Nhân kỉ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024), Tỉnh hội Bến Tre tổ chức đoàn về nguồn tại ba tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long. Đoàn gồm 45 người là cán bộ hội, thương binh, đại diện gia đình liệt sĩ TTNXP, do Chủ tịch Tỉnh hội Nguyễn Lan Châu, làm Trưởng đoàn; Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh hội Huỳnh Thị Sang làn Phó Trưởng đoàn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.
Sáng ngày 23/7/2024 Đoàn đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc[1] dâng hoa, dâng hương, nghe thuyết minh về cuộc đời cụ; tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, …Tiếp đến Đoàn về thăm Khu Du lịch sinh thái Gáo Giòng[2], đây được xem là vườn chim lớn nhất của tỉnh đồng Tháp; các đại biểu chèo xuồng trong rừng Tràm nguyên sinh ngắm nhìn hàng vạn chim, cò các loại đang sinh sống trong tự nhiên thật là thú vị, ai cũng cảm nhận được cuộc sống nơi đây thật ấm áp, bình dị như trở về dòng sông tuổi thơ cùng nhau hái hoa, bắt bướm, thả diều… Buổi trưa dùng cơm với những món ăn đồng quê như: canh chua lương với bông điên điển, bông súng xào tỏi, cá rô kho tộ, chả cua đồng… rất ngon.
Chiều ngày 23/7: đoàn đến tham quan đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao[3] và làng hoa Sa Đéc[4], chiêm ngưỡng nhiều loại hoa đẹp và kiểng bonsai trên 100 năm tuổi; xem biểu diễn cá lóc bay, ngắm nhìn hoa sen đua nhau khoe sắc trên mặt hồ 10km2. Buổi tối về Cần Thơ dùng họp mặt, giao lưu..
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cổng vào Đền thờ Vua Hùng….
Sáng ngày 24/7: Đoàn đến dâng hoa, dâng hương và tham quan Đền thờ Vua Hùngtại Thành phố Cần Thơ[5]. Đoàn nghe thuyết minh về lịch sử dân tộc Việt Nam, ngắm hiện vật trưng bày như trống đồng, dụng cụ sản xuất, chống giặc ngoại xâm …
…và Đền thờ Vua Hùng.
Đoàn tiếp tục tham quan Làng Du lịch Mỹ Khánh[6], xem biểu diễn tàu siêu tốc, đua khỉ, heo, chó…và dùng cơm trưa với những thực đơn đặc sắc chất Nam bộ. Chiều cùng ngày Đoàn đến Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt[7] – “Vườn nhà Ông Sáu Dân”- nghe thuyết minh quá trình hoạt động của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Chuyến đi đã để lại trong ký ức mỗi người niềm tự hào dân tộc, thêm yêu quý thiên nhiên, nhiều cảm xúc, đong đầy những kỉ niệm không bao giờ quên…nhất là những người đã trải qua những năm tháng chiến tranh, chiến trường xưa nay là những vùng phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội trọng điểm thuộc bật nhất, nhì khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lan Châu
[1] Khu di tích toạ lạc tại số 137, đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích gần 9ha bao gồm: khu mộ, đền thờ, nhà trưng bày cuộc đời sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; khu vực nhà sàn Bác Hồ và vườn ao cá; mô hình làng Hòa An xưa và khu vực tổ chức hội trò chơi dân gian, giải trí. Khu di tích là một phức hợp kiến trúc hài hòa, mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Đồng Tháp, nơi để nhân dân Đồng Tháp nói riêng và nhân dân cả nước tề tựu nhân ngày lễ, hội giỗ cụ Phó bảng, dịp Tết cổ truyền, ngày kỉ niệm, lễ lớn trong năm…
[2] Khu du lịch thuộc xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, là vùng đất điển hình của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, nước và đất bị nhiễm phèn nặng. Bằng sức lao động của con người, Gáo Giồng đã trở thành rừng phòng hộ – là lá phổi xanh của vùng Đồng Tháp Mười, tạo đất sống của nhiều loài chim, cá và thực vật sinh sôi, nảy nở, với diện tích 1.670ha, trong đó có 250ha rừng nguyên sinh với những bưng, trấp, lau sậy, sen, súng, cà na, gáo,… và sân chim hơn 36ha, đa dạng về chủng loại và đặc biệt là loài nhan điển quý hiếm được đưa vào sách đỏ.
[3] Đường hoa có chiều dài hơn 2km, nền đường nhựa rộng 5,5m, đến nay có khoảng 150 hộ trồng hoa 2 bên đường.
[4] Hình thành từ cuối thế kỷ 19, ban đầu là làng hoa Tân Quy Đông, sau lan rộng ra các vùng khác như rạch Sa Nhiên, phường An Hòa, xã Tân Khánh Đông, v.v. Đến nay, tổng diện tích đã lên đến 500 ha với hơn 2.300 hộ trồng và 2.000 loài hoa kiểng khác nhau, biến nơi đây thành một trong những vựa hoa lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam.
[5] Tại khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, có diện tích hơn 39.000m2. Đền chính được bao bọc bởi hồ nước tròn trên nền đế vuông, tượng trưng cho triết lý “trời tròn đất vuông”, 18 cánh cung bao quanh tượng trưng 18 đời Vua Hùng. Bên trong hồ nước có 54 trụ đá, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc anh em…
[6] Địa chỉ: 335 Lộ Vòng Cung, ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, cách TP Cần Thơ 10km, có diện tích 300.000m2, có vườn cây quả, các nhà cổ, ao cá, kênh rạch cùng nhiều trò chơi thú vị.
[7] Khu lưu niệm tọa lạc tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm với diện tích rộng 1,7ha bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày, nhà làm việc, khu thờ, sân vườn thoáng đãng.