Niềm tin là động lực thúc đẩy khát vọng

Đăng lúc: 07-12-2022 1:21 Chiều - Đã xem: 72 lượt xem In bài viết

Chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần, ông Vũ Trọng Kim (ảnh dưới) – nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người đã có một hành trình dài gắn bó, tâm huyết với công tác Đoàn và phong trào thanh niên – nhận định: Thế hệ trẻ ngày nay cũng giàu khát vọng và hoài bão, dù khác về cách thể hiện, nhưng không hề thua kém các thế hệ cha ông.

– Là một người đồng hành bền bỉ cùng phong trào thanh niên Việt Nam nói chung và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng, ông có cảm nhận điều gì về ý chí và khát vọng của các thế hệ thanh niên Việt Nam thời hiện đại?

– Đầu tiên, chúng ta cần phải khẳng định: Dù ở thời nào đi chăng nữa, một khi đã nằm trong các mối quan hệ xã hội và hình thành ý thức, thanh niên Việt Nam đều có khát vọng, đều mong muốn có một hướng đi cho riêng mình. Xưa và nay, thanh niên Việt Nam đều có chung một niềm tin, niềm tin vào lý tưởng và đường lối của Đảng.

Với thế hệ đi trước, khi đất nước còn bị đô hộ bởi đế quốc, thực dân, phong kiến…, người dân chỉ đau đáu một nỗi trăn trở: Nước mất thì nhà tan. Vì vậy, khi ấy khát vọng trong mỗi cá nhân là khát vọng “Độc lập, Tự do”. Khát vọng ấy cháy bỏng và khẩn thiết. Vào thời điểm đó, chúng ta may mắn có một Đảng thống nhất, để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng chung của quần chúng, từ đó gieo vào lòng mỗi con người niềm tin mãnh liệt về một tương lai độc lập và tự do. Và niềm tin sắt son này đã trở thành động lực, thúc đẩy khát vọng đi tới đích cuối cùng.

Ở thời hiện tại, khát vọng của thanh niên thời đại mới không còn chỉ là “Độc lập, Tự do” nữa, mà phải bổ sung thêm “Ấm no và Hạnh phúc”. Dân số của nước ta đã đạt đến gần 100 triệu người, hai phần ba lực lượng lao động là thanh niên, do vậy lực lượng mũi nhọn cũng chính là thanh niên. Từ phát triển khoa học kỹ thuật tới giữ gìn biên cương Tổ quốc, những nơi hiểm trở, những việc khó khăn nhất đều cần đến bàn tay thanh niên. Bác Hồ đã từng nói: “Thanh niên là rường cột của quốc gia”. Câu nói ấy vẫn luôn có giá trị.

Ngày nay, thanh niên đã có một hệ thống thông tin đủ rộng lớn để hình thành, xác lập một niềm tin, có khi chỉ cần một cái nhấp chuột! Và thế hệ trẻ đang đưa Tổ quốc Việt Nam “vươn mình ra biển lớn”, tiếp cận và làm chủ được công nghệ, thí dụ như về mạng không dây 4G, 5G, chúng ta tự hào là một trong những nước đi đầu.

Không nói đâu xa, chính tôi, những năm 90 thế kỷ trước, khi còn làm cán bộ Đoàn, ngồi làm việc bằng chiếc máy tính thô sơ, muốn có kết nối mạng thì phải nối dây. Tôi cùng các đồng nghiệp viết đề án tham mưu cho Chính phủ về công nghệ thông tin, mà lúc đó thấy mục tiêu có 100.000 lập trình viên đã là “con số trong mơ” rồi. Nhưng đến nay thì sao? Lập trình viên đã trở thành ngành hot, thu hút rất nhiều bạn trẻ. Chỉ ở một khía cạnh nhỏ như vậy thôi, chúng ta cũng đã thấy, lớp trẻ đang hiện thực hóa khát vọng của họ từng ngày!

Tôi biết có rất nhiều người ở thế hệ trước luôn nghĩ về thế hệ sau theo hướng: Con cháu của mình không bằng lớp trước. Đó là bệnh cố hữu của người già. Ở hai thời điểm lịch sử khác nhau, khát vọng của mỗi cá nhân sẽ thay đổi, vậy nên so sánh cái nào hơn cái nào cũng đều là khập khiễng. Điều mà chúng ta cần liên tục nhắc nhở với thế hệ sau là truyền thống anh hùng bất khuất. Trước kia là anh hùng bất khuất với giặc ngoại xâm, ngày nay là anh hùng bất khuất chống lại nghèo đói, lạc hậu. Trước kia, ông cha ta phải đánh đổi khát vọng bằng máu thịt, bằng sinh mạng, thì ngày nay, thanh niên thúc đẩy khát vọng bằng trí tuệ và nghị lực.

– Trong hành trình cùng người trẻ Việt Nam hiện thực hóa khát vọng của mỗi cá nhân và của cả đất nước, một số ý kiến cho rằng, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang có phần giảm sút. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

– Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố: Cơ cấu kinh tế và quy mô phát triển kinh tế. Dịch chuyển lao động, gắn với dịch chuyển dân cư hiện tại, cơ bản là khác trước rất nhiều. Trước đây, các tổ dân phố khá ổn định, cho nên việc nắm chắc được số lượng thanh niên, ổn định phương thức hoạt động, duy trì sinh hoạt của tổ chức đoàn cơ sở là rất thuận lợi. Nhưng hiện nay, do nhu cầu việc làm, thanh niên trở nên “động” hơn, linh hoạt hơn. Khi các bạn ấy đi làm cho các công ty, doanh nghiệp cảm thấy không phù hợp, “nhảy việc” là chuyện hết sức bình thường. Chính vì thế, lực lượng thanh niên trở nên khó nắm bắt hơn.

Thêm vào đó, trước đây các hoạt động Đoàn thường sẽ mang tính chất tập trung, vận động số lượng lớn thanh niên, người với người tương tác với nhau. Cho nên, chúng ta dễ thấy được những hoạt động cổ động sôi nổi. Nhưng hiện nay thì khác, họp Đoàn cũng có thể họp trực tuyến. Hình thức tương tác mới có thể tiếp cận đến nhiều thanh niên hơn, nhưng lại không tạo được hiệu ứng như mong đợi.

Hơn nữa, trước đây hình thức các hoạt động đóng góp cho xã hội thường là thủ công, thí dụ như thanh niên đào kênh, đắp mương, xây nhà cho người nghèo… Tính chất hoạt động ngày trước là đòi hỏi từ thanh niên sức lao động là chủ yếu. Còn bây giờ, các bạn trẻ có thể đóng góp cho cộng đồng bằng những cách thức đa dạng hơn, không cần “giăng cờ, đánh kẻng” khắp nơi nữa. Chính vì lẽ đó, có thể mọi người ít nhìn thấy hình ảnh của thanh niên và nghĩ rằng hoạt động của Đoàn không còn được sôi nổi.

– Như ông vừa nhắc đến, mạng xã hội đã trở thành một phần rất quan trọng của đời sống, nhất là đối với các bạn trẻ. Trên các nền tảng mạng xã hội, ông đánh giá thế nào về mức độ tiếp cận và tương tác của Đoàn với thanh niên?

– Đương nhiên rồi, hiện nay mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta đều có sự can dự của mạng xã hội. Đoàn hiện nay không chỉ ứng dụng mạng xã hội trong giao lưu, sinh hoạt thanh niên, truyền thông, tin tức, nâng cao nhận thức, giác ngộ lý tưởng cho thanh niên, mà còn hỗ trợ giải quyết cả các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, hỗ trợ công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Đoàn đã tổ chức nhiều cuộc thi có tính giáo dục cao như thi tiếng Anh, thi tìm hiểu an toàn mạng,… Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận này không hẳn là hoàn hảo.

Lớp trẻ ngày nay có tư duy phản biện rất tốt, tức là các bạn ấy khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì thì đều có thể nhanh chóng tìm hiểu lại và đính chính thông tin. “Sức đề kháng” của thanh niên hiện nay là rất cao, bởi họ sinh ra đã là thế hệ làm chủ công nghệ. Do đó, Đoàn Thanh niên chỉ cần đưa ra những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng khi cần thiết là được.

Điều tôi băn khoăn hơn lại là bộ phận thanh niên ở nông thôn, bản làng, vùng sâu, vùng xa, có tính chất ổn định về chỗ ở. Theo tôi, đối với họ vẫn cần cố gắng duy trì phong trào thanh niên trực tiếp, tập trung, để tránh những thông tin xấu độc từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của họ. Đặc biệt, phải kể tới những dạng tội phạm đang tìm mọi cách rủ rê, lung lạc các nhóm thanh niên thiếu “sức đề kháng” đối với những ẩn họa trên môi trường không gian mạng.

– Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo báo NHÂN DÂN cuối tuần ??̂́ ?? (????) ???̀? ??/??/????