Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, năm 1972 lớp lớp thanh niên nhiều người còn ngồi trên ghế nhà trường đều gác việc học lại, lên đường đi đánh giặc. C402-N41-P37 Nông Cống được thành lập với 173 thanh niên tuổi 17, đôi mươi. Ngày 10/4/1972 chúng tôi được phân công làm nhiệm vụ tại các trọng điểm Hàm Rồng, Cầu Tào, ga Nghĩa Trang. Là huyết mạch giao thông chính nên ngày nào máy bay cũng trút bom xuống nơi đây.
52 năm trôi qua, giờ kể lại vẫn còn chút bàng hoàng: Ngày 14/6/1972 máy bay Mỹ điên cuồng trút bom xuống Hàm Rồng. Máy bay gầm rú xuống thả bom rồi lại vút lên bất chấp pháo cao xạ của bộ đội ta bắn lên. Sau 30 phút máy bay rút đi, tiếng pháo cao xạ cũng chấm dứt để lại một cảnh tang thương: 68 sinh viên các Trường Cao đẳng y, Cao đẳng sư phạm Thanh Hóa, 4 TNXP đơn vị tôi đã hy sinh. Các anh được đưa về Trạm giao thông 4 làm lễ truy điệu.Thi hài các anh đã đưa vào quan tài thì cán bộ Tổng đội mang 4 bộ quân phục mới đếm, anh em lại bế các anh từ quan tài ra để thay quân phục mới.
Đơn vị chuyển về huyện Như Thanh vừa ứng cứu giao thông vừa tập hành quân dã ngoại. Tháng 7/1972 đơn vị tuyển chọn được 120 đồng chí hành quân theo đường giao liên vào Quảng Trị. Có hôm trời nắng như đổ lửa, ba lô hầm hậm trên lưng, lúc trời lại đổ mưa ba lô ướt sũng, nặng trĩu vẫn trèo đèo, lội suối, băng rừng của đại ngàn Trường sơn. Khi có đồng đội ốm 2 người phải đeo 3 ba lô, vác 2 bao gạo. Có phải đi từ 3 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới đến trạm dừng chân, ai cũng mệt rã rời. Có những chặng đường phải hành quân đêm trong im lặng để tránh cây nhiệt đới. Hành quân trên đất Quảng Bình đêm nào pháo Hạm đội 7 của Mỹ cũng bắn vào đất liền. Cùng hầm với nhân dân, sáng ra chứng kiến cảnh trâu bò, lợn gà chết vì pháo kích. Có chặng bị máy bay phát hiện, bắn pháo khói rồi dội bom, chạy tán loạn, rất may cả đơn vị đều an toàn. Có chặng đường do máy bay đánh phá không lấy được gạo phải ăn lương khô dự trữ, ngô, sắn, khoai dân hỗ trợ. Sau 43 ngày đêm, tháng 8/1972 chúng tôi có mặt tại đất thép Vĩnh Linh, chằng chịt hố bom, làng mạc xác xơ, đồi núi trơ trọi vì bom đạn. Đơn vị làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa vào kho dã chiến, san lấp hố bom, chặt cây, lát đường, lát ngầm cho xe qua.
Ngày 27/1/1973 hiệp định Pari được ký kết. Các nguồn lực tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh. Không còn cảnh bom đạn nhưng hàng ngày vẫn chứng kiến từng đoàn xe chở thương binh từ phía nam ra, không ai cầm được nước mắt. Chúng tôi ai cũng cầu mong miền nam giải phóng để khỏi phải chứng kiến cảnh tang thương do cuộc chiến tranh gây ra.
11 giờ 30 tháng 4 năm 1975 nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi vui sướng ôm nhau nhảy múa, đứa khóc, đứa cười vì quá sung sướng. Ngày 10/5/1975 đơn vị giải thể. Người ra quân, người đi học, người vào các công trường, nhà máy, xí nghiệp, người về với đồng ruộng. Đến nay chúng tôi đã lên ông, lên bà, có người đã lên chức cụ, gặp nhau vẫn mày tao, chi tớ như 52 năm về trước. Đến nay đã 5 lần chúng tôi tổ chức gặp mặt ngày truyền thống 30, 35, 40, 45, 50 năm. Mỗi lần gặp nhau bao kỷ niệm lại ùa về trong mỗi chiến sỹ TNXP đơn vị 3227, nghĩ lại 3 năm làm nhiệm vụ như một giấc ngủ ban trưa, có những sự việc diễn ra tưởng như trong mơ nhưng đó là sự thật.
Giặc Mỹ bắn phá điên cuồng
Ném bom rải đạn chặng đường ta đi
Tuổi xuân em có quản gì
Xung phong, tình nguyện em đi mở đường
Đêm ngày dãi nắng dầm sương
Dựa lưng vách núi, ngủ hầm rêu phong
Hàm Rồng em cũng góp công
Chiến trường kêu gọi xung phong lên đường
Ba năm lăn lộn chiến trường
Ba năm bom đạn cung đường Vĩnh Linh
Dạn dày khói lửa chiến chinh
Phá bom nổ chậm, thông đường xe đi
Tải lương, tiếp đạn quản gì
Đường ra tiền tuyến xe đi giục lòng
Đường qua Quảng Trị, Vĩnh Linh
Góp phần giải phóng ta mong từng ngày
Rợp trời cờ đỏ tung bay
Mùa xuân đại thắng tràn đầy niềm vui
Đắng cay mới có ngọt bùi
Mở đường gian khổ rạng ngời ngày mai
Giờ đây tóc đã bạc phai
Vài dòng nhớ lại một thời đạn bom.
Ảnh tác giả
Thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa
Ngày 15/5/2024
Lê Thị Năm