Trận tập kích giữa ban ngày

Đăng lúc: 04-07-2020 4:59 Chiều - Đã xem: 57 lượt xem In bài viết

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Chiến trường Khu 5 có một loại hình TNXP độc đáo và lập được những chiến công đặc sắc. Đó là các Đội TNXP vũ trang của Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng vào hoạt động sâu trong các đô thị, vùng địch kiểm soát. Các chiến sĩ TNXP phần đông là sống bán hợp pháp, thường ngày phối hợp cùng các lực lượng chính trị, vũ trang địa phương bám dân, diệt ác và xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, sinh viên và cả trong binh lính địch.

Tác giả tìm lại căn hầm bí mật bên bờ Suối Đục

Rút kinh nghiệm thành công lớn ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng, đầu năm 1971 Đội TNXP vũ trang Khu đoàn 5 vào hoạt động tại vùng ven Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ đóng tại thị trấn Dục Mỹ, xã Ninh Sim, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vào thời điểm này, nơi đây là một địa bàn chính quyền VNCH từ ấp đến xã đều do sự chỉ huy trực tiếp của cố vấn quân sự Mỹ, nhưng lấy danh nghĩa cố vấn dân sự, dân sinh hòng thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh[i]” trước khi quân viễn chinh Mỹ tháo lui về nước. Chúng ráo riết mở chiến dịch “Phượng hoàng[ii]” tập trung “tát cạn nước để bắt cá nằm vùng” với những thủ đoạn vô cùng tàn bạo. Bọn cố vấn Mỹ chủ trương cho phép giết nhầm hai, ba người dân thường nhưng không được phép để bỏ sót một Việt Cộng nằm vùng tẩu thoát. Về phía ta, để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng công kích, tổng nổi dậy mùa xuân 1972, Khu ủy và Quân khu ủy 5 chủ trương đẩy mạnh các hoạt động “3 mũi giáp công” tập trung tiêu diệt bọn đầu sỏ ác ôn và bọn cố vấn Mỹ để phát động quần chúng tổng nổi dậy mở rộng vùng giải phóng áp sát vào các thị trấn, thị xã, thành phố.

Được đồng chí Bảy Hữu, Thường vụ Khu ủy 5 trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa đồng ý, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quyết định tiến hành một cuộc tập kích giữa ban ngày vào trụ sở Hội đồng xã Ninh Phụng, nơi bọn cố vấn Mỹ thường lui tới để chỉ đạo bọn ác ôn, CIA… truy lùng, phục kích cán bộ cách mạng nằm vùng và các cơ sở nội tuyến của ta. Để thực hiện thắng lợi cuộc tập kích giữa ban ngày, về phần bộ đội thì đã có ba nữ chiến sĩ tên Lứa, Quyền, Nga thuộc Trung đội Hồng Gấm[iii] tình nguyện đảm nhận với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu “Đánh cho bọn cố vấn Mỹ cút, bọn ác ôn ngụy nhào” tạo thời cơ cho nhân dân Tổng nổi dậy giải phóng toàn bộ vùng Tây Bắc thành phố Nha Trang. Cùng được đồng chí Bảy Hữu đồng ý và đồng chí Ba Hùng, Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa phối hợp chỉ đạo, Đội TNXP vũ trang Khu 5 chúng tôi cử ba đội viên Nguyễn Hồng Phước, Trương Quỳnh và Trương Hổ dũng cảm, mưu trí dùng xe Honda chở ba nữ bộ đội hóa trang nữ sinh từ các hầm bí mật ở suối Nước Đục, Điềm Tịnh, Xuân Hòa đến trụ sở Hội đồng bảo đảm đúng giờ G không được sai một phút. Theo kế hoạch, hai chiến sĩ làm nhiệm vụ thủ tiêu các tên lính gác, một chiến sĩ xông vào tung bộc phá đánh sập tòa nhà tiêu diệt bọn cố vấn và ác ôn đang tụ tập.

Trước khi cuộc tập kích diễn ra, các đội viên TNXP vũ trang còn cải trang diễn tập và Nguyễn Hồng Phước (ảnh trên)- Bí thư chi đoàn mật – dũng cảm chạy Honda chở tôi vượt qua các bốt gác của địch quan sát địa hình địa vật để cùng phối hợp chỉ đạo, chỉ huy trận đánh. Vào lúc 15h30 ngày 12/4/1972, cuộc tập kích diễn ra như dự kiến. Tuy nhiên vì một lý do khách quan không lường trước, đó là bộc phá phải để dưới hầm bí mật nhiều ngày, chất lượng giảm, sức công phá không đủ đánh sập được tòa nhà, không gây thương vong nặng cho địch nên chúng đã phản kích truy đuổi ba chiến sĩ nữ của ta đang vượt qua vòng vây lửa để về căn cứ. Song với số lượng của địch đông gấp nhiều lần, ba chiến sĩ Lửa, Quyền, Nga đã anh dũng chiến đấu chống trả đến viên đạn súng ngắn cuối cùng mới hy sinh.

Anh Nguyễn Hồng Phước (bìa phải) và tác giả (bìa trái) trong một lần trở lại Điềm Tịnh

Sau trận đánh không đạt mục tiêu cụ thể nhưng mang tầm chiến lược đã làm thất bại thảm hại chiến dịch Phượng Hoàng, tạo nên một cú sốc tinh thần đối với binh lính Mỹ, VNCH trong vùng. Bởi trận đánh giữa ban ngày, do các chiến sĩ cảm tử là người dân, thanh niên, thanh nữ tại chỗ chứ không phải bộ đội chủ lực, chính quy từ căn cứ xuống. Trận đánh được các cơ quan truyền thông thế giới và của cả Lầu Năm Góc nhận xét là một sự báo hiệu cho lời tiên đoán “Mỹ cút, ngụy nhào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1968. Ngay sau một ngày trận tập kích diễn ra, toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự, dân sự, dân sinh của Mỹ đã chuồn khỏi khu vực Bắc Khánh Hòa và toàn bộ CIA, thám báo trên địa bàn Ninh Hòa tự động xóa sổ.

Nguyễn Anh Liên


[i] Việt Nam hóa chiến tranh (tiếng Anh: Vietnamization) hay Đông Dương hóa chiến tranh là chiến lược của Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon trong Chiến tranh Việt Nam, được bắt đầu từ năm 1968, áp dụng toàn diện trên toàn Đông Dương từ ngày 8 tháng 6 năm1969 nhằm từng bước chuyển trách nhiệm tiến hành chiến tranh cho chính quyền và quân lực Việt Nam Cộng hòa để Mỹ có thể rút dần quân về nước nhưng vẫn giữ được miền Nam Việt Nam, và cả bán đảo Đông Dương trong tầm ảnh hưởng của Mỹ

[ii] Chiến dịch/Kế hoạch/Chương trình Phụng Hoàng/Phượng Hoàng (tiếng Anh: Phoenix Program) (1968-1975) là chiến dịch tình báo, ám sát bí mật trong Chiến tranh Việt Nam được tiến hành bởi Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) với sự phối hợp của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA).[1] Chương trình này được hoạch định với mục đích phát hiện và “vô hiệu hóa” – bắt giam, chiêu hàng, giết, hoặc kiềm chế – các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTGP) nằm vùng, những người tuyển dụng và đào tạo cơ sở cộng sản tại các xã ấp Miền Nam Việt Nam, cũng đồng thời là những người hỗ trợ các nỗ lực đấu tranh vũ trang. Ban đầu chương trình được CIA khởi xướng, nhưng sau đó nó được chuyển giao cho Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Khi trở thành một phần của chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, chiến dịch này được chuyển thành một chương trình của Quân lực Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ của cố vấn quân sự Mỹ.

[iii] Ngày 20 tháng 9 năm 1971, Lê Thị Hồng Gấm được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba, cùng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. Tên Bà Cũng được đặt tên ở Một Số Con Đường Ở Các Tỉnh Thành Việt Nam (TP Hồ Chí Minh, Qui Nhơn, Pleiku, Đà Lạt, Mỹ Tho, Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng