Trần Văn Cam – một trong 4 “vua” phá bom của chiến dịch Điện Biên Phủ

Đăng lúc: 17-09-2017 2:46 Chiều - Đã xem: 334 lượt xem In bài viết

Đã hơn 60 năm kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ – một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những câu thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu viết về tinh thần kiên cường, anh dũng của những TNXP đóng góp sức lực của mình, tham gia vận chuyển tải hàng, phá bom, mở đường… làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng trong tâm thức bao thế hệ người dân Việt Nam:

     Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,

     Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

     Dù bom đạn xương tan, thịt nát,

     Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.

Một trong những TNXP kiên trung, ưu tú đó chính là Trung đội trưởng Trung đội phá bom, Đại đội 407, Đội 40 TNXP Điện Biên Phủ.

Trần Văn Cam sinh năm 1936. Anh sinh ra và lớn lên ở xã Chí Kiên, huyện Thanh Ba – một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ. Người dân nơi đây tuy là những nông dân chân lấm tay bùn, chỉ biết chăn nuôi trồng trọt, nhưng họ mang trong mình tình yêu nước thiết tha. Lớn lên, chứng kiến cảnh đất nước bị giặc xâm lăng, giày xéo, Trần Văn Cam sớm có lòng căm thù giặc, và quyết tâm đánh đuổi quân xâm lăng. Chính vì thế, Trần Văn Cam tham gia cách mạng, anh gia nhập Đội TNXP, chuyên phá bom, mìn để thông đường.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội phá bom của Trần Văn Cam phụ trách phá bom, thông đường, mở đường, bắc cầu cho xe vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược cho tiền phương tại Ngã ba Cò Nòi – nơi gặp nhau giữa đường 41 (từ Thanh Hóa, Hòa Bình lên) và đường 13 (từ các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Việt Bắc sang). Đây là con đường giao thông huyết mạch, được mệnh danh là “chảo lửa”, là “túi bom”, “cửa tử”. Đây cũng là điểm xung yếu nhất, quyết liệt nhất để vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc qua Nghĩa Lộ, Yên Bái phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, chính vì thế quân địch đánh phá rất ác liệt. Có ngày quân Pháp huy động 69 máy bay các loại ném hơn 300 quả bom xuống Ngã ba Cò Nòi. Có đợt chúng đánh phá 2 – 3 tuần liên tục, ném bom rải thảm kết hợp nhiều loại bom trong một trận nhằm hủy diệt lực lượng và làm tê liệt giao thông của ta. Với khẩu hiệu “TNXP có thể hy sinh, nhưng quyết không để huyết mạch giao thông bị tắc”, “Không để tắc đường quá 4 tiếng/ngày”, Trần Văn Cam đã chỉ huy đội của mình khẩn trương, nhanh chóng phá bom để xe kip thời chuyển hàng, vũ khí, thuốc men cho bộ đội chiến đấu. Sau mỗi trận địch đánh phá, thả bom xuống phá đường, Đội phá bom của Trần Văn Cam lập tức dò bom, cắm tiêu, phá bom. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, có những hôm trời mưa, gió rét, đất nhão, đường trơn, Trần Văn Cam vẫn kiên cường cùng đồng đội miệt mài, quyết tâm vừa phá bom, vừa san lấp hố bom khôi phục đường; ngày ngày chiến đấu giành giật với quân địch từng giờ, từng phút, từng giây. Dù gian khổ, thiếu thốn, nhưng Trần Văn Cam và đồng đội vẫn giữ vững phẩm chất thanh niên xung phong – phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Trần Văn Cam đã cùng đồng đội dũng cảm rà phá được trên 120 quả bom các loại, kịp thời giải phóng đường cho xe ta vào Điện Biên Phủ; Anh đã từng 4 lần đơn vị làm lễ truy điệu sống trước khi ra trận; 11 lần bị bom nổ vùi lấp nhưng vẫn được cứu sống; Cùng với các anh hùng Trịnh Văn Huyền, anh hùng Cao Xuân Thọ, anh hùng Nguyễn Tiến Thụ, anh hùng Trần Văn Cam được suy tôn là 1 trong 4 “Vua phá bom” của chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, anh hùng Trần Văn Cam vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác thăm hỏi động viên và tặng Huy hiệu của Người. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì tại Điện Biên Phủ. Năm 1955 Trần Văn Cam là một trong 6 chiến sĩ thay mặt 8.000 TNXP ở Điện Biên Phủ về Hà Nội dự Lễ đón mừng TW Đảng, Bác Hồ, Chính phủ về Thủ đô Hà Nội ra mắt quốc dân đồng bào.

Giờ đây, khi chiến tranh đã lùi xa, hòa bình lập lại, Anh hùng Trần Văn Cam cũng như bao TNXP may mắn khác được trở về, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe yếu sau bao năm lăn lộn chiến đấu trong mưa bom bão đạn, nhưng anh hùng Trần Văn Cam không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục công tác, lao động sản xuất, cống hiến trí tuệ, sức lực của mình trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Ông luôn quan tâm, tận tình chu đáo, không quản ngày đêm cùng tập thể lãnh đạo nghiên cứu, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết chính sách hợp lý để những cựu TNXP không bị thiệt thòi.

Năm 1983, sau khi nghỉ hưu anh hùng Trần Văn Cam chuyển về công tác tại địa phương: phụ trách Hợp tác xã mua bán của phường; Chi ủy viên; Tổ trưởng dân phố. Dù ở cương vị nào, ông cũng rất nhiệt tình, tận tâm, và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Năm 2006, ông là một trong những người đứng ra vận động thành lập Hội Cựu TNXP phường Quỳnh Mai và quận Hai Bà Trưng – nơi ông sinh sống. Với ý chí vững vàng, luôn giữ vững bản lĩnh cách mạng, phát huy phẩm chất kiên trung, bất khuất của TNXP, ông được các cựu TNXP bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Những ngày đầu Hội mới được thành lập công việc bộn bề, luôn phải tất bật, nhưng ông không nản chí, hàng ngày đi làm bằng chiếc xe đạp cũ kỹ, vẫn tận tụy, nhiệt tình, hăng say làm việc mặc dù ròng rã cả năm trời ông không được phụ cấp và cuộc sống của ông rất khó khăn: vợ chồng ông cùng hai cặp vợ chồng con trai và bốn đứa cháu ở trong căn hộ 24m2 trên tầng 4 khu tập thể phường Quỳnh Mai.

Ngày 29 tháng Chạp năm Canh Dần, trong không khí đón tết Tân Mão đang xốn xang khắp nơi, Anh hùng Trần Văn Cam do tuổi cao sức yếu đã ra đi mãi mãi, để lại niềm thương tiếc cho gia đình và đồng đội – những người luôn yêu quý ông. Ngày 23 tháng 7 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông. Tuy Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Cam đã ra đi, nhưng những đóng góp, cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mãi được Đảng, Nhà nước ghi nhận; được thế hệ trẻ cảm phục và biết ơn sâu sắc.

Đoàn Mạnh Hàm & Lê Trúc Vy

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015