Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sớm mồ côi cha từ năm lên 2 tuổi, phải sống cuộc sống khó khăn, thiếu thốn… nhưng những khó khăn thiếu thốn đó không hề ngăn được chí quyết tâm của người con gái trẻ và chị đã tình nguyện đi TNXP năm 1965 khi mới tròn 15 tuổi.
Người đội viên TNXP ấy là chị Nguyễn Thị Thanh Lịch, ít tuổi nhất, bé nhỏ nhất đơn vị 373, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chị đã cùng đơn vị trụ lại tuyến Đường 20 Quyết Thắng, nơi là trọng điểm máy bay Mĩ thường xuyên đánh phá ác liệt nhất. Gian khổ hy sinh là thế, song người TNXP trẻ ấy đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được kết nạp vào Đảng tháng 11 năm 1968.
Những ngày tháng chiến đấu gian khổ và cùng với những cơn sốt rét triền miên đã làm sức khỏe của cô giảm sút, chị được chuyển ra Bắc học tại Đại học Giao thông vận tả. Khi ra trường chị công tác tại Công ty Ô tô số 8 Hà Nội.
Với những kiến thức được trường đào tạo và nghị lực được tôi luyện ở chiến trường ác liệt và để thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa “Ai còn sống trở về thì phải làm giàu để giúp cho đồng đội còn sống gặp khó khăn và phải làm cho cả những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường”, chị đã quyết tâm làm giàu.
Ngay sau khi được nghỉ công tác theo Quyết định 176 của Chính phủ, chị bắt đầu việc buôn bán nhỏ trong thời kỳ bao cấp để gom nhặt từng đồng, khi đã có số vốn khá, chị bắt đầu thành lập Công ty TNHH Thanh Lịch tại Hà Nội và mở chi nhánh tại Ninh Bình. Đến nay Công ty của chị đã phát triển tập trung ở Ninh Bình tại 3 cơ sở: thành phố Ninh Bình, thị trấn Nho Quan và thành phố Tam Điệp, làm đại lý ủy nhiệm cho Công ty Honda Việt Nam. Hàng năm doanh thu của Công ty đạt bình quân 100 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 200 triệu đồng; thường xuyên đảm bảo việc làm cho 40 – 50 lao động (chủ yếu là con em đồng đội), bình quân lương người lao động từ 6 – 7 triệu đồng / tháng.
Hàng năm Công ty của chị đã trích một phần lợi nhuận đóng góp giúp con em đồng đội gia đình khó khăn, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ.
Với trách nhiệm là Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình từ 2009 đến nay, chị đã hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của Tỉnh hội (khi chưa có kinh phí hoạt động); cho gặp mặt đồng đội, thăm hỏi, tặng quà cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn nhân ngày lễ tết, ngày truyền thống hàng trăm triệu đồng. Chị đã hỗ trợ kinh phí xây một ngôi nhà tình nghĩa cho cựu TNXP Vũ Thị Não đơn thân ở Gia Xuân – Gia Viễn – Ninh Bình (ảnh dưới).
Chị tâm sự: Là một cựu TNXP như bao đồng đội, tôi đã trở về trọn vẹn và có cuộc sống gia đình khá đủ đầy, nhưng trong tôi những hình ảnh đồng đội khi ngã xuống đã thều thào nói với tôi rằng: “Cố sống để trở về…”. Những hình ảnh ấy luôn là động lực giúp tôi vươn lên, làm cho mình và làm cho cả đồng đội, cố gắng nhiều để vượt qua sức khỏe của tuổi già vì tôi đã ở tuổi 70, giúp một phần cho anh em đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên con cháu duy trì và phát triển hoạt động của Công ty để góp phần nâng cao đời sống người lao động. Điều mà tôi mong muốn nhất là mọi cựu TNXP được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước như cựu chiến binh bởi TNXP cũng gian khổ đổ xương máu không khác gì bộ đội.
Chị đã được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Ninh Bình./..
LÊ THỊ LAN
Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình