Với sự trôi nhanh của thời gian, ký ức về chiến tranh nay đã lùi dần vào dĩ vãng. Nhưng! Những kỳ tích, những chiến công của cán bộ, chiến sĩ TNXP trên mặt trận giao thông vận tải mãi mãi ngời sáng bản anh hùng ca bất tử với vũ khí thô sơ mà đã góp phần to lớn làm vô hiệu hóa đủ loại phương tiện tối tân, hiện đại của lũ xâm lăng.
Trên mảnh đất Quảng Bình, những cánh rừng bạt ngàn trên dãy Trường Sơn nay đã trở lại màu xanh. Nhưng những nỗi đau mất mát của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ TNXP đã hy sinh, mang thương tật suốt đời vì sự sống còn của mỗi con đường không có gì bù đắp được.
Và chính trên mảnh đất nhỏ hẹp này đã sản sinh ra bốn anh hùng thuộc lực lượng TNXP thời đánh Mỹ. Đó là: Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Đức Hè (ảnh trên) “Át chủ bài” phá bom nổ chậm. Nổi tiếng về lời hứa của anh thay mặt cho đồng đội trong buổi lễ truy điệu sống trước giờ ra trận như một lời tuyên chiến với kẻ thù “Dù hy sinh đến tính mạng, chúng tôi vẫn sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu chúng tôi có thể đổ nhưng đường Ba Trại mãi mãi không bao giờ tắc”. Lời hứa đanh thép không hề dựa vào bất kỳ phép màu siêu phàm nào ngoài sức mạnh và chí căm thù giặc.
Đó là anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (ảnh trên), A trưởng A6 Trung đội trưởng Trung đội Quyết tử của Đại đội 759 anh hùng. Là nữ TNXP đầu tiên thuộc lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước được nhà nước phong tặng anh hùng lao động (01/01/1967). Với khẩu hiệu mãi mãi đi vào sử sách “Máu C759 có thể đổ, đường C759 không bao giờ tắc”. Giữ cho đường luôn thông suốt dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Mấy ai ngờ rằng nhân tài vật lực được ký thác vào lớp nam nữ thanh niên rất trẻ, mới lớn lên từ thành thị đến nông thôn. Những công cụ tự tạo từ khúc tre nguyên giả, cuốc, xẻng, búa, choòng quang gánh, xe cút kít…, mà đã chiến thắng với vũ khí tối tân hiện đại của quân thù.
Ngày đêm bám sát mặt đường với trăm ngàn thiếu thốn, ăn thiếu, mặc thiếu, thuốc men thiếu… chỉ duy nhất có một thứ dư thừa đó là gian khổ và bom đạn giặc.
Một biểu tượng đẹp với lòng yêu nước nồng nàn của người con gái làng quê chưa kịp lớn lên thì đất nước có chiến tranh đó là anh hùng LLVTND Đinh Thị Thu Hiệp. Người phụ nữ không chấp nhận thân hình nhỏ bé, nhẹ cân, chị đã viết đơn bằng máu để xin gia nhập lực lượng TNXP.
Suốt chiều dài của cuộc chiến tranh, anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp (ảnh trên) luôn có mặt trên những trọng điểm ác liệt từ Ngầm K tang đến Phà Xuân Sơn, gian khổ nhất, nguy hiểm nhất là thời gian cắm chốt trên đèo Đá Đẻo
Đèo Đá Đẻo được xem như làn ranh giữa sự sống và cái chết, kẻ thù dùng sắt thép, lợi dụng triệt để những phát minh quái gở để xóa hết mọi lối mòn vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng không lửa đạn nào nung chảy được ý chí của người chiến sĩ TNXP. Lời huyết thệ: “Địch đánh, ta sửa ta đi, địch đánh ta cứ đi, sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đã đi vào huyền thoại, huyền thoại đuổi giặc giữ đường của TNXP.
Được mệnh danh là “con sóc nhanh nhẹn dũng cảm” trên đèo Đá Đẽo với chiến công trong chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng đèo Đá Đẻo của không quân Mỹ, chị không chợp mắt một giây đếm từng quả bom rơi, không ngần ngại lấy thân mình làm cọc tiêu sống cho đoàn xe vượt qua bãi bom nổ chậm.
Đến với nữ thương binh anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Nậy, người bí thư“Chi bộ thép” dũng cảm, mưu trí luôn đi đầu đến nơi gian khổ nguy hiểm nhất. Bom đạn địch nhiều lần làm cho chị bị sức ép nhưng chị vẫn không chịu rời trận địa. Lời tâm sự của chị đầy ắp tình thương yêu đồng đội. Trong tâm gan người bí thư chi bộ, người đại đội trưởng chỉ huy chiến trường như có thép: “Một đêm không ra hiện trường, ruột gan tôi như lửa đốt… Chỉ khi nào đường thông, anh chị em an toàn tôi mới yên tâm”. Nhiều lần vết thương bị nhiễm trùng cắt đi cắt lại, thấy bác sĩ ngần ngại, chị đọc được tâm trạng của bác sĩ và đã nén nỗi đau bình tĩnh nói “Bác sĩ cứ cắt đi, tôi chịu đựng nổi”.
Trong cuộc đọ sức giữa dân tộc Việt Nam với bọn xâm lược Mỹ, đặc biệt lực lượng TNXP trên mặt trận giao thông vận tải đã xuất hiện những gương anh hùng.
Lịch sử mãi mãi không quên, muôn đời ghi nhớ!
Đinh Thế Phong
[i] Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi