Người đưa cây mắc ca bám rễ trên đất Tân Uyên

Đăng lúc: 22-10-2019 9:14 Chiều - Đã xem: 145 lượt xem In bài viết

Vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mắc ca-một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ ngưỡng, khí hậu của địa phương. Người tiên phong đưa mắc ca về đất Tân Uyên là Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Xuân Cát.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Xuân Cát đang chăm sóc vườn mắc ca.

Chúng tôi về khu 1, thị trấn Tân Uyên để tìm gặp Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Xuân Cát (sinh năm 1952). Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên.

Ông Cát bảo, quê ông ở Hà Nam. Khi tròn 20 tuổi (năm 1972), theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông gia nhập lực lượng TNXP. Năm 1981 tôi xuất ngũ về quê, rồi lập gia đình, năm 1999 tôi đưa gia đình lên Tân Uyên lập nghiệp.

Sau 20 năm lập nghiệp trên đất Tân Uyên, từ chỗ phải chạy ăn từng bữa, gia đình ông Cát đã trở thành một trong những hộ khá giả của địa phương. Gia đình ông hiện có 1ha trồng cây mắc ca, 1ha trồng chè xen cây ăn quả. Từ những cây trồng này, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình ông Cát cũng tạo việc làm thời vụ cho 20-30 lao động tại chỗ, với thù lao 130-150 nghìn đồng/người/ngày.

Ông Cát cho biết, để có được thành công này, gia đình ông đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Lúc mới đến Tân Uyên, ông vay tiền bạn bè, người thân mua 2ha đất sản xuất. Trước năm 2012, trên diện tích đất này, ông trồng chè, trồng lúa, nhưng năng suất thấp; kinh tế gia đình vì thế không thể đi lên được. Loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để vươn lên cứ thế bám riết lấy tâm trí của ông.

Năm 2012, trong một lần tình cờ theo dõi báo đài, ông Cát biết đến cây mắc ca-loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng còn xa lạ với nông dân vùng cao Tân Uyên. Ông quyết tâm tìm hiểu ở Trạm Khuyến nông của huyện; rồi được giới thiệu về Viện Khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp cận với giống cây mắc ca.

“Tôi lập tức khăn gói về Hà Nội. Thật may, Viện Khoa học đang thí điểm trồng để phát triển cây mắc ca ở Tây Bắc nên tôi được Viện hỗ trợ hơn 200 cây giống mắc ca để trồng thử nghiệm. Các chuyên gia của Viện cũng đã tư vấn cho tôi về kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản cây mắc ca”, ông Cát cho biết.

Với 200 cây giống được hỗ trợ, ông Cát đã đem về trồng trên diện tích 1ha. Sau 3 năm trồng (năm 2015), vườn mắc ca của ông Cát đã bắt đầu cho thu hoạch, đem lại cho gia đình ông Cát hơn 40 triệu đồng sau khi trừ các loại chi phí. Phấn khởi hơn là, vườn mắc ca của gia đình ông đều đặn cho thu nhập mỗi năm một vụ. Năm thứ 2, ông thu về hơn 60 triệu đồng, năm thứ 3 gần 70 triệu đồng từ 1ha mắc ca này sau khi trừ chi phí đầu vào.

Ông Cát cho biết, cây mắc ca là loại cây chịu hạn, dễ trồng, ưa ánh sáng, kỹ thuật trồng, chăm sóc không đòi hỏi cao. Tuy nhiên đây là loại cây có thân gỗ giòn, rễ nổi nên khi trồng mắc ca cần phải đào hố sâu, rộng và phải chống xung quanh cây.

Nhờ cây mắc ca mà gia đình ông đã vươn lên khá giả, ông Cát cũng đang tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm cho nhiều gia đình khác ở Tân Uyên trồng loại cây này. Đặc biệt, ông Cát đang hỗ trợ nhiều đồng đội trong Hội Cựu TNXP huyện Tân Uyên mở rộng diện tích mắc ca để phát triển kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

HOÀI DƯƠNG

Theo baodantoc.vn