Trang Bá Phúc tận tụy quên mình vì thương binh

Đăng lúc: 07-09-2017 1:25 Chiều - Đã xem: 113 lượt xem In bài viết

Trang Bá Phúc (Sáu Phúc) sinh ra trong một gia đình nông dân ở ấp Minh Cường A, xã Ninh Thuận, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang – một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Hàng ngày chứng kiến cảnh quê hương bị bọn giặc tàn phá, cảnh bà con lối xóm và du kích bị thương mà cậu bé Trang Bá Phúc chỉ ước mình có phép màu để chữa trị, để băng bó cho mau lành những vết thương ấy. Thế rồi mong ước ấy đã sớm thành hiện thực. Ngày 3 tháng 2 năm 1964, ở tuổi 17, Phúc đã thoát ly gia đình tham gia công tác ở Quân y huyện An Biên. Tháng 10/1964 anh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng. Năm 1966 anh gia nhập vào lực lượng TNXP (Đội 239 Nguyễn Việt Khái 1 tỉnh Cà Mau) thuộc Tổng đội TNXPGPMN (R) hoạt động ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Và ngay những ngày đầu năm 1966 – ngày 2 tháng 3 anh được vinh dự kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến năm 1971 anh được Tổng đội chọn điều động sang lực lượng Công an vũ trang T1 (Khu Miền Đông Nam Bộ).

Trang Bá Phúc tham gia vào lực lượng TNXP từ ngày thành lập Đội TNXP 239 Nguyễn Việt Khái 1, với nhiệm vụ Chi đội phó (B phó). Đơn vị anh được đưa lên hoạt động ở chiến trường Miền Đông (R), được Tổng đội bố trí trong đội hình Liên đội 9 (Tiểu đoàn), trực tiếp phục vụ cho Sư đoàn 9 Quân Giải phóng Miền. Đội TNXP Nguyễn Việt Khái 1 phục vụ cho Trung đoàn 3 (Q.763), sát cánh với bộ đội, cùng chung chiến hào, cùng chung trận địa, luôn cơ động với nhiệm vụ tiếp đạn – chuyển thương binh, tử sĩ. Đến năm 1969, đơn vị anh phối thuộc với các Đoàn 81, 82, 83, 70 Cục Hậu cần quân giải phóng với nhiệm vụ: mở đường, làm cầu, đào hầm hào, vận chuyển vũ khí, lương thực v.v… cung cấp cho bộ đội; Chuyển thương binh về tuyến sau và chiến đấu bảo vệ thương binh, tuyến đường, kho tàng…

Địa bàn hoạt động của anh và đồng đội rất rộng: từ Đông Nam Bộ đến Cực Nam Trung Bộ (Khu 6), Campuchia và Hạ Lào. Anh đã trực tiếp phục vụ 147 trận đánh cấp tiểu đoàn, trung đoàn; Có nhiều chiến dịch, trận đánh mà chiến thắng đã đi vào lịch sử như: Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ, Bông Trang, Cần Lê, Cần Đâm, Căm Xe, đánh bại bẻ gãy các cuộc hành quân phản công chiến lược của Mỹ năm 1965 – 1966 và 1966 – 1967 như: trận càn quét Attedboro (9/1966), Cedarfall (01/1967)… Chiến dịch phản công đánh bại cuộc càn Tây Ninh nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam và quân chủ lực của ta, với 45.000 quân Mỹ, hàng ngàn máy bay, xe tăng, hơn 300 khẩu pháo các loại, sử dụng hàng vạn tấn bom đạn và chất độc màu da cam… đã bị quân dân ta đánh bại, trong đó có chiến công của Trang Bá Phúc và đơn vị anh. Đến chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, đánh vào Sài Gòn, chiến dịch “Chen La II” ở Campuchia… Trang Bá Phúc và đơn vị đã phối hợp cùng các đơn vị chủ lực của ta giáng cho bom Mỹ – ngụy những đòn sấm sét.

5 năm công tác và chiến đấu ở Đội TNXP 239 Nguyễn Việt Khái 1, Trang Bá Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần phục vụ chiến đấu và chiến đấu của đơn vị. Đại hội Chiến sĩ thi đua lần thứ 2 của Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam (6/1969), anh được bình chọn là Chiến sĩ thi đua toàn Tổng đội, được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Hai, là đại biểu Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua của Quân Giải phóng miền Nam. Trang Bá Phúc được đề bạt từ Chi đội phó lên Chi Đội trưởng (BT), Đội phó (CF) và Đội trưởng (CT) của Đội TNXP 239 Nguyễn Việt Khái 1.

Từ tháng 9 năm 1966 đến tháng 9 năm 1971, Trang Bá Phúc cùng Đội 239 trong đội hình Liên đội 9 Lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam trực tiếp phục vụ chiến đấu và lập nhiều chiến công. Đó là: Trực tiếp phục vụ 147 trận đánh từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn; trực tiếp vào trận địa chuyển, chăm sóc, bảo vệ 2.120 thương binh; thồ, tải 2.435 tấn vũ khí, trong đó trực tiếp tại mặt trận 1.015 tấn và 3.140 tấn lương thực cung cấp cho bộ đội; Xây dựng 2 bệnh viện (K79A, K.23), đào 354 hầm phẫu, 1.400 công sự… khối lượng đào đất 10.450m3; làm 15km đường vận chuyển, bắt 4 cây cầu (qua suối); cùng với Tổng đội đón tiếp, nuôi dưỡng 3.500 cán bộ chiến sĩ được địch trao trả v.v…

Anh đã cùng đồng đội trực tiếp chiến đấu, bảo vệ thương binh, kho tàng, tham gia 15 trận, diệt 115 tên địch (có 25 tên Mỹ), tiêu diệt 1 xe M.113 của Mỹ.

