Ngời sáng phẩm chất một nữ anh hùng

Đăng lúc: 20-06-2023 3:31 Chiều - Đã xem: 229 lượt xem In bài viết

          Tháng 5 năm 1994, người viết bài này tham gia Ban liên lạc Cựu TNXP) tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; khi đó chị Phạm Thị Thao (ảnh dưới) là Phó Trưởng ban liên lạc. Cảm nhận đầu tiên khi gặp chị là phong cách làm việc cẩn trọng, lanh lợi, quyết đoán. Chị luôn nở nụ cười rạng rỡ, đôn hậu.

Chị Phạm Thị Thao sinh năm 1946 ở Hoà Hải – Hoà Vang – tỉnh Quảng Nam. Năm 1960 chị tham gia du kích xã và Bí thư Đoàn thanh niên xã; năm 1965 thoát ly, vào Tổng đội TNXP tỉnh Quảng Đà; tháng 1/1967 chuyển sang quân đội vào Đội 4, Đoàn Bắc Hải; năm 1968 là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ vận tải 232 Cục hậu cần Quân khu 5. Sau 30/4/1975 chị lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Trưởng ban Nữ công Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Phó giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Khánh Hoà, Phó chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1997 chia tách tỉnh, chị là Phó Chánh văn phòng Liên đoàn Lao động T.p Đà Nẵng cho tới khi nghỉ hưu.

Thời kỳ từ 1969 đến 1972, trên chiến trường Quảng Nam – Quảng Đà, Tiểu đoàn nữ vận tải 232 thường được gọi là “Tiểu đoàn Bà Thao” lừng danh với chiến tích “Vai trăm cân, chân vạn dặm”, khiến quân địch khiếp sợ. Tên gọi “Tiểu đoàn Bà Thao” đã đi vào lịch sử. Trong một lần gười viết bài này cùng chị đến làm việc với Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, khi giới thiệu đây là chị Phạm Thị Thao, Chủ tịch Thành hội, anh chị em công chức của sở thốt lên: lâu nay nghe nói “Tiểu đoàn Bà Thao” các cháu cứ ngỡ cô phải là người cao lớn, phốp pháp lắm, ai dè người cô mảnh mai như ri mà chỉ huy đơn vị lừng danh cả Khu 5, chúng cháu rất kính phục cô.

Chị Phạm Thị Thao phát biểu chỉ đạo Đại hội Hội Cựu TNXP quận Thanh Khê

          Năm 2004, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu TNXP Việt Nam lần thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội, chị vinh dự được bầu vào BCH Khóa I (nhiệm kỳ 2004 – 2009) liên tục qua 4 khóa BCH TW hội, từ năm 2016 đến nay chị là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam. Tháng 4 năm 2006, Đại hội lần thứ nhất Hội Cựu TNXP T.p Đà Nẵng đã bầu chị là Chủ tịch hội khóa I, nhiệm kỳ 2006 – 2011, từ đó đến nay qua 4 nhiệm kỳ, với cương vị Chủ tịch Thành hội, như một “nhạc trưởng”, chị đã cùng tập thể BCH lãnh đạo Thành hội đạt nhiều thành quả rất đáng trân trọng. Đó là: Làm tốt vai trò nhân chứng lịch sử, góp phần giải quyết các tồn đọng về chính sách đối với TNXP tham gia kháng chiến; Đẩy mạnh các hoạt động nghĩa tình đồng đội; Chăm lo xây dựng tổ chức Hội ngày một vững mạnh, thu hút 1.300 cựu TNXP vào hội. Hội thực sự là mái ấm tình đồng đội của hội viên. Tổ chức Hội được thành lập từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã hoạt động có nề nếp. Gần 20 năm qua, số hội viên được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần là có 176, trợ cấp hàng tháng là 20, chế độ thương binh là 340, trợ cấp thường xuyên là 19, chế độ chất độc da cam là 120 hội viên và 30 con hội viên. Quỹ nghĩa tình đồng đội của Thành hội có 1.300 triệu đồng, chủ yếu giúp đỡ hội viên gặp khó khăn, cho vay không tính lãi để làm kinh tế gia đình hoặc giải quyết các việc đột xuất. Hội đã trao cho hội viên ốm đau, khó khăn 115 sổ tiết kiệm tổng trị giá 270.000.000 đồng; trợ cấp 295.000.000 đồng cho 980 lượt hội viên; sửa chữa nhà dột nát, hư hỏng cho 41 hội viên, bình quân 20 triệu đồng/nhà; trợ cấp cho thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, tết với tổng số tiền 820 triệu đồng. Ngoài ra còn vận động được 190m2 tôn để lợp nhà và 700 kg gạo, 50 thùng mì tôm, hỗ trợ hội viên bị thiệt hại do cơn bão số 06 và số 09; xây dựng 69 nhà tình nghĩa, tổng giá trị 1.950.000.000 đồng. Để có được số nhà này chị phải dày công vận động tài trợ; xuống từng gia đình hội viên hướng dẫn tỷ mỷ việc lập các thủ tục giấy tờ, đôn đốc tiến độ khởi công, xây dựng và khánh thành bàn giao.

