Trần Đỗ Liêm – cánh chim đầu đàn của C442-N44-BT16 Thanh niên xung phong Thái Bình

Đăng lúc: 19-03-2018 10:42 Sáng - Đã xem: 128 lượt xem In bài viết

Nhân dịp kỉ niệm 50 ngày truyền thống C442 N44 BT16 TNXP Trường Sơn của tỉnh Thái Bình, tôi viết về Trần Đỗ Liêm người lính Trường Sơn, anh là cánh chim đầu đàn của đơn vị những năm tại ngũ và những thành công của anh trong thời kì đổi mới

 Đơn vị TNXP của chúng tôi được thành lập ngày 15/9/1968 trên quê hương Lê Quý Đôn[i], thuộc phủ Duyên Hà Thần Khê (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trước đêm đơn vị hành quân đi chiến trường, anh Trần Đỗ Liêm (sinh năm 1947) là người thay mặt 125 cán bộ chiến sĩ mặc quân phục TNXP màu cỏ úa chỉnh tề, đội mũ đeo sao đứng trước đoàn quân đọc lời thề của đơn vị trước lễ tiễn đưa của Lãnh đạo huyện Duyên Hà và nhân dân xã Văn Lang nơi đơn vị đóng quân trong một tháng huấn luyện. Học hết cấp III năm 1965 nhưng theo chính sách thời bấy giờ anh không đủ điều kiện học tiếp, cũng không được vào bộ.

 Sau hơn một tháng hành quân bộ ngày nghỉ đêm đi chúng tôi vào đến đường 22A Hà Tĩnh và được biên chế váo Đội TNXP N35 thuộc C351. Anh Liêm được cử làm giáo viên bán chuyên trách dạy văn hóa cho các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị chúng tôi. Trong gần 5 năm hết ở đường 22A Hà Tĩnh rồi vào đường 10, đường 18 thuộc đơn vị C442 N44 BT16 anh vẫn tiếp tục làm giáo viên bán chuyên trách. Ngoài thời gian lên lớp anh vẫn tham gia lao động cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều cán bộ chiến sĩ được anh gieo chữ cũng đã học được qua cấp II (hệ 7/10), một số cán bộ chiến sĩ từ lúc không biết chữ cũng đã học qua cấp I (hệ 4/10). Anh còn là chủ biên tờ Báo tường của đơn vị, thường xuyên sáng tác nhiều bài thơ bài kí, soạn những câu hỏi vui trong những lần đơn vị tổ chức hái hoa dân chủ mừng Xuân đón năm mới. Nhiều đêm tại hiện trường san lấp hố bom, giải phóng đất đá taluy sạt anh thường viết tin bài đọc phát trực tiếp bằng loa cuộn từ ống pháo sáng để cán bộ chiến sĩ thêm hăng say lao động. Nhất là đêm cam go không ngủ san lấp hố bom tại trọng điểm ngầm Long Đại, tiếng loa của anh dội vào vách đá vang vọng cả cung đường. Anh là người thường xuyên kẻ viết những băng rôn khẩu hiệu: “Sống bám ngầm bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Máu TNXP C442 có thể đổ, nhưng ngầm Long Đại không thể tắc ….”.

 Cuối năm 1972 anh cùng đơn vị ra T30 tại xã Xuân Đỉnh – Từ Liêm – Hà Nội điều dưỡng, ngoài Tết Quý Sửu (1973) anh về học tại trường Cao đẳng Hàng Hải – Hải Phòng. Cuối năm 1976 ra trường anh được về Cục Đường sông thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Cũng năm đó anh vào miền Tây Nam bộ xây dựng Hợp tác xã Rạch Gầm thuộc tỉnh Tiền Giang. Thành lập thời bao cấp Hợp tác xã vận tải sông pha biển thiếu công ăn việc làm, thiếu tầu thuyền hoạt động. Là người trưởng thành từ “Trường học lớn TNXP”, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/         Quyết chí ăt làm nên!”  anh trăn trở tìm hướng đi cho Hợp tác xã. Anh nhớ  những năm đánh Mĩ ở Thái Bình đã dùng tầu xi măng lưới thép phục vụ kháng chiến. Vậy có thể áp dụng vào sông nước sông Tiền được không, anh lại về quê hương Thái Bình học đóng tầu pha sông biển bằng xi măng lưới thép mang về sông nước miền Tây tạo thêm việc làm cho Hợp tác xã. Rồi sau khi đất nước xóa bỏ bao cấp, anh được cử làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã. Dưới sự dẫn dắt của anh cơ sở Rạch Gầm không ngừng phát triển với quy mô 1.300 lao động, trên 200 tầu thuyền, một trạm sửa chữa tầu, một trạm kinh doanh xăng dầu, một xưởng kinh doanh phân bón. Doanh thu của Hợp tác xã lên hàng trăm tỉ đồng, lợi nhuận hàng chục tỉ đồng /năm. Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm được phong tặng danh hiệu: “Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Anh được nhận nhiều phần thưởng: Các cúp “Doanh nhân tâm tài”, “Phù Đổng”, “Sao vàng Đất Việt”, và nhiều Bằng khen của Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp anh thường xuyên làm công tác tình nghĩa. Năm 2007 anh đã tặng một căn nhà tình nghĩa trị giá 21 triệu đồng cho đồng đội TNXP C442 Nguyễn Thị Thoa ở thôn Chấp Chung, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Anh còn tài trợ BLL truyền thống C442 TNXP Thái Bình nhân dịp 40 năm ngày truyền thống đơn vị, và tặng 17 chăn ấm cho 17 nữ đồng đội của đơn vị anh hiện đang sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa trong mùa đông năm 2008.

 Vừa làm, vừa học anh có 4 bằng đại học. Những kiến thức học được đã tạo cho anh trở thành người lãnh đạo Hợp tác xã Rạch Gầm có tâm có tầm, có trình độ quản lý kinh tế cao hơn, hiệu quả hơn. Anh còn trở thành “nhà văn, nhà thơ” trên miền đất sông Tiền với nhiều tác phẩm nghệ thuật như: “Sông nước quê mình”, “Khúc điệu sông Tiền”, “Đi dọc Việt Nam”, “Quê hương Tình yêu”, “Nỗi niềm sông nước”… .

 Sông nước Cửu Long đã tạo cho Trần Đỗ Liêm người lính Trường Sơn đến từ tỉnh Thái Bình thỏa sức vùng vẫy phát huy tài trí. Anh xứng đáng là người anh cả và là cánh chim đầu đàn của đơn vị C442 N44 BT16 Trường Sơn chúng tôi; Trưởng thành từ “Trường học lớn TNXP” nay đã trở thành một Doanh nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của một Doanh nghiệp “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”, đó là Hợp tác xã Rạch Gầm tỉnh Tiền Giang. Anh còn tham gia Ủy viên BCH Hội nhà văn, nhà thơ Lạc Hồng tỉnh Tiền Giang, ủy viên Ban Liên lạc Cục Đường sông Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Tiền Giang.

                     Hà Đỗ Tú

Trưởng BLL C442 BT16, Hội viên Hội Văn hóa Nghệ thuật Trường Sơn,  cộng tác viên Bản tin Cựu TNXP Việt Nam

[i] Lê Quý Đôn (chữ Hán: 黎貴惇, 1726 – 1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương[1], tự Doãn Hậu (允厚), hiệu Quế Đường; là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”.