Tri ân, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng từ chính sách đến thực tiễn

Đăng lúc: 19-08-2022 8:08 Sáng - Đã xem: 115 lượt xem In bài viết

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu nội dung Chương trình đối thoại ngày 23/07/2022 của VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ với sự tham dự của hai vị khách mời là các ông: Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam.

BTV: Xin kính chào quý vị và các bạn, thưa quý vị và các bạn, kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27 tháng 7 hàng năm là dịp để cả nước thể hiện sâu sắc hơn sự tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc, thể hiện sự biết ơn trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong thời gian qua, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã trở thành vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.

Trong chương trình đối thoại hôm nay mời quý vị và các bạn cùng nhìn lại những kết quả trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với công tác thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng thời gian qua, để thấy sự vận hành từ chính sách đến thực tiễn. Qua đó nhìn nhận rõ hơn những vấn đề cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công cũng như giải quyết những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong tổ chức thực hiện, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống người có công.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu hai vị khách mời: ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Ông Nguyễn Duy Kiên: Xin kính chào quý vị thính giả!

BTV: ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam.

Ông Vũ Trọng Kim: xin chào quý thính giả Đài Tiếng nóiViệt Nam.

BTV: trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình đối thoại hôm nay với chủ để “Tri ân, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng từ chính sách đến thực tiễn”. Thưa ông Nguyễn Duy Kiên, ngày 27 tháng 7 năm nay cả nước kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. 75 năm qua nhiều chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã được ban hành. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc đời sống của gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng thời gian qua.

Ông Nguyễn Duy Kiên: đến nay thì đã có gần 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Cũng khoảng 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Đời sống người có công không ngừng được cái thiện. Đây là kết quả của việc thực hiện tốt phương châm thực hiện chính sách ưu đãi trên cơ sở ba nguồn lực: Nhà nước, Nhân dân và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác ưu đãi người có công với cách mạng. Chế độ trợ cấp ưu đãi đã trở thành một nguồn lực quan trọng để cùng với các chế độ khác về kinh tế, xã hội, thiết thực, trực tiếp tác động đến đời sống người có công như dạy nghề, vay vốn sản xuất, giao đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ trong giáo dục và đào tạo. Cùng với sự hỗ trợ cộng đồng, sự vươn lên của bản thân đối tượng góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người có công. Với những ưu đãi về chính sách của Nhà nước và sự tiếp sức của cộng đồng, người có công với cách mạng đã phát huy truyền thống, năng lực sở trường của mình trong hoàn cảnh mới để xứng đáng là những công dân kiểu mẫu. Nhiều anh chị em đã vượt lên khó khăn để tìm cho mình việc làm phù hợp, vượt qua cái đói, cái nghèo. Nhiều trường hợp đã trở thành những người làm ăn giòi, tạo được việc làm thu hút được hàng chục, thậm chí hàng trăm lao động trong những gia đình chính sách, gia đình nghèo nơi cư trú.

BTV: Vâng, xin cảm ơn ông. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công cũng như gia đình người có công với cách mạng; trong đó có lực lượng cựu TNXP phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Thưa ông Vũ Trọng Kim, là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam thì ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về vấn đề này ạ?

Ông Vũ Trọng Kim: Qua các thời kỳ của cách mạng mà cựu TNXP tham gia thì chúng ta thấy rằng Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến các chính sách cụ thể, đặc biệt là chính sách thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đều áp dụng những chế độ rất là phù hợp. Trong đó có thể nói rằng: những người trong đối tượng TNXP thì được hưởng các chế độ cụ thể như là Quyết định 104 của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 04 năm 1999, Quyết định 40 ngày 27 tháng 7 năm 2011 về chính sách TNXP nói chung trong các thời kỳ kháng chiến và Quyết định 170 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng phí đối với TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi Nghị định 112 về chế độ chính sách đối với