Chị Thao báo cáo điển hình tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng

          Với cương vị là Trưởng ban liên lạc Cựu cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn nữ vận tải 232, nhân dịp kỷ niệm ngày TBLS năm 2009, chị đã đề xuất và được Tư lệnh Quân khu 5 tặng sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ) cho 20 chị em gặp khó khăn, và hỗ trợ cho 5 hội viên xây nhà, mỗi người 50 triệu đồng. Chị cùng với ban liên lạc Tiểu đoàn lặn lội về chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Mặc dù thời gian đã lùi xa, địa chỉ lúc an táng nơi rừng thẳm bị mai một nhưng đoàn đã quy tập 27 bộ hài cốt đồng đội Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Đà Nẵng và nghĩa trang gia tộc.

Tháng 10 năm 2010, một vinh dự lớn đến với Tiểu đoàn và chị Thao. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn nữ vận tải 232, Cục Hậu cần Quân khu 5 và 2 cá nhân là chị Phạm Thị Thao, nguyên Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Thị Huấn, nguyên Chính trị viên phó Đại đội. Đây cũng là niềm vui chung của cán bộ, hội viên Cựu TNXP T.p Đà Nẵng.

Chị luôn xông xáo trong công việc, miệng nói tay làm. Tuy kinh phí được hỗ trợ không nhiều nhưng Thành hội vẫn tổ chức được nhiều hoạt động: Gặp mặt hội viên thời kỳ chống Pháp; Gặp mặt gia đình cán bộ Hội nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/8); Gặp mặt gia đình hội viên có con đoạt Huy chương bạc trong kỳ thi Olympic toán Quốc tế năm 2010; Gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7); tổ chức cho 46 cựu TNXP là thương binh đi tham quan, nghỉ dưỡng tại Nha Trang; Tổ chức cho 37 cán bộ, hội viên đến viếng các Nghĩa trang Ban Xây dựng 67 và Cục Công trình I ở Quảng Bình,  viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc, viếng Nghĩa trang Trường Sơn; tổ chức cho 38 cán bộ, hội viên tham quan các tỉnh thành phố phía Nam[1].

Khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho hội viên ở Cẩm Lệ.

Từ năm 2006, sau khi Hội Cựu TNXP thành phố được thành lập, chị Phạm Thị Thao là người khởi xướng thành lập Ban Công tác nữ Cựu TNXP thành phố. Sau đó các Ban Công tác nữ Cựu TNXP quận, huyện, phường, xã cũng được thành lập. Hằng năm các Ban tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 08/3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10. Chị và Ban Thường vụ Thành hội làm việc với Hội Bảo trợ phụ nữ nghèo và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, được Hội hỗ trợ 21 triệu đồng để tổ chức khám phụ khoa cho 70 nữ cựu TNXP, một số chị phát hiện bệnh đưa được đi chữa trị kịp thời. Triển khai phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm”, xây dựng Quỹ nghĩa tình của nữ Cựu TNXP, đến nay số dư quỹ có gần 600 triệu đồng, cho nhiều chị em mượn không tính lãi khắc phục khó khăn của gia đình. Ban công tác nữ Cựu TNXP thành phố được Trung ương hội tặng Bằng khen.

Đối với đội ngũ cộng tác viên Bản tin và Trang thông tin điện tử Cựu TNXP Việt Nam tại Đà Nẵng, hằng năm Ban Thường vụ Thành hội đều tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) để động viên, thăm hỏi, ghi nhận.

Như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Quá khứ vinh quang chỉ được trân trọng khi hiện tại vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời”, tấm gương ngời sáng của nữ Anh hùng Phạm Thị Thao đã và đang góp phần làm rạng rỡ những phần thưởng cao quý mà các cấp đã trao tặng cho Hội Cựu TNXP T.p Đà Nẵng trong thời gian qua, tô thắm thêm truyền thống 73 năm của Lực lượng TNXP Việt Nam anh hùng:

  • 01 Huân chương Lao động hạng Ba.
  • 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Thành hội và Quận hội Liên Chiểu.
  • 01 Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
  • 12 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và 9 Bằng khen của Trung ương hội.
  • 05 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và 11 Bằng khen của UBND T.p Đà Nẵng.
  • 01 Bằng khen của Ủy ban MTTQVN T.p Đà Nẵng.
  • 250 hội viên được tặng Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác dạy”.

          Riêng chị Phạm Thị Thao được tặng một Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, hai Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, 2 Bằng khen của Thành ủy Đà Nẵng, 5 Bằng khen của Chủ tịch UBND, một Bằng khen của UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng, 10 năm liền được bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

          Tấm gương nữ thương binh, Anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao góp phần tô thắm thêm 18 chữ vàng mà Trung ương Đảng tặng Hội Người cao tuổi Việt Nam: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Một số hình ảnh khác 

 

  

Lê Đỗ Hồng Quân


[1] Anh chị em rất xúc động khi được về thăm một số địa danh, chiến trường nổi tiếng thời kháng chiến chống Mỹ: quê hương anh hùng Nguyễn Thị Định ở  Bến Tre; những Mỏ Cày, Ba Tri, Bình Đại …lâu nay chỉ nghe, xem qua đài, báo thì nay được đến và chứng kiến sự hồi sinh thần kỳ của những mảnh đất này.