Ra mắt Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam

Đăng lúc: 15-05-2019 3:12 Chiều - Đã xem: 116 lượt xem In bài viết

Ngày 15/5/2019, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt chính thức Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam.

Tới dự buổi ra mắt có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Trung tướng Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thế Lực, Trung tướng Phó Giáo sư Tiến sỹ Đặng Nam Điền; Thiếu tướng Lê Hải Bình – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng lãnh đạo các cơ quan Ban ngành Trung ương, địa phương và Hội Cựu TNXP Việt Nam cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Trung tướng Đặng Nam Điền (ảnh trên) đã đọc Quyết định số 53/GP-BTTT, ngày 01/02/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép cho Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam hoạt động với tên miền (http://dientudacam.vn).

Cùng với Tạp chí Da cam Việt Nam[i], Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam ra đời là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức bộ máy tuyên truyền của Hội, một nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, đáp ứng đòi hỏi yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại tá Trần Đình Bích, Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phát biểu giao nhiệm vụ

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam có quy mô lớn nhất và dài ngày nhất và gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Trên thực tế, các loại chất độc hóa học được sử dụng trong Chiến dịch Ranch Hand[ii], đặc biệt là chất Da cam đã để lại những hậu quả nặng nề đối với môi trường và sức khỏe con người. Khoảng gần 80 triệu lít chất khai quang – diệt cỏ đã được rải xuống Việt Nam trong giai đoạn 1961 – 1971, trong đó riêng chất Da cam là gần 44 triệu lít. Theo lời Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson, bình quân mỗi người ở Việt Nam, kể cả phụ nữ, trẻ em, phải hứng chịu 6 pounds (gần 3 kg) chất độc hóa học do Mỹ rải xuống. Trong cuốn Chemical and Biological Warfare, phóng viên Mỹ Seymour M. Hersh đã trích dẫn một nghiên cứu vào năm 1967 của Toichi Fukushima, Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp, Ủy ban Khoa học Nhật Bản, theo đó các cuộc tấn công phá hại mùa màng của Hoa Kỳ đã hủy diệt 3,8 triệu mẫu Anh đất trồng trọt ở Việt Nam, gây ra cái chết của 1.000 nông dân và 13.000 gia súc. Hiện nay, ước tính ở Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc da cam, khoảng 500.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh và 2.000.000 người khác mắc bệnh ung thư và các chứng bệnh khác có liên quan đến các loại chất khai quang được sử dụng trong cuộc chiến[iii]. Còn tại Hoa Kỳ, các cơ quan y tế có thẩm quyền ước tính có khoảng 250.000 cựu binh Mỹ chết sớm do hậu quả của chất Da cam và các biến chứng từ nó[iv].

Để vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, đến nay, hệ thống tổ chức Hội đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố; 615/713 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 6.551/11.161 xã, phường, thị trấn và hàng nghìn chi hội thôn, bản, tổ dân phố… với gần 400.000 hội viên. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có mối quan hệ, hợp tác với trên 60 tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc Da cam nhấn nút xuất bản Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam

Nhiệm vụ của Tạp chí Da cam Việt Nam (ấn phẩm và điện tử) có nhiệm vụ phản ánh kịp thời công tác của Hội, thảm họa da cam ở Việt Nam; các chủ trương, quan điểm, hệ thống chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân; về cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong tình hình mới; về những tấm gương vượt khó vươn lên của nạn nhân và những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam…

Theo Tổng biên tập Trần Đình Bích (ảnh trên), Tạp chí Điện tử Da cam Việt Nam sẽ phấn đấu là kênh thông tin thực sự hữu ích, là địa chỉ tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước…

ĐST

 


[i] Ấn phẩm ra hàng tháng với 7.000 bản, 62 trang in màu.

[ii] Chiến dịch Ranch Hand là một chiến dịch của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam, thực hiện việc rải chất độc hóa học xuống các khu rừng nhằm triệt hạ khả năng ngụy trang và ẩn náu của lực lượng Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hoạt động này có thể gây tác dụng hủy hoại lâu dài đối với sự sống trên mặt đất, trong lòng đất, nước sông suối, ao hồ…

[iii] Theo thống kê, hiện nay có 15,833 cựu TNXP và 1,886 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học

[iv] Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Ranch_Hand