Tà Bô Cương – người trinh sát tài ba của Đoàn H50

Đăng lúc: 07-09-2017 9:36 Sáng - Đã xem: 65 lượt xem In bài viết

Trong những năm kháng chiến gian khổ đã có biết bao người con ưu tú cống hiến tuổi thanh xuân vào công cuộc giải phóng dân tộc, lập nên những chiến công oanh liệt, dẫu rằng để có được những chiến công đó họ đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả tính mạng của mình, góp phần vào những thắng lợi chung của đất nước. Một trong những người con ưu tú đó chính là Mai Văn Cương.

Mai Văn Cương tên thật là Tà Pô Cương. Anh sinh năm 1945, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, người dân tộc Raglai (Rắc Lây). Gia đình anh có quan hệ tốt với cách mạng, nên anh thanh niên Tà Pô Cương ngày ấy sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1961, khi mới 16 tuổi, Tà Pô Cương đã tự nguyện thoát ly gia đình, tham gia vào đội du kích xã. Một năm sau, anh được điều động về công tác ở vùng giáp ranh (Anh Dũng – Đơn Dương, Anh Dũng – Đức Trọng), anh đã tham gia chiến đấu hai trận: trận Ru Lấp ở Đơn Dương và trận Láng Bo xã Tà Năng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, Tà Pô Cương được đi học y tá và về công tác tại Đại đội 80 thuộc huyện đội Anh Dũng, Ninh Thuận. Tuy ở đây, công việc chính của anh là y tá, nhưng anh được cấp trên tin tưởng giao thêm nhiều công việc khác, trong đó chủ yếu là về cơ sở làm nòng cốt xây dựng lực lượng các xã trong huyện.

Tháng 1 năm 1964 Tà Pô Cương nhập ngũ, anh được phân về C80 huyện Anh Dũng. Đến tháng 7 năm 1967, anh được phân công về B.20 – đơn vị trinh sát tiêu biểu của đoàn H50. Đoàn H50 làm nhiệm vụ vận chuyển trên tuyến đường 20, đảm bảo an toàn cho các đơn vị vận tải vũ khí, lương thực, đạn dược ra các chiến trường Khu 6 và chuyển thương bệnh binh về tuyến sau. Địa hình nơi đây hiểm trở, núi rừng trập trùng, nhiều sông lớn, như sông Đaquýt ở biên giới Campuchia, sông Đakoa, sông Đak Lấp, sông Đồng Nai, sông Bé…; có quốc lộ 14 và quốc lộ 20. Địch lập nhiều cứ điểm và đồn bốt, đặc biệt là Trung tâm Biệt kích của Mỹ ở Bù Đốp (Phước Long), tập trung nhiều quân lính Mỹ, thường xuyên đánh phá quân ta. Đây là chiến trường đầy nguy hiểm, rất ác liệt, các chiến sĩ của ta chiến đấu tuy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng.

Thời gian đầu mới về công tác tại H50, Tà Pô Cương được phân công công việc tải hàng chiến lược. Anh kiên trì, bền bỉ liên tục nhiều ngày đêm trong chiến trường vận chuyển đạn dược, vũ khí cho các chiến sĩ chiến đấu; chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Anh luôn nêu cao tinh thần: “Một viên đạn đến chiến trường là góp phần diệt một quân thù”, anh động viên đồng đội và bản thân anh cũng cố gắng hết sức để tải hàng cho bộ đội chiến đấu nơi chiến trường một cách nhanh chóng, kịp thời. Anh có thể tải trọng thường xuyên trên vai từ 40 – 50kg/chuyến, có những lúc còn mang đến 60 – 70kg. Do nhanh nhạy, mưu trí và có khả năng định hướng tốt, nên Tà Pô Cương được cấp trên giao thêm nhiệm vụ trinh sát, dẫn đường cho đội.

Đầu tháng 7 năm 1968, Đoàn H50 được lệnh điều động 4 Đại đội đưa vũ khí, đạn dược và lương thực thực phẩm đến chiến trường Tuyên Đức – tuyến đường vô cùng khó khăn, gian khổ. Tháng 6 năm 1969, quân địch vây ráp, đánh phá ác liệt các tuyến đường mà Đoàn H50 phụ trách. Một lần, đội H50 không may lọt vào nơi đóng quân của địch, anh chỉ huy đơn vị dừng lại, di chuyển phân tán và tìm nơi tiếp cận địch. Với bản lĩnh, kinh nghiệm của người trinh sát tài ba, anh quan sát, tìm hiểu địa hình thực tế, mưu trí, khôn khéo quyết định đánh địch chứ không tránh địch với hai lý do: một là đánh địch nhằm tiêu diệt địch và hai là để địch thấy bị tấn công sẽ phải di chuyển sang nơi khác. Với chiến thuật này, Tà Pô Cương đã dẫn dắt đội H50 chiến đấu và đã vượt qua được địa điểm đóng quân của địch, tải hàng kịp thời tiếp tế cho bộ đội chiến đấu.

Những năm 1970 – 1974, tuyến đường đội H50 phụ trách mang đạn, dược liệu, vũ khí phục vụ bộ đội chiến đấu là tuyến đường chiến lược, nên địch ngày đêm ráo riết càn quét, chia cắt, gây khó khăn cho công tác di chuyển, vận chuyển của quân ta.

Một lần vào cuối tháng 8/1971, Tà Pô Cương dẫn đoàn công tác hơn 200 người mang vũ khí, đạn dược cùng với đoàn cán bộ về khu công tác, vượt qua tuyến đường Đa Kai. tuyến đường này nằm giữa các điểm quân địch đóng quân, lại có cánh đồng nước mênh mông, nhiều chỗ mực nước cao đến bụng, đến ngực, phải mất 7-8 giờ mới vượt qua được. Khi đoàn vừa sang đến bờ bên kia thì bị quân địch phát hiện, chúng rọi đèn và chĩa súng vào đoàn. Tà Pô Cương bình tĩnh, mưu trí nổ súng chính xác tiêu diệt gọn quân địch ngay trước khi chúng hành động, anh xông lên thu súng và khẩn trương đưa đoàn ta về nơi an toàn. Trong năm 1971, Tà Pô Cương đã mở được 32 tuyến đường vận chuyển với tổng chiều dài trên 300km, chưa lần nào đoàn do anh dẫn đường phải quay về hoặc bị tổn thất, đảm bảo mạch máu vận tải không bị tắc.

Cuối năm 1972, địch tăng cường đánh phá, ban ngày càn quét, ban đêm gài mìn, phục kích đường quốc lộ 20 nhằm chia cắt tuyến đường giao thông liên lạc và vận tải của ta. Tà Pô Cương cùng một đồng chí thuộc đơn vị khác được cấp trên phân công bắn tỉa, phản công quân địch. Trong 20 ngày chiến đấu liên tục, quân địch liên tiếp ném bom, bắn pháo vô cùng ác liệt, nhưng anh và đồng đội bền bỉ, kiên trì bám trụ, hai anh đã bắn làm bị thương 17 tên địch, bắn chết 7 tên tại chỗ. Nhờ có sự gan dạ, kiên cường của Tà Pô Cương và đồng đội, quân địch bị tổn thất nhiều và đã uy hiếp được tinh thần của chúng, giúp cho việc vận tải trên quốc lộ 20 dễ dàng hơn.

Ngày 26/1/1973, nhận được lệnh Quân khu, đoàn H50 đã bố trí Trung đội B20 phối hợp với Tiểu đoàn 7 (D7), Trung đoàn 211 chủ lực Miền đánh chiếm Chốt 42 trên đường 20 (Sài Gòn – Lâm Đồng), đây là nơi quân địch càn quét, gài mìn, gây khó khăn rất lớn cho quân ta trong việc vận chuyển. Địch tập trung quân và cả máy bay, xe tăng, pháo binh đến yểm trợ, đánh vào trận địa của ta để chiếm căn cứ 42 và đoạn đường Quốc lộ 20 mà ta đang làm chủ. Tà Pô Cương phụ trách một tiểu đội gồm 32 cán bộ, chiến sĩ phản kích địch, ngăn chặn địch đánh phá hành lang của ta. Anh cùng đồng đội đã kiên cường chiến đấu, diệt được nhiều tên địch và đánh bại được nhiều đợt phản kích của địch, mặc dù quân ta cũng bị thương vong – trong đó, bản thân Tà Pô Cương bị thương nặng, đồng đội yêu cầu đưa anh về tuyến sau dưỡng thương, nhưng anh kiên quyết xin ở lại cùng các đồng đội bám chốt. Ngày thứ 10 là ngày chiến đấu quyết liệt nhất trong suốt 13 ngày đêm địch và ta giằng co, quân địch tập trung toàn lực tấn công. Trong một đợt địch tấn công, Tà Pô Cương phát hiện địch dùng một lỗ cống làm bệ chắn, đưa khẩu đại liên vào, anh nhân lúc quân địch sơ hở, dùng khẩu súng B40, đứng trên miệng hầm, nhắm chính xác bắn thẳng vào lỗ cống, tiêu diệt ổ đại liên và tất cả quân địch ở đó.

Tà Pô Cương không những là chiến sĩ tải hàng nhanh nhẹn, gan dạ; người trinh sát mưu trí, dũng cảm; mà còn là một tay súng bắn tỉa rất cừ. Tà Pô Cương đảm nhận nhiệm vụ ngụy trang nằm ngoài miệng hầm, vô cùng nguy hiểm, ngay dưới làn pháo, làn đạn, để phát hiện và bắn tỉa từng tên địch khi chúng mò lên trận địa. Anh đã bắn tiêu diệt 7 tên địch và thu được một khẩu súng. Suốt 13 ngày đêm liên tục bám chốt, cuối cùng Tà Pô Cương và đồng đội đã giữ vững được trận địa, làm chủ đoạn đường. Tà Pô Cương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là người chỉ huy quyết đoán, quả cảm, là điểm tựa, trụ cột của Đoàn H50.

Tà Pô Cương được đồng đội yêu mến và nể phục vì đức tính hy sinh, luôn quan tâm đến người khác, không tư lợi, không giữ cho riêng mình thứ gì, từ quân trang đến lương thực, thực phẩm. Năm 1973, trong một lần TNXP thuộc các đơn vị vận tải Đoàn H50 đang vận chuyển hàng xuống chiến trường nam Quốc lộ 20, lúc đó trời mưa, đường trơn, lại mang hàng nặng, có 2 đồng chí nữ (C6) bị trượt chân rơi xuống sông Đồng Nai Thượng. Anh không ngần ngại lao mình xuống dòng sông đang chảy xiết, lòng sông có nhiều đá ngầm, rất nguy hiểm, anh không màng đến mạng sống để cứu hai đồng chí nữ đó đưa lên bờ. Sau đó anh lại tiếp tục lặn xuống và tìm được 2 bồng hàng bị chìm dưới lòng sông.

Anh là một chiến sĩ quả cảm, ở những nơi chiến đấu với địch căng thẳng nhất, nguy hiểm nhất, ác liệt nhất đều có anh. Dù trong bất kỳ tình huống nào Tà Pô Cương cũng đều xung phong đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ. Những con đường rừng khó đi anh luôn là người xông pha đi đầu, mở đường cho đồng đội, soi đường cho bộ đội. Anh cùng đồng đội đã tải trên vai hàng nghìn kg vũ khí, đạn dược; trực tiếp chiến đấu hơn 40 trận chiến lớn nhỏ, diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 2 xe thiết giáp, 1 ổ đại liên, 2 tổ thám báo, thu được rất nhiều vũ khí, điện đài của địch.

Tà Pô Cương đã sáu lần bị thương, nhưng lần nào anh cũng tỏ ra gan dạ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh luôn được đánh giá là người trinh sát soi đường và vận chuyển hàng giỏi nhất Đội H50. Anh được bạn bè, đồng bào tin yêu; là tấm gương sáng cho đồng chí, đồng đội noi theo; anh xứng đáng với phẩm chất của người TNXP, người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ.

Trải qua mười hai năm chiến đấu và công tác trên chiến trường đầy gian khổ, khốc liệt của vùng đất cực Đông Nam Bộ, dù ở vị trí chỉ huy hay công tác trinh sát, Tà Pô Cương luôn thể hiện phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ. Anh luôn được đánh giá là người trinh sát, soi đường và tải hàng giỏi nhất Đoàn H50. Anh đã lập nên những thành tích và chiến công oanh liệt, từ một trinh sát anh được lên làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng. Với những thành tích của mình, năm 1970, anh đã được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh được tặng 21 lần Dũng sĩ quyết thắng, 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp Đại đội, Tiểu đoàn và Quân khu, 2 Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba; rất nhiều Giấy, Bằng khen cấp Đại đội, Tiểu đoàn.

Ngày 24 tháng 6 năm 1974, trên tuyến đường 20 khốc liệt, trong khi làm nhiệm vụ, Tà Pô Cương vướng phải mìn của địch, bị thương nặng, trên đường đồng đội đưa về trạm xá anh đã hy sinh. Sự hy sinh anh dũng của anh đã để lại niềm tiếc thương to lớn cho đồng đội và đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà anh từng công tác.

Ngày 19 tháng 12 năm 1999, Tà Pô Cương được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Anh hùng, liệt sĩ Tà Pô Cương với tinh thần vì nước quên thân, kiên trung bất khuất cùng những chiến công xuất sắc của anh mãi mãi bất tử, mãi mãi là tấm gương để thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.

Thanh Trúc

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015