Người vinh dự  năm lần được gặp Bác Hồ

Đăng lúc: 16-09-2017 10:50 Sáng - Đã xem: 166 lượt xem In bài viết

Người phụ nữ có được vinh dự lớn đó là Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, quê xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh năm 1940, tuổi thơ không biết mặt cả cha lẫn mẹ, chị lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc hòng phá hoại các cơ sở kinh tế, quốc phòng, chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Hưởng ứng phong trào tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động, cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim Huế đã làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng TNXP.

Trên tuyến đường 12A khốc liệt, Tiểu đội 6 thuộc C759 do Nguyễn Thị Kim Huế làm Tiểu đội trưởng, gồm 16 chị em, được giao phụ trách đảm bảo giao thông đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Đoạn đường này rất hiểm trở, một bên là đèo cao, một bên là vực sâu, suốt ngày đêm địch đánh phá khốc liệt, trơ trụi không còn một bóng cây, lán trại phải dựng trong rừng sâu để tránh bị đánh phá.

Cuối năm 1965, khi cấp trên có chủ trương thành lập Trung đội quyết tử cho tuyến đường huyết mạch 12A, Nguyễn Thị Kim Huế là người xung phong gia nhập đầu tiên. Chị được tín nhiệm giao trọng trách Trung đội trưởng. ở trung đội quyết tử, mỗi lần ra mặt đường đều phải làm những công việc cận kề với cái chết như phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu sống hướng dẫn xe qua. Vì vậy, trước khi đi làm nhiệm vụ, chị và các chị em khác đều được làm “lễ truy điệu sống”!

Năm 1966, tại Km 21, đường 12A, không quân Mỹ dội bom, bắn phá ròng rã 45 ngày đêm bằng B52. 24 đồng đội của chị đã ngã xuống, bản thân chị cũng đã bao lần bị bom dập vùi. Nhưng người nữ Trung đội trưởng ấy đã dũng cảm chỉ huy, trở thành điểm tựa tinh thần để đồng đội kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc con đường huyết mạch ra chiến trường. Với bản tính gan dạ và dày dạn kinh nghiệm, được điều đi phá bom từ trường ở những trọng điểm lửa dọc sông Gianh như đường Ba Trại, phà Gianh,… nhưng ở nơi nào, Nguyễn Thị Kim Huế cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những thành tích và chiến công trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 01/01/1967, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế – nữ cựu TNXP đầu tiên của lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Càng vinh dự hơn khi chị được 5 lần ra Hà Nội báo công và gặp Bác Hồ:

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế với bức ảnh chụp chung với Bác Hồ

– Lần thứ nhất (tháng 11/1966): Nguyễn Thị Kim Huế được cử ra Hưng Yên tập huấn tại trường Chính trị Nghiệp vụ TNXP Trung ương. Trong buổi chiều kiểm tra môn bắn súng, cả 3 lần bắn chị đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái nhỏ nhắn, bắn súng giỏi, Bác đã đến thăm hỏi và tại buổi tổng kết lớp, Bác khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.

– Lần thứ hai (cuối năm 1966): Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác Hồ. Chị được Bác hỏi chuyện về đơn vị, công việc và cuộc sống. Sau khi nghe chị báo cáo chị em không có kẹp tóc, thiếu muối và đường, thiếu áo quần nên bị nấm da nhiều, Bác đã rất xúc động. Sau lần gặp đó, Bác chỉ thị cấp phát cho TNXP toàn quốc thêm 2,5 lạng đường mỗi tháng, thêm mỗi năm một bộ quần áo Tô Châu, riêng chị em phụ nữ còn được thêm một lọ cao ích mẫu.

– Lần thứ ba (năm 1967): Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc, Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ và vinh dự được Bác gắn huy hiệu và tặng một chiếc đồng hồ Liên Xô.

– Lần thứ tư (tháng 7/1967): Tại Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư, Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự cùng với Nguyễn Thị Nguyệt (Tổng đội phó Tổng đội TNXP miền Nam) thay mặt cho tập thể nam nữ TNXP cả nước tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đến dự Đại hội.

– Lần thứ năm (cuối năm 1967): Nguyễn Thị Kim Huế cùng đoàn sang Liên Xô được gặp Bác Hồ để nghe Bác dặn dò trước khi đi. Nguyễn Thị Kim Huế cùng cả đoàn vinh dự được Người mời cơm tại Phủ Chủ tịch.

Năm 1995, Tiểu đội trưởng A6 của C759 anh hùng về nghỉ hưu với thương tật vĩnh viễn 25%. Chồng mất sớm, một mình chị phải tần tảo nuôi 3 người con ăn học. Không phụ công mẹ, các con chị luôn bảo ban nhau chăm chỉ học hành. Hai người con đầu đều nối nghiệp theo ngành giao thông của mẹ. Đặc biệt, người con cả hiện giờ đang thi công con đường 12A công nghiệp hóa, con đường lịch sử mà xưa kia chị và đồng đội đã làm nên những chiến công anh hùng. Bản thân người nữ tiểu đội trưởng gan dạ, dũng cảm năm xưa cũng đang sống bình dị trong ngôi nhà nhỏ nằm bên đường 12A, con đường đã gắn chặt tuổi thanh xuân oanh liệt của chị và các đồng đội./.

Minh Phong

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015