Ảnh internet
Covid – 19 là cú sốc tâm lý rất lớn đối với những người cao tuổi, nhất là những người mắc nhiều bệnh mạn tính và điều kiện kinh tế eo hẹp càng tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, cần có sự quan tâm ưu ái của người thân, bạn bè, đồng đội. Theo số lượng thống kê, nước ta hiện có trên 11 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, đau xương khớp, bệnh tiêu hóa… Trong thời gian qua, thông tin về các ca tử vong do Covid – 19 chủ yếu là người cao tuổi có bệnh nền càng khiến cho nhiều người cao tuổi lo lắng, bất an, một số người rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ… Đặc biệt là từ đó làm cho sức đề kháng sút giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc lây nhiễm bệnh và diễn biến nguy kịch.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thời gian qua nhiều người cao tuổi động viên, khuyến khích nhau thực hiện “giặc vào nhà người già cũng đánh” bằng những loại “vũ khí” thông dụng nhưng hiệu quả rất lớn để chống dịch, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều bạn già chúng tôi ban đầu cũng không khỏi bi quan, nhưng sau khi tham gia 4 đợt “chống giặc” thì trạng thái tinh thần đã không còn hoang mang lo sợ mà vững tin vào chiến lược “trường kỳ sống chung với dịch để từng bước đẩy lùi và cuối cùng triệt tiêu được dịch”. Các cụ cho biết “vũ khí” chống dịch cơ bản ở trong đầu mình, ở: ý chí, lòng tin và kiên trì hành động. Trước tiên là xây dựng một cuộc sống, nếp sống mới phù hợp với môi trường sống có dịch. Trong cuộc sống và nếp sống mới đó điều quan tâm nhất là việc ăn uống và vận động rèn luyện thân thể, kể cả rèn luyện cơ bắp lẫn rèn luyện trí tuệ, tinh thần, tâm linh. Tất cả chung quy vào mấy từ: thích ứng, điều độ, hài hòa, lành mạnh, sạch đẹp, vui tươi, lạc quan yêu đời, yêu gia đình, tin Đảng, yêu nước, thương dân.
Thực đơn hàng ngày, nhiều cụ ưu tiên số một cho các sản vật, sản phẩm nông lâm hải sản thuần Việt, xuất xứ từ vườn ao, rừng đồi, ruộng đồng, sông biển Việt Nam. Các cụ khuyên nhau bớt đường, thịt mỡ, tăng cá, cua, tôm, rau quả củ. Tuyệt đối tránh các thức ăn đồ uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có mang chất độc hại, quá hạn, thiu ôi, mốc mọt. Mỗi ngày nên chia thành 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ. Cố gắng cung cấp vừa đủ năng lượng và chất dinh dưỡng, tuyệt đối không ăn quá no, làm dư thừa các chất kể cả chất bổ, chất có ích. Về uống các cụ khuyên nhau uống đủ nước, ưu tiên sử dụng các loại trà dược liệu sạch, cây thuốc quý… như trà tam hoa (hoa hòe, hoa cúc vàng, hoa tam thất) do Công ty Tinh hoa Xanh – Hiệp hội Dược liệu Việt Nam sản xuất.
Về rèn luyện thân thể, nhiều cụ dành một giờ mỗi ngày để tập thể dục, vận động cơ bắp và 2 giờ vận động trí tuệ, tâm linh, 2 giờ vui chơi, giải trí, thư giãn. Do Covid – 19 nên chuyển các hoạt động ngoài trời, đông người vào hoạt động tại nhà. Lấy việc từng bước nhẹ nhàng lên xuống cầu thang thay cho đi bộ. Tập luyện các động tác đứng, ngồi, nằm của môn Dưỡng sinh tâm thể trên đệm mềm. Đứng hướng về phía mặt trời mọc hít sâu, thở dài, xoa bóp, vỗ bấm toàn thân, tập trung vào những chỗ hay đau mỏi tê buốt… Nhiều cụ còn tham gia làm những công việc theo sở thích để “vừa làm vừa vui” vừa giúp đỡ con cháu.
Các cụ liên lạc với nhau bằng điện thoại, tâm sự luận đàm, khuyến khích làm thơ, đọc thơ, đọc sách báo, kể chuyện vui và cùng vui đùa với con, cháu, chắt… tạo nên không khí gia đình ấm êm, lúc nào cũng cảm thấy bình an, hạnh phúc. Nhiều cụ cho biết chính trong những ngày tháng căng thẳng do dịch bệnh Covid – 19 gây ra, nhưng nhờ lòng tin và kiên trì thực hiện vận động mà rất nhiều cụ cảm nhận ăn ngon, ngủ yên, sức khỏe tăng lên, nhất là sức khỏe trí tuệ, tinh thần, tâm linh như được trẻ lại.
Nguyễn Anh Liên
Hiệp hội Dược liệu Việt Nam