Trả ơn

Đăng lúc: 25-10-2021 9:45 Sáng - Đã xem: 83 lượt xem In bài viết

 

Ảnh internet  

Sau 14 ngày hết cách ly tại nhà, ông Long được xuống đất sinh hoạt trở lại bình thường sau khi đã xét nghiệm âm tính 3 lần. Ông cảm thấy thoải mái vì lại được tưới cây, tập thể dục, và đi dạo dù là chỉ vòng vòng…trong sân. Bà Hà theo ông từng bước, nấu những món ăn ông thích để bồi dưỡng, nhưng song song đó, bà luôn nhắc chừng một số lời khuyên của bác sĩ Phong y tế phường “ông nhớ bỏ hút thuốc luôn, thuốc lá thuốc lào gì cũng bỏ, uống nước ấm, tắm nước ấm, giới hạn coi trên mạng những chuyện tiêu cực chết chóc, ra sân tưới cây phải đeo khẩu trang…”, và y như rằng lần nào cũng vậy, ông Long chỉ cười “biết rồi, nói mãi, tôi già rồi mà”.

 Ngồi không chẳng biết làm gì, ông gọi điện thoại cho các đồng đội TNXP để tán gẩu và cũng là để biết ai mất ai còn trong cơn đại dịch khủng khiếp này. Nhưng có một người mà ông gọi hoài không nghe ai bắt máy, ông lo lắng ra mặt nên bà Hà mới hỏi :

 – Cái gì mà ông buồn vậy, gọi cho bồ cũ hả?

 – Bồ đâu mà bồ, tôi gọi hoài cho anh Bình không được nên tôi lo, hay là…

 – Anh Bình nào, có phải anh Bình hơn 30 mới cưới vợ, mà vợ là chị An y tá, phải không?

 – Ờ, lúc trước khi có dịch, ngày nào ảnh cũng ghé uống cà phê quán mình, rồi còn khoe hình và dẫn theo thằng cháu ngoại ốm nhom nhưng đẹp trai giống ảnh đó. Nói thiệt với bà, trong thời gian tôi đi biên giới, 2 lần tưởng chết đều có 2 người giúp đỡ, anh Minh thì bà biết rồi, anh Bình là người thứ hai. Tôi ước có dịp là tôi trả ơn cứu mạng nhưng anh Bình thì… gọi điện hoài không được, tôi lo…

 – Chắc không có gì đâu, ông đừng nghĩ ngợi gì, nhiều khi cái máy điện thoại của ảnh bị COVID rồi sao!

 – Cái bà này, không có giởn nghe.

 Rồi bao ký ức năm xưa chợt ùa về trong trí nhớ ông Long…

 Những ngày tham gia chiến trường ở biên giới Tây Nam thật là khốc liệt, ranh giới giữa sống và chết thật là mong manh. Nhưng trong hoàn cảnh ấy mới thấy tình đồng chí đồng đội giữa những người TNXP thật là quí giá, đẹp hơn mọi thứ trên đời. Ông Long nhớ lại ngày đầu tiên gặp anh Đại đội trưởng, anh tên Bình được điều từ đơn vị khác qua. Nhìn bề ngoài, anh thật là dữ tợn, vì anh to cao vạm vỡ, ông nghĩ chắc tay này khó chịu lắm đây. Qua nhiều lần trò chuyện, ông thấy anh Bình cũng vui tính dễ gần, nhưng trong công việc anh rất là nghiêm khắc, anh thường xuyên nhắc nhở anh em trong đơn vị “chiến trường là nơi nguy hiểm, ỷ y sơ sẩy là mất mạng như chơi, lúc nào cũng phải cẩn thận cảnh giác, luôn đoàn kết tương trợ với nhau mọi lúc mọi nơi”. Anh lúc nào cũng đi đầu, hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm thật bổ ích cho anh em. Đơn vị được giao phụ trách tải đạn và cả cáng thương, hỗ trợ cho bộ đội ở chiến trường, lúc nào anh cũng làm gương vác đạn dùm cho người sức yếu, gánh dùm công việc cho những anh em bị cơn sốt rét hành hạ. Một ngày nọ, đang tải đạn đi xuyên rừng thì bị giặc Pôn Pốt phục kích, ông Long bị miểng đạn ghim vào chân máu ra nhiều, võng cáng thương thì đã hết vì ưu tiên chuyển bộ đội thương binh về tuyến sau, không cần suy nghĩ, ông Bình đã xé tay áo của mình để băng bó vết thương cho ông Long và cõng chạy về trạm xá. Vượt qua đoạn đường đầy chông gai gần 5 cây số, ông Bình đã đưa được ông Long về cho các bác sĩ cứu chữa kịp thời. Sau khi tỉnh lại, ông Long nói lời cảm ơn thì đã bị ông Bình nghiêm mặt cảnh cáo “cái gì mà cảm ơn, uỷ mị quá, chẳng qua là tao sợ thiếu người đàn cho tao hát thôi, đồng đội với nhau mà, tao không cõng mày thì thằng khác cũng làm thế thôi. Bây giờ nghe lệnh của tao, uống thuốc tĩnh dưỡng cho mau lành rồi về công tác tiếp, rõ chưa”. Đó, ông Bình là thế, nghiêm khắc nhưng bên trong là tình thương đối với anh em thật là bao la. Tuy nhiên, anh rất kín tiếng, ít khi anh kể về đời tư của mình. Về sau, khi về đời thường, ngồi uống trà tâm sự, ông Long mới biết ông Bình mồ côi từ nhỏ, nên khi vào TNXP, ông coi đồng đội như anh em ruột thịt, hết lòng vì anh em, nhưng luôn cương quyết thẳng thắn xử lý nếu có người nào vi phạm kỷ luật.

 Khi xuất ngũ, ông Bình vừa đi làm thợ hồ vừa đi học tại chức, đậu đại học rồi làm thầu xây dựng. Anh em bạn bè gặp nhau cứ chọc ông Bình “cứ mê làm kiếm tiền mà không lo kiếm vợ đi “, ông nghe rồi cười khẽ “tao thích vậy hơn, không ràng buộc chi cho mệt “. Thấy ông Long làm ngành nghệ thuật, bạn bè nói ông kiếm đại ca sĩ nào giới thiệu cho ông Bình để anh em còn được chúc mừng, ông Bình nghe được la anh em một trận te tua “tụi bây bày đặt, có ca sĩ nào ưng người xấu xí như tao, để tao tự kiếm chẳng nhờ ai giới thiệu, tụi bây lo thân tụi bây đi”. Đến hơn 30 tuổi, trong một lần vào bệnh viện vì tai nạn ở công trường, ông Bình đã phải lòng và hỏi cưới một cô y tá trẻ hơn ông 5 tuổi, hai người có được một đứa con gái, và cách đây 5 năm, ông đã thành ông ngoại…

 Chợt tiếng chuông điện thoại reo lên, ông Long thấy số lạ nên từ từ bắc máy :

 – A lô, ai gọi tôi vậy?

 – Chào anh Long, tôi là vợ anh Bình đây, tôi…muốn nhờ anh giúp dùm một chuyện…

 – Chào chị, tôi sẵn sàng, nhưng cho hỏi anh Bình đâu mà tôi gọi hoài cho ảnh không được.

 – Chồng tôi… ảnh bị Covid và đã…( chị An nói trong tiếng khóc), 2 tuần rồi anh Long ơi.

 – Trời, anh Bình…, chưa kịp trả ơn thì…

 – Từ từ tôi sẽ kể cho anh nghe, chuyện tôi nhờ anh giúp ngay lúc này là nếu thằng cháu ngoại chúng tôi gọi cho anh bằng số này và gọi anh là ông ngoại thì anh đóng giả anh Bình dùm tôi, tôi đang dấu nó và sẽ nói lý do sau, không có gì bậy bạ đâu, anh nhớ nghe. Thôi tôi cúp máy, cho tôi cảm ơn trước.

 Sau khi chị An tắt máy, ông Long lặng người và những giọt nước mắt đã rơi. Ông không ngờ người ơn của mình, anh Bình sao mà vắn số, càng nghĩ mà giận cái con Covid gì đó, sao mày ác quá, đã cướp đi bao người thân quen của ông, nhưng mà ông cứ thắc mắc tại sao mình phải giả làm ông ngoại, thôi thì giúp chị An đi rồi tính sao. Liên tục những ngày sau đó, mỗi ngày 2 giấc 12 giờ trưa và 6 giờ chiều, thằng bé gọi từ số máy đó, gọi ông là ông ngoại và tâm sự đủ điều. Khi thì nhõng nhẽo “sao ông ngoại không về ngủ với con, con nhớ ông ngoại hay kể chuyện cổ tích cho con nghe và gãi lưng cho con ngủ”, khi thì hờn mát “ông ngoại đi công tác kỳ này về nhớ mua cho con chiếc xe hơi điều khiển với kẹo chocolat nha, sao để con chờ hoài, bo bo xì ông ngoại luôn”, khi thì nói chuyện như người lớn “con ở nhà tự tắm được rồi, bà ngoại cứ đòi tắm con nhưng con nói con là đàn ông mà”, khi thì khoe giúp bà cái này cái nọ, đã học đếm từ 1 đến 10, tự viết được chữ BA, chữ MÁ, chữ O tròn như quả trứng gà… Tuỳ theo tình huống mà ông Long trả lời cho cậu bé vừa lòng, nhưng cũng đôi lần ông quên là ông đang đóng vai ông Bình nên có vài câu trả lời làm thằng bé thắc mắc, nhưng rồi cũng qua. Ông Long cũng có vài lần hỏi bà An về vụ đóng giả này, nhưng bà chỉ trả lời là chuyện dài lắm, từ từ sẽ nói sau, miễn là ông Long giúp dùm trả lời nó vào 2 thời điểm đó để nó vui mà ngủ. Rồi ông Long cũng quen dần cái lịch trình cậu bé ấy gọi ông, bữa nào trể chỉ vài phút là ông tự nhiên thấy nôn nao trong lòng.

 Được khoảng 10 ngày, tự nhiên ông Long không nghe cậu bé gọi nữa, ông bèn gọi lại thì tổng đài báo là không liên lạc được. Ông sốt ruột nhưng chẳng làm gì được vì khu vực vẫn còn phong toả, ông thì mới hết bệnh có đi cũng không ai cho phép, ông chợt nghĩ “không lẽ…”. Rồi vào một buổi chiều, ông nhận được cuộc goi từ số máy đó, ông mừng quá vội bắt máy “a lô, con hả…”, nhưng người gọi lại là bà An :

 – A lô, tôi An vợ anh Bình đây…

 – Sao…, sao mấy bữa rày cháu nó không gọi tôi, tôi sốt ruột quá, có chuyện gì không vậy chị, nói cho tôi nghe đi.

 – Tôi…(bà An vừa nói vừa khóc), từ từ tôi kể đầu đuôi cho anh nghe. Số là con gái tôi lỡ có thai với một thằng ghiền ma tuý, khi sinh nở, thằng đó bỏ đi mất tiêu, con gái tôi đem thằng nhỏ về gởi cho vợ chồng tôi rồi đi lấy chồng khác ở tuốt Tây nguyên sau đó bặt tin luôn. Mấy tháng trước, thằng nhỏ tự nhiên bỏ ăn đau bụng âm ỉ đi vệ sinh không được, anh Bình đưa nó đi khám mới biết nó bị ung thư đại tràng thời kỳ cuối. Thì ra nó bị bệnh từ lâu mà chúng tôi không biết, nhưng dù gì thì còn nước còn tát, từ đó anh Bình ban đêm và tôi ban ngày, thay phiên chăm nó trong bệnh viện. Rồi không biết từ đâu, ảnh đi làm bị lây COVID và đã…Thằng nhỏ, do nó quen hơi vì ngủ với ông ngoại từ mới sinh nên cứ nằng nặc làm mình làm mẩy hỏi ông ngoại đâu, tôi nói dối là ông đi công tác xa nhưng nó vẫn không tin. Nó nói với tôi là nếu không nghe tiếng nói ông ngoại là nó sẽ nhịn đói và không uống thuốc, lúc đó tôi chẳng biết làm sao, may nhờ một bác sĩ tư vấn là tìm người đóng giả anh nhà cho cháu vui thì mới mau hết, chứ bệnh tình của cháu rất nguy hiểm. Lúc đó rối quá, tôi chợt nghĩ tới anh vì giọng nói của anh giống y anh Bình. Từ hôm đó, cháu vui hẳn lên, ngoan và nghe lời tôi và bác sĩ rất tốt. Anh biết không, cháu nó thông minh lắm, nó nói sao ông ngoại không mua điện thoại đời mới cho nó thấy hình, tôi phải nói là ông ngoại hư lắm, làm hư và mất hoài nên bà ngoại phải mua cho ông cái cùi bắp xài đỡ thì làm sao thấy hình được, nhưng rồi…

 – Rồi sao chị, cháu…

 – Nó… mất cách đây một tuần, đi thiêu, đưa lên chùa nằm kế ông ngoại nó, xong mọi việc tôi mới điện kể cho anh nghe sự tình và để cảm ơn. Lần cuối nó gọi anh, anh nhớ nó nói gì không?

 – Để tôi nhớ coi…, à nó nói “ông hun con đi, từ trước tới giờ con không cho ông hun vì râu ông cọ đau lắm, hôm nay con cho phép ông hun đó, hun nhiều nha, hun ít là con giận đó…”, tôi mới hun qua điện thoại được 3 cái thì tắt máy…

 – Lúc đó là nó… đi, tôi tắt máy, mặt nó tươi có vẻ mãn nguyện lắm, cảm ơn anh nhiều.

 Ông Long lặng người, bàng hoàng sửng sốt. Người mà ông mang ơn suốt đời thì đã ra đi không nói được câu từ giã với vợ và cháu ngoại vì cơn dịch quái ác, còn thằng bé dễ thương thì…Nhưng ông Long vẫn tức, tức vì cái gì ông Bình cũng dấu, cháu ngoại bệnh từ lâu mà không chịu nói, bạn bè TNXP làm bác sĩ thiếu gì, nếu nói sớm thì thằng bé đâu đến nổi. Thôi thì mọi chuyện cũng qua, mình cũng đã có dịp trả ơn cho anh Bình rồi, dù là gián tiếp, làm lòng ông cảm thấy nhẹ nhàng hơn…

 – Anh Long – chị An nói tiếp – thằng nhỏ hình như phát hiện ra người nói chuyện với nó không phải là ông ngoại nó từ bữa đầu tiên, lý do là anh Bình mỗi lần nói với nó câu nào đều mở đầu bằng tiếng “chó con của ông”, anh thì không vì tôi quên dặn, nhưng nó vẫn không nói gì và vẫn thích nói chuyện với anh. Ngày cuối nó mệt nhưng vẫn thều thào “bà ngoại gạt con, nhưng thôi cho con nói với ông gì đó một câu cuối nha”. Và câu cuối đó là câu anh đã nghe, anh quên là anh Bình không có râu, người mà hun nó cọ râu làm nó đau chính là anh mỗi khi 2 ông cháu đến quán anh uống cà phê. Thôi, một lần nữa cảm ơn anh và xin lỗi đã làm phiền anh với chị Hà,chúc anh chị sức khoẻ, bữa nào thư thả tôi ghé thăm./.

TRẦN VIỆT SƠN