì được lấy mức lương của công việc làm trước khi chuyển sang việc nhẹ để tính trợ cấp hàng tháng.

Điều 23– Mức trợ cấp thấp nhất cho quân nhân đã công tác liên tục từ 5 năm trở lên, mất sức lao động, ra ngoài quân đội là 15 đồng một tháng.

Điều 24– Quân nhân mất sức lao động, khi ra ngoài quân đội để về gia đình hoặc vào nhà an dưỡng thì được hưởng thêm một khoản trợ cấp một lần bằng 1 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có), nhưng không hưởng chế độ trợ cấp phục viên hoặc xuất ngũ.

Điều 25– Kể từ ngày ra ngoài quân đội cứ hai năm một lần, quân nhân mất sức lao động được Hội đồng giám định y khoa nơi cư trú khám lại. Căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, cơ quan quản lý sẽ quyết định việc ngừng hoặc tiếp tục trợ cấp mất sức lao động.

Điều 26– Quân nhân đã công tác liên tục từ 5 năm trở lên nếu mất sức lao động, ra ngoài quân đội thì khi ốm đau được đến khám và chữa bệnh tại cơ sở y tế nơi cư trú, được hưởng chế độ thuốc men và bồi dưỡng như công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động đã thôi việc; khi chết; gia đình được trợ cấp tiền chi phí về chôn cất như quy định đối với công nhân, viên chức Nhà nước mất sức lao động đã thôi việc.

Nếu không có nơi nương tựa thì được xét thu nhận vào nhà an dưỡng của Nhà nước.

Điều 27– Quân nhân đã công tác liên tục dưới 5 năm, mất sức lao động thì khi về gia đình được trợ cấp một lần tính theo thời gian phục vụ; cứ mỗi năm phục vụ được hưởng 1 tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có); nhưng số tiền được hưởng ít nhất cũng bằng 2 tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).

Điều 28– Quân nhân mất sức lao động đã ra ngoài quân đội để về gia đình, đang hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định số 500-NĐ-LB ngày 12 tháng 11 năm 1958 của liên Bộ Quốc phòng, Cứu tế xã hội, Tài chính và Nghị định số 523-TTg ngày 06 tháng 12 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ, nếu tính đến ngaỳ ra ngoài quân đội có đủ điều kiện quy định ở điều 22, hiện nay vẫn còn mất sức lao động thì được chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động quy định ở điều lệ này kể từ ngày ban hành.

TIẾT 4. – CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP HƯU TRÍ

Điều 29– Quân nhân, nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và có đủ điều kiện về thời gian công tác quy định dưới đây, thì được về hưu và được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí như sau:

  1. Nam: Thời gian công tác nói chung là 20 năm, thời gian công tác liên tục trong quân đội là 5 năm.
  2. Nữ: Thời gian công tác nói chung là 15 năm, thời gian công tác liên tục trong quân đội là 5 năm.

Điều 30– Quân nhân có đủ điều kiện về tuổi, tuy chưa có đủ điều kiện về thời gian công tác nói chung, nhưng thời gian công tác liên tục đủ 15 năm (trong đó có 5 năm công tác liên tục trong quân đội hoặc trong công an nhân dân vũ trang) cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Điều 31– Quân nhân, nam 50 tuổi, nữ 45 tuổi, đã công tác liên tục đủ 15 năm, trong đó có 10 năm công tác ở các quân chủng hoặc binh chủng đặc biệt nặng nhọc, cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Điều 32– Quân nhân đã hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng 08 năm 1945 và quân nhân có nhiều thành tích trong hoàn cảnh chiến đấu và đã có đủ 15 năm công tác liên tục, nay ốm yếu, mất sức lao động, không còn đủ khả năng làm việc nữa thì dù chưa đủ tuổi đời như đã quy định ở các điều 29 và 31 cũng được hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Điều 33– Quân nhân đã chuyển ngành sang các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, tính đến ngày ra ngoài quân đội, nếu đã có đủ 5 năm công tác liên tục trong quân đội thì được về hưu theo quy định ở các điều 29 và 30; nếu đã có 10 năm công tác ở các quân chủng hoặc binh chủng đặc biệt nặng nhọc thì cũng được về hưu theo quy định ở điều 31.

Điều 34– Kể từ ngày về hưu cho đến khi chết, quân nhân hưu trí được hưởng trợ cấp hàng tháng như sau:

  1. Nếu thời gian công tác liên tục đủ 5 năm thì được trợ cấp bằng 45% lương chính trước khi ra ngoài quân đội.
  2. Nếu thời gian công tác liên tục trên 5 năm thì từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, mỗi năm thếm 1% lương chính, và từ năm thứ 11 trở đi, mỗi năm thêm 2% lương chính, nhưng nhiều nhất trợ cấp hàng tháng không được quá 75% lương chính.

Nếu trước khi về hưu, vì sức khỏe sút kém, quân nhân phải chuyển sang làm việc nhẹ, hưởng lương thấp hơn trước thì được lấy mức lương cao nhất trong thời gian 10 năm trước khi về hưu để tính trợ cấp hàng tháng.

Điều 35– Quân nhân về hưu được bảo đảm mức sinh hoạt thấp nhất là 22 đồng một tháng.

Nếu trợ cấp tính theo tỷ lệ quy định ở điều 34 thấp hơn 22 đồng thì được nâng lên cho bằng mức đó.

Điều 36– Quân nhân có công lao, thành tích lớn, anh hùng quân đội, anh hùng lao động chuyển sang quân đội, khi về hưu, ngoài khoản trợ cấp được hưởng như đã quy định ở điều 34, hàng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp ưu đãi bằng từ 5% đến 15% lương chính; thể lệ này do liên Bộ Quốc phòng, Công an và Nội vụ quy định.

Điều 37– Quân nhân khi về hưu, ngoài trợ cấp hưu trí còn được trợ cấp một lần một khoản tiền bằng 1 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).

Điều 38– Quân nhân về hưu, không có nơi nương tựa thì được xét thu nhận vào nhà dưỡng lão của Nhà nước.

Điều 39– Quân nhân về hưu, khi ốm đau, được khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế nơi cư trú và được hưởng tiền thuốc, tiền bồi dưỡng như công trình, viên chức Nhà nước về hưu; khi chết, thân nhân được cấp một khoản tiền chi phí về chôn cất nói ở điều 43 và được xét trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo điều 45.

Điều 40– Quân nhân về hưu có trợ cấp thương tật thì ngoài trợ cấp hưu trí, hàng tháng còn được hưởng 10% của mức trợ cấp thương tật khi về gia đình.

Điều 41– Quân nhân mất sức lao động đã ra ngoài quân đội, về gia đình, đang hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định số 500-NĐ-LB ngày 12 tháng 11 năm 1958 của liên Bộ Cứu tế xã hội, Tài chính, Quốc phòng và Nghị định số 523-TTg ngày 06 tháng 12 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ và quân nhân phục viên từ ngày 01 tháng 01 năm 1962 đến nay, nếu tính đến ngày ra ngoài quân đội có đủ điều kiện quy định ở các điều 29, 30, 31 và 32 thì nay được chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp hưu trí quy định ở điều lệ này kể từ ngày ban hành.

Điều 42– Quân nhân đủ điều kiện về hưu, nhưng do yêu cầu công tác, được lưu lại trong quân đội để làm việc thì chỉ hưởng lương mà không hưởng thêm trợ cấp hưu trí.

TIẾT 5. – CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHÔN CẤT CHO QUÂN NHÂN CHẾT VÀ TRỢ CẤP TIỀN TUẤT CHO GIA ĐÌNH

Điều 43– Khi quân nhân chết, cơ quan, đơn vị được chi một khoản tiền về chôn cất do liên Bộ Quốc phòng, Công an và Nội vụ quy định.

Điều 44– Quân nhân chết, được chia làm ba loại để xét trợ cấp tiền tuất cho thân nhân:

  1. Chết được xác định là liệt sĩ;
  2. Chết vì tai nạn trong tập luyện quân sự, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất;
  3. Chết vì ốm đau hoặc tai nạn rủi ro.

