Nỗi buồn chiến tranh…

Đăng lúc: 27-03-2018 9:32 Sáng - Đã xem: 151 lượt xem In bài viết

 

     Trong ký ức non nớt của tôi, những năm đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại quê hương thật thanh bình êm ả. Ở quê tôi về mùa hè có gió nồm từ phía phà Gianh thổi lại làm những cánh diều chao liệng giữa tầng không thật đẹp như mơ.

     Cánh diều bay cao nhất trong làng tôi là của anh Hoàng Hữu Thên. Con diều sáo của anh thả bản nhạc du dương lên bầu trời xanh lộng gió. Cho đến một ngày có một chiếc máy bay sơn cờ đỏ sao vàng bay đi bay lại rà sát trên ngọn tre. Ông nội tôi nói đó là máy bay đo đạc. Các chú đo đạc làm bản đồ của nước Việt Nam. Lũ trẻ con chúng tôi lon ton chạy giữa cánh đồng bông nở trắng phau nhìn theo chiếc máy bay trên trời. Mỗi khi chiếc máy bay vòng lại chúng tôi lại vỗ tay hoan hô khản cả cổ họng. Không biết chú phi công có trông thấy chúng tôi không.

      Lớn lên chút nữa tôi chạy theo các anh học sinh lớp trên chăn bò, xem đánh trận giả. Lũ thiếu niên hai làng Minh Lệ, Hòa Ninh lấy đất ném nhau. Họ bóp đằng sau bắp đuôi những con bò đực của hợp tác làm ngựa chiến phi lên, miệng hô xung phong. Người nào cũng có một thanh gươm bằng gỗ sơn hai màu đen, trắng trông thật oai phong lẫm liệt. Rồi họ lao vào vật nhau giữa đồng Đập Ngang trên lăng mụ Bang. Làng Minh Lệ có anh Thanh con ông Bôi, làng Hòa Ninh có anh Phúc làm “tướng” chỉ huy. Sau đó không lâu người lớn cũng tập trận. Đó là các anh, các chú dân quân nai nịt gọn gàng, lưng đeo vòng lá ngụy trang bằng lá cây đùng đình, vai mang khẩu súng gỗ và chùm lựu đạn cũng bằng gỗ. Anh Thên là một người thợ mộc tài hoa nên làm cái gì cũng đẹp. Khẩu súng và chùm lựu đạn của anh trông qua như thật. Hai đội quân xanh, đỏ đuổi nhau từ trong làng ra cánh đồng bông. Rồi họ tập ngắm bắn bằng súng thật trên động Lòi. Mấy tháng sau giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Những năm tháng bình yên của tuổi thơ tôi đã hết. Xã đội mang súng về phát cho dân quân.

     Tôi còn nhớ sáng mồng 5 tháng 8 năm 1964, chúng tôi đang nghỉ hè thì thấy từng tốp 3, 4 chiếc máy bay giặc Mỹ bay ra đánh tàu hải quân trên sông Gianh. Những chiếc máy bay phản lực lồng lộn gầm gào như những con thú bị thương chứ không phải thân yêu như chiếc máy bay đo đạc của chúng tôi. Pháo cao xạ của hải quân hòa với tiếng súng trường của dân quân bắn lên rầm trời. Bà con xóm Bắc xuống ẩn nấp dưới hào ông Duê. Khu vườn nhà ông Duê rộng đến 7 sào, xung quanh là giao thông hào có bóng tre phủ kín. Nghe nói giao thông hào này ông đào từ hồi chống Pháp.

     Xóm Nam nằm sát bên bờ sông Gianh là nơi tập kết hàng hóa của nhà nước. Giặc Mỹ ném bom na pan đốt cháy cả xóm nên các kho hàng gửi trong dân cũng bị cháy hết. Xóm Nam phải sơ tán ra xóm Bắc. Một số gia đình chạy sang rú Ma Ca. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Làng tôi hầu như tuần nào cũng có người chết. Đã có mấy đứa bạn học cùng lớp với tôi bị dính bom. Một quả bom ném trúng căn hầm giết chết 11 người trên cánh đồng Giếng Vường. Gia đình bà cô đầu của tôi bị bom thả trúng hầm, cả nhà chết hết. May mà hai vợ chồng anh Trần Hữu Tuề đi bộ đội thoát chết.