Trang Bá Phúc là tấm gương tiêu biểu về tinh thần “Nhịn cơm, nhường nước uống, hầm trú ẩn, thuốc, bông băng… cho thương binh”. Tinh thần tận tụy quên mình vì thương binh, đợt 1 Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 với nhiệm vụ là Đội phó (C phó) chỉ huy 1 Chi đội (B) chuyển 10 thương binh nặng từ Long Bình (ven đô Sài Gòn) về hậu cứ gần Sông Tha La – Tây Ninh (nay là Tân Châu – Tây Ninh); anh thức trắng 7 đêm liền cùng đồng đội, khiêng thương phải vượt qua nhiều con đường gần đồn bót của giặc, trên đường bị pháo của địch bắn chặn, anh bị nhiều mảnh pháo ghim vào người, máu ra nhiều, anh xé khăn choàng của mình tự băng bó vết thương, kiên quyết nhường thuốc bông, băng cho thương binh và nhắc nhở y tá: “Thuốc, bông băng còn ít, phải ưu tiên cho thương binh nặng” đồng đội thấy Phúc đuối sức đem võng đến để khiêng, Phúc khoát tay và nói: “Đơn vị ít người phải khiêng 10 thương binh nặng, đường xa phải đi trong đêm tối, nếu các đồng chí khiêng tôi thì còn ai để khiêng thương binh”, và anh chặt cây làm gậy để đi và luôn nhắc nhở anh chị em phải chăm sóc, bảo vệ thương binh. Khi đưa thương binh về đến bệnh viện K.71 thì Phúc bị ngất xỉu, khi chăm sóc đồng đội mới phát hiện Phúc bị 7 vết thương khá sâu mất nhiều máu. Khi tỉnh dậy thấy anh chị em vây quanh mình, Phúc hỏi ngay: “Các đồng chí thương binh có ai bị làm sao không?”. Đồng đội yêu cầu Phúc ở lại bệnh viện điều trị, Phúc kiên quyết không chịu mà chỉ yêu cầu cho Phúc ở lại 1 tuần lễ rồi ra viện trở về đơn vị để tiếp tục phục vụ chiến đấu. Gương tận tụy quên mình phục vụ thương binh của Trang Bá Phúc được TNXP và bộ đội mến phục, noi gương.

Tại Thuận Giao (Thuận An), ngày 12/2/1968, Đội 239 TNXP chuyển 30 thương binh trong nội đô ra phía sau, trời sáng đơn vị phải dựa vào hệ thống “Hầm Nhật” để trú ẩn, địch phát hiện cho xe tăng tiến đánh. Trang Bá Phúc chỉ huy đơn vị kiên quyết đánh địch để bảo vệ thương binh. Vì hầm sâu không nhìn thấy rõ quân địch, Phúc nghĩ ra cách đánh địch là thay phiên nhau 1 người đứng chịu làm trụ, 1 người đứng trên vai nhô lên khỏi mặt đất, chờ xe tăng địch đến gần dùng thủ pháo ném vào xích xe tăng, và sử dụng AK bắn quân địch đổ bộ tiến vào hệ thống hầm đơn vị đang trú ẩn có 30 thương binh, Phúc xông lên đánh đợt đầu tiên và đồng đội đánh tiếp, phá tan nhiều đợt tấn công của giặc, tiêu diệt nhiều tên Mỹ, phá hủy 1 xe tăng, buộc chúng phải lùi ra xa, và cho phi pháp hủy diệt. Đơn vị có 5 đội viên hy sinh và 3 bị thương, trong đó có Phúc cũng bị thương khi các vết thương trước chưa lành hẳn.

Tấm gương Trang Bá Phúc: Với đồng đội luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, khó khăn cùng lo, ngọt bùi cùng chia sẻ. Với nhiệm vụ, luôn xung phong gương mẫu, nhận phần khó khăn về mình, hết lòng bảo vệ, chăm sóc, thương binh, trong chiến đấu gan dạ, kiên cường… đã trở thành điểm sáng, lan tỏa rộng khắp chiến trường.

Với thành tích phục vụ chiến đấu và chiến đấu, Trang Bá Phúc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn Tổng đội TNXPGPMN 3 năm liên tục được ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Bộ Chỉ huy tặng thưởng: Huân chương Giải phóng hạng Hai; Huân chương Chiến công hạng Ba; Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ Quyết thắng cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Cục Hậu cần, Sư đoàn 9, Tổng đội và Liên đội 9.

Trang Bá Phúc – người chiến sĩ TNXP Giải phóng miền Nam đã nêu tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu; gương sáng của tinh thần yêu nước sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trang Bá Phúc thật xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Nguyễn Hương Mai

(Dựa theo báo cáo thành tích của Trưởng Ban liên lạc Tổng đội TNXP GPMN Trần Văn Mãnh)

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015