Điều 45– Khi quân nhân chết, nếu đủ điều kiện quy định dưới đây thì thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng như sau:

  1. Quân nhân có lương chính hoặc sinh họat phí từ 40 đồng trở xuống:
  2. a) Quân nhân chết được xác định là liệt sĩ:

– Gia đình có 1 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 10 đồng;

– Gia đình có 2 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 18 đồng;

– Gia đình có 3 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 24 đồng;

– Gia đình có 4 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 30 đồng;

  1. b) Quân nhân hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự), chết vì tai nạn trong tập luyện quân sự, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất, tổng số thu nhập của gia đình bị sụt từ 60% trở lên hưởng bình quân thu nhập của gia đình thấp thuộc diện trợ cấp khó khăn của Nhà nước thì thân nhân cũng được hưởng trợ cấp như sau:

– Gia đình có 1 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 9 đồng;

– Gia đình có 2 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 16 đồng;

– Gia đình có 3 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 21 đồng;

– Gia đình có 4 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 24 đồng;

  1. c) Quân nhân hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự), đã công tác liên tục từ 5 năm trở lên, chết vì ốm đau hoặc tai nạn rủi ro, do đó tổng số thu nhập của gia đình bị sụt từ 60% trở lên hoặc bình quân thu nhập của gia đình thấp, thuộc diện trợ cấp khó khăn của Nhà nước thì thân nhân cũng được hưởng trợ cấp như quy định ở điểm b.
  2. Quân nhân có lương chính hoặc sinh hoạt phí cao hơn 40 đồng, khi chết thì thân nhân được trợ cấp như đã quy định ở điểm a hoặc b khoản 1 trong điều này, ngoài ra còn được trợ cấp thêm 5% của phần tiền lương hoặc sinh hoạt phí cao hơn 40 đồng.
  3. Quân nhân đã công tác liên tục từ 10 năm trở lên, khi chết thì thân nhân được trợ cấp như đã quy định ở các khoản 1 và 2 trong điều này, ngoài ra còn được trợ cấp thêm 10% của tổng số tiền trợ cấp đó.
  4. Quân nhân chết được xác định là liệt sĩ hoặc chết vì tai nạn trong tập luyện, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất thì thân nhân được trợ cấp như đã quy định ở các khoản 1, 2 và 3 trong điều này, ngoài ra còn được trợ cấp thêm 10% của tổng số tiền trợ cấp đó.

Điều 46– Quân nhân đã về hưu, thương binh đã về gia đình hoặc vào nhà an dưỡng, trại thương binh, khi chết, nếu thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng, tiền tuất sẽ căn cứ vào trợ cấp hưu trí hoặc trợ cấp thương tật để tính.

Điều 47– Khi quân nhân chết, ngoài các khoản trợ cấp nói ở điều 45, thân nhân còn được trợ cấp một khoản tiền một lần:

  1. Quân nhân chết được xác định là liệt sĩ, cứ mỗi năm công tác liên tục, thân nhân được trợ cấp bằng 1 tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có); mức trợ cấp thấp nhất bằng 3 tháng lương hoặc sinh hoạt phí và cao nhất không quá 5 tháng.
  2. Quân nhân hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự), chết vì tai nạn trong tập luyện quân sự, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất thì thân nhân được trợ cấp theo cách tính như khoản 1 trong điều này; mức trợ cấp thấp nhất bằng 2 tháng lương hoặc sinh hoạt phí và cao nhất không quá 4 tháng.
  3. Quân nhân hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự), chết vì ốm đau hoặc vì tai nạn rủi ro thì thân nhân được trợ cấp bằng 2 tháng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có).

Điều 48– Thân nhân được hưởng tiền tất hàng tháng nói ở điều 45 và điều 46 là những người không có sức lao động, bao gồm cả những người từ 16 tuổi trở xuống (nếu còn đi học thì đến hết 18 tuổi) mà quân nhân đó khi còn sống phải nuôi dưỡng.

