“Thà chết không để đạn nổ”

Đăng lúc: 17-09-2017 1:35 Chiều - Đã xem: 148 lượt xem In bài viết

Đó là quyết tâm của Đội trưởng Trịnh Văn Huyền – Đội phá bom, Đại đội 293, Đội 34 TNXP Điện Biên Phủ khi kêu gọi đồng đội cứu 8 trong 10 xe chở đạn, gồm 437 viên đại bác 105 ly của ta bị máy bay địch đánh phá tại đèo Pha Đin (Điện Biên).

Trịnh Văn Huyền sinh năm 1930, tên thật là Lê Văn Huyền (bí danh Lê Đình Cường), sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên năm 8 tuổi cậu bé Huyền đã phải đi làm thuê, ở đợ. Năm 11 tuổi, vì làm mất con trâu của địa chủ, không có tiền trả nên cậu bé Huyền phải bán mình cho trung nông Trịnh Văn Hinh ở Can Lộc. Nhờ chăm chỉ cày bừa, siêng năng làm việc nên Lê Văn Huyền được ông Trịnh Văn Hinh nhận làm con nuôi, từ họ Lê đổi thành họ Trịnh.

Về xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, Trịnh Văn Huyền vừa cày bừa, làm ruộng phụ giúp cha nuôi vừa tham gia các hoạt động ở địa phương. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Trịnh Văn Huyền được bầu làm Phân đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đội trưởng Đội Du kích thôn Phúc Trường. Anh tích cực tham gia dân công phục vụ trong các chiến dịch, rồi dần dần chuyển sang bộ đội chủ lực.

Cuối năm 1952, trên đường rời quê hương Hà Tĩnh gia nhập đội TNXP phục vụ kháng chiến chống Pháp ở Điện Biên Phủ, chàng trai Trịnh Văn Huyền đã mua 5 con gà và 1 con lợn 5kg mang theo. Sau một thời gian, con lợn mà Trịnh Văn Huyền nuôi nặng 84 kg, 5 con gà được 98 kg, tất cả anh đều dùng để bồi dưỡng cho những anh em ốm đau và liên hoan đơn vị. Trên đường đi, anh còn hái rau rừng, xin lá khoai lang của những nhà dân ven đường để thêm chất tươi, cải thiện cho bữa ăn của anh em… Còn bản thân anh hơn hai năm liền chỉ ăn mắm kem (nước mắm muối nấu cô lại) còn cá khô hay thịt anh đều nhường cho đồng đội. Nhiều lúc Trịnh Văn Huyền còn giúp những đồng đội bị đau chân, sưng vai gánh hàng, có nhiều ngày anh gánh tới 80 kg.

Trịnh Văn Huyền là người rất chăm lo miếng cơm áo mặc cho các chiến sĩ trong đơn vị mình. Những giờ giải lao, trong lúc đồng đội nghỉ ngơi, anh không quản ngại vất vả, lặn lội vào rừng đào măng, củ mài, lấy rau rừng bổ sung thêm thực phẩm cho đồng đội. Hơn thế, anh còn vào bản mua gà về nuôi để nấu cháo tẩm bổ cho chiến sĩ bị ốm và các chiến sĩ bị thương nặng. Không biết bao nhiêu chiến sĩ đã khỏe mạnh nhờ sáng kiến và sự chăm chỉ, chịu khó của Trịnh Văn Huyền. Cũng nhờ đức tính tốt đẹp, thương yêu, chăm sóc đồng đội của mình nên Trịnh Văn Huyền đã được Bác Hồ biểu dương. Với bút danh C.B, Bác đã viết bài “Tình hữu ái giai cấp” đăng trên Báo Nhân dân số 140 ra năm 1954 khen ngợi biết anh nhường nhịn, lo toan cho đồng đội.

