Người bí thư quả cảm trên cung đường lửa Đông Trường Sơn

Đăng lúc: 06-09-2017 2:38 Chiều - Đã xem: 92 lượt xem In bài viết

   “Đoàn ta chiến sĩ thanh niên xung phong, vượt lửa bom vượt gian khó không sờn lòng…” những lời ca hào hùng của bài hát Hành khúc Thanh niên xung phong do Liệt sĩ Hoàng Lộc sáng tác vẫn luôn vang lên trong những buổi gặp mặt truyền thống của các cựu TNXP chống Mỹ, cứu nước năm xưa.

Nửa thế kỷ đã đi qua, những chàng trai cô gái TNXP chống Mỹ, cứu nước của Cục Công trình I, tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 ngày nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Song, những chiến công oanh liệt, những tấm gương kiên trung và anh dũng vẫn còn vang vọng mãi với thời gian, họ là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Bởi nơi họ sống là một vùng đất lửa, nơi hội tụ những kỳ tích của một thời đánh Mỹ – nơi hàng ngàn chiến sĩ TNXP và công nhân giao thông vận tải đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình, anh dũng hy sinh để nối thông những con đường, cho những đoàn xe nối nhau ra tiền tuyến.

Thế hệ trẻ của Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 hôm nay vẫn luôn tự hào về một trong những tấm gương tiêu biểu ấy của phong trào “Ba sẵn sàng”, một tấm gương sáng về lòng yêu nước đã tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của CIENCO 4 Anh hùng. Đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sỹ Hoàng Lộc (ảnh) – Bằng khối óc thông minh và trái tim nhân hậu, bằng sự gan dạ quả cảm và ý thức trách nhiệm của mình, anh luôn biết quy tụ, tập hợp mọi người và khơi dậy ở họ lòng tự hào và tình cảm tốt đẹp để quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ dù có phải trải qua bao gian nan và hiểm nguy.

Gần 45 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên tài hoa Hoàng Lộc hy sinh trên tuyến lửa khu 4, nhưng những kí ức, kỉ niệm và kỷ vật của anh vẫn được đồng đội trân trọng lưu giữ.

Căn nhà số 46 phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là nơi Hoàng Lộc sinh ra và lớn lên. Anh là con út trong một gia đình nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Vốn tính thông minh, chăm học và cởi mở, những năm học phổ thông, Hoàng Lộc luôn là học sinh khá giỏi; 10 năm liền là lớp trưởng, Liên đội trưởng và đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ.

Năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng quy mô cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, phong trào “Ba sẵn sàng” của Thành đoàn Thanh niên Lao động thành phố Hà Nội đã hăng hái gia nhập Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, lên đường vào “tuyến lửa” khu 4 mở con đường chiến lược Trường Sơn phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Khí thế sục sôi ấy cũng lan tỏa mạnh mẽ trong con người Hoàng Lộc, anh đã nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu của mình, với mong muốn cùng thanh niên cả nước lên đường đánh Mỹ.

Ngày 17/7/1965, xếp lại giấy báo trúng tuyển nhập học của trường Đại học Tổng hợp, người thanh niên Hoàng Lộc lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Đại đội 816, đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Hoàng Lộc được cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội 2, có nhiệm vụ nổ mìn phá. Với tính cách điềm đạm, cởi mở, hòa đồng với mọi người, cộng thêm sự thông minh dám nghĩ, dám làm, anh luôn biết cách huy động sức mạnh của tập thể, đặc biệt luôn có những sáng kiến trong công việc. Khi phải thi công cống ngầm, anh cùng tiểu đội vào rừng sâu chặt cây mây về làm tời lắp ống cống, hay để vận chuyển đã từ trên đồi cao xuống, anh cùng tiểu đội nghiên cứu sáng chế ra những chiếc xe đạp thồ hoàn toàn bằng gỗ để chở đá, cho năng suất gấp 5-6 lần sức người gánh. Chính vì vậy, tiểu đội 2 do Hoàng Lộc phụ trách luôn dẫn đầu về năng suất lao động và có những đóng góp to lớn giúp đại đội 816 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên các tuyến đường 15A, 21A, 22A. Năm 1966, Hoàng Lộc được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn của đại đội 816.

Là người năng động, giàu nhiệt huyết nên mặc dù sống và làm việc giữa hiểm nguy bom đạn quân thù, Bí thư Chi đoàn Hoàng Lộc vẫn luôn lạc quan yêu đời. Anh tổ chức nhiều phong trào thi đua, các lớp học văn hóa, trong đó anh cũng là một giáo viên dạy toán lớp 7. Anh còn sáng tác nhiều bài thơ, vở kịch, bài hát, đặc biệt bài “Hạnh phúc thanh niên xung phong” đã trở thành bài hát chung của thế hệ TNXP chống Mỹ, cứu nước Hà Nội thời kỳ ấy. Giữa rừng già Trường Sơn, tiếng hát của những chàng trai cô gái thanh niên xung phong Hà Nội tuổi mười tám, đôi mươi vẫn vang lên át tiếng bom đạn và mọi gian nan. Với những đóng góp của mình, tháng Giêng năm 1967 anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1967, chiến tranh ngày càng gay go ác liệt. Đại đội xung kích Thăng Long 343 – Cục Công trình I được thành lập để mở đường 20/7 (đường 10) Đông Trường Sơn. Hoàng Lộc là một trong những đội viên của đại đội xung kích Thăng Long 343, nhận nhiệm vụ thi công tuyến đường huyết mạch bên vách Long Đại nơi trọng điểm ác liệt nhất. Được các đồng chí, đồng đội tin cậy và tín nhiệm, Hoàng Lộc tiếp tục được bầu là Bí thư Chi đoàn Đại đội xung kích. Là một cán bộ đoàn mẫu mực, với tấm lòng yêu nước thiết tha, luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu, anh luôn biết khơi dậy tình cảm và tinh thần trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên đối với nhiệm vụ chung. Nghe tin quân dân thủ đô bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2800 trên bầu trời miền Bắc vào dịp 26/3/1968, lúc này Bệnh viện của Cục Công trình I thiếu lá gồi lợp mái, ngay lập tức anh đã phát động đợt thi đua cho tất cả đoàn viên lấy 2800 tàu lá gồi ngoài giờ về giúp bệnh viện để thiết thực chào mừng chiến công của quân và dân Thủ đô. Việc làm này nhanh chóng lan rộng trong toàn đội TNXP 37 và được BCH Đoàn biểu dương.

Tháng 4 năm 1968, toàn tuyến nhận nhiệm vụ nhanh chóng rải đá cho xe chạy chi viện miền Nam, trong đó Đại đội Thăng Long phải rải xong đoạn đường dài 500m trong vòng 5 ngày. Bí thư Hoàng Lộc đã đề xuất thành lập đội Thanh niên Cảm tử; anh cùng với 20 đoàn viên ưu tú khác trực tiếp ăn ở dã chiến và làm việc suốt ngày đêm trên mặt đường, kết quả chỉ trong 4 ngày đội đã hoàn thành xong nhiệm vụ.

Luôn đi đầu, nhận về mình những phần việc khó khăn và gian nguy nhất, là tính cách của Bí thư Đoàn Hoàng Lộc. Mưa bom bão đạn không làm nhụt ý chí thanh niên. Giặc Mỹ điên cuồng trot bom xuống những tuyến đường mới mở, nhằm chặn đứng nguồn chi viện từ Bắc vào Nam. Những cơn mưa rừng tháng 9 xối xả khiến cho nước lũ dồn về đã phá sụt gần 600m đường vách Long Đại do đại đội xung kích Thăng Long phụ trách, khiến những đoàn xe, đoàn người chững lại. Hoàng Lộc cho triệu tập họp BCH chi đoàn, thành lập đội cảm tử do anh trực tiếp làm đội trưởng làm nhiệm vụ mở đường, thông xe trong thời gian sớm nhất, được ban chỉ huy đại đội nhất trí ủng hộ. Dầm mình trong mưa gió, mặc cho máy bay Mỹ gầm thét trên đầu, đội cảm tử lao vào công việc đào 37 hố bộc phá, mỗi hố sâu từ 5 – 7m, rộng 80cm, dài 1 – 2m. Ba ngày miệt mài bám đường làm nhiệm vụ, công việc đã gần xong là có thể cho nổ bộc phá và đưa máy ủi vào san đất, thông thường thì hàng loạt siêu pháo đài bay B52 dưới sự chỉ đường của máy bay trinh sát OV10 đã quần thảo và “rải thảm” hàng nghìn quả bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi, bom lá xuống tuyến nhằm phá đường gây ách tắc giao thông và gieo rắc sự hoang mang cho chiến sĩ. Mặc kệ những âm thanh, những tiếng rít như xé màng tai của từng tốp máy bay phản lực trên đầu, Bí thư Chi đoàn Hoàng Lộc vẫn bình tĩnh nhanh chóng tìm hiểu đặc điểm và sự phát nổ của những trái bom để phổ biến cho các đồng đội của mình cách thu gom. Suốt một tuần, Hoàng Lộc cùng đội cảm tử bám đường thu nhặt và phá trên 6000 quả bom các loại mà máy bay địch đã trút xuống, riêng cá nhân anh đã phá được gần 2000 quả bom các loại. Tiếng nổ từ 37 hố bộc phá nối tiếp nhau âm vang dội vào vách núi, tuyến đường đã thông, giải phóng hàng nghìn lượt xe nối đuôi nhau chở vũ khí hậu cần vào phục vụ chiến trường miền Nam ác liệt. Dưới sự chỉ huy tài tình của đội trưởng Hoàng Lộc, đội cảm tử đã cho thông đường vượt kế hoạch đề ra, được Đảng ủy và Ban chỉ huy đội 37 nhiệt liệt khen ngợi.

Chưa đầy một tháng sau khi tuyến đường thông xe, sáng 6/10/1968 bầu trời lại bị xé nát bởi sự điên cuồng gầm rú của máy bay Mỹ. Từng tốp máy bay lại quần thảo vào dội hàng nghìn quả bom bi nổ chậm có dây loại mới nhất xuống cung đường với dã tâm tiêu diệt lực lượng của ta và chặn đứng sự chi viện từ Bắc vào Nam. Đường lại tắc, hàng trăm chuyến xe lại bị dừng… Lòng như lửa đốt, Bí thư Hoàng Lộc trực tiếp báo cáo lãnh đạo đại đội và lãnh đạo Cục Công trình I đề nghị được rà phá những trái bom bi quái ác này. Được sự đồng ý của cấp trên, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, ngày 8/10 anh cùng hai chiến sĩ tiến ra mặt đường, với những tấm lá chắn tự tạo để che thân, dùng những cây sào dài 5m móc vào dây kíp giật cho bom nổ. 4 quả bom đã nổ, đến quản thứ 5 thì dây kíp đứt. Nhanh như cắt, Hoàng Lộc lao tới chụp lấy trái bom ném thẳng xuống vực. Quả thứ 6, rồi thứ 7… đúng lúc Hoàng Lộc tiến lại gần thì bom nổ. Trái bom quái ác phát nổ sớm đã chặt đứt cánh tay cùng hàng chục vết cắt trên người anh, máu chảy nhiều, anh gục xuống… Đồng đội nhanh chóng đưa anh đi cấp cứu, trên đường tới bệnh viện anh vẫn cố mỉm cười để làm an lòng đồng đội và gắng gượng dặn các đồng chí của mình: “Phải bình tĩnh bám đường đến cùng, lần sau phải cẩn thận hơn khi phá bom”. Biết mình không qua nổi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh còn mấp máy đôi môi “Cho tôi hôn cờ Đảng, tôi không thể xa rời Đảng được!”

Hoàng Lộc, người Đảng viên trẻ, người Bí thư chi đoàn hết lòng yêu thương đồng đội, người thanh niên ưu tú và tài hoa đất Hà thành đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em đồng đội vào hồi 19h25 ngày 8/10/1968 khi chưa tròn 22 tuổi.

Hoàng Lộc là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, một nhân cách Hà Nội, một nhiệt huyết sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn, hiểm nguy có thể hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào. Cuộc đời và sự hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Hoàng Lộc tiêu biểu cho lực lượng TNXP và phong trào “3 sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Liệt sĩ Hoàng Lộc đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng trên hết, những lời thơ chân thành giản dị nhưng ẩn chưa lòng yêu nước nồng nàn: “Em hãy nói với mẹ cha/ Rằng Anh đã sống những ngày không uổng/ Biết hy sinh cho độc lập tự do” vẫn còn sống mãi trong lòng những cựu TNXP Đại đội xung kích Thăng Long 343 – N37 Cục Công trình I – Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 Anh hùng.

Trích trong “Bản lĩnh trước thờ gian”  Cienco 4