Người “kỹ sư Nhân dân”

Đăng lúc: 24-11-2023 11:25 Sáng - Đã xem: 195 lượt xem In bài viết

          Người viết bài này có một suy nghĩ: nếu Nhà nước có quy định về việc phong tặng danh hiệu “Kỹ sư Ưu tú”, “Kỹ sư Nhân dân”, thì chắc chắn kỹ sư Trần Dân và kỹ sư Võ Khắc Mai ở Khu Quản lý đường bộ V thật xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

Đó là kỹ sư Trần Dân (ảnh trên), sinh năm 1937, quê xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện thường trú ở số nhà 57, đường Lê Lợi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Là đội viên TNXP C390 Đội 38, Tổng đội 204 Liên khu V[1], ,Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, công tác trong ngành Giao thông vận tải cho tới khi nghỉ hưu. Hiện ông là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Thạch Thang, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP quận Hải Châu, T.p Đà Nẵng.

          Nhắc đến kỹ sư Trần Dân, cán bộ, công nhân lao động Khu Quản lý đường bộ V (nay là Khu Quản lý đường bộ III) ai nấy đều quen biết và mến phục về sự làm việc tận tụy của ông. Tuy nghỉ hưu, nhưng lòng say mê cống hiến cho khoa học, kỹ thuật không ngơi nghỉ trong ông. Người viết bài này có một suy nghĩ: Nếu Nhà nước có quy định về việc phong tặng danh hiệu “Kỹ sư Ưu tú”, “Kỹ sư Nhân dân”, thì chắc chắn kỹ sư Trần Dân và kỹ sư Võ Khắc Mai ở Khu Quản lý đường bộ V thật xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

          Tháng 8 năm 1959, ông Trần Dân công tác tại Viện Thiết kế giao thông (Bộ GTVT). Năm 1961 dạy học tại Trường Trung cấp Kỹ thuật giao thông đường Sắt, đồng thời học chuyển cấp Khóa I, Trường Đại học Giao thông. Năm 1967 đi thực tập sinh Kỹ sư trưởng thiết kế cầu lớn bằng bê tông ứng suất trước tại Tashkent[2]. Năm 1972 đi Trung Quốc nghiên cứu lập luận chứng thiết kế cầu lớn qua sông Hồng (cầu Thăng Long), chỉ đạo thi công. Tháng 10/1978 Bộ GTVT điều ông về Nam, làm Đội trưởng Đội Khảo sát – Thiết kế, thuộc Khu đường bộ 5. Năm 1983, Khu đường bộ 5 hợp nhất với Xí nghiệp Liên hợp công trình III thành Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng công trình giao thông V[3], ông được đề bạt là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật rồi Kỹ sư trưởng của Khu QLĐB V (tháng 3/1992). Tháng 8/1996 nghỉ hưu, ông được bầu là Phó Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật Cầu Đường Đà Nẵng (gọi tắt là Hội Cầu đường) cho đến năm 2021. Từ năm 2007 đến nay, ông liên tục giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Thạch Thang.

          Suốt trong những năm tháng cống hiến cho khoa học, kỹ thuật cầu đường, ông là người đầu tiên lập luận chứng thiết kế cầu Thăng Long[4] (cầu thế kỷ của Đông Nam Á). Là Chủ nhiệm chương trình bê tông cốt thép ứng suất trước đầu tiên cho miền Bắc Việt Nam và Khu 5 thành công. Đã chỉ đạo thi công hàng trăm công trình cầu, đường, bến cảng ở mọi miền Tổ quốc. Ở Khu QLĐB V thường gọi ông là “Vua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, những sáng kiến đã góp phần làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ đồng. Ông đã được trao tặng Huy hiệu 60 tuổi Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học công nghệ”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 7 Bằng “Lao động sáng tạo”, Bộ GTVT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giao thông vận tải”, Trung ương Đoàn Thanh niên trao tặng Kỷ niệm chương TNXP và Trung ương Hội Cựu TNXP tặng Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác”.

