Sáng mãi tên anh – liệt sĩ Lê Hùng Minh

Đăng lúc: 07-09-2017 8:38 Sáng - Đã xem: 36 lượt xem In bài viết

Năm 1946, tại miền quê Mỹ Thạch Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, gia đình ông Lê Văn Mến và bà Nguyễn Thị ảnh vỡ òa niềm vui khi cậu con trai Lê Văn Gieo chào đời.

Lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của ba má và người thân, cậu bé Gieo thường được gọi với cái tên trìu mến: Lê Hùng Minh.

Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương, tháng 3 năm 1964, Lê Hùng Minh tham gia cách mạng và công tác tại cơ quan Nông hội Trung ương Cục miền Nam.

Ngày 5 tháng 10 năm 1964, anh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam trong niềm tự hào và xúc động trào dâng.

Ngày 20/4/1965, Lê Hùng Minh gia nhập lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (TNXPGPMN) với nhiệm vụ phục vụ chiến trường. Ngày 19/08/1965 thành lập đội 198 TNXP, anh được điều động về đơn vị với chức vụ tiểu đội phó. Lê Hùng Minh cùng đội 198 tham gia phục vụ từ chiến dịch Phước Long – Sông Bé, phục vụ Trung đoàn 2 quân chủ lực Miền đánh Chi khu Đồng Xoài và nhiều trận dánh nổi tiếng như: Căm Xe – Dầu Tiếng, Bàu Da Dốt, Nhà Đỏ – Bông Trang, Bàu Bàng, Phú Cường, Cần Đâm, Cần Lê, Xa Cát… Các cuộc hành quân “Tìm diệt – Bình Định của Mỹ – ngụy” và “Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction – City của Mỹ” đến Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968.

Trận đầu tiên phục vụ bộ đội đánh Chi khu “Đồng Xoài” Phước Long, trận đánh công kiên, quân địch dựa vào hầm ngầm chống trả quyết liệt, bộ đội bị thương vong nhiều, Lê Hùng Minh bò dưới làn đạn của địch vào sát hầm ngầm của địch, vào ra 3 lần cõng đưa thương binh ra ngoài trận địa (1965).

Trần Bù Đốp – Phước Long, Lê Hùng Minh cùng đồng đội 6 lần xông vào tận lô cốt địch để cõng thương binh, anh cõng đưa 6 thương binh ra ngoài, phát hiện còn thương binh, anh quay lại cõng tiếp thương binh trong khi bộ đội và TNXP rút ra khỏi trận địa, địch cho pháo hủy diệt trận địch. Dưới lửa đạn dày đặc, Lê Hùng Minh lấy thân che pháo cho thương binh với tinh thần “còn thương binh, tử sĩ TNXP chưa rời trận địa và không để thương binh bị thương lần thứ hai”.

Tới trận Trà Phí – Tây Ninh, anh cùng đồng đội vào trận địa cõng thương binh, trên đường ra ngoài trận địa thì anh và đồng đội nghe tiếng gọi của một thương binh trong lúc quân địch phản công quyết liệt. Quyết không để sót thương binh ở trận địa, anh chỉ huy một tổ trong tiểu đội quay lại, Lê Hùng Minh đánh chặn địch để đồng đội cõng được đồng chí thương binh ra ngoài thì anh bị thương.

Đến trận Nhà Đỏ – Bông Trang (Phú Giáo), Lê Hùng Minh được phân công phụ trách 2 tiểu đội TNXP chuyển 10 thương binh nặng ra tuyến sau, trên đường chuyển thương máy bay địch phát hiện, chúng cho phi, pháo đánh vào đội hình của đơn vị và cho một tốp trực thăng đổ quân để tiêu diệt, bắt sống. Lê Hùng Minh điều động 1 tổ có vũ khí đánh trả quyết liệt, mưu trí kéo hỏa lực của địch về phía mình để đơn vị cắt rừng đưa thương binh ra khỏi vòng vây. Lê Hùng Minh bắn rơi một máy bay lên thẳng, diệt toàn bộ quân địch trên máy bay, và cùng đồng đội diệt một số địch dưới mặt đất và đưa thương binh về hậu cứ an toàn. Sau trận này Lê Hùng Minh được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba, được bình chọn là Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội và được đề bạt Trung đội phó, quyền Trung đội trưởng (1966).

