Sự nghiệp của chính nhân dân

Đăng lúc: 18-12-2020 9:52 Sáng - Đã xem: 38 lượt xem In bài viết

Việc mở rộng, phát huy dân chủ sẽ là bước đi đổi mới hiệu quả để hiện thực hóa khát vọng về một đất nước hùng cường, thịnh vượng trong tương lai, bởi đó là sự nghiệp của chính nhân dân.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Đây là ý kiến của ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về những kỳ vọng, mong muốn trước thềm Đại hội XIII của Đảng.

Cán bộ phải được rèn luyện từ phong trào quần chúng

Theo ông Vũ Trọng Kim, tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất bởi “tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ”.

Chính vì vậy, theo ông, cần lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sỉ, “kỷ luật sắt” cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức.

Bác Hồ thường răn: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân phải cố tránh. Cán bộ phải được rèn luyện, phải có trải nghiệm, xuất thân từ phong trào rồi trở lại phong trào quần chúng; “ba cùng” với dân, hiểu và lo toan nỗi trăn trở và mong chờ của nhân dân, ông Vũ Trọng Kim chia sẻ.

Ông Kim trăn trở: “Cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở, trui rèn không đủ độ chín, không thấu được lòng dân nên sinh ra quá nhiều chuyện không hay. ‘Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng’, chưa tường tận chân giá trị đích thực của người cán bộ là công bộc của nhân dân cho nên không định vị được bản thân, mơ mơ màng màng nên không bồi đắp thêm mà chỉ làm mất dần đi tố chất người lãnh đạo. Cũng từ đó chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, trục lợi có đất sinh sôi nảy nở. Một số cán bộ cấp Trung ương quản lý vừa rồi bị kỷ luật cũng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không tiếp thu sự dạy dỗ, nuôi nấng của nhân dân. Bây giờ, xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá này”.

Chỉnh đốn Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Bối cảnh chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Đối ngoại và kinh tế phát triển càng củng cố vị thế của đất nước. Ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh: Điều quan trọng bậc nhất hiện nay là bảo vệ nền tảng chính trị tư tưởng của Đảng; thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước một cách chủ động sáng tạo; mở rộng dân chủ, cải thiện dân sinh, ai cũng có cuộc sống an bình, cơm no áo ấm, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là ý nghĩa sâu sắc trong thực tế của Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nền tảng chính trị muốn được vững chắc, lâu dài, không có gì khác hơn là phải biết xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được nhân dân tin cậy. Đồng thời, mở rộng tính chất liên minh chính trị của Mặt trận dân tộc thống nhất; đa dạng hóa và phong phú hóa sinh hoạt cộng đồng của các đoàn thể, các hội quần chúng.

Để sớm “sánh vai các cường quốc năm châu” dứt khoát phải khơi dậy và phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.

Mở rộng và phát huy hơn nữa dân chủ XHCN

Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân, sự nghiệp cách mạng do nhân dân làm nên như Bác Hồ đã dạy. Bao giờ nhân dân cũng là chủ thể của phát triển, vì vậy “không thể mị dân, phải thật thà lắng nghe và luôn phấn đấu làm đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo quy định của Hiến pháp. Việc ra đời Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội và Quyết định 218-QĐ/TW ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (năm 2013) là một bước tiến về dân chủ. Ông Vũ Trọng Kim cho rằng cần thể chế hóa mạnh mẽ hơn, thực chất hơn vai trò quan trọng đó của Mặt trận, đoàn thể và của công dân; đặc biệt là giám sát cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở.

Phản biện xã hội sẽ thành công hơn nếu được trực tiếp đối thoại với người đứng đầu tổ chức, đơn vị. Tình trạng chậm tiếp thu, chậm trả lời kiến nghị sau phản biện xã hội, hoặc trả lời không đúng trọng tâm chính là do không hiểu ý kiến nhân dân hoặc né tránh sáng kiến, kiến nghị của nhân dân.

Nhiệm kỳ tới, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, cần tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó đột phá về thể chế là quan trọng nhất, là bước đi mở đường.

Ông Kim cũng cho rằng, cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai, như mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, tăng thêm quyền sử sụng đất cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong nước để phát huy nội lực mạnh mẽ hơn; tuân thủ quy luật thị trường về đất đai, như quan hệ cung cầu thể hiện bằng chính sách giá cả… Mở rộng chính sách cho người nước ngoài đầu tư bất động sản, giảm bớt điều kiện ràng buộc về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Về đột phá nguồn nhân lực, ông Vũ Trọng Kim mong muốn có chính sách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trẻ, tín dụng cho sinh viên học tập; khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ du học; hỗ trợ gia đình trẻ lập nghiệp; phát triển nhanh Hệ Tri thức Việt số hóa – thỏa mãn nhu cầu khai thác nguồn dữ liệu lớn của quốc gia, phục vụ cho phát triển, nhất là đón đầu sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang và sẽ diễn ra, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Con người là chủ thể của mọi sự phát triển. Chính vì vây, ông Vũ Trọng Kim mong muốn “văn kiện trình ĐH Đảng lần thứ XIII phải nêu bật việc bảo vệ danh dự và phẩm giá mỗi con người; phải xây dựng con người biết ghét cái ác, yêu cái thiện, tránh cái xấu và nâng niu cái đẹp”. Trên cơ sở đó, cần phát huy sức sáng tạo của từng cá nhân; phát huy tính tự quản của cộng đồng, có thế mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Nhật Nam (ghi)

Theo chinhphu.vn