Lần đi chúc Tết đặc biệt

Đăng lúc: 16-02-2023 2:58 Chiều - Đã xem: 107 lượt xem In bài viết

Trước thềm xuân mới Đinh Dậu (2017) Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn (NCSTS) toàn quốc và Hội NCSTS tỉnh Nam Định đã tổ chức chuyến thăm và chúc xuân mới Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên[1].

Đoàn thăm Tư lệnh có các cựu NCSTS: Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, Uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, Chủ tịch Hội NCSTS toàn quốc [2]; Đồng Thị Mai, Ủy viên BCH TW Hội Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội NCSTS toàn quốc; Nguyễn Thị Kim Quy,  – Ủy viên BCH Hội NCSTS toàn quốc, Ủy viên BCH Hội Trường Sơn Sư đoàn 471; Trần Thị Thanh, Ủy viên BCH TW Hội Trường Sơn, Chủ tịch Hội NCSTS tỉnh Nam Định cùng các chị Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Bình, Phạm Thị Chung là cựu NCSTS tỉnh Nam Định. Tôi vinh dự được mời tham gia đi cùng với đoàn.

Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo trao thiếp chúc mừng năm mới tới Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Trong đoàn chúng tôi có người cả trước và sau chiến tranh đã được gặp và gặp lại ông; có người mới chỉ biết ông qua “ huyền thoại Trường Sơn” nhưng hôm nay đều rất vui.

Quà đoàn mang đến tặng ông là một lẵng hoa nhỏ, một tấm thiếp chúc mừng năm mới của Hội NCSTS và 10 kg gạo quê Nam Định.

Vào phòng khách vài phút, Trung tướng bước ra bắt tay từng thành viên. Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo sau lời giới thiệu đã trao hoa kính tặng ông. Những lời chúc sức khỏe Trung tướng đầy ắp căn phòng. Ông ân cần hỏi thăm từng người, rồi cả tướng và quân cùng kể chuyện Trường Sơn. Ông kể nhiều lắm về chiến trường, về chiến công và cả sự hy sinh của những chàng trai cô gái một thời sinh tử với Trường Sơn, về nghĩa tình đồng chí đồng đội trên con đường này. Chị Thảo báo cáo với Trung tướng về tình hình hoạt động của Hội NCSTS toàn quốc, ông rất vui khi biết Hội NCSTS có bước tiến vượt bậc cả về quy mô tổ chức và kết quả hoạt động.

 Nhìn vào lẵng hoa thấy có tấm phong bì, ông cầm lên tay và nói: Đây là cái gì? nếu có tiền trong này thì cả hoa chú cũng không nhận đâu nhé! Mở phong bì ra thấy chỉ có tấm thiếp chúc tết ông mới mỉm cười và gật đầu nói: nghĩa tình là truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, của Bộ đội Trường Sơn nói riêng, ta phải giữ lấy truyền thống vẻ vang đó. Mặt khác chúng ta cũng phải hưởng ứng tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư về việc bài trừ hủ tục biếu quà trong lễ tết.

Chủ tịch Hội NCSTS tỉnh Nam Định Trần Thị Thanh trình bày về việc xin được biếu ông 10 kg gạo quê Nam Định. Ông nói: cái này lại không được rồi, các cháu đến thăm chú là quý lắm rồi, quà cáp mà làm gì. Khi ấy chị Nguyễn Thị Kỳ đáp lời ông rằng: 10 kg gạo thôi nhưng đây là hương vị xuân quê hương, là tấm lòng của chị em NCSTS Trường Sơn Nam Định chúng con đấy ạ. Nghe vậy, ông mới đồng ý và nói: Cảm ơn các cháu đã quan tâm đến chú, nhưng chỉ lần này thôi đấy nhé. Nam Định, ừ gạo Nam Định, thời chiến tranh Nhân dân Nam Định gửi nhiều gạo vào Trường Sơn lắm đấy.

 Được tin có chuyến thăm và chúc xuân mới Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chị Nguyễn Thị Bình[3] đã vội bay ra để được được gặp lại người Thủ trưởng kính yêu. Thời ở Trường Sơn chị Bình thuộc quân số của Phòng Hành chính – Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nên biết nhiều về ông. Hôm nay chị Bình nghẹn ngào kể lại lần ông còn đang sốt rét, hàng ngày chị Bình cùng các chị trong bộ phận phục vụ phải nấu cháo cho ông ăn. Vì nhiệm vụ của người Tư lệnh ông vẫn lên xe đi thị sát trận địa. Chuyện chị Bình kể làm cho các thành viên trong đoàn và cả Tướng Nguyên cũng rơi nước mắt.

 Còn tôi – trong niềm vui và xúc động, tôi xin chia sẻ ngay với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về suy nghĩ và sự ngưỡng mộ ông của mình bằng đôi vần thơ thể “Dĩ đề vi thủ”[4] mà tôi mới sơ thảo mang trình làng để xin ý kiến đóng góp và sẽ chính thức chuyển đến kính tặng ông nhân dịp ngày 01 tháng 3 năm nay – sinh nhật lần thứ 94 của ông. Được ông cho phép đứng cạnh, tôià đọc tặng ông bài thơ: 

TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN

                     TƯỚNG, quân trung dũng của Trường Sơn

 ĐỒNG chí một lòng dạ sắt son

SỸ khí liệt oanh lưu sử nước

            NGUYÊN hùng lừng lẫy rạng trời non.

