Nữ cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, giàu lòng nhân ái

Đăng lúc: 03-11-2019 9:55 Chiều - Đã xem: 126 lượt xem In bài viết

Qua bà Hồ Thị Nhụy – Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tiến Thành (thị xã Đồng Xoài, huyện Bình Phước), tôi được biết thêm một hội viên làm kinh tế giỏi và có lòng nhân ái giúp đỡ người nghèo, đó là nữ cựu TNXP Trần Thị Cảnh (SN 1952)…

Cựu TNXP Trần Thị Cảnh cùng chồng tại nhà riêng.

Nhớ những ngày “cháo sắn ấm lòng”

       Chị Cảnh quê ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chị tham gia lực lượng TNXP vào tháng 3/1972, thuộc Đại đội C446, Đội N44, Tổng đội 67 Quảng Bình. Đến 30/4/1975, chị Cảnh trở về địa phương và công tác ở Ty Thương binh – Xã hội tỉnh Thanh Hóa.

       Chị Cảnh nhớ lại: Trong thời gian làm con đường đi qua Lèn Bạc thuộc huyện Lệ Thủy, do chưa tiếp tế lương thực vào được nên ai cũng đói. Chị em phải vào trong làng để xin dân ít sắn về bào ra để nấu cháo ăn lót lòng. Cái nắng ở Lệ Thủy, Quảng Bình chói chang lắm, mà các làng ở huyện Lệ Thủy chỉ thấy toàn cát trắng là nhiều. Thời chiến tranh máy bay Mỹ tàn phá đi tàn phá lại, nên ít có làng quê giữ được màu xanh nguyên vẹn. Cánh đồng, cây trái, làng mạc lỗ chỗ hố bom, hố pháo Mỹ. Khi các chị đi đa số đều tuổi 17, 18, sức trẻ phơi phới. Vậy mà chỉ một năm sau, người xanh xao, mái tóc rụng vơi dần. Dân thương và quý lắm, bảo: “Sắn đó, mấy o cứ ra nương mà nhổ, không can chi mô, có đói, có cực với nhau. Mấy đứa tóc tai, áo quần dính bụi đường, rứa thì mạ chỉ cho trái cây rừng bứt về vò ra bọt gội đầu, giặt giũ áo quần…”. Mà thật nghe mấy mạ chỉ, các chị hái trái cây đó về vò gội đầu và giặt aó quần cũng đỡ phần nào. Các mạ còn cho gà đem về nấu cháo cho những chị em bị ốm. Lúc đó chị Cảnh vừa 17 tuổi, xinh lắm, ai cũng gọi là “Hoa khôi Lèn Bạc”, cả mấy o trong làng cũng gọi thế… Chị Cảnh cười, ánh mắt còn giữ nét duyên dáng, xinh xắn của thời “Cô gái mở đường ra đi cứu nước/ Mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…”.

Kỷ niệm xưa còn đó…

      Chị Cảnh kể tiếp: Về lán trại, dù ngày hay đêm hễ nghe tiếng máy bay phản lực bổ nhào, hướng bom nổ là các chị mang cuốc xẻng có mặt liền. Nếu tắc đường do hố bom hoặc cây đổ ngã ngang, phải gấp rút đốn cây, lấp hố bom cho thông đường. Tối về lán, lớp đói và rét, nhất là vào mùa đông giá, nhiều đứa không chịu nổi ôm nhau khóc tỉ ti, chỉ mong sao mau đến ngày thống nhất đất nước, để về đoàn tụ cùng gia đình. Nơi các chị làm trục đường đi qua mỏ đá Lèn Bạc, có đơn vị bộ đội đóng quân gần bên, cũng đỡ phần nào cô đơn, hơn nữa cũng có nhân dân và lãnh đạo địa phương đùm bọc. Có một hôm các anh bộ đội sang chơi, biết chị em đang… đói. Các anh gói qua ít bánh mì luộc. Thứ bánh mỳ bột đen đen, chị em ăn khen ngon. Tối đến TNXP cùng bộ đội ca hát, nhạc cụ là những cái thau nhôm, thùng làm bằng ống pháo sáng đựng nước. Thế mà…,  qua ngày sau đơn vị lại mất đi hai đứa, máy bay Mỹ thả bom sập hầm chữ A, hai đứa bạn cùng quê hy sinh một lúc. Chị Cảnh nghẹn ngào nhớ lại.

         Sau giờ làm, các chị lại vào các khe suối mò cua bắt óc về cải thiện bữa ăn. Chị Cảnh được đơn vị chỉ định làm “chị nuôi” vì có tài dân vận. Các chị nấu cơm vắt theo phần, suất đơn vị rồi gánh ra hiện trường…

Trở về đời thường, lao động, hạch toán kinh doanh giỏi và làm từ thiện

         Về quê lấy chồng sinh con, chị Cảnh cùng gia đình vào tỉnh Bình Phước lập nghiệp làm kinh tế. Ban đầu có ít vốn, chị Cảnh mở quán tạp hóa và kết hợp chăn nuôi gia súc. Khi kinh tế tương đối, chị đầu tư vào việc kinh doanh bất động sản (mua bán đất), trong làm ăn, chị luôn gặp may mắn, thuận lợi. Từ nữ TNXP nơi chiến tuyến khói lửa Quảng Bình, chị Cảnh trở về như bao đồng đội khác chỉ hai bàn tay trắng. Nhờ trí thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát trong việc làm ăn nhằm phát triển kinh tế gia đình, chị đã vượt qua cảnh đói nghèo. Hiện nay ngoài ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, xe hơi, xe máy đắt tiền, chị Cảnh còn sở hữu mười mấy nền đất mặt tiền thị xã để làm quán, nhà hàng, cho các con chị kinh doanh, còn lại vợ chồng an phận tuổi già.

        Năm 2016, chị Cảnh đã giúp đỡ 15 triệu đồng góp xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho một thương binh ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Tặng 2 sổ tiết kiệm cho 2 gia đình cựu TNXP nghèo thời chống Mỹ cứu nước.

         Hàng năm cứ đến ngày 27/7, chị Cảnh lại đi vận động đóng góp tặng quà cho các gia đình chính sách. Trong 50 phần quà mỗi năm, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng thì trong đó chị Cảnh đóng góp trên 3 triệu đồng. Ngoài ra chị còn ủng hộ giúp đỡ Hội xã, phường nơi cư trú trong các đợt luyện tập và hội diễn văn nghệ quần chúng, do Thị Hội hoặc Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức hàng năm.

         Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, TNXP Trần Thị Cảnh đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Hội Cựu TNXP xã Tiến Thành có những hội viên tích cực như chị Cảnh đáng để đồng đội noi theo học tập. Chị luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng đội lúc khó khăn. Đây là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi và giàu lòng từ thiện, góp phần xây dựng tổ chức Hội ở Bình Phước vững mạnh./.

DUY HIẾN