Cấu trúc của một văn bản pháp luật thường sẽ có 3 phần: Phần quy định chung; Phần nội dung chính; Phần Điều khoản thi hành. Khi dùng một văn bản, người đọc thường hay đọc, tìm kiếm trong phần nội dung mà không quan tâm đến hai phần còn lại. Chính vì vậy, người dùng văn bản pháp luật thường hay mắc phải những lỗi cơ bản như sau:
- KHÔNG ĐỌC PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH
Đây là những điều đầu tiên cũng như là cơ bản nhất của một văn bản. Nó cho biết rằng phạm vi điều chỉnh của văn bản này đến đâu và những đối tượng nào có thể áp dụng được những nội dung trong văn bản này. Từ đó, chúng ta có thể xác định được văn bản đó có giải quyết được vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu hay không.
Ví dụ: Tại Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế. Nếu không đọc phạm vi điều chỉnh thì chúng ta sẽ không biết được rằng việc đăng ký thuế của doanh nghiệp thành lập theo luật doanh nghiệp không được áp dụng theo thông tư này, và việc đăng ký thuế của doanh nghiệp thành lập theo luật doanh nghiệp được thực hiện cùng với việc đăng ký kinh doanh theo quy định tại luật doanh nghiệp. Rất nhiều trường hợp không đọc phạm vi điều chỉnh và áp dụng thông tư này để đăng ký thuế cho doanh nghiệp.
- KHÔNG ĐỌC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG
Nguyên tắc áp dụng được hiểu đơn giản là những nguyên tắc để áp dụng các quy định của văn bản pháp luật, đọc những điều khoản này để chúng ta biết được chúng ta phải áp dụng các quy định của văn bản đó như thế nào.
Ví dụ: Đối với các văn bản quy định về xử phạt hành chính, mọi người không đọc những nguyên tắc của văn bản thì không biết những mức phạt trong văn bản này là áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức và cách tính mức phạt đối với từng đối tượng. Nhiều người vẫn cứ lấy mặc định những mức phạt trong văn bản mà áp dụng để giải quyết tất cả các tình huống thì đôi khi lại không chính xác.
- KHÔNG ĐỌC PHẦN GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
Đọc giải thích thuật ngữ để biết được những thuật ngữ được sử dụng trong văn bản này được định nghĩa như thế nào, phạm vi của thuật ngữ đó đề cập trong văn bản này ra sao. Điều đáng lưu ý là có thể thuật ngữ đó ở văn bản này định nghĩa khác còn ở văn bản khác lại định nghĩa theo nội dung khác hơn theo nội dung, lĩnh vực mà văn bản đề cập.
Ví dụ: Cùng nội dung về người cư trú, thì tại Pháp lệnh 06/2013/UBTVQH13 về sửa đổi pháp lệnh ngoại hối và Thông tư 111/2013/TT-BTC về hướng dẫn luật thuế thu nhập cá nhân, thì quy định lại khác nhau. Nếu không tìm hiểu về các thuật ngữ của văn bản, thì tại Thông tư 95/2016/TT-BTC về đăng ký thuế thì người đọc có thể nhầm lẫn thuật ngữ tổ chức kinh tế trong văn bản này bao gồm cả doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp, nhưng trong văn bản này, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế là hai thuật ngữ riêng biệt.
- KHÔNG ĐỌC HIỆU LỰC THI HÀNH
Đọc phần này để chúng ta biết được văn bản này có hiệu lực từ thời điểm nào và những văn bản nào hết hiệu lực khi văn bản này có hiệu lực. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, có những văn bản phần hiệu lực thi hành không phải quy định hiệu lực của toàn bộ văn bản, mà có thể quy định một hoặc một vài điều khoản ngoại lệ có hiệu lực khác hơn so với cá điều khoản khác.
Ví dụ: Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Văn bản có hiệu lực từ 01/01/2016 nhưng có 2 khoản có hiệu lực vào 2 năm sau đó. Điều này chúng ta cần lưu ý để tránh áp dụng sai.
- KHÔNG ĐỌC ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP
Đọc phần này để chúng ta biết được từ khi những quy định trong văn bản này có hiệu lực thì việc thực hiện theo các quy định cũ được thực hiện chuyển tiếp như thế nào, hay lộ trình thực hiện các quy định văn bản trong tương lai.
Ví dụ: Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về việc sử dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng hóa, dịch vụ. Văn bản này quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải dùng hóa đơn điện tử và có hiệu lực từ 01/11/2018, nhưng không phải từ ngày 01/11/2018 doanh nghiệp phải chuyển sang dùng hóa đơn điện tử ngay lập tức, mà phải đề ra lộ trình thực hiện việc này đối với từng trường hợp cho đến năm 2020.
Hoặc khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực thì không để người tham gia bảo hiểm trước ngày luật này có hiệu lực thắc mắc chế độ hưởng hay việc tham gia thế nào, thì điều khoản chuyển tiếp quy định các quy định của luật này áp dụng đối với những người tham gia bảo hiểm trước khi luật này có hiệu lực./.
Theo FB Luat Bao Ngoc