Tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử bằng máu

Đăng lúc: 28-05-2022 8:41 Sáng - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết

Anh là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương, hiện sống tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trong dòng hồi tưởng, Lê Bá Dương kể cho tôi nghe kỷ niệm về tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử bằng máu mà anh vừa tìm lại được sau 35 năm thất lạc…

Sau một tháng thực hiện phương châm “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, quân ta đã siết chặt vòng vây, ép cao điểm 544 nằm ở phía tây bắc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vào thòng lọng. Nhiệm vụ đánh trận quyết định được giao cho Tiểu đoàn 2 (thuộc Trung đoàn 27).

Để thực hiện trận quyết chiến điểm này, ta phải tổ chức chiếm và chốt giữ được đồi “thám báo” đối diện với đỉnh 544 khoảng 400 m. Việc chiếm đồi “thám báo” không khó nhưng giữ được mỏm đồi vài chục m2 vừa đủ cho một tổ chốt mỏng manh khoảng bốn, năm người là điều nan giải. Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định trao nhiệm vụ khó khăn này cho trung đội trưởng Lê Bá Dương – người có kinh nghiệm qua hàng chục trận tấn công kết hợp chốt gan góc, hiệu quả. Đó là ngày 20-6-1971.

Huyết thư quyết tử trên ảnh Bác

Đúng như dự đoán, sau khi chiếm lĩnh trận địa, tổ chức đào công sự, gài mìn chống tấn công vừa xong, tổ chiến đấu của Lê Bá Dương được “chào đón” bằng hàng loạt trận oanh kích của máy bay, xen kín từng đợt pháo cấp tập vào chốt dọn đường cho hai đại đội tăng cường lính ngụy từ đỉnh 544 hòng chiếm lấy ngọn đồi sinh tử. Lê Bá Dương đã chỉ huy tổ chốt hàng chục lần hất ngược các mũi tấn công của hàng trăm tên lính địch về điểm xuất phát.

4 giờ chiều, qua tiếng súng, dường như đoán biết lực lượng ta rất mỏng nên bọn địch đã chia làm ba hướng cùng lúc nhào lên. Phía ta đã có hai chiến sĩ hy sinh, còn lại hai người đều bị thương nặng. Sau một lúc vừa bắn vừa nhặt những quả lựu đạn của địch ném túi bụi về phía công sự để đáp trả, Lê Bá Dương cho nổ đồng loạt các quả mìn DH10 gài ngược về phía mình theo phương án hủy chốt.

Lợi dụng địch chùn lại sau loạt mìn, Lê Bá Dương lấy trong túi áo tấm ảnh Bác Hồ rồi dùng máu từ vết thương viết thẳng vào tấm ảnh những dòng chữ “Bác Hồ ơi, bắt đầu từ hôm nay 20-6, con cùng đồng đội bắt đầu nổ súng diệt địch, dự (giữ – NV) chốt đến cùng. Quán diệt được bảy tên, Hòe, Dương mỗi người hơn một chục. Ghi sâu lời Bác dạy, hễ còn tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi. Bác ơi, quyết tâm của chúng con, trách nhiệm của chúng con là dự chốt…”. Sau khi hôn ảnh Bác, Lê Bá Dương chuyền cho chiến sĩ trung liên Phùng Hòe làm theo rồi cẩn thận cất tấm ảnh Bác vào túi, bình thản lấy ba trái pháo hiệu lần lượt điểm hỏa. Ngay sau khi nhận được tín hiệu, pháo của ta cũng đã cấp tập chụp thẳng vào chốt.

Kỷ vật thời chiến

Sau này nghe đồng đội kể lại, Lê Bá Dương mới biết: Trận pháo kéo dài đến tối đã hất địch trở lại điểm xuất phát. Đội hình tiểu đoàn khi lên chốt chuẩn bị tấn công đỉnh 544 đã phát hiện “xác” Lê Bá Dương, Phùng Hòe và hai đồng đội sũng máu trong bùn đất tơi tả vì bom pháo. Và khi chính trị viên tiểu đoàn Ngô Ất rút từ túi áo Lê Bá Dương tấm ảnh Bác Hồ với lời thề viết bằng máu, ai nấy đều ứa nước mắt. Cả Lê Bá Dương và Phùng Hòe nhanh chóng được chuyển về tuyến sau điều trị.

Cũng đêm đó, tấm ảnh Bác Hồ và lời thề quyết tử viết bằng máu của Lê Bá Dương đã được chính trị viên Ngô Ất mang theo cùng đơn vị tấn công tiêu diệt hoàn toàn cao điểm 544.

Về xuất xứ tấm ảnh, Lê Bá Dương kể: “Ngày đó, mỗi chiến sĩ được danh hiệu chiến sĩ thi đua đều được tặng một món quà, trong đó có quyển sổ tay quân giải phóng. Trang đầu tiên của quyển sổ là ảnh Bác Hồ. Trước khi vào trận đánh, tôi xác định mình sẽ hy sinh nên tôi xé trang ảnh cất vào túi áo. Mang theo ảnh Bác, với tôi đó như một nguồn động viên lớn lao để tôi chiến đấu”.

Tấm ảnh Bác Hồ cùng lời thề quyết tử viết bằng máu của Lê Bá Dương

Bức ảnh xưa trở về…

Trong khi Lê Bá Dương đang nằm điều trị, tiểu đoàn đã viết báo cáo thành tích, gửi kèm tấm ảnh Bác Hồ có lời thề quyết tử viết bằng máu của Lê Bá Dương lên trung đoàn để làm truyền thống.

Năm 1972, trong đại hội mừng công của Trung đoàn 27 ở Gio Linh có một phòng trưng bày hiện vật, trong đó có tấm ảnh nói trên. Trong đoàn đại biểu của quân khu về dự đại hội, có một số cán bộ bảo tàng Quân khu 4. Những người này đã xin tấm ảnh để trưng bày tại bảo tàng quân khu. Hai bên thống nhất, dự định xong đại hội sẽ bàn giao. Khi đó, “bức huyết thư” được Ngô Minh Hớn – Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 27 cẩn thận cất vào sổ tay. Về sau nhớ lại tấm ảnh, Hớn ngỡ đã giao hiện vật quý báu ấy cho cán bộ bảo tàng quân khu…

Mãi đến cuối năm 2007, khi lục tìm tư liệu để thực hiện cuốn sách “Trung đoàn 27 Triệu Hải – Nhật ký viết bằng văn vần”, ông Ngô Minh Hớn mới phát hiện tấm ảnh Bác Hồ của đồng đội năm xưa. Vui mừng khôn xiết, ông tức tốc gửi kỷ vật về lại cho Lê Bá Dương. Ngày 23-1-2008, Lê Bá Dương đã trao bản sao “bức huyết thư” cho Nhà truyền thống Trung đoàn Triệu Hải và Sư đoàn 390 Quân đoàn 1.

Người thả hoa trên dòng Thạch Hãn

Năm 1976, trở lại thăm chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã lặng lẽ hái hoa dại, mua hoa ở chợ thả vào sông Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội. Sau vài lần, nhiều người nhận ra nghĩa cử của anh và làm theo, nhất là người dân ở huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Sau đó, những người làm văn hóa Quảng Trị đã nghĩ đến việc đưa nghĩa cử này thành một lễ hội. Và Lê Bá Dương được xem là người khởi xướng cho lễ hội thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn trong Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm.

Chiều 27-7-1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng bên bờ sông Thạch Hãn. Nhìn mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước đưa thuyền ngược dòng lên chợ Quảng Trị, anh chạnh lòng nghĩ đến thân xác bạn bè, đồng đội đang nằm lặng lẽ ở đâu đó dưới đáy sông. Tự nhiên trong lòng anh bật lên những câu thơ khắc khoải: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Những câu thơ thấm đẫm nghĩa tình đồng đội đã chạm đến nỗi đau tận cùng của sự hy sinh, mất mát, làm rung động lòng người. Đó chính là bài thơ Lời người bên sông mà nhiều người nhớ mãi…

Theo plo.vn

26/07/2008