Thăm chùa gặp người xưa

Đăng lúc: 04-07-2018 8:45 Sáng - Đã xem: 112 lượt xem In bài viết

Đã mươi năm rồi, mới trở lại thăm Chùa Keo[i], tôi đang mải ngắm hàng cây gạo bung nở hoa sắc đỏ rực rỡ, ríu ran tiếng sáo đen, sáo sậu, tiếng chào mào, bỗng nghe rất nhẹ, tiếng một người phụ nữ có tuổi:

Nam mô A di đà Phật! Bần tăng xin phép được hỏi: Thí chủ có phải là thầy giáo quê ở Tự Tân không ạ?

Tôi thoáng băn khoăn… nhưng cũng vội đáp lễ: Bạch thầy! Tôi vốn là người Tự Tân, là nhà giáo, nhưng nghỉ hưu khá lâu rồi ạ.

Mời tôi vào nhà, rót nước mời, rồi nhà sư kính cẩn nói:

Thầy giáo không nhớ nhà chùa nhưng nhà chùa vẫn nhớ thầy, nhớ ơn đức của Thầy. Thấm thoắt mà đã 46 năm rồi, Thầy ạ! Năm bảy hai (1972) thầy chấm thi ở Trường sư phạm Đông Triều đấy ạ?

Tôi gật đầu, công nhận. Nhà chùa là giáo sinh lớp nữ thanh niên xung phong, năm ấy thi tốt nghiệp! À, tôi nhớ rồi, lần chấm thi lớp giáo sinh đặc biệt…

Hồi ấy, được Bộ điều động đi coi, chấm thi tốt nghiệp ở trường Trung cấp sư phạm Quảng Ninh. Trường này sơ tán ở xã Tràng Lương, huyện Đông Triều. Nhiều lớp học nằm ngay bên bờ suối, dưới bóng cây xanh, vừa để tránh máy bay địch vừa tản nhanh nếu có động. Nhìn bữa ăn tiếp khách rất đạm bạc của trường, tôi thấy ngay vì sao giáo sinh ở đây, cô cậu nào cũng gầy vêu vao! Chắc họ rất đói khổ! Là giáo sinh nữ TNXP, họ đã từng lao động xây dựng ở những vùng khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh ác liệt. Họ đảm bảo giao thông, phục vụ chiến đấu ở các cung đường thấm máu nơi tuyến lửa. Nếu không bị thương, thì cũng bị sốt rét ác tính hành hạ… Hoàn thành nhiệm vụ, từ nhiều tỉnh thành, họ được đưa về Quảng Ninh học sư phạm. Gần hết các cô bịt khăn kín đầu. Thấy tôi thắc mắc, anh bạn là giáo viên của trường kể: Thương lắm anh ạ! Trọc hết đầu đấy. Sốt rét liên miên… rụng hết tóc. Nhiều cô đang đêm, bật cười khanh khách, sằng sặc, rồi khóc hu hu, nức nở… Chỉ khi có bạn nam đến thăm hỏi nói chuyện… mới trở lại bình thường. Rồi anh thì thầm: Nhiều đứa không còn hiện tượng con gái, đàn bà nữa! Tôi ngạc nhiên, ý dò hỏi. Thì mấy cô này hàng năm không dùng đến vải màn…không phơi xô trắng như những phụ nữ khác… À, thương thật!

Khi kiểm tra hồ sơ dự thi, tôi thấy các cô đều trên, dưới tuổi tôi. Tôi thấy mình còn may mắn! Ý định ban đầu phải coi thi thật chặt phút chốc tan biến. Tôi chủ động gợi ý các thầy trong đoàn tranh thủ đến thăm khu ở của các giáo sinh lớp đặc biệt này, ý là để họ được làm quen, đỡ ngại khi coi thi… Tôi được nói chuyện với một nữ giáo sinh, da ngăm đen, gày gò, khuôn mặt khắc khổ, đầu trùm khăn. Nụ cười con gái mà héo hon. Chỉ có đôi mắt sáng, ánh lên nghị lực. Tiếng cô nói hơi nặng, phát âm uốn lưỡi tr – ch, s – x, d – r…

Tôi hỏi: Em là người Thái Bình à?

Vâng, em quê Thái Bình, sao Thầy biết ạ?

Tôi cười vui… Em ở huyện nào?

Nhìn tôi thăm dò, cô nói khẽ: Em ở Thư Trì, Thầy ạ!

– Đồng hương với tôi rồi! Tôi ở Tự Tân, gần chùa Keo ấy mà…

Câu chuyện chiều ấy chỉ có thế. Tôi nói chuyện thêm với vài giáo sinh khác.

 Khi coi, chấm thi, không ai bảo ai, nhưng đều nhẹ tay… Biết là chưa thật đúng quy chế nhưng chẳng có gì lớn hơn tình thương, họ không chỉ là đồng hương, còn là những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, đóng góp công sức, xương máu cho đất nước… Về chuyên môn sư phạm, họ có thể chưa tới chuẩn, sẽ cố gắng thêm sau khi ra trường… Chúng tôi nghĩ như thế… Buổi thi vấn đáp, không ngờ cô giáo sinh đồng hương, gặp trúng cặp chấm của tôi…

Đang nghĩ lan man… tiếng nhà sư đưa tôi về thực tại. Thầy giáo có thể không còn nhớ, nhưng bần tăng thì rất nhớ ạ! Nội dung đề thi như một định mệnh, duyên trời phật đối với bần tăng! Câu hỏi là cho biết nội dung ý nghĩa của bốn câu thơ trong Truyện Kiều: ” Mùi thiền đã bén muối dưa/ Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng/ Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi”.

Bốn câu nói về việc Kiều bị xô đẩy, phải nương tựa cửa chùa, không còn tơ tưởng đến cõi trần tục nữa. Thế mà ngày ấy, bần tăng lúng túng không hiểu. Nói không nên lời, người đẫm mồ hôi… Chắc trượt rồi! Bần tăng nhìn lên cầu cứu…Thầy thì thầm với thầy ngồi bên cạnh, rồi thản nhiên: “Chị về chuẩn bị… để ít ngày nữa… đi dạy học nhé!” Tưởng là thầy chỉ động viên, không ngờ bần tăng được đi dạy học thật! 

Nhớ dần ra câu chuyện và nhận ra đôi mắt sáng đầy nghị lực của cô gái năm xưa ở trường sư phạm…Tôi hỏi: Thế sao nhà chùa thôi nghề dạy học?

Thầy ạ! Dạy học được vài năm, hết sốt rét đến bệnh gan, bao bệnh khác hành hạ… Bần tăng còn bị nhiễm chất độc hoá học đioxin. Không đủ sức để lên lớp được nữa, bần tăng xin nghỉ dạy về quê. Gia đình không còn ai. Không chồng không con…Bần tăng xin ăn mày cửa phật. Dự học lớp Phật giáo, gây dựng và trụ trì được mấy chùa. Bây giờ cao tuổi, xin về quê, trông coi chùa làng…

Tôi có chút tiền công đức.

Cụ già viết giấy chứng nhận hỏi tôi: Bác quen nhà sư à? Người ấy tốt cả việc đời việc đạo. Nhà chùa kiêm thầy dạy chữ. Dạy cho các cháu mồ côi, các cháu có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường học. Nhà sư xin phép chính quyền để mở lớp, đã được nhà trường kiểm tra và ủng hộ… Khoan hoà nhưng nghiêm khắc khi dạy các cháu, được phụ huynh và học trò rất mến quý…

Một cụ bà ngồi gần, xin phép góp chuyện: Nhà sư còn rất chăm việc từ thiện, người trong làng có việc hiếu hoặc mất đoàn kết…Nhà chùa đều có mặt giúp đỡ, hòa giải… Nhà chùa tham góp nhiều ý kiến hay cho trưởng thôn, khuyên mọi người không nên đốt nhiều vàng mã, lãng phí mà khói bụi, gây ô nhiễm môi trường… Đức độ lắm, liêm khiết lắm!

Vọng lại từ xa, có lời ai nói: Trong xã hội chúng ta, có nhiều người cả đời hy sinh cho đất nước quê hương… là những cựu TNXP thiệt thòi nhiều mặt, dù xuất gia nhưng họ vẫn luôn gắn bó với chúng sinh, luôn tốt đời đẹp đạo!

Tôi xúc động, cảm phục và tự hào vì đã chọn nghề sư phạm, sau 3 năm tham gia TNXP, và đã có được những chuyến đò, tiếp sức đồng đội của mình sang sông!

 

Phạm Ngọc Lanh
 CTV Hội Cựu TNXP Hưng Yên

 


[i] Chùa Keo (tên chữ: Thần Quang tự) là một ngôi chùa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.