Phạm Duy Chúc, người con ưu tú của quê hương đất tổ

Đăng lúc: 16-09-2017 9:57 Chiều - Đã xem: 164 lượt xem In bài viết

Đồng chí Phạm Duy Chúc, sinh ngày 22/7/1933, trong một gia đình nông dân tại thôn La Hào, tổng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nay là xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; là một trong những địa danh lịch sử từ thời Hùng V­ương dựng n­ước, nơi Hai Bà Tr­ưng đã từng tới luyện quân, tụ nghĩa; là một trong những căn cứ địa của tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước năm 1930. Nhân dân nơi đây vốn cần cù, nhân ái, kiên cư­ờng, bất khuất, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ để sinh tồn và phát triển. Từ ngày có Đảng, nhân dân xã Xuân Lộc đã một lòng, một dạ theo Đảng, tham gia kháng chiến, kiến quốc, lập nhiều thành tích xuất sắc, đư­ợc Đảng, Nhà n­ước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, tháng 8 năm 1949, vừa tròn 16 tuổi, đồng chí đã tham gia tổ chức thanh niên cứu quốc, rồi trở thành cốt cán của Đoàn thanh niên ở cơ sở. Đầu năm 1952, đồng chí tình nguyện tham gia đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Hoà Bình. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại trận công kiên đồn Tu Vũ. Hết chiến dịch, đồng chí trở về địa phương tiếp tục công tác. Cuối năm 1953, huyện Thanh Thủy thành lập Đại đội Thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí tình nguyện tham gia và được Đoàn Thanh niên Cứu quốc phân công tham gia phụ trách đơn vị. Những ngày phục vụ chiến dịch, đồng chí cùng cán bộ, chiến sỹ ngày đêm mở đường, phá bom nổ chậm, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông, bơi mảng chở bộ đội, dân công qua sông, qua suối; vận chuyển vũ khí, lương thực, cung cấp cho chiến trường; cứu thương và giải quyết hậu quả sau mỗi trận đánh tại các cao điểm: Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin… Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó…”, với tinh thần “Tất cả vì nhiệm vụ, tất cả cho chiến thắng”, được giao bất kỳ nhiệm vụ gì đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc. Trong một lần làm nhiệm vụ cứu thương đồng chí bị bom napan thiêu cháy mặt mày, tay chân phồng rộp, đồng đội phải đưa vào bệnh xá tiền phương điều trị. Kết thúc chiến dịch, Phạm Duy Chúc vinh dự được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua của mặt trận; được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được đi dự Đại hội mừng công. Tại Đại hội, đồng chí được gặp Bác Hồ, vinh dự được Bác tặng tấm ảnh có chữ ký của Người.

Từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về, quê hương đồng chí thuộc giáp ranh giữa vùng tự do với vùng địch tạm chiến, trở thành vành đai trắng, ruộng đồng hoang hoá, đầy rắn rết, bom mìn. Lãnh đạo địa phương gợi ý đồng chí đi công tác thoát li. Với suy nghĩ, thời kì kháng chiến, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đầy rẫy khó khăn gian khổ cũng đã vượt qua. Nay công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất nông nghiệp, giải quyết cái ăn, cái mặc cho dân, rất cần sức trẻ. Nên dù chỉ với hai bàn tay trắng, đồng chí quyết tâm xin ở lại quê hương vận động nhân dân khai phá đồng hoang trồng hoa màu ngắn ngày chống đói. Đồng chí đi đầu trong việc xây dựng mô hình tổ đổi công trong thôn xóm, hướng dẫn nông dân giúp nhau giải quyết những khó khăn sau chiến tranh. Từ phong trào tổ đổi công khá mạnh, năm 1958, làng La Hào – quê đồng chí, được Thanh Thủy chọn làm điểm xây dựng HTX nông nghiệp đầu tiên của huyện.

Từ đầu năm 1955 đến hết năm 1959, đồng chí làm Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn La Hào; Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp; ủy viên thư ký UBHC xã Xuân Lộc. Công việc gì đồng chí cũng gương mẫu đi đầu, từ cải tiến công cụ sản xuất như cào cỏ, xe cải tiến, đến vận động nhân dân đào mương chống hạn, hưởng ứng các phong trào thi đua: “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa“, “Nghiêng đồng đổ nước ra sông“, “Kiện tướng làm phân” cho ruộng đồng. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Nông nghiệp toàn quốc tháng 3/1957, đồng chí được báo cáo điển hình và vinh dự được Bác Hồ trực tiếp gắn huy hiệu của Người. Năm 1958, đồng chí là chiến sĩ thi đua đi dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua Công nông binh toàn quốc, được Bác Hồ tặng 5m vải ka-ki màu. Ngày 29/11/1959, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.

Từ năm 1960 đến hết năm 1963, đồng chí làm Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Võng La tham gia ủy viên BCH Tỉnh Đoàn Phú Thọ; ủy viên BCH Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, đồng chí tổ chức nông dân đi khai hoang vỡ đất xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Yến Mao; đắp đê ngăn lũ Sông Đà, biến ruộng một vụ thành hai vụ; cải tiến kĩ thuật trồng trọt đưa năng suất lúa từ 72kg lên 120 kg/sào/vụ. Nhận thức rõ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, đồng chí rất quan tâm đến sức kéo. Mùa đông giá rét, hầu như đêm nào đồng chí cũng đi kiểm tra và tự tay che đậy lại những chuồng trại trống trải. Cùng với chăm lo sản xuất, đồng chí còn quan tâm nhiều đến hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng Đội văn nghệ quần chúng và Đội múa rối của xã. Ngày 18/8/1962, Đội múa rối xã Xuân Lộc vinh dự cùng Đoàn văn công tỉnh biểu diễn cho Bác Hồ xem nhân dịp Bác lên thăm Phú Thọ. Thời kỳ này, trên các trang báo, sách giáo khoa đã xuất hiện những bài: “Anh chủ nhiệm“; “Đàn gà nhà anh Chúc“; “Giàn bầu, bí nhà anh Chúc“; “Tiếng sáo thổi ngược sông Đà” …. nói về người Chiến sỹ thi đua nông nghiệp Phạm Duy Chúc. Một vinh dự lớn đã tới, tại Đại hội liên hoan các Anh hùng và Chiến sỹ thi đua toàn quốc tháng 5 năm 1962, tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Phạm Duy Chúc được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lao động (Quyết định số 35/QĐ-CTN, ngày 5/5/1962, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký) và anh được tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. Cùng năm đó, xã Xuân Lộc – quê hương anh – được Bác Hồ gửi tặng một chiếc máy cày Liên Xô và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm.

Ngày 26/4/1964, đồng chí được bầu là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khoá III. Do đất nước chiến tranh, Quốc hội Khóa III kéo dài tới năm 1971. Cũng trong thời gian này đồng chí tham gia Ban lãnh đạo chủ chốt xã Xuân Lộc, là ủy viên BCH Tỉnh Đoàn Phú Thọ, ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đại biểu HĐND tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ này đồng chí dốc toàn tâm, toàn lực vào các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến ngày toàn thắng.

Sau ngày 30/4/1975, hòa bình, thống nhất Tổ quốc, đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành đảng bộ, cán bộ HTX nông nghiệp, Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Lộc. Đến năm 1991, đồng chí được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu tại địa phương. Trong suốt thời gian công tác và từ khi nghỉ hưu đồng chí luôn giữ vững phẩm chất người đảng viên cộng sản, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Năm nào đồng chí cũng được công nhận là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong, hội viên Hội Người cao tuổi gương mẫu, tiêu biểu.

Quá trình tham gia hoạt động cách mạng, Anh hùng Phạm Duy Chúc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (chống Pháp); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì; ba Huy hiệu Hồ Chủ tịch; Kỷ niệm chương Hùng Vương; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Năm 2006, đồng chí là một trong hai đại biểu của tỉnh Phú Thọ được về Hà Nội dự cuộc gặp mặt “Đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội nhân kỉ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam”. Năm 2010, đồng chí là một trong số 1.000 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Thủ đô Hà Nội dự lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Về đời tư, đồng chí làm bạn đời với nữ thanh niên xung phong Điện Biên Phủ Lê Thị Bản. Hai ông bà có 6 người con, 12 người cháu, đến nay đều đã thành đạt. Do tuổi cao, sức yếu, bệnh viêm phế mãn kéo dài, Anh hùng Phạm Duy Chúc đã từ trần ngày 2 tháng Ba năm Giáp Ngọ, nhằm ngày 01/4/2014, hưởng thọ 82 tuổi./.

                            Nguyễn Xuân Sậu

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015