 Bất ngờ và sung sướng vô cùng, khi  đọc xong bài thơ thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên quay sang ôm lấy tôi. Và không chậm hơn, tôi cũng ôm chặt lấy ông và hôn lên hai má ông. Tôi ngỡ như mình đang ôm hôn người cha đẻ kính yêu của mình vậy.

CCB Phạm Sinh đọc bài thơ kính tặng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Quỹ thời gian mà chúng tôi được ở bên Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hôm nay không thể dài hơn. Vui và vui lắm vì được đến thăm người Tư lệnh kính yêu của mình, thấy ông vẫn khỏe, vẫn minh mẫn …Chúng tôi xin phép chia tay ông, Tướng Nguyên tiễn đoàn chúng tôi ra tận ngoài cửa. Phút chia tay ông làm mọi người không khỏi bịn rịn và luyến nhớ. Ngoài lời cảm ơn nhắn nhủ của ông là đầy ắp những tiếng chào của những chiến sỹ của ông năm xưa. Và tôi nghe rõ một lời chúc mà chắc rằng mỗi Chiến sỹ Trường Sơn đều mong muốn nó sẽ thành hiện thực, nó còn dài dài nhiều năm nữa, chúc rằng “Chúng con mong Thủ trường khỏe để hàng năm vào dịp này chúng con lại được đến thăm và chúc xuân Thủ trưởng…”.

 Nguyễn Bỉnh Khiêm – con phố nhỏ trước căn nhà của Tướng Nguyên đã quá 12 giờ trưa rồi mà vẫn không thưa người và xe. Đoàn chúng tôi tiếp tục lộ trình đến thăm và chúc xuân mới một số tướng lĩnh đang tham gia Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. 

 Tại nhà riêng của Thiếu tướng Võ Sở – Ủy viên Ủy ban TW Mặt Trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam – Đoàn chúng tôi được ông tiếp đón thân mật và được tặng mỗi người một tấm thiếp chúc mừng năm mới của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Theo đó lần lượt đoàn chúng tôi đến thăm và chúc xuân mới tại gia đình các Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Bá Tòng; Thiếu tướng Trần Danh Bích; Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo và gia đình Thiếu tướng Tô Đa Mạn.

Điểm cuối của chuyến thăm là gia đình Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam. Tại đây Thiếu tướng Hoàng Kiền tặng các thành viên trong đoàn mỗi người một cuốn sách mang tên “ Tri thức và phát triển”. Trong cuốn sách này có bài viết về Tướng Kiền với cái tên “Vị tướng anh hùng và công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh”.  Tiễn chúng tôi ra cửa. Tướng Kiền và chúng tôi gặp một tình tiết nho nhỏ nhưng rất thời sự:  người đàn ông chừng 40 tuổi tay xách một túi quà kèm một hộp rượu ngoại thuộc loại hiếm gặp bước ra khỏi chiếc xe sang trọng đỗ trước nhà Tướng Kiền; anh ta tiến đến phía chúng tôi và hỏi thăm đến nhà một ông A,B nào đấy và chủ nhân ngôi nhà đang được tìm này theo người khách chẳng cần giấu diếm nói rõ luôn đó là một cán bộ đang công tác tại Bộ A,B nào đấy… Vì không biết nên anh Kiền từ chối … Còn chúng tôi lại trao thêm cho nhau một cái bắt tay. Cầm trên tay cuốn “ Tri thức và phát triển” chúng tôi thầm nói đùa với nhau: Ồ sao mình sướng thế, cầm trong tay cuốn sách nhẹ mà ấm lòng… Còn người đàn ông kia chắc chắn sẽ mỏi tay hơn mình vì ông ta còn và mãi còn phải đi tìm những nơi như vậy…

Đường phố Hà Nội những ngày này đâu đâu cũng đông lắm … Trong cái đông ấy chẳng biết có bao nhiêu người đang lận đận đi tìm cái tết cho gia đình vợ con. Bao nhiêu người đi thăm và chúc xuân như chúng tôi và bao nhiêu người đang phải đi tìm cái địa chỉ mà họ rất cần phải đến trong những ngày này như người đàn ông mà chúng tôi vừa gặp trước cửa nhà Tướng Hoàng Kiền hôm nay…

Vâng, Chúng tôi – những người lính Cụ Hồ; Chiến sỹ Trường Sơn anh hùng – Tướng quân gặp nhau ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào cũng là tay bắt mặt mừng, mang đến với nhau những món quà là những lời chúc, những mẩu chuyện về ký ức một thời Trường Sơn và những gì đang cùng làm ấm lòng cho nhau trong ngôi nhà chung – Hội Trường Sơn Việt Nam hôm nay. Thật vậy:

Gặp nhau vật chất chẳng màng

Nắm tay kể chuyện đại ngàn Trường Sơn

Phạm Sinh

 


[1] Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

[2] Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo cũng là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam từ 2004 – 2018

[3] NCSTS Nguyễn Thị Bình, quê gốc Nam Địnhlàm ăn và sinh sống nhiều năm tại TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn là hội viên Hội Trường Sơn và Hội Nữ Chiến sỹ Trường Sơn tỉnh Nam Định và là người có nhiều đóng góp nhất cho hai hội này.

[4]Ngoài việc tuân theo niêm luật của thơ Đường , thơ “Dĩ đề vi thủ”còn thêm các chữ đầu tiên của các câu hợp thành một câu thơ khái quát nội dung của cả bài.