Sáng mãi tấm gương vì dân của ama Vinh

Đăng lúc: 15-12-2021 10:52 Sáng - Đã xem: 144 lượt xem In bài viết

Tôi rất vinh dự và may mắn khi lần đầu cắp sách tới trường và lần đầu vác súng tham gia kháng chiến chống Pháp, đã được thầy giáo Võ Trung Thành (1924-1982) – bí danh Năm Vinh, cán bộ Việt Minh – ân cần dạy bảo. Đặc biệt hơn, từ khi trưởng thành cho đến nay, tấm gương ngời sáng về nghĩa vụ công bộc – vì Dân của Bí thư Tỉnh ủy Năm Vinh luôn luôn soi rọi con đường chúng tôi đi.

Đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh)-nguyên Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (1955-1960, 1967-1969)…

Bác Hồ dạy: “…các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta[i]. Để hiểu được, phấn đấu làm theo lời dạy của Bác ả thời tuổi trẻ và thời gian làm công tác kiểm tra xây dựng Đảng chúng tôi đều soi vào tấm gương của các anh hùng liệt sỹ, của các bậc đàn anh, trong đó nổi lên là tấm gương vì Dân của Bí thư Tỉnh ủy Năm Vinh mà bà con dân tộc ở Tây nguyên  gọi Ama[ii] Vinh.

Là cán bộ Khu ủy và Mặt trận Dân tộc giải phóng Khu 5, ông rất nhiều lần cùng cán bộ chiến sĩ ăn khoai, ăn củ, ăn rau rừng, nhịn cơm, nhường gạo trợ giúp đồng bào dân tộc bị đói do bom và chất độc hóa học của Mỹ. Ông tự tay chăm sóc, tắm rửa, chữa chạy bệnh ghẻ lở và hắc lào cho các em mồ côi đang nương tựa vào cơ quan Mặt trận. Ông thường tranh thủ đến bệnh viện, bệnh xá tiền phương thăm, động viên thương bệnh binh là bộ đội, TNXP. Ông thường nhắc nhủ cán bộ khắc sâu lời Bác Hồ dạy: Bộ đội và TNXP là hai Trường học lớn của Đảng, Nhà nước làm nhiệm vụ trồng người, trồng cán bộ cho kháng chiếm và cho cả tương lai. Ông hòa mình với đồng bào các dân tộc thiểu số để học nói và nghe được 4, 5 thứ tiếng như Ê đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng… rồi dùng tiếng nói dân tộc để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc trưởng thành nhanh chóng. Sau Hiệp định Pari 1973, lãnh đạo Khu ủy, Mặt trận đã có ô tô phục vụ nhưng nhiều lần bà con vùng căn cứ vẫn thấy Ama Vinh đi bộ, đi xe đạp đến các buôn làng vùng cao thăm hỏi bà con, nên bà con hết lòng tin yêu cán bộ cách mạng – cán bộ Cụ Hồ.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ama Vinh từ là một thanh niên trí thức tham gia Việt Minh, hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng 8-1945, rồi bám trụ chiến trường Tây Nguyên suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã từng là Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy và Bí thư Liên Tỉnh ủy các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, phụ trách công tác tuyên huấn, kiểm tra xây dựng Đảng và công tác bảo vệ chính trị nội bộ Khu ủy… mà nay tự nguyện làm Phó Bí thư giúp cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là người dân tộc và tự nguyện không tham gia Đại biểu Quốc hội cũng nhằm dành cho các đồng chí là người dân tộc Tây Nguyên. Trung ương thấy ông đã 30 năm xa gia đình, vợ con đi tập kết đang sống ở Hà Nội nên nhiều lần dự định điều ông về Trung ương hoặc chuyển ông về làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy ở miền Trung, nhưng thể theo nguyện vọng tha thiết của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào dân tộc, lúc này là lúc phải “thần tốc chống giặc đói nghèo lạc hậu, xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh, văn minh”, nên ông kiến nghị với Trung ương để ông ở thêm một thời gian góp sức đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán ở địa bàn trưởng thành hơn rồi hãy về. Ông đặc biệt quan tâm công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số từ nguồn các đội TNXP vũ trang, TNXP hỏa tuyến và các chiến sĩ cảnh vệ cơ quan Khu. Và cũng nhờ vậy, mà các địa phương vùng Tây Nguyên đã có những cán bộ noi gương ông hết lòng vì Dân để lôi cuốn nhân dân hết lòng vì cách mạng, đồng tâm hiệp sức đưa phong trào yêu nước và công vuộc đổi mới vùng Tây Nguyên không ngừng tiến lên.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982 ông được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng  và giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, quê hương ông. Ông mất ngày 12-7-1982 tại Hà Nội. Tên ông được đặt tên đường ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), Đức Phổ (Quảng Ngãi)…

Nguyễn Anh Liên

 


[i] Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi “Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 17.10.1945,

[ii] Tiếng E đê Ama nghĩa là Cha