     Chiến tranh đến, trai tráng cả làng đều ra mặt trận. Ở làng chỉ còn phụ nữ với người già. Chị em ra đồng tay cày tay súng. Năm 1966, Xã đội nhận thêm súng K44 về phát cho dân quân. Đạn dược trong kho Hiệp Lực chuyển về đình làng Minh Lệ, giữa cánh đồng làng. Xã đội nhận về hai khẩu súng máy 12 li 7 phát cho trung đội nữ dân quân trực chiến. Chị Hoàng Thị Hữu làm trung đội trưởng. Cả trung đội thay nhau đào đắp công sự khắp địa bàn cả xã. Công sự hình tròn đắp cao quá đầu người, bán kính khoảng 2 mét. Hai khẩu đội cách nhau gần 3 chục mét. Chị Hữu cầm cờ đứng ở giữa trung tâm chỉ huy. Trận địa di chuyển khắp nơi. Khi mùa khô các chị vác súng về chốt ở các cánh đồng Hói Đồng, Đập Ngang, Giếng Đồng, mùa mưa lại chuyển sang Đồng Đưng trên cao bên kia con sông Nan hay trên cánh đồng Bàu giáp xã Quảng Sơn. Khi 2 khẩu đội 12 li 7 dời về trận địa Giếng Đồng chúng tôi thường chăn bò gần đó để xem các chị bắn. Khi có máy bay bổ nhào là chúng tôi nhảy xuống các hầm tròn. Hết máy bay mấy đứa lại nhảy lên khỏi hầm chạy đến trận địa tranh nhau nhặt ca tút về làm cán liềm hay cắt ra làm thìa. Về sau vỏ đạn nhiều quá nên chẳng ai buồn lấy nữa. Khi ngớt tiếng máy bay các chị thường treo chiếc máy bay giả làm bằng gỗ lên một cây tre tập ngắm bắn.

Bà Hoàng Thị Hữu (phải), bà Nguyễn Thị Miện (trái) đang ôn lại trận đánh năm xưa trên trận địa Giếng Đồng

 Một chiều mùa hè năm 1967, chúng tôi đang chăn bò trên Giếng Đồng thì có hai chiếc máy bay F4H từ ngoài biển bay vào. Có lẽ là máy bay của Hạm đội 7. Hai chiếc bay dọc theo dãy núi Ba U thì quành lại lượn một vòng trên bầu trời làng Minh Lệ. Đứng giữa trận địa, chị Hữu hô to: “Các khẩu đội chú ý! Bám sát mục tiêu. Chiếc thứ 2 có hiện tượng bổ nhào. Hướng 34, cự li một ngàn tám, điểm xạ dài”. Lá cờ lệnh trên tay chị giật mạnh, cả 2 khẩu 12 li 7 rung lên, hòa với tiếng súng trường nổ ran khắp nơi. Thằng giặc lái thoát được lưới lửa phòng không, đã kịp nã một loạt rốc két xuống xóm Bắc. Loạt đạn địch bắn xuống chòm Minh Hòa. Anh Thên người thợ mộc tài hoa của làng tôi hy sinh tại trận. Anh Trương Dum bị thương vào thái dương. Anh kê khẩu trung liên trên chiến hào đứng bắn. (Ba tháng sau bị nhiễm vi trùng uốn ván anh Dum cũng hy sinh).

     Máy bay địch đã phát hiện được hai loạt đạn 12 li 7 bắn lên ở Giếng Đồng. Lần này chúng tính kỹ cách đánh vào trận địa phòng không của ta. Lợi dụng hướng nắng chói chang của mặt trời tháng 6, chúng chọn hướng 2 để bổ nhào. Hướng 1 là phía Bắc, hướng 2 phía tây, hướng 3 phía Nam, hướng 4 phía Đông. Vẫn chiến thuật cũ, một chiếc từ phía núi Nhà Ngùi lao xuống, chiếc bay sau cảnh giới. Chúng quất ràn rạt đạn 20 li vào trận địa của ta. Chị Nguyễn Thị Miện là pháo thủ số 2, bị mảnh đạn sớt qua mang tai, chị Hữu bị mảnh đạn cắm vào bắp chân máu chảy ròng ròng. Hai xạ thủ số 2 bình tĩnh quay nòng súng theo lệnh chỉ huy. Chờ cho chiếc máy bay thứ 2 lọt vào thước ngắm “to bằng con vịt” chị Hoàng Thị Hén và chị Hoàng Thị Thảy pháo thủ số 1 mới siết cò. Các chị đã kéo gần hết cả băng đạn. Chiếc máy bay tròng trành ngóc đầu lên rồi ngụp xuống, nó gắng gượng đến hòn Léc thì sập hẳn. Thằng phi công đã kịp bung dù nhảy ra nhưng bị dân quân huyện Bố Trạch băng rừng đến tóm gọn. Chiếc còn lại hoảng hốt quăng bom xuống xóm Nam rồi chuồn thẳng…

Hợp tác xã Minh Lệ đã làm thịt một con lợn liên hoan chúc mừng chiến công của trung đội trực chiến nữ dân quân. Nhà thơ “chân đất” Trần Xuân Sang đã viết một bài vè “Người mẹ pháo thủ đảm đang” biểu dương chị Hoàng Thị Hén (tức Hoàng Thị Hiên) đăng trên báo Quảng Bình.

“Vè này kể chuyện chị Hiên

Tức Hoàng Thị Hén tuổi tròn ba mươi

Nét xuân xanh vẫn còn tươi

Ba con mà vẫn yêu đời hết chê

 

Đảm đang trọn vẹn mọi bề

Tay cày tay súng quản gì gian nan

Nuôi con khỏe, dạy con ngoan

Trưởng thành khôn lớn xóm làng tin yêu

 

Niềm vui bỗng đến trong chiều

Mùa xuân cánh én mang nhiều ước mơ

Hiểu sâu ý tứ trong thư

Đọc thư chồng Hén thẩn thơ bồi hồi

 

Thấm từng ý, thắm từng lời

Tương lai bừng nở cuộc đời đẹp hơn

Càng yêu đất nước quê hương

Căm thù giặc Mỹ, coi thường khó khăn

 

Năm canh thức suốt cả năm

Bên đàn con nhỏ trở trăn lời chàng

Đơn tình nguyện đã sẵn sàng

Làm pháo thủ lửa thử vàng bao phen

 

Thế là Hén được ghi tên

Vào đội trực chiến ngày đêm canh trời

Súng vươn cao thép sáng ngời

Tầm quay bốn hướng đất trời chao nghiêng

 

Quanh quanh trận địa bom rền

Con ma thần sấm cuồng điên lượn vòng

12 li 7 lên nòng

Máy bay bốc cháy hóa thành than tro

 

Dân làng phấn khởi reo hò

Đội nữ pháo thủ thắng to trận đầu….

                             * * *

Trận đánh xảy ra đã trên năm mươi năm. Cả trung đội lúc đó chỉ có 2 người có con. Người lớn tuổi nhất là bà Hoàng Thị Ruyễn (làm y tá), nay đã 88 tuổi. Người lớn tuổi thứ hai là bà Hén (tức Hiên). Cũng xin nói thêm vài lời về bà Ruyễn, người mẹ suốt một đời đánh giặc. Hồi đồn Tây đóng trên động Lòi, biết đồn trưởng Tôn Thất Ân người Huế, khá đẹp trai, có học thức, biết ăn nói nhưng rất đa tình. Các đồng chí ở Trung đoàn 18, trên chiến khu bày kế “Mỹ nhân” để vận động lính bảo vệ về với cách mạng. Lúc này cô Ruyễn mới mười chín, đôi mươi, khuôn người đầy đặn, nước da trắng mịn màng với mái tóc dài, dễ coi. Cô Ruyễn tình nguyện đi tỏ tình với đồn Ân. Nhiều chị em khác cũng xung phong tiếp cận với binh lính địch trong đồn hoặc vợ con của họ để thuyết phục chồng, con trở về.

Một hôm, cô Ruyễn đang băm lá (cho bò đạp làm phân) thì bọn lính trên đồn xuống chòng ghẹo, buông lời tán tỉnh. Trông thấy cô, đồn Ân như bị hút mất hồn. Thật là một dịp may hiếm có, Tôn Thất Ân thả lời tỏ tình rất văn hoa. Cô ỡm ờ nói “ưng” nhưng “sợ quê mùa không cân xứng với ông đồn trưởng”. Từ đó, đồn trưởng Tôn Thất Ân thường qua lại nhà cô Ruyễn luôn. Bọn lính trên đồn bớt hung hăng tàn phá xóm làng, đặc biệt là xóm Nam của cô. Cô nói rằng đi lính “bảo vệ” thì việc sống chết không biết khi mô mà lường. Cô phân tích nỗi nhục nhã của người lính “bảo vệ” bán nước, hại dân. Cô khuyên đồn Ân trở về với nhân dân để “đôi ta nên vợ nên chồng”. Lồng trong “thông điệp tình yêu” là bức thư địch vận. Cô Ruyễn cùng một số chị em trong tổ địch vận đã nắm bắt được Tôn Thất Ân. Đồn Ân đã vẽ lại sơ đồ bố trí ụ súng, công sự và viết thư báo cáo lực lượng trong đồn cho Ban Chỉ huy trung đoàn 57. Tôn Thất Ân đã quyết định làm binh biến kéo cả đồn theo ta. Trung đoàn 57 đã giao cho tiểu đoàn 418 chuẩn bị phương án để đánh đồn. Kế hoạch chưa kịp thống nhất thì đã bị bại lộ. Địch chuyển Tôn Thất Ân vào Đồng Hới, đưa tên Tôn Thất Xứng về thay. Xứng là một tên tay sai gian ác. Chúng bắt cô vào giam trong nhà lao Đồng Hới, đến ngày hòa bình mới được trao trả. Bà sống trọn đời bên người chồng Thiếu tá đặc công…

Những chị em khác trong trung đội kém may mắn hơn. Hết chiến tranh, hầu hết những người chồng thân yêu của họ nằm lại nơi chiến trường miền Nam. Bản thân họ, người hy sinh, người bị thương tật, bị chất độc da cam, hết khả năng sinh nở…

Sau lệnh ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc của Tổng thống Johson có hiệu lực (ngày 1 tháng 11 năm 1968), tất cả các chị em chưa có con cái đều xung phong vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Họ tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nhiều người phục vụ chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Có người ở lại các binh trạm Đoàn 559, bệnh viện dã chiến chăm sóc thương binh, trở thành bộ đội Trường Sơn, “bộ đội không sao”. Chị Hữu vào mặt trận được 6 tháng thì nghe tin chồng bị hy sinh.

Chị Hoàng Thị Đào, ngày cưới hai vợ chồng chỉ ngủ với nhau được một đêm là vào chiến trường. Ngày mùng 1 tháng 5 năm 1970, ngày Quốc tế lao động, Hoa Kỳ tuyên bố ngừng bắn. Tranh thủ ngày ngừng bắn chị em lên phá đá mở đường. Giặc Mỹ lật lọng đến thả bom. Khi anh Hoàng Văn Em, chồng chị đến thăm thì chị đã hy sinh trước đó đúng một tiếng đồng hồ.

Chị Hoàng Thị Thảy may mắn gặp được chồng ở chiến trường nhưng sau ngày kết thúc chiến tranh anh mãi mãi không về. Giọt máu của anh để lại trong một lần gặp gỡ giữa rừng Trường Sơn đã bị di chứng chất độc da cam – dioxin. Chất độc da cam cứ bám riết lấy cuộc đời chị. Chị đã mất vì bị bệnh tim và bệnh tiểu đường. Đứa con trai độc nhất của anh để lại là Hoàng Văn Thân. Cháu Thân bị bệnh kinh niên nhiều khi lên cơn đau van la, gào thét. Thân lấy vợ sinh con, hai đứa đều bị tật nguyền. Thằng con trai út học đến lớp 8 thì bị chết vì ung thư máu, đứa con gái bị ốm quặt quẹo quanh năm phải nằm trong bệnh viện.

Chị Miện lấy chồng suốt 15 năm trời không sinh nở. Ra khám bệnh tại viện Việt Đức ngoài Hà Nội, Bác sỹ cho biết là chị đã bị nhiễm chất độc da cam không thể có con được nữa. Rất thương chồng nên chị kiên quyết giải thoát cho anh. Sống một mình, chị đến nuôi con của đồng đội, những cựu chiến binh góa vợ, góa chồng cho nguôi ngoai nỗi cô đơn. Chị tình nguyện đến 6 gia đình làm mẹ nuôi các cháu trưởng thành. Khi cất bước ra đi đến ở gia đình khác chị không đòi hỏi một thứ gì mang theo. Khi trở thành bà lão chị mới trở về làng dựng lên một ngôi lều lợp bằng lá cọ. Hội cựu chiến binh xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã dựng cho chị một ngôi nhà tình nghĩa. Đêm đêm những nữ cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong lại đến ngủ chuyện trò cùng chị. Chị tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong và hội Người Cao tuổi.

Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm nhưng nỗi đau chiến tranh còn đó. Có những người bạn học của tôi cũng đã nằm lại chiến trường. Anh Trương Văn Thanh người đại tướng chỉ huy lũ chăn bò của làng tôi đánh trận giả đã hy sinh tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Đặc biệt các cựu chiến binh trung đội 12 li 7 năm xưa giờ đây phiêu tán cả. Phần lớn các chị sống ở các nơi ít khi trở về làng. Các chị đã hy sinh một phần đời, cống hiến tuổi thanh xuân đấu tranh để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

                                                    Ghi chép của Hoàng Minh Đức

Trường THCS Quảng Minh – Thị xã Ba Đồn- Quảng Bình