Người thắp lửa “ngọn đèn đứng gác”

Đăng lúc: 04-12-2023 2:46 Chiều - Đã xem: 279 lượt xem In bài viết

          Với Dương Thành Thị, hội viên Hội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng, căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước không chỉ là biểu tượng của lòng kiên trung, của tinh thần yêu nước, của khát vọng và tự do mà nó còn là ký ức không thể phai mờ về thời “tuổi thơ dữ dội”.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, tôi về dự buổi gặp mặt truyền thống của Chi hội Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh quận Liên Chiểu, tổ chức tại khu di tích lịch sử Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, thuộc phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Mới đầu tháng 5 mà miền Trung đã gay gắt nắng. Hàng cây ở khu di tích vẫn nhẫn nại xanh trong chiều nhưng không thể làm dịu đi cái oi bức đặc trưng của vùng đất nhiều nắng, nhiều gió. Dù vậy, những hội viên trong bộ quân phục xanh màu lá, ngực lấp lánh huân chương vẫn vui vẻ cười nói trong không khí hân hoan và xúc động. Cũng chẳng dễ gì có được cái không khí ấy, bởi theo quy chế, cứ hai năm một lần, các chi hội cấp quận trực thuộc Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng mới tổ chức gặp mặt, kỷ niệm ngày mở đường Trường Sơn thắng lợi (19/5). Hai năm là 24 tháng, là 24 mùa trăng tròn, trăng khuyết. Dài đấy chứ ngắn ngủi gì. Bởi vậy, lần gặp gỡ nào cũng rộn rã tiếng cười xen lẫn những dòng nước mắt lăn trên những gương mặt đã hằn dấu thời gian.

Mô hình anh Nguyễn Thanh Tuấn và anh Dương Thành thị giả là người đi thả lưới bắt cá để trinh sát địch

Trong khi chờ đông đủ hội viên và khách mời, tôi cùng mấy anh em tranh thủ đến thắp hương cho các cụ thân sinh của hội viên Dương Thành Thị. Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nằm ngay bên con đường dẫn vào khu di tích. Phía trước là khoảng sân rộng, được che mát bởi cây xoài sum xuê cành lá. Chiếc bàn thờ đặt trang trọng ở gian chính giữa. Trên đó, ngoài hai di ảnh các cụ thân sinh, một số đồ thờ cúng truyền thống, tôi thấy có một chiếc đèn dầu cỡ to đã cũ, được bảo quản cẩn thận và đặt trang trọng dưới hai bức di ảnh. Thắp hương cho các cụ xong, chúng tôi và anh Thị cùng ngồi bên bàn trà trò chuyện. Tôi hỏi:

– Sao trên bàn thờ lại đặt chiếc đèn dầu to tướng vậy anh?

– Đấy là kỷ vật của gia đình tôi đó. Cây đèn này đã cùng ba mẹ và tôi đi suốt những năm tháng tối tăm khi quê hương Hồng Phước của tôi phải oằn mình dưới gót giày đinh của quân đội Mỹ và VNCH.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Thị giải thích: “Gia đình tôi là một cơ sở cách mạng ở căn cứ lõm Hồng Phước. Ngày ấy, dưới sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của quân địch nên ngoài một bộ phận cán bộ nằm hầm bí mật để bám trụ địa bàn, còn phần lớn các cán bộ cách mạng phải “nhảy rừng”, hoạt động theo phương thức “Đêm xuống địa bàn, ngày về lại căn cứ”. Trong tình hình “ngày địch, đêm ta” như vậy, những ngọn đèn “đứng gác” ở căn cứ lõm Hồng Phước giữ một vai trò quan trọng. Và cây đèn kia (anh chỉ tay về phía cây đèn) đã cùng ba mẹ tôi và cả tôi nữa “đứng gác” cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.

– Các gia đình là cơ sở cách mạng ở đây đều thắp đèn ư anh?

– Không. Ngày ấy, Khu uỷ khu 5 chỉ chọn những gia đình là cơ sở cách mạng thật tin tưởng, có vị trí thuận lợi cho việc quan sát từ phía căn cứ trên rừng. Như gia đình tôi đây, nằm ở phía Tây Bắc của căn cứ lõm Hồng Phước. Từ phía núi Hải Vân hay núi Chúa đều nhìn rất rõ. Hằng ngày, ngoài làm lụng kiếm sống, nuôi giấu cán bộ, ba mẹ tôi, có khi là tôi phải đi quanh thôn, nắm tình hình địch. Nếu ngày ấy không có địch vây ráp tại địa phương thì đêm ấy ngọn đèn được thắp sáng trước cửa nhà, ngược lại, khi có địch thì không thắp. Cán bộ ta ở căn cứ hằng đêm nhìn đèn sáng hay không mà quyết định phương thức hoạt động.

– Anh Thị giỏi quá. Ngày ấy còn nhỏ mà đã sớm giác ngộ cách mạng.

– Ngày ấy tôi có biết giác ngộ cách mạng là chi mô. Chỉ là chứng kiến sự tàn ác của quân thù, chứng kiến sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của những cán bộ cách mạng, chứng kiến nỗi khổ cực, lòng kiên trung của người dân quê tôi mà tôi đi theo cách mạng thôi.

– Anh Thị tham gia cách mạng năm nào?

– Năm 1971. Khi tôi 12 tuổi, là đội viên Đội Công tác của căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước. Nhiệm vụ chủ yếu của tôi là cùng ba mẹ nắm tình hình địch tại địa phương để kịp thắp lên “ngọn lửa niềm tin” trên cây đèn “đứng gác” trước cửa nhà; đưa cán bộ được nuôi giấu dưới hầm bí mật của gia đình đi trinh sát nắm địch, báo cáo cho Khu uỷ.

– Anh còn nhớ ai trong số những cán bộ được gia đình anh nuôi giấu dưới hầm bí mật không?

– Nhiều. Vì ngày ấy nhà tôi có tới 4 hầm bí mật. Nhưng gần gũi nhất, nhiều kỷ niệm nhất vẫn là anh Nguyễn Thanh Tuấn, nay là Trung tướng, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị.

Nhấm ngụm trà nóng, anh Thị khẽ khàng: “Năm 1973, anh Tuấn được Khu uỷ Quảng Đà phân công về hoạt động tại đây với nhiệm vụ nắm cơ sở cách mạng, trinh sát nắm địch để báo cáo Khu uỷ và huấn luyện du kích về phương pháp đánh địch trong thành phố, sau này phát triển thành biệt động thành phố Đà Nẵng. Anh Tuấn ở dưới hầm bí mật của gia đình tôi. Ngày ấy, vùng này toàn cát trắng, dưới sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của đich, cuộc sống của người dân khổ cực trăm bề. Bữa ăn chủ yếu là khoai sắn, có loong gạo, con cá… thì dành cho cán bộ dưới hầm bí mật. Cũng có hôm nhà không còn hạt gạo, mẹ tôi chạy đôn chạy đáo kiếm được nhúm gạo, bỏ trong vạt áo mang về nấu cháo cho mấy cán bộ dưới hầm, còn cả nhà ngồi ăn mấy củ khoai nhỏ như ngón tay.

Một khoảng yên lặng kéo dài. Hình như anh đang xúc động khi nhắc lại những ký ức về một thời hoa lửa. Anh dụi dụi đôi mắt đã có phần hoe hoe, rồi tiếp:

– Ngày ấy, để vượt qua sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của địch, tôi và anh Tuấn phải đóng vai người đi thả lưới bắt cá. Với chiếc ghe nhỏ, tôi đưa anh Tuấn đi khắp các bàu nước ngay sát bốt đồn của địch để trinh sát. Khi trở về, anh Tuấn ngồi dưới hầm bí mật vẽ sơ đồ, viết báo cáo, tôi ở trên cảnh giới.

– Trong những lần đi trinh sát nắm địch, anh ấn tượng nhất lần nào?

– Lần đi trinh sát để tổ chức đánh kho gạo của địch ở Hoà Khánh. Chuyện dài lắm. Để tôi kể anh nghe: “Tháng 8 năm 1973, Quận uỷ, Quận đội quận Nhì giao nhiệm vụ cho Căn cứ lõm Hồng Phước tổ chức trinh sát nắm địch, vẽ sơ đồ, đề xuất phương án đánh tiêu huỷ kho gạo của địch cách Hồng Phước khoảng 500m nhằm cắt nguồn lương thực của địch chi viện cho chiến trường ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên. Đây là mục tiêu rất khó tiếp cận vì nó nằm trong khu căn cứ hậu cần của địch, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Mặt khác, để tiêu huỷ hàng ngàn tấn gạo trong 7 nhà kho cũng rất khó. Anh biết rồi đấy, gạo cháy rất chậm, nếu đốt thì địch có thể huy động xe chữa cháy đến dập. Ngày ấy, trực tiếp anh Nguyễn Bá Siêu – Đội phó Đội công tác quận Nhì hoạt động tại đây – giao nhiệm vụ cho tôi đi trinh sát nắm địch và vẽ sơ đồ. Khi ấy tôi mới 14 tuổi. Tôi đóng giả người đi chăn trâu, thả trâu sát kho gạo. Sau nhiều lần tiếp cận mục tiêu, tôi đã nắm rõ lực lượng địch và vẽ hoàn chỉnh sơ đồ kho gạo. Chỉ huy Căn cứ Hồng Phước báo cáo với quận và đề xuất cách đánh: tập trung tiêu diệt lực lượng bảo vệ và dùng thuốc nổ gắn kíp hẹn giờ, liên kết mỗi quả nổ với một can xăng, đặt vào từng kho gạo, sao cho mỗi quả mìn nổ cách nhau từ 10 đến 15 phút để bọn địch không dám vào chữa cháy. Kết quả trận đánh đó chúng tôi đã tiêu diệt một trung đội địch bảo vệ kho; đốt cháy hàng ngàn tấn gạo. Đúng như dự kiến, địch huy động xe chữa cháy đến nhưng đành đứng ngoài nhìn vì các quả nổ của ta lần lượt nổ kèm theo xăng bốc cháy dữ dội, chúng không dám vào. Kho gạo cứ thế cháy suốt đêm và cả ngày hôm sau”.

Tác giả (trái) và anh Dương Thành Thị tại khu di tích Căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước

Cả căn phòng lặng im nghe anh kể. Chuyện đời mình, chuyện những người đồng đội, những người dân nơi quê hương Hồng Phước đã chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do. Chúng tôi lặng im không nói. Gió từ eo biển Xuân Thiều cứ thổi mênh mang. Mùi hoa ngọc lan ngoài khu di tích còn sót lại cuối xuân theo gió lan vào căn phòng một mùi hương dịu nhẹ, vấn vương.

Nghe câu chuyện của anh Thị, tôi thầm nể phục và trân trọng lòng kiên trung, ý chí kiên cường và mưu trí của người hội viên nhiệt huyết này cũng như của người dân nơi quê hương Hồng Phước nhiều nắng, nhiều gió. Tôi nghĩ, có lẽ, chính ba mẹ và các cán bộ cách mạng nằm vùng như Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã truyền ngọn lửa yêu nước, ý chí kiên cường cho anh. Nhờ đó, Dương Thành Thị đã sớm trở thành một đội viên du kích gan dạ. Năm 15 tuổi, chính anh và người đồng đội Phạm Đình Khôi đã trực tiếp hạ lá cờ ba que của chế độ Sài Gòn và kéo lên lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tại trụ sở Hội đồng xã Hoà Khánh vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975, đánh dấu giờ phút quê hương được giải phóng. Khi 19 tuổi, anh đã là Đại đội trưởng Đại đội TNXP phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 307 ở chiến trường Tây Nam và chiến trường Campuchia. Có lẽ hơn ai hết, Dương Thành Thị hiểu rõ nỗi khổ cực và sự hy sinh cho cách mạng của người dân Hồng Phước quê anh. Vì thế sau này, khi trở thành Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, Dương Thành Thị luôn đau đáu với việc xây dựng quê hương, chăm lo cho cuộc sống người dân, thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo. Điều đó đã được ghi nhận bởi hai Huân chương Lao động hạng Ba (2013; 2022) và ba bằng khen của Thủ tướng chính phủ tặng thưởng cho anh. Năm 2019, ở tuổi 60, sau 48 năm 8 tháng công tác, Dương Thành Thị nghỉ hưu. Năm 2020, anh tham gia Hội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng. Trong hoạt động hội, anh luôn tham gia đầy đủ các phong trào với tất cả lòng nhiệt tình, sự hăng say và tinh thần trách nhiệm, nhất là hoạt động “Vì nghĩa tình Trường Sơn, vì nghĩa tình đồng đội”. Lần gặp tôi trong buổi lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho hội viên Lê Thị Hồng An ở Tổ 58 phường Hoà Khánh Bắc (cùng phường với anh), anh xúc động nói: “Trước đây, quê tôi nghèo lắm, dưới sự kìm kẹp, kiểm soát gắt gao của địch, cuộc sống người dân khổ cực trăm bề. Dù vậy, người dân quê tôi vẫn một lòng đi theo cách mạng. Giờ hoà bình, cuộc sống đã khá hơn nhưng vẫn còn đó những gia đình khó khăn, Hội mình giúp được gì cho người dân quê tôi, tôi vui lắm và luôn sẵn lòng ủng hộ”.

* * *

Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi sắp đến giờ khai mạc buổi gặp mặt. Tôi mang trong lòng niềm vui chiến thắng từ trận đánh của người hôi viên Dương Thành Thị và quân dân quê hương Hồng Phước, mang theo ánh sáng lấp lánh từ “ngọn đèn đứng gác”. Càng vui hơn khi buổi gặp mặt truyền thống của Hội chúng tôi lại được đón Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn – người đã có một thời “nằm gai, nếm mật” cùng người dân nơi căn cứ lõm Hồng Phước – về dự. Nói về Dương Thành Thị, Trung tướng chia sẻ: “Dương Thành Thị thực sự là một người con tiêu biểu của quê hương Hồng Phước. Một con người nhiệt huyết, luôn hết lòng vì đồng đội, vì người dân quê hương. Không có những người du kích gan dạ, mưu trí như chú Thị, không có sự đùm bọc, trở che của người dân Hồng Phước thì mình cũng như các cán bộ cách mạng nằm vùng tại đây chắc gì đã tồn tại đến bây giờ”.

Trung tướng cười hiền. Đôi mắt Trung tướng vẫn ngời lên một khí thế hào sảng, một tình cảm nặng sâu. Biết tôi là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng, Trung tướng dăn dò: “Con đường Trường Sơn là con đường huyền thoại, là biểu tượng của ý chí kiên cường, của lòng yêu nước, nơi đã nhuốm bao máu xương của đồng đội. Vì vậy, trong hoạt động Hội, các cậu phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng sự đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau với tiêu chí “vì ghĩa tình Trường Sơn, vì nghĩa tình đồng đội”.

Câu chuyện của Dương Thành Thị và lời chia sẻ, dặn dò của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn đã mang đến cho tôi một cảm xúc dâng trào. Cảm thấy tự hào khi buổi gặp mặt truyền thống của chúng tôi lại được đón Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn về dự. Sự có mặt của Trung tướng như một minh chứng cho sự gìn giữ, phát huy và lan toả ý nghĩa Trường Sơn, giá trị Trường Sơn. Cảm thấy tự hào khi Hội chúng tôi có những hội viên như Dương Thành Thị, người hội viên ở bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ cương vị nào cũng luôn giữ nguyên chất lính, khí phách và nghĩa tình của người chiến sỹ Trường Sơn. Nghe câu chuyện của anh, trong tôi, những câu thơ của nhà thơ Chính Hữu cứ thao thiết dội về: “Trên đường ta đi đánh giặc/Ta về Nam hay ta lên Bắc/ Ở đâu/ Cũng gặp/Những ngọn đèn dầu/ Chong mắt/ Đêm thâu”./.

Đại tá, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thứ,

Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh