Nguyễn Thị Lượng, lập công đầu được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người

Đăng lúc: 14-09-2017 9:36 Chiều - Đã xem: 256 lượt xem In bài viết

Ông Lê Đình Bảy – nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP Vĩnh Phúc – rất vui bảo rằng: “Lực lượnng cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc tự hào có Anh hùng Lao động là TNXP và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có con liệt sỹ TNXP“.

Mang niềm vui và lòng tự hào chung của trên 4500 cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc, một ngày đầu năm 2013, tôi được bà Hà Thị Lợi – Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) – đưa đến thôn Đức Cung (xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên) diện kiến cụ Nguyễn Thị Lượng cựu TNXP, Anh hùng Lao động.

Năm Quý Tỵ (2013), vào tuổi 91 mà cụ Lượng minh mẫn lạ kỳ. Khuôn mặt tròn bầu phúc hậu, chẳng hề vương dấu ấn của sự già nua, cụ còn vượng khí lắm. Cười hiền và giọng nói nhẹ ngọt của cụ làm ấm lòng người. Vậy mà, con người ấy từ cuối năm 1953 đến cuối năm 1980, chặng đường trung trinh gần 28 năm “lòng gang, dạ sắt”, lững thững chiến công, chói sáng kỳ tích.

Anh hùng Nguyễn Thi Lượng tại Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2017) và 10 năm thành lập Hội Cựu TXXP tỉnh Vĩnh Phúc (2007 – 2017) tổ chức tại Vĩnh Yên ngày 12/7/2017

Những năm toàn dân hừng hực khí thế theo Đảng, theo Bác Hồ hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ, thì tháng 9 năm 1953, tròn 21 tuổi, Nguyễn Thị Lượng để con trai của mình cho ông bà nội chăm nuôi, nguyện sánh vai cùng chồng đang hoạt động trong ngành công an, tình nguyện trong đoàn quân TNXP làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ Phúc Yên đến Điện Biên Phủ, luồn rừng, vượt đèo, lội suối, bom đạn của giặc Pháp luôn găm xỉa xuống dọc đường. Mất mát, hi sinh, gian khổ chỉ làm tăng thêm lòng quyết tâm của hàng ngàn TNXP mà vai lúc nào cũng gồng gánh trên dưới 45 cân gạo cùng tư trang, dụng cụ. Chân trần túa máu vẫn đi…

Một ngày cuối tháng 10 năm 1953, khi đang cùng đồng đội vận chuyển lương thực đến địa phận tỉnh Sơn La thì bị máy bay của địch bắn rốc két, đạn lửa thiêu cháy khu rừng, ngút trời đỏ lửa làm bộ đội và TNXP bị thương, bỏng cháy. Nhanh như sóc, Nguyễn Thị Lượng cứu được ba chiến sỹ đang vật vã khi quần áo ngùn ngụt cháy bằng cách kéo từng người xuống suối để dập lửa. Sau đó, Nguyễn Thị Lượng lại hối hả cứu được 16 gánh hàng cũng đang bốc cháy rồi lại vác được 11 quả đại bác của ta đang chuyển lên chiến dịch xuống suối ngâm nước dập lửa…

Cụ Lượng bảo rằng: “Lúc ấy lòng căm thù giặc bừng bừng trong tim nên không sợ chết. Sức con gái chỉ nặng hơn 40kg bỗng vút cường mạnh, phi thường đến vậy“.

Chưa đầy 1 tuần lễ, “chiến công đầu đời cỏn con” ấy, Nguyễn Thị Lượng đã được Bác Hồ gửi tặng “Huy hiệu” của Người. Trời ơi, Bác Hồ đang là vị thống soái tối cao lo nghìn vạn công việc đại sự mà lại sớm biết và động viên một cô gái TNXP bé nhỏ này? Cảm động và sung sướng tràn ngập tâm hồn Nguyễn Thị Lượng…

Cuối tháng 11 năm 1953, đội TNXP của Nguyễn Thị Lượng đến địa phận Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ, đêm đêm chuyển vũ khí vào chiến hào cho bộ đội. Và, vinh dự hơn là Nguyễn Thị Lượng được chọn trong đội quân nữ TNXP khỏe để cùng bộ đội kéo pháo ra – vào, lên – xuống ở nhiều trận địa cùng với cáng tải thương bộ đội và cả kẻ thù ra ngoài trận địa. Đây là giai đoạn “Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn“. Cứ vậy Nguyễn Thị Lượng bám trụ cùng đồng đội phục vụ chiến đấu cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Nguyễn Thị Lượng được vinh danh tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ năm 1955 đến giữa năm 1959, Nguyễn Thị Lượng được chuyển sang làm công nhân đường sắt các tuyến Hà Nội – Mục Nam Quan; Yên Viên – Lào Cai; Nam Định – Hàm Rồng… Với cương vị là đại đội trưởng, vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp làm cùng mọi người, phẩm chất anh hùng của Nguyễn Thị Lượng thực sự tỏa sáng toàn diện về sáng kiến, năng suất trong từng công việc; tài vận động, khơi dậy sức mạnh về trí tuệ, ý chí và niềm tin của tập thể… Nơi nào có khó khăn nhất là Nguyễn Thị Lượng được cấp trên điều đến giúp sức và nơi ấy lại “vươn vai trỗi dậy”. Với thành tích nổi bật ấy, Nguyễn Thị Lượng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (1955) và Huân chương Lao động hạng Nhất (1957); hai lần đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua lao động toàn quốc; 3 lần được ngồi ghế Chủ tịch đoàn Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc… Và, vinh hạnh lớn lao là ngày 07/07/1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký quyết định số 05 BTĐ/TW tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nguyễn Thị Lượng khi tuổi đời tròn 34.

– Thưa cụ. – Tôi hỏi: – Có thể gọi đây là giai đoạn thứ hai của cuộc đời cụ, giai đoạn vô cùng gian khổ nhưng thật vẻ vang, chói sáng. Lúc ấy, cô gái trung niên gánh trên vai việc nước nặng hơn việc nhà, phải không ạ?

Cụ Lượng cười vui bảo:

– Đâu phải riêng tôi, hồi ấy ai cũng thế cả mà. Không vậy thì làm sao nước nhà khôi phục và tiến lên được. Còn tôi đâu mơ mình trở thành anh hùng mà chỉ đơn giản là đêm đêm ít ngủ để nghĩ về cách chỉ đạo, cách làm như thế nào giành năng suất, hiệu quả trong ngày mai mà thôi.

Bằng nghị lực phi thường, khi đã trở thành anh hùng Nguyễn Thị Lượng vừa lao vào cuộc chiến chống “giặc dốt” trong chính bản thân mình bằng việc theo học bổ túc công nông để tốt nghiệp cấp ba rồi đĩnh đạc bước vào giảng đường trường Đại học Giao thông (khóa 1961-1963). ở tuổi “tứ thập”, Nguyễn Thị Lượng có đủ “vừa Hồng, vừa Chuyên” để cùng đồng đội lại lao vào trận tuyến lao động mới mở đường giao thông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và mở đường từ Việt Nam sang Lào.

Cuối năm 1967, Nguyễn Thị Lượng được điều về làm Phó Giám đốc, quyền Bí thư Đảng ủy Công ty 23 làm đường từ Thái Nguyên về Bắc Kạn. Vài năm sau lại được chuyển về công tác ở Tổng công ty Xây dựng Công trình I và nghỉ hưu năm 1980.

Những nơi mà Nguyễn Thị Lượng công tác đều để lại phẩm chất cao đẹp của người anh hùng. Đó là tình thương yêu đồng đội; là nghĩa cử cao đẹp phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; là gương mẫu tiên phong đi đầu; là năng suất hiệu quả trong từng công việc; là nghị lực và niềm tin; là bản chất truyền thống của TNXP Việt Nam như lời Bác Hồ dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên“…

Từ ngày về hưu, cụ Nguyễn Thị Lượng dành tình thương và công sức để bù đắp chăm nom con cháu, chắt. Và, vẫn sáng ngời “nét đẹp phẩm chất anh hùng” đối với quê hương làng xóm nên cụ luôn được Đảng tin, dân mến.

Ở tuổi đại thọ, với “Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng”, cụ Nguyễn Thị Lượng luôn tràn ngập niềm vui khi quê hương, đất nước ngày một thịnh vượng, an bình; con, cháu, chắt hòa thuận, mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, học hành giỏi giang… Cụ vẫn tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của thôn, của xã, của thị xã ngày thêm vững mạnh, nhất là với Hội Cựu TNXP của xã Cao Minh để Hội thực sự là “mái nhà chung” đầy ắp nghĩa tình đồng đội./.

Lê Đôn

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên Xung phong, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015