Tiến sĩ, thi sĩ Hồ Bá Thâm, một trí thức tài ba với những cống hiến độc đáo

Đăng lúc: 06-07-2019 11:14 Sáng - Đã xem: 314 lượt xem In bài viết

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết “Tiến sĩ, thi sĩ Hồ Bá Thâm, một trí thức tài ba với những cống hiến độc đáo” của tác giả Thiên Kim đăng trong cuốn sách do Nhà Xuấ bản Thanh niên ấn hành năm 2019: “CHÂN DUNG NHỮNG NHÀ TRÍ THỨC VIỆT NAM”.

Nhà trí thức Hồ Bá Thâm (ảnh dưới) là người con của xứ Nghệ một vùng đất học- vùng “cá gỗ” địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt cho đất nước. Trong những năm trên mặt trận chiến trường, ông Hồ Bá Thâm từng là cán bộ TNXP Trường Sơn và sau đó có quãng thời gian dài hàng chục năm học tập, làm việc tại Hà Nội. Học xong tiếng Nga, ông bỏ lại nhiều mơ ước còn dang dở và chuyển vào Kiên Giang công tác. Sau 15 năm gắn bó nơi đây, ông về Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật công tác tại Cần Thơ rồi TPHCM. Dong duổi cả cuộc đời ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên, bởi vậy bằng cảm xúc tâm tình ông đã viết nên những vần thơ tự thuật: Nghệ An sinh ra tôi/ Trường Sơn ho tình người/ Hà Nội cho phần đạo/ Kiên Giang cho phần đời… Và… / Chọn Sài Gòn bến đậu…/ Chim bằng mỏi cánh không…!?

Ông vừa là nhà lý luận, nhà khoa học hàng đầu, nhà giáo giàu kinh nghiệm và đồng thời cũng là nhà thơ có những bài thơ nổi tiếng. Với tuổi nghề gần 50 năm, ông đã xuất bản gần 50 đầu sách lý luận, khoa học và được tôn vinh là “Tấm gương người làm khoa học” (2017), “Trí thức Việt Nam vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học” (2015) và “Cán bộ quản lý tâm tài” (2015). Ông từng là chuyên viên cao cấp có thâm niên, hàm Vụ trưởng. Dù công tác ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện tài năng và có một số cống hiến độc đáo. Ông tâm sự rằng: “ở đời và sự nghiệp không phải ở chức vị hay lời khen tặng, tôn vinh mà chủ yếu là làm ra sản phẩm gì, như thế nào, công hiến và để lại gì cho hôm nay và mai sau”.

NHỮNG CỐNG HIẾN KHOA HỌC, TRIẾT HỌC NỔI BẬT VÀ ĐỘC ĐÁO

Xuất phát điểm là một người thầy ươm mầm tri thức, thế nhưng khi nhắc về TS Hồ Bá Thâm, mọi người lại ấn tượng nhiều hơn về vai trò người nghiên cứu khoa học. Ông chia sẻ, bản thân say mê với nghiên cứu khoa học lĩnh vực Triết học kể từ khi ông đi làm Nghiên cứu sinh tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện CTQG HCM).

Khi làm luận án Phó Tiến sĩ khoa học triết học, ông đã làm rõ nội hàm khái niệm Năng lực tư duy về mặt triết học như năng lực hoạt động nhận thức, vận dụng và thực hành tư duy thể hiện ở năng lực ghi nhớ, phân tích tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa, liên tưởng, tưởng tượng và cả trực giác. Mà khái niệm năng lực tư duy ngay trong Từ điển (1993) cũng chưa thấy có và nêu rõ. Lúc đó chỉ có khái niệm tư duy và năng lực, hoặc hình thức tư duy, nội dung tư duy. Dù còn tranh luận nhưng được Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước đánh giá cao. Theo GS Ngô Thành Dương nguyên Trưởng khoa Triết Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc cho rằng, “tác giả luận án đã mở ra một hướng nghiên cứu mới về tư duy (năng lực tư duy) ở góc độ triết học”. Luận án sau đó được Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản thành sách và về sau Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã nghiên cứu sâu hơn, mở rộng và vận dụng vấn đề này và tái bản cuốn sách hai lần.

Đối với lĩnh vực về năng lực tư duy và ý thức hay về tâm linh những năm gần đây, TS. Hồ Bá Thâm đã cập nhập thông tin mới và tiếp tục nghiên cứu viết bài đăng tạp chí. Về lĩnh vực ý thức và tâm linh theo góc nhìn khoa học hiện đại ông làm rõ hơn những khía cạnh mới (khía cạnh tính vật chất của ý thức, khả năng tác động trực tiếp đến vật chất, tính độc lập nhất định với não bộ hay không và như thế nào…?). Ở đây ông là rõ hơn phạm trù ý thức, tâm linh với những luận giải mới. Ông Hồ Bá Thâm cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ hình thành một chuyên khảo về vấn đề cực khó nhưng cực hay và quan trọng bậc nhất này về mặt triết học.

Ông không chỉ nghiên cứu sâu các vấn đề triết học và chính trị xã hội mà còn có ý tưởng lập thuyết như xây dựng và đề xuất học thuyết Chủ nghĩa duy vật nhân văn (học thuyết về phát triển con người, giải phóng con người theo tinh thần nhân văn, 1994, 2005), hay Triết học phát triển (chứ không chỉ triết lý phát triển). Về chủ nghĩa duy vật nhân văn đã xuất bản 3 cuốn sách và Triết học phát triển (2000) cũng xuất bản 5 cuốn sách có liên quan. Tác giả Hồ Bá Thâm đã luận giải là chủ nghĩa duy vật nhân văn tiếp tục nghiên cứu theo tinh thần duy vật lịch sử nhưng là một bộ phận cơ bản riêng cùng với chủ nghĩa duy vật lịch sử, nó được phát triển làm phong phú thêm triết học Mác – Lênin. Đồng nghiệp có nhìều trao đổi, ủng hộ, luận bàn cùng ông về chủ nghĩa duy vật nhân văn trên trang Chungta.com (nhất là trong năm 2009).

Tác giả tặng sách cho nhân vật

Cũng như vậy, ông đã lập luận phải xây dựng Triết học phát triển nhằm làm sâu sắc phép biện chứng về sự phát triển và phát triển bền vững, nhân văn, chủ yếu ở cấp độ xã hội và con ngườì. Một số bài viết về lĩnh vực này cũng đã đăng tải trên tạp chí, sách của Học viện CTQG HCM và Đại học KHXH-NV Hà Nội và được đánh giá cao. Ông cho rằng, nó là một chuyên ngành cần nghiên cứu sâu như một chuyên ngành hẹp của triết học đương đại rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Và nhìn ra thế giới thì những năm gần đây trong nội dung của Đại hội triết học thế giới cũng đã nêu lên chủ đề phân ban “triết học phát triển”.

 Với quãng thời gian công tác của mình, TS Hồ Bá Thâm đã có gần 30 năm tập trung cao độ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Ông tập trung nghiên cứu vấn đề phát triển văn hóa trong quan hệ với phát triển kinh tế, làm rõ hơn triết học phát triển, triết học nhân văn ở cấp độ vận dụng giải quyết những vấn đề ở Việt Nam. Ông đã xuất bản gần 10 đầu sách về lĩnh vực văn hóa – xã hội, làm rõ thêm triết học văn hóa, lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế… ở cấp độ vận dụng này. Bên cạnh đó ông còn nghiên cứu và xuất bản chuyên khảo về con người, phát triển con người và mới đây là phát triển nguồn nhân lực trong quan hệ với tái cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế (với 18 chương, hơn 400 trang, năm 2017), dù tuổi ông đã cao.

TS Hồ Bá Thâm đã sớm nghiên cứu về những vấn đề bức xúc như xung đột lợi ích nhóm dưới góc nhìn mâu thuẫn xung đột trên một số lĩnh vực (từ 2007) và đã xuất bản 2 đầu sách về lĩnh vực này và cũng đang hoàn thiện công trình thứ 3 để xuất bản trong thời gian tới. Có thể nói cuốn sách về lĩnh vực này đã xuất hiện sớm nhất ở nước ta và khi xuất bản đã được đánh giá là hấp dẫn, có chất lượng và kịp thời.

Nhà triết học Hồ Bá Thâm cũng rất chú ý nghiên cứu vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững dưới góc nhìn triết học đương đại và tập hợp một số đồng nghiệp cùng nghiên cứu và xuất bản thành sách. Ở công trình gần 700 trang này do ông chủ biên, đã nêu lên khái quát vấn đề triết học đương đại về biện chứng giữa toàn cầu hóa và hội nhập, đổi mới và phát triến bền vững làm sâu sắc nền tảng lý luận cho những vấn để cụ thể khi giải quyết nó trong lĩnh vực này.

Ông đã theo đuổi nghiên cứu vấn đề dân chủ và thể chế, cơ chế dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, sớm nghiên cứu vấn đề phản biện và giám sát xã hội về mặt triết học chính trị và vận dụng ở Việt Nam. Ông đã xuất bản 3 cuốn sách về lĩnh vực này. Trong đó cuốn Dân chủ hoá và phát huy nội lực, hoặc cuốn Dân chủ pháp quyền và phản biện xã hội, được bạn đọc tìm đến và đã được tái bản. Lĩnh vực dân chủ và thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân dưới góc nhìn phương pháp luận triết học được ông chú ý nghiên cứu rất sớm và có bài nghiên cứu đã được đăng Tạp chí Triết học từ năm 1979.

Ông đã có những tác phẩm không chỉ trình bày trực diện mà còn có tác phẩm nghiên cứu đấu tranh tư tưởng, lý luận khá đồ sộ (Chủ nghĩa Mác – Lênin, Phương pháp luận phê phán và phát triển lý luận hiện nay, hơn 500 trang) hết sức sâu sắc. Ngay ở đây, ông đề xuất làm rõ hơn chủ nghĩa Mác – Lênin hiện đại (trong đó có vấn đề chủ nghĩa duy vật nhân văn, triết học phát triển). Cuốn sách đã được Nxb Chính trị Quốc gia ST và Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá rất cao vì nó có nhiều điểm mới, rất đáng trân trọng, nhất là về mặt phương pháp luận của các môn khoa học liên quan, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Khi chuyển sang nghiên cứu tâm lý học, TS.Hồ Bá Thâm cũng có những nghiên cứu và đề xuất về tâm lý học cai nghiên ma túy, tâm lý học quản lý đô thị, tâm lý học dân vận, tâm lý học nhân cách. Ông đã quan tâm các lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học ứng dụng rất có ý nghĩa và có các dụng thực tế cao. Ông đã chủ biên 4 tác phẩm về lĩnh vực này và xuất bản, trong đó có hai đề tài khoa học.

 Nhà lý luận Hồ Bá Thâm cũng rất nhạy cảm với thực tế và xu thế cuộc sống. Từ những năm 80 thế kỷ ông đã sớm ủng hộ cơ chế “khoán hộ” (khoán sản phẩm đến người lao động) hay sớm cảnh báo rằng, phong trào HTX nông nghiệp chưa thể nói đã hoàn tnành, hoặc từ đầu thế kỷ 21 khi cho rằng, sự nghiệp công nghiệp hóa… chưa thể cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Có nhiều người lúc đó lấy làm mgạc nhiên, nhưng thực tế đã diễn ra như vậy.

CỐNG HIẾN ĐỘC ĐÁO VỀ THƠ CA- TRỞ THÀNH THI SĨ – KỶ LỤC GIA

Không chỉ vậy, lĩnh vực thơ ca ông cũng khá nhạy bén với thời cuộc và đã có những thi phẩm ghi dấu ấn độc đáo mang hơi thởi cuộc sống và tài năng sáng tạo…

Nhà triết học Hồ Bá Thâm không chỉ tư duy khái niệm, trừu tượng mà ông còn suy nghĩ cụ thể, mang tính hình tượng, đầy cảm xúc của một nhà thơ. Thực sự thì thi sĩ Hồ Bá Thâm không chịu đứng làm ngoại đạo với thơ văn. Ông làm thơ đã lâu trước cả khi đến với triết học. Năm 1969 – 1970, ông đã có thơ đăng báo, tạp chí văn nghệ địa phương. Hơn 50 năm say thơ và sáng tác thơ, ông đã có 12 tập thơ xuất bản và những bản thảo thơ còn chờ xuất bản khác. Ông là Hội viên Hội văn Nghệ Kiên Giang từ những năm 80 của thế kỷ trước, hiện nay là Hội viên Hội nhà văn TPHCM. Ông cũng sở hữu 8 giải thưởng thơ cấp Trung ương và địa phương, trong đó đang chú ý nhất là danh hiệu Kỷ lục gia về Người sáng tác có nhiều từ “nghiêng” nhất (2012) và giải Ba về tập thơ trường ca Nỗi niềm trong đợt sáng tác về việc Học tập làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2013) do Thành ủy TPHCM trao tặng.

Trong lĩnh vực thơ ca, thi sĩ Hồ Bá Thâm, tuy bắt đầu sáng tác về tình đồng đội, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng một thời tuổi 20 trên tuyến lửa Trường Sơn. Ông tâm sự: Trường Sơn là chiến thắng mang nhiều nỗi đau/ Trường Sơn một thời ai quên ai nhớ? Với thơ mới và thơ truyền thống nhưng càng về sau ông càng trăn trở, không chịu lặp lại, tự làm mới mình, “quạy đạp”, bung phá, tươi trẻ, khá hiện đại, dù đã ngoài 70 xuân – (nhận xét của nhà thơ Phan Trung Thành) về hình ảnh, ngôn từ, hình tượng. Ông đã chuyển dần thơ từ bay bổng đến trầm tư, suy cảm mang tính triết lý sâu sắc nghiêng về thơ thế sự, trữ tình. Mong manh là nhện giăng tơ/ Tơ lòng rút tự hồn thơ đất trời/ Màn giăng vũ trụ kiếp người/ Mong manh là chút tình tôi với mình…( Mong manh, Thơ tình triết học ). Những tập thơ như Nỗi Niềm, Thơ tình triết học, Gửi nhớ gửi thương… và có nhiều bài thơ, đã được đánh giá cao về sự sáng tạo, giàu chất cảm xúc trí tuệ đi vào lòng bạn đọc. Đó là những bài thơ như Mong manh, Sao Anh, Những ngọn phi lao và tiếng hát… Và nhất là bài thơ lạ có một không hai: NGHIÊNG. Với 288 câu mà có đến 296 từ “nghiêng”, câu nào cũng có từ nghiêng… như Âm dương nghiêng vũ trụ/ Ta ôm nghiêng thiên hà! Khó tính (đòi hỏi cao và sự cách tân mới mẻ) như nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng rất tâm đắc về bài thơ và từ thơ, hồn thơ, từ thơ “nghiêng” độc đáo, thú vị này.

Hồ Bá Thâm cùng đồng đội trong chuyến đi về nguồn tháng 4 năm 2019

Ta thử nghe bài Nghiêng 6:

Quần hồng nghiêng cánh đu

Cù quay nghiêng mắt trẻ

Hoa nở nghiêng e lệ

Cánh bướm nghiêng ao làng…

Hội về nghiêng đô vật

Con cờ nghiêng sân chơi

Lì xì nghiêng túi nhỏ

Tết nghiêng lời chào mời

Lưng trâu nghiêng tiếng sáo

Ai trèo nghiêng ngọn dừa

Nàng hứng nghiêng bao quả

Chàng nghiêng trái gió đưa?

Bờm nghiêng cái quạt mo

Phú ông nghiêng trâu bò

Bờm cười nghiêng cười ngửa

Cục xôi nghiêng đói no!

Trạng nghiêng bao mưu lược

Võng vua nghiêng băng hà!

Tiền nào nghiêng sự nghiệp

Nghiêng sấp ngửa dối lừa

Bạc đâm nghiêng tinh nghĩa

Trắng đen nghiêng tiền nào

Cán cân nghiêng phải trái

Công lý nghiêng vào đâu?

Bao trò chơi nghiêng ngửa

Thật giả nghiêng chính tà

Dại khôn nghiêng đâu hết

Bao lần nghiêng vào ta?!

(Tập Thơ tình triết học)

Quả là Thi sĩ Hồ Bá Thâm có sáng tạo độc đáo, thú vị khi chơi chữ từ “nghiêng” với nhiều sắc điệu, hình ảnh, cảm xúc, hình tượng và suy tư mang tính triết học, triết lý thực sự tài ba được đồng nghiệp, bạn bè thán phục! “Thật độc chiêu! Kiểu “súng hai nòng”. Với nó, ông trở thành nhà thơ “kì lạ và độc đáo” nhất của Việt Nam về mặt chơi chữ nghiêng trong thơ”, “thách đố những người cầm bút”… Sau đó ông còn làm bài thơ dài khoảng 150 câu cũng với cách “nghiêng” đó: Nghìn năm nghiêng kỷ niệm: Nghìn năm nghiêng kỷ niệm/ Ta vươn vai nghiêng trời/Nghiêng đại dương giông tố/ Tàu nghiêng vuợt trùng khơi!…(5/2010) Nhà thơ Hồ Bá Thâm còn có tên trong danh sách 400 tác giả viết trường ca và 1000 bài thơ trường ca Việt Nam do nhà nghiên cứu Việt kiều Đỗ Quyên tuyển và đánh giá, bình luận. Thi sĩ Hồ Bá Thâm có trường ca Người khai phá, gieo hạt ươm mầm… viết về Bác Hồ kính yêu dưới góc nhìn mới với cảm xúc suy tư của chính Hồ Chí Minh và đã được tặng thưởng. Ông cũng viết trường ca Người đi trước thời gian sau khi xem phim Bí thư Tỉnh ủy (xem tập Nỗi Niềm). Ngòi bút thơ Hồ Bá Thâm đã tung hoành trên khá nhiều lĩnh vực và đã có dấu ấn nhất định trong làng thơ.

NHỮNG PHẨM CHẤT VÀ NĂNG LỰC QUÝ GIÁ LÀM NÊN TÀI NĂNG MỘT TRÍ THỨC

 Tiến sĩ, thi sĩ Hồ Bá Thâm luôn trăn trở không ngừng. Ông thường hay lật lại vấn đề ngay từ khi là nghiên cứu sinh triết học, thay đổi góc nhìn, cách nhìn, do đó ông nhanh chóng phát hiện được vấn đề mà không phải ai cũng nhìn ra. Dù nghiên cứu triết học hay sáng tác thơ, ông luôn đam mê, lấy đam mê làm năng lượng và kiên trì theo đuổi ý tưởng mới …

Tư duy của ông luôn mang tính độc lập sáng tạo cao và có độc đáo (như bài thơ Nghiêng) khi cảm, khi nghĩ, khi suy tư, khi cảm tác, tất nhiên trong quá trình sáng tạo, sáng tác lúc nào cũng thành công như ý… Ông còn có tư duy lập thuyết (chủ nghĩa duy vật nhân văn là một ví dụ), dù xã hội công nhận thế nào thì nó cũng gợi ra cho những người đến sau phản biện, tranh luận, phê phán hay phát triển nó.

 Tiến sĩ không chi đi tìm chân lý khoa học và đời sống mà còn tham gia đấu tranh tư tưởng, lý luận rất nhạy bén, sắc sảo khi bảo vệ chân lý, bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (2014). Ông cũng có nhiều bài báo chính luận ấn tượng. Trong cuộc sống ngổn ngang, ông luôn suy tư thế sự trong sáng tạo và sáng tác của mình.

Suy tư và cảm xúc của ông Hồ Bá Thâm có góc cạnh có khi có cả gai hoa hồng.

1: “Sao anh không là viên sỏi tròn tròn và bóng bảy cho dễ lăn và đẹp mắt?

Mà lại làm viên đá sù sì sắc cạnh và sêu phong, bùn đất!

Anh sao thích xoáy vào thẳm sâu của đất tìm những gì chưa biết cho khói mây che khuất mắt người?

Sao anh không là viên thuốc bọc đường cho khỏi đắng mồm kẻ nuốt!… (TPHCM,

2009 – trích Tập Thơ tình triết học)                                           

 Bạn bè, đồng nghiệp đều thấy ở ông một bút lực sung mãn, mạnh mẽ, dồi dào, những dòng thơ luôn tuôn chảy, những ý tưởng thôi thúc, luận lý, luận chiến nảy nở trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, tất cả luôn lôi cuốn bạn đọc. Cho nên dù đã về hưu, tuổi cao, còn đi dạy học, nhưng ông vẫn luôn sáng tạo, sáng tác và chưa hề dừng khi cảm xúc hay suy tư đến. Ông có năng lực khái quát vấn đề nhanh khi thâu tóm tri thức hay chiêm nghiệm cuộc sống đầy bão giông trong sự mâu thuẫn biện chứng khi triết luận. Nhưng trái tim ông lại đầy cảm xúc thi ca và tưởng tượng bay bổng (như trong bài thơ Những ngọn phi lao và tiếng hát… chẳng hạn). Ngọn lửa Trường Sơn – ngọn lửa thơ trong ông vẫn cháy (Bạn bè tặng câu thơ: Một thoáng trông anh là thi sĩ/ Tâm hồn anh là tâm hồn Trường Sơn – Hồ Trọng Thành).

Ông Hồ Bá Thâm mà bạn bè đồng nghiệp nhận thấy và cho rằng là thật sự khá uyên bác, sắc sảo, nhạy bén, tư duy có chiều sâu, có khả năng phát hiện vấn đề cao trong lĩnh vực triết học, lý luận, khoa học xã hội, chính trị, nhân văn. Ông tích cực phản biện, tranh luận khi tiếp nhận vấn đề và phản tư với chính mình trong khi nêu ý tưởng và nghiên cứu. Hoặc khi giảng dạy, ông cũng hay lật lại vấn đề để cùng học trò thảo luận nhằm làm tăng tính tích cực, năng động trong tư duy người học. Học trò đánh giá ông là thầy giáo giảng dạy có chiều sâu, hay và uyên bác.

Nhà thơ Hồ Bá Thâm nhận giải thưởng về tập thơ trường ca Nỗi niềm (2013)

Ông quả có sức nghĩ, sức làm việc bền bỉ suốt 10–12 tiếng/ngày, ngay cả lúc đêm khuya khi có vấn đề, trăn trở và hưng phấn. Ông chủ động tạo cảm xúc hoặc ý tưởng trong một hệ liên hoàn: đọc – nghe – suy ngẫm – sáng tác/ sáng tạo của tư duy, suy nghĩ và suy nghĩ không ngừng, tuy không phải khi nào cũng có thề thành công cao!

Ông Hồ Bá Thâm luôn đầy tâm sự khi vui, khi buồn cùng thế sự, khi triết, khi thơ, trước cuộc sống bề bộn bên ngoài đang thay đổi nhanh chóng mà cuộc đời mình thì có hạn… Thi sĩ, Tiến sĩ Thâm đăm chiêu và đọc mấy dòng thơ ở tuổi xế chiếu: Ta biết nói gì với mai sau/ Thời gian vun vút thổi qua đầu/ Câu thơ còn lại cùng ta hát/ Khúc nhạc đời xanh góp một gam màu! Đó không chỉ là thơ mà còn là với triết, là với khoa học. Khi 50 tuổi ông tâm sự “Muốn năm mươi nữa” ( tên một bài thơ), ông vẫn trầm tư và mơ mộng !

Ấn tượng đọng lại về Tiến sĩ thi sĩ Hồ Bá Thâm, bên cạnh những phẩm chất đáng quý và tác phẩm độc đáo của một nhà khoa học, một nhà thơ còn là giọng nói thâm trầm của người con Nghệ An cùng với mái tóc mây bồng bềnh, ánh mắt đăm chiêu, vầng trán trầm tư ngay cả khi ông đã bước ra khỏi phòng làm việc, trang sách, trang thơ.

Hình ảnh sinh động ấy đã neo đậu trong tâm trí chúng tôi thêm những ấn tượng đẹp về các nhà trí thức, nhà khoa học sáng tạo – những con người đã và đang góp phần then chốt làm đổi thay đất nước, bất chấp một thực tế rằng, nghiên cứu khoa học là một công việc luôn đầy ắp khó khăn, thử thách; như Các Mác đã từng nói: “Trong khoa học không có đường phẳng, chỉ có người không sợ mệt mỏi trèo lên ngọn núi mới hy vọng đạt đến đỉnh điểm rực rỡ”.

Nhưng ông không chỉ là nhà khoa học mà còn là một thi sĩ lãng mạn, đắm say khi cùng Nàng Thơ trong thế giới tưởng tượng phong phú đầy xúc cảm làm rung động trái tim bao ngườì với chiều sâu triết luận thâm trầm, sâu sắc, đầy âm hưởng lắng đọng của nhạc điệu cuộc đời, một lĩnh vực cũng lắm chông gai không dễ gì thành đạt cao.

Với ông Hồ Bá Thâm “triết học và thơ – hai cánh cuộc đời…”.

Thiên Kim