Năm 1967, suốt 53 ngày đêm phục vụ “Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction – City” của Mỹ, Lê Hùng Minh và đơn vị anh phụ trách luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt là khi trận địa nổ súng thì đơn vị anh được lệnh vào trận địa chuyển thương, đang làm nhiệm vụ thì được lệnh phải rút nhanh vì địch sẽ hủy diệt trận địa. Trong khi thương binh, tử sĩ vẫn còn trong trận địa, Lê Hùng Minh báo cáo và xin cho đơn vị trở vào trận địa để chuyển tiếp thương binh, tử sĩ. Cả đơn vị xông vào cõng 20 thương binh và 8 tử sĩ vừa ra khỏi trận địa thì phi, pháo của Mỹ hủy diệt trận địa. Đơn vị chuyển 20 thương binh về trạm phẫu số 6 (sông Tha La – Tân Châu), xe tăng Mỹ tràn vào gần đội phẫu, thương binh nhiều, người ở đội phẫu ít. Mặc dù đơn vị không được giao nhiệm vụ chuyển thương từ đội phẫu sang nơi khác. Nhưng trước tình hình rất nguy cấp, Ban Chỉ huy đội 198 kêu gọi: cán bộ, đảng viên, đoàn viên và đội viên mỗi người cõng 1 thương binh nhanh chóng đưa ra khỏi căn cứ đội phẫu, Lê Hùng Minh chỉ huy trung đội lao vào đầu tiên và kêu gọi đồng đội “Các đồng chí hãy nhanh lên quyết không để thương binh rơi vào tay giặc”… tất cả thương binh được nhanh chóng vừa đưa ra khỏi căn cứ thì xe tăng Mỹ ập vào đánh phá căn cứ.

Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Lê Hùng Minh được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 Trung đội TNXP phục vụ cho 1 đơn vị quân chủ lực. Tại Thới Tam Thôn (Hóc Môn), địch phát hiện hướng tiến công của ta, chúng cho phi, pháo, xe tăng và bộ binh chặn đánh. Ban Chỉ huy đơn vị quân giải phóng giao đơn vị TNXP đánh chặn một mũi tiến công của địch. Lê Hùng Minh chỉ huy đơn vị đánh bật nhiều đợt tấn công của chúng. Anh sử dụng P.40 bắn cháy tại chỗ 1 xe tăng, cùng đơn vị diệt nhiều tên địch, ta giữ vững được trận địa. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, Lê Hùng Minh bị thương nặng, trước lúc hy sinh anh trao súng lại cho đồng đội và động viên: “Bộ đội tin tưởng TNXP, chúng ta quyết chiến đấu tới cùng” và nhắc nhở: “Phải bảo vệ thương binh”… Suốt một ngày chiến đấu kiên cường, trung đội TNXP Đội 198 với quân số 20 người, hy sinh 9, bị thương 10 đồng chí, chỉ còn một đội viên mặt nhem khói súng nhưng may mắn lành lặn là Văn Công Tùng. Trung đội TNXP của Lê Hùng Minh được Ban Chỉ huy đơn vị bộ đội cảm phục và trân trọng ghi công: “Tinh thần chiến đấu của TNXP thật kiên cường”. Lê Hùng Minh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Lê Hùng Minh hy sinh khi anh mới tròn 22 tuổi đời, 3 tuổi quân. Anh đã phục vụ 182 trận đánh, trực tiếp chiến đấu 12 trận (bắn rớt một máy bay lên thẳng, bắn cháy một xe tăng, diệt 40 tên địch (có 28 tên Mỹ). Anh đạt các danh hiệu: chiến sĩ thi đua danh dự của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam, Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Giải phóng hạng Ba.

Lê Hùng Minh là tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh đã xả thân vì công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Anh xứng đáng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân./.

Nguyễn Hương Mai

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015