Những thân nhân vì già yếu hoặc mất sức lao động được hưởng tiền tuất hàng tháng cho đến khi có khả năng tự giải quyết được đời sống hoặc khi có người đảm nhiệm nuôi dưỡng hoặc đến khi chết.

Điều 49– Khi quân nhân chết, nếu thân nhân không đủ điều kiện hưởng tiền tuất thì được hưởng trợ cấp một lần:

  1. Nếu là quân nhân hưởng chế độ tiền lương (kể cả công nhân, viên chức Nhà nước làm nghĩa vụ quân sự) thì thân nhân được trợ cấp một số tiền căn cứ vào thời gian công tác liên tục của quân nhân chết, cứ mỗi năm bằng 1 tháng lương, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có), cao nhất không quá 5 tháng, nhưng nếu 5 tháng không bằng 270 đồng thì được trợ cấp 270 đồng. Đối với liệt sĩ, mức trợ cấp là 6 tháng lương, nhưng nếu 6 tháng lương đó không bằng 300 đồng thì được trợ cấp 300 đồng.
  2. Nếu là hạ sĩ quan và binh sĩ nghĩa vụ quân sự, chết vì tai nạn trong tập luyện quân sự, trong công tác, trong học tập, trong lao động xây dựng và sản xuất, chết vì ốm đau hoặc tai nạn rủi ro thì thân nhân được trợ cấp một lần bằng 270 đồng. Quân nhân chết được xác định là liệt sĩ thì thân nhân được trợ cấp 300 đồng. Nếu gia đình còn gặp khó khăn thì được xết trợ cấp theo Nghị định số 14-CP ngày 02 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 50– Thân nhân được hưởng trợ cấp nói ở điều 49 là vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ; nếu không còn vợ hoặc chồng, con, hoặc cha mẹ thì phải là người đã có công nuôi dưỡng quân nhân đó.

Điều 51– Quân nhân chết trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1962 đến ngày ban hành điều lệ này, tính đến ngày chết, nếu đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng nói ở điều 45 thì cũng được xét trợ cấp tiền tuất hàng tháng kể từ ngày ban hành điều lệ này.

TIẾT 6. – CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ NỮ QUÂN NHÂN KHI CÓ THAI VÀ KHI ĐẺ

Điều 52– Nữ quân nhân được hưởng quyền lợi khám thai ở các cơ sở quân y, được nghỉ trước và sau khi đẻ tất cả là 60 ngày (kể cả ngày chủ nhật và ngày lễ). Nếu đẻ sinh đôi thì được nghỉ thêm 10 ngày, đẻ sinh ba được nghỉ thêm 20 ngày. Nếu đẻ non, có bác sĩ hoặc y sĩ chứng nhận thì cũng được nghỉ 60 ngày. Nữ quân nhân làm nghề đặc biệt nặng nhọc, ngoài thời gian nghỉ đẻ quy định trên đây, còn được nghỉ thêm 15 ngày.

Điều 53– Nữ quân nhân khi bị sẩy thai, tùy theo tình hình sức khỏe, được nghỉ như sau:

  1. Sẩy thai từ 3 tháng trở xuống, được nghỉ từ 7 đến 15 ngày;
  2. Sẩy thai trên 3 tháng, được nghỉ từ 15 đến 30 ngày.

Người làm nghề đặc biệt nặng nhọc bị sẩy thai thì được nghỉ thêm từ 3 đến 10 ngày. Số ngày cần nghỉ thêm do bác sĩ hoặc y sĩ định.

Điều 54– Trong thời gian nghỉ đẻ, nghỉ vì đẻ non hoặc sẩy thai, nữ quân nhân được hưởng lương hoặc sinh hoạt phí, kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có) như khi công tác.

Điều 55– Nữ quân nhân khi đẻ hoặc đẻ non, được hưởng:

– Tiền bồi dưỡng 12 đồng;

– Tiền sắm tã lót 8 đồng.

Nếu đẻ sinh đôi, sinh ba thì được hưởng tiền bồi dưỡng và tã lót gấp đôi, gấp ba lần.

Điều 56– Nữ quân nhân khi sẩy thai, nếu phải nghỉ ở nhà, thì được trợ cấp một khoản tiền bồi dưỡng là 6 đồng.

Điều 57– Nữ quân nhân sau khi đẻ, bị mất sữa hoặc không được cho con bú vì mắc bệnh truyền nhiễm, có bác sĩ hoặc y sĩ chứng nhận thì được trợ cấp mỗi tháng 10 đồng cho mỗi đứa con đến khi con đủ 10 tháng.

Nếu đẻ sinh đôi, sinh ba thì dù có sữa cho con bú cũng được hưởng khoản trợ cấp nói trong điều này cho con thứ hai trở đi.

Điều 58– Nữ quân nhân chết hoặc nam quân nhân có vợ chết mà vợ không phải là quân nhân hoặc công nhân, viên chức Nhà nước, khi con chưa đủ 10 tháng thì người nuôi con được hưởng trợ cấp nói ở điều 57.


Chương 3:

CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀ DÂN QUÂN TỰ VỆ ỐM ĐAU, BỊ THƯƠNG HOẶC CHẾT TRONG KHI LÀM NHIỆM VỤ QUÂN SỰ

TIẾT 1. – ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ

Điều 59– Kể từ ngày ban hành điều lệ này, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ được hưởng các chế độ đãi ngộ quy định ở chương này khi làm các nhiệm vụ quân sự sau đây:

  1. Khi chiến đấu với địch;
  2. Trong thời gian tập trung huấn luyện hàng năm theo luật nghĩa vụ quân sự, do các đơn vị quân đội trực tiếp phụ trách;
  3. Trong thời gian học tập quân sự tại xã, khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học, v.v… theo kế hoạch của Tỉnh đội hoặc Thành đội quy định.

TIẾT 2. – CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN DỰ BỊ, DÂN QUÂN TỰ VỆ KHI ỐM ĐAU HOẶC BỊ THƯƠNG

Điều 60– Quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau hoặc bị thương khi làm các nhiệm vụ quân sự nói ở điều 59, được điều trị tại các bệnh viện quân y hoặc dân y nơi gần nhất. Mọi chi phí trong khi điều trị ở bệnh viện do Nhà nước đài thọ.

Điều 61– Quân nhân dự bị và dân quân tự vệ bị thương trong khi làm các nhiệm vụ quân sự nói ở điều 59, được xếp hạng thương tật và hưởng trợ cấp như sau:

  1. Bị thương trong chiến đấu, được xếp hạng và hưởng trợ cấp thương tật như thương binh loại A nói ở điều 9;
  2. Bị thương trong tập luyện quân sự:

– Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì được hưởng trợ cấp thương tật như công nhân, viên chức Nhà nước bị tai nạn lao động;

– Nếu không phải là công nhân, viên chức Nhà nước thì tự hạng 6 đến hạng 8 được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng, mỗi tháng 12 đồng; từ hạng 1 đến hạng 5 được hưởng trợ cấp thương tật một lần:

Hạng 1: 20 đồng

Hạng 2: 50 đồng

Hạng 3: 80 đồng

Hạng 4: 110 đồng

Hạng 5: 140 đồng.

Điều 62– Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ không phải là công nhân, viên chức Nhà nước, bị thương tật từ hạng 6 đến hạng 8; khi ốm đau, được vào điều trị tại các cơ sở y tế nơi cư trú. Mọi chi phí trong khi điều trị ở bệnh viện do Nhà nước đài thọ.

TIẾT 3. – CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHÔN CẤT VÀ TIỀN TUẤT ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN DỰ BỊ VÀ DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 63– Quân nhân dự bị và dân quân tự vệ chết khi làm nhiệm vụ quân sự nói ở điều 59, thì cơ quan, đơn vị được chi một khoản tiền về chôn cất như nói ở điều 43.

Điều 64– Quân nhân dự bị, dân quân tự vệ chết khi làm nhiệm vụ quân sự nói ở điều 59 thì thân nhân được hưởng tiền tuất như sau:

  1. Chết được xác định là liệt sĩ:

– Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì được hưởng trợ cấp quy định ở tiết 5 chương II như đối với quân nhân thường trực;

– Nếu không phải là công nhân, viên chức Nhà nước thì được hưởng tiền tuất hàng tháng quy định ở khoản 1 điều 45 như đối với quân nhân thường trực.

Trường hợp không đủ điều kiện hưởng trợ cấp tiền tuất thì thân nhân được trợ cấp một lần là 300 đồng.

  1. Chết vì tai nạn trong khi tập luyện quân sự hoặc ốm đau, tai nạn rủi ro khi tập trung huấn luyện:

– Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì được hưởng tiền tuất như quy định trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước chết vì tai nạn lao động hoặc ốm đau;

– Nếu không phải là công nhân, viên chức Nhà nước thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần là 270đ.

  1. Quân nhân dự bị và dân quân tự vệ chết được xác định là liệt sĩ mà không đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng hoặc chết vì tai nạn trong tập luyện quân sự, v.v… nếu gia đình gặp nhiều khó khăn thì sẽ được trợ cấp theo Nghị định số 14-CP ngày 02 tháng 02 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ.

Chương 4:

THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA QUÂN NHÂN THƯỜNG TRỰC VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG

Điều 65– Tất cả những danh từ đã dùng để chỉ thời gian làm việc của quân nhân như tuổi quân, tuổi ngành, tuổi nghề, thâm niên công tác, thâm niên cách mạng, v.v… nay gọi thống nhất là thời gian công tác. Có hai loại thời gian công tác, thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục:

– Thời gian công tác nói chung của quân nhân là gồm tất cả thời gian người đó đã thoát ly kinh tế gia đình để đi làm việc, lấy lương hoặc sinh hoạt phí làm nguồn sống chính và công việc làm có tác dụng phục vụ lợi ích chung của xã hội.

– Thời gian công tác liên tục của quân nhân là thời gian người đó làm việc dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa ở các đơn vị quân đội, các cơ quan, xí nghiệp, v.v… của quân đội và các ngành khác của Nhà nước. Thời gian hoạt động cho cách mạng trước ngày 02 tháng 09 năm 1945 cũng được tính vào thời gian công tác liên tục.

Điều 66– Chi tiết về cách tính thời gian công tác nói chung và thời gian công tác liên tục của quân nhân sẽ do liên Bộ Quốc phòng và Công an quy định.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 67– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và Tổng Công đoàn Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý việc thi hành các chế độ này:

  1. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý việc thi hành các chế độ đối với quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ khi tập trung huấn luyện.
  2. Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý việc thi hành các chế độ trợ cấp hàng tháng về thương tật, mất sức lao động, hưu trí, tiền tuất đối với quân nhân đã ra ngoài quân đội, các chế độ trợ cấp hàng tháng về thương tật, tiền tuất đối với quân nhân dự bị và dân quân tự vệ.
  3. Tổng Công đoàn Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành việc trả trợ cấp bảo hiểm xã hội thay tiền lương đối với công nhân, viên chức Nhà nước khi làm nhiệm vụ quân sự mà bị ốm đau hoặc bị tai nạn.

Điều 68– Mọi chi phí về các chế độ này do các kinh phí sau đây đài thọ;

  1. Chi phí về các chế độ đối với quân nhân thường trực, hàng năm do ngân sách Nhà nước đài thọ;
  2. Chi phí về các chế độ đối với quân nhân dự bị và dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ quân sự:

– Nếu là công nhân, viên chức Nhà nước thì trợ cấp thay tiền lương trong thời gian điều trị, tiền trợ cấp chôn cất, tiền tuất do quỹ bảo hiểm xã hội Nhà nước đài thọ; tiền thuốc, tiền bồi dưỡng, tiền trợ cấp thương tật do ngân sách Nhà nước đài thọ;

– Nếu không phải là công nhân, viên chức Nhà nước, thì mọi chi phí về các chế độ này do ngân sách Nhà nước đài thọ.

Điều 69– Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quy định và hướng dẫn việc tổ chức quản lý kinh phí và cách lập dự toán, quyết toán về các chế độ này.

Điều 70– Điều lệ này thi hành kể từ ngày 03 tháng 10 năm 1964.

 

Download văn bản: Download