Thương binh Nguyễn Quang Vinh 15 năm liên tục là Chủ tịch Hội Cựu TNXP gương mẫu

Đăng lúc: 10-06-2019 2:39 Chiều - Đã xem: 109 lượt xem In bài viết

Theo tiếng gọi của Bác Hồ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 8.400 thanh niên huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đã gia nhập TNXP. Trong số 11 cô gái và 2 chàng trai ở C317 Đội 65 đã hy sinh anh dũng ở Truông Bồn, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân,  có 9 cô là quê lúa Yên Thành. Trở về đời thường anh chị em vẫn phát huy truyền thống anh hùng đoàn kết tương trợ lẫn nha để đẩy mạnh sản xuất xóa đói giảm nghèo làm giàu xứng đáng

Nguyễn Quang Vinh năm nay tròn 72 tuổi ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành. Thuở nhỏ vì nhà nghèo Vinh phải theo cha đi cày trại khắp nơi như ở nhà Đũa Động Cầu, nơi rừng xanh nước độc để kiếm sống. Năm 1967 cha con về khai hoang ở Đồng Thông trên khu đất đại bản doanh của cụ Nguyễn Xuân Ôn[i] trong phong trào Cần Vương.

Năm 1972, giặc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc, Vinh xung phong gia nhập TNXP thuộc C2512 Tổng đội 273 phục vụ ở những tọa độ lửa như phà Bến Thủy, phà Nghèn, sông Giang, miền Tây tỉnh Quảng Bình.

Tháng 7/1973 trong khi đang phá bom nổ chậm ở phà sông Giang thì một quả bom khác nổ, anh bị mảnh bom găm vào làm gãy 4 xương sườn. Sức khỏe ngày càng yếu, xếp hạng thương binh 4/4 và phải trở về địa phương. Từ năm 2004 cho đến nay anh được bầu là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã.

Nhà anh ở ven đập Quản Hài, phía trước dưới nhà có một khu đất rộng gần 3ha còn bỏ hoang, lau lách cỏ sậy mọc um tùm. Đến mùa lụt nước đập dâng lên cao không cày cấy được. Nhớ đến lời Bác Hồ dạy: “Tấc đất tấc vàng”, được bạn bè bà con xóm làng giúp đỡ anh đã thuê máy đắp 1 con đập chắn ngang từ chân hòn Dù sang động Nhãn dài gần 200 mét cao 6 mét. Nhờ đó 1 năm cấy được 1 vụ chiêm, vụ mùa làm ao thả cá.

Trong số diện tích gần 3ha  mới khai hoang anh đã hiến cho hội TNXP xã Kim Thành 5 sào để cấy lúa gây quỹ. Bước vào vụ sản xuất anh thuê máy cày bừa bơm nước bỏ phân, anh chị em trong hội cựu TNXP chỉ đến cấy và thu hoạch. Nhờ đó mỗi năm quỹ hội cựu TNXP có thêm 10 triệu đồng. Đến nay đã có trên 40 triệu đồng và cho 8 hội viên thuộc diện nghèo vay không lấy lãi. Qua 3 năm 8 hội viên này đã thoát nghèo. Hội viên Phạm Thị Lượm 65 tuổi dân tộc Mường ở Thanh Hóa lấy chồng về Kim Thành, chồng chết để lại 3 người con. Đến nay từ hộ nghèo đã xóa nghèo, 2 con đang học ở trường Đại học. Bà Thái Thị Thích 63 tuổi vay quỹ hội đã trồng được 2ha cây keo lá tràm.

Anh Vinh thường nói với mọi người: Chúng ta đã từng sống dưới mua bom bão đạn sống chết có nhau. Bây giờ phải đùm bọc nhau để xây dựng gia đình quê hương ngày càng đổi mới. Ngoài 3 ha ruộng anh còn khai hoang được 2 ha ven đập Quản Hài. Năm 1973, anh đi ra huyện Quỳnh Lưu mua 20 gốc cau chín bẹ về để trồng. Sau 5 năm có quả anh lấy giống ươm và trồng được trên 1000 cây cau. Cau chín bẹ hạt to mềm nên thị trường ưa thích. Nhờ chăm bón tốt và nắm vững kỷ thuật cho cau đẻ trái vụ nên cau lúc nào cùng bán được giá cao. Riêng tiền bán cau một năm trừ chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng. Ở giữa 2 hàng cau anh trồng 1000 gốc chuối tiêu, 400 gốc na, nuôi thả trên 200 con gà vịt. Trừ chi phí mỗi năm thu hoạch gần 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Năm 1996 rừng đầu nguồn Thung Mây với trên 100 ha bị tàn phá trơ trọi. UBND xã giao cho ban chỉ huy xóm bảo vệ, nhưng làm không chu đáo. Anh đã nhận thầu và bảo vệ. Từ đó rừng trở lại xanh tốt. Thung Mây, khe Ngấy, di tích lịch sử nơi nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn đóng quân trở thành một điểm du lịch sinh thái rất đẹp.

Anh đã được Trung ương, Tỉnh hội, Huyện hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen và được báo cáo điển hình về làm kinh tế giỏi, hết lòng vì đồng đội./.

                                                                        Trường Sơn

Xã Hùng Thành, Yên Thành, Nghệ An

 

 


[i] Nguyễn Xuân Ôn (1825 – 1889), hiệu Ngọc Đường, Hiến Đình, Lương Giang nhân dân thường gọi ông là Nghè Ôn; là quan nhà Nguyễn và là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nghệ – Tĩnh (Việt Nam) hồi cuối thế kỷ 19