Khi đội của Trịnh Văn Huyền đóng quân ở đèo Chẹn, qua phà Tạ Khoa (Sơn La), đơn vị của anh được giao nhiệm vụ đánh trả nếu máy bay địch đến đánh phà Tạ Khoa; bắn đuổi nếu địch đánh bom để chúng không thả bom trúng đường; cắm tiêu, phá bom nổ chậm; chuyển đất đá lên đèo để lấp hố bom, sửa đường cho xe chạy, phá những mỏm đá nhô ra để xe đi không bị vướng… Trong một lần đơn vị được giao chuyển 600m3 đất đá lên đèo Chẹn để lấp hố bom, đoạn đèo chỉ dài khoảng 10km, nhưng là đường đất, quanh co, ngoắt nghéo, dốc cao, có nhiều mỏm đá nhô ra, địa hình hiểm trở, cộng thêm ngày đêm địch ném bom đánh phá không cho bộ đội và xe chở hàng của ta vào chiến dịch, nên đã 10 ngày mà vận chuyển được rất ít đất. Trịnh Văn Huyền suy nghĩ, cân nhắc cẩn thận rồi xin phép cấp trên cho phân công lại công việc: Những chiến sĩ khỏe nhất, những người đã quen công việc gánh gồng từ trước phụ trách đoạn dốc nhất. Những người chưa quen việc, yếu hơn thì phụ trách đoạn dốc ít, đến khi mệt quá thì đổi vị trí cho nhau, làm ngày 3 ca. Làm theo dây chuyền như thế, năng suất tăng dần lên. Chỉ mấy ngày sau, đơn vị của anh đã chuyển xong 600m3 đá lên lấp xong các hố bom, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Trịnh Văn Huyền và đồng đội đã rất sáng tạo nghĩ ra nhiều sáng kiến để nâng cao hiệu suất công việc, phục vụ công tác chiến đấu.

Đường vừa chữa xong, hố bom vừa lấp xong thì thực dân Pháp tiếp tục cho máy bay đến thả bom. Anh em trong đội lại chia nhau đi cắm tiêu đánh dấu bom nổ chậm, bom bươm bướm để tìm cách phá. Bom bươm bướm là loại bom do Mỹ sản xuất, bom mẹ chứa nhiều bom con, khi có tác động là xòe cánh bay lên và nổ, rất khó phá. Thời gian đầu, các chiến sĩ trong đội phá bom mìn chưa quen, hay bị trúng bom bươm bướm, thương vong nhiều. Không biết đã bao đêm Trịnh Văn Huyền cùng đồng đội trăn trở nghĩ cách phá bom. Cuối cùng, sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, nghiên cứu, đội của anh đã nghĩ ra cách: đào hố an toàn cách quả bom khoảng 5m, đủ 1 người ngồi nấp, sau đó dùng cây tre dài, chọc vào quả bom để bom lăn ra và tự nổ. Cách này rất hiệu quả, chỉ trong 2 giờ, đội của anh phá được 39 quả bom bươm bướm và giúp quân ta giảm đáng kể thương vong trong việc phá bom mìn.

Còn với bom nổ chậm, do bom nằm dưới đất, lại không biết lúc nào nổ, nên việc phá bom gặp nhiều khó khăn hơn. Đơn vị của Trịnh Văn Huyền phải chia nhau ra, 5 người một tổ, nằm nghiêng dưới đất, rồi nhẹ nhàng dùng xẻng đào đất xung quanh quả bom. Đến khi thấy cánh ở đuôi quả bom nhô ra thì buộc dây mìn, thuốc mìn vào cổ quả bom và dòng dây dẫn ra một hố cách hơn 10m, người phá bom nấp trong hố và châm ngòi nổ. Với kinh nghiệm và nhiều sáng kiến trong việc phá bom, có ngày toàn đội của Trịnh Văn Huyền phá được 130 quả bom các loại. Bản thân anh phá được 124 quả bom bươm bướm, 6 quả bom nổ chậm. Với tư cách là Đội trưởng Đội phá bom ở đèo Pha Đin và Cò Nòi, nơi địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt, Trịnh Văn Huyền luôn nêu cao tinh thần “Dù hy sinh cũng phải quyết tâm tìm ra cách phá bom nổ chậm có hiệu quả”.

Ngoài những sáng kiến trong việc phá bom, Trịnh Văn Huyền cùng đồng đội còn nghiên cứu đưa năng suất đục lỗ, nhồi thuốc mìn phá đá tăng gấp 5 lần định mức, phá mỏm đá thông đường cho xe đi rất hiệu quả, đan rọ đựng đá để chặn dòng nước cho xe của ta đi qua ngầm… Ngay cả những công việc tưởng chừng đơn giản như đốn tre, nứa, anh cũng có sáng kiến đưa năng suất cao gấp 8 lần định mức.

Đến cuối tháng 4 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra rất cam go, quyết liệt, quân ta đang bao vây Điện Biên, cần rất nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm để phục vụ cho việc chiến đấu. Vì thế, việc cung cấp đạn đầy đủ và kịp thời cho tiền tuyến rất quan trọng, cấp bách. Để đảm bảo cho các chiến sĩ có đủ đạn chiến đấu nên quân ta phải chở đạn cả ban ngày. Chính vì thế địch bắn phá đèo Pha Đin càng ác liệt, liên tục hơn, khiến cho việc chở đạn của ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Ngày 26 tháng 4 năm 1954, khi Trịnh Văn Huyền đang canh gác trên đèo Pha Đin thì thấy 4 chiếc máy bay Hen-cát của địch thay nhau lao xuống bắn xối xả vào khu vực Đại đội anh phụ trách, ở hướng doanh trại có khói bốc lên mù mịt. Trịnh Văn Huyền nghĩ doanh trại bị bắn trúng, nên cùng đồng đội chạy về cứu. Đi được 2/3 quãng đường, một quả đạn nổ ngay gần Trịnh Văn Huyền, mảnh đạn văng vào đầu, vào mặt, vào chân anh, máu chảy rất nhiều nhưng anh không để ý mà chỉ quan tâm đến sự an nguy của doanh trại và đồng đội mình.

Đội của Trịnh Văn Huyền chạy đến cột khói mới phát hiện không phải doanh trại bị bắn mà đó là đoàn xe ô tô gồm 10 chiếc chở đạn cỡ lớn của ta bị trinh sát của quân đội Pháp phát hiện và đang bắn phá ác liệt, xe đi đầu bị bắn trúng, đang bốc khói. Sự việc quá cấp bách, nếu không cứu thì cả 10 xe đạn sẽ bốc cháy, và không sơ tán ngay lập tức, để chậm trễ máy bay địch đến thêm thì toàn bộ đoàn xe sẽ nổ cháy hết, ta sẽ thiệt hại về người và hàng rất lớn. Không cần đắn đo, suy nghĩ, mặc cho vết thương đang chảy máu, Trịnh Văn Huyền hạ lệnh: “Thà chết, không để đạn nổ, tất cả tập trung đưa xe và đạn về nơi an toàn“. Trịnh Văn Huyền ngay lập tức phân công anh em và chính anh dù đang bị thương, máu chảy khắp mặt và chân tay vẫn nhảy lên xe dập lửa và cứu đạn pháo. Đơn vị dỡ được hơn chục viên đạn, thì đám cháy cháy lớn hơn, thấy đạn đã có nguy cơ nổ, nên Trịnh Văn Huyền đề nghị anh em dừng lại cho an toàn. Anh quan sát phát hiện có một sườn dốc xuống khe núi khoảng 40m, nên hướng dẫn anh em lái xe xuống khe suối, để bảo vệ được cả xe, cả đạn. Đến chiếc xe cuối cùng thì trong khe hết chỗ, Trịnh Văn Huyền chỉ huy anh em dỡ hết đạn xuống, còn xe đành phải để lại trên đèo, sau đó bị địch bắn cháy. Sau 9 giờ đồng hồ khẩn trương, vất vả, căng thẳng, sự sống, cái chết chỉ trong gang tấc, các chiến sỹ TNXP trong đội của anh đã cứu được 8 xe ô tô và hơn 437 viên đạn đại bác 105 ly, riêng Trịnh Văn Huyền – người Đội trưởng, chiến sỹ quả cảm dù bị thương vẫn cứu được 19 quả đạn ở xe đang bị cháy. Hoàn thành xong nhiệm vụ, anh đã ngất đi, đồng đội đưa ngay anh về tuyến sau để cứu chữa.

Nhờ siêng năng, có nhiều sáng kiến, gan dạ, dũng cảm, có tinh thần đoàn kết và lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Trịnh Văn Huyền lần thứ hai được Bác viết bài báo “Thanh niên kiểu mẫu” (cũng bút danh C.B) khen ngợi, đăng trên Báo Nhân dân ngày 17/3/1955, trong bài có đoạn: “Trong một năm đồng chí ấy đã được khen thưởng 23 lần. Vừa rồi, ở Đại hội Thi đua, đồng chí Huyền đã được bầu là chiến sĩ số 1 toàn đoàn”, anh vinh dự là người duy nhất được Bác tặng chiếc áo lụa khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Anh cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương. Vào tháng 7 năm 1955 được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cử đi Vacsava dự Hội nghị Thanh niên Ưu tú Thế giới. Cũng trong năm 1955, Trịnh Văn Huyền được vinh dự có mặt trên lễ đài tại buổi lễ đón Bác Hồ, TW Đảng, Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội ra mắt quốc dân đồng bào.

Giữa tháng 5/1962, trong bài nói chuyện tại trường cán bộ Thương nghiệp Mai Dịch, Hà Nội với nhan đề: “TNXP tiếp tục được phát huy”, lần thứ ba Trịnh Văn Huyền được Bác Hồ tuyên dương về tinh thần kiên trì học tập. Khi gia nhập TNXP, Trịnh Văn Huyền mới thoát nạn mù chữ, đến lúc chuyển lên xây dựng Nhà máy Việt Trì, anh tranh thủ học bổ túc văn hóa ban đêm cách nơi làm việc 12 km. Vừa học, vừa nghiên cứu các giáo trình về cơ khí, vừa mày mò sáng tạo, anh đã nâng cao được trình độ học vấn, tiếp tục xứng danh là “cây sáng kiến” trong ngành xây dựng.

Điển hình là sáng kiến thiết kế trạm trộn bê tông dài 120m, đổ gần 3.000m3 bê tông trong thời gian ngắn. Sáng kiến này được chuyên gia Liên Xô thưởng 500 rúp và Bộ Xây dựng đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Anh hùng Trịnh Văn Huyền cùng vợ trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
cho 4 TNXP Điện Biên Phủ ngày 16/10/2014 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Đồng Sỹ Tiến 

Suốt thời trai trẻ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; đến khi hòa bình lại tiếp tục phấn đấu không ngừng nghỉ, phát minh những sáng chế trong ngành xây dựng, Trịnh Văn Huyền xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Giờ đây khi đã ngoài “bát thập” hoàn cảnh của Anh hùng Trịnh Văn Huyền vô cùng khó khăn, nhưng ông chưa bao giờ than vãn về cuộc sống sau giải phóng đầy gian truân, về căn nhà lụp xụp trong con ngách nhỏ trên phố Vũ Trọng Phụng, Hà Nội hay về người con bị nhiễm độc phóng xạ của mình. Ông luôn nói rằng: “Đã có hàng nghìn đồng đội vào chiến trận mà không trở về. Tôi vẫn minh mẫn được như ngày hôm nay là phúc lớn rồi, nên với khả năng của mình, tôi muốn làm những gì có ích cho xã hội!”.

25 lần ông được bầu là chiến sĩ thi đua các cấp, cùng với hàng trăm bằng khen, giấy khen, được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, đặc biệt được Bác Hồ tặng 2 lần Huy hiệu của Người và Bác đã viết 3 bài báo khen ngợi. Ngày 16 tháng 10 năm 2014, ở tuổi 84, ông được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Với những chiến công, thành tích vẻ vang đó, Anh hùng Trịnh Văn Huyền xứng đáng là một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam; một chiến sĩ cách mạng gan dạ, dũng cảm; một Đội trưởng Đội phá bom TNXP Điện Biên Phủ tài giỏi, mưu trí; một “cây sáng kiến” đóng góp nhiều sáng chế hữu ích trong ngành xây dựng; một tấm gương sáng ngời để thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Lê Trúc Vy

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015