          Ở cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cầu đường Đà Nẵng qua 4 nhiệm kỳ, ông cùng Ban chấp hành hàng năm tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên đề: Cọc khoan nhồi đường kính lớn làm cầu Thuận Phước và cầu Rồng (Đà Nẵng); Áp dụng cấp phối đá dăm gia cố xi măng để sửa chữa quốc lộ; Dùng cốt thép sợi bọc Epoxy để làm dầm giản đơn ứng xuất trước nhịp lớn công nghệ Nhật Bản… Tổ chức cho hội viên đi tham dự nhiều hội thảo do Hội KHKT cầu đường Việt Nam tổ chức kết hợp tham quan các công trình đã xây dựng hoặc đang xây dựng để học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài các hoạt động khoa học kỹ thuật, Hội còn đóng góp tích cực vào chương trình “Thành phố 4 an[5](1) , mỗi năm ủng hộ từ 3 đến 5 triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo của thành phố. Hội đã hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, qua 20 năm đã hỗ trợ 32 triệu đồng cho 12 sinh viên; Tài trợ 45 triệu đồng cho 3 kỹ sư, công nhân và thương binh nghèo để sửa chữa nhà ở; tham gia các hoạt động xã hội truyền thống lớn của ngành; ủng hộ 20 triệu đồng cho một hội viên cựu TNXP sửa nhà. Với mong muốn được truyền nghề và giải quyết công ăn việc làm cho lớp trẻ, Hội thành lập Trung tâm cầu đường Đà Nẵng do ông Trần Dân làm Giám đốc, thu hút từ 7 đến 11 con em trong ngành. Trung tâm có chức năng phản biện, khảo sát thiết kế và giám sát thi công chất lượng công trình. Vốn pháp định của Trung tâm 250 triệu đồng. Sản lượng từ 800 triệu đến 3 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2023 nộp thuế 847 triệu, đóng BHXH 172 triệu, ngoài ra đóng góp vào kinh phí hoạt động của Hội Cầu đường 169 triệu đồng/năm.

Hội Cầu đường Đà Nẵng đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

          Dù rất bận rộn với cương vị Phó Chủ tịch Hội Cầu Đường Đà Nẵng, nhưng ông vẫn luôn hoàn thành tốt vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường, chăm lo các hoạt động nghĩa tình đồng đội, xây dựng hội vững mạnh, được hội viên mến phục. Năm 2023 vận động hội viên Cựu TNXP phường ủng hộ Quỹ vì người nghèo 1,1 triệu đồng, ủng hộ hội viên Lê Thị Minh (con liệt sĩ) 4 triệu đồng để sửa chữa nhà. Hoạt động của Hội Cựu TNXP phường được Quận hội và Thành hội đánh giá cao. Nhiều năm liền ông Trần Dân được bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

          Hướng đến kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), kính chúc, cựu TNXP thời kỳ chống Pháp, “Kỹ sư Nhân dân” Trần Dân luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến cho hoạt động của Hội Cựu TNXP.

 Lê Huấn


[1] Tổng đội TNXP 204 được thành lập với hơn 4.000 cán bộ đội viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, 50 cán bộ, đội viên anh dũng hy sinh; 2 chi đội, 23 chiến sĩ lập công xuất sắc được Bộ tư lệnh mặt trận phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công.

[2] Thủ đô của Cộng hòa Uzbekistan, là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Trung Á, trước kia từng là một phần của Liên bang Xô viết.

[3]  Năm 1992 chia tách thành hai đơn vị: Khu Quản lý đường bộ V ((QLĐB V) và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5

[4] Cầu Thăng Long, còn gọi là Cầu Hữu Nghị Việt Xô là cây cầu bắc qua sông Hồng tại vị trí km6+300, lúc đầu nằm trong Tổng thể đầu mối đường sắt khu vực Hà Nội do Liên Xô giúp đỡ xây dựng quy hoạch, và hiện nay thì nằm trên vành đai 3, nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm của Hà Nội, thủ đô của Việt Nam. Cây cầu này có quy mô lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ và là công trình thế kỷ của quan hệ Liên Xô – Việt Nam.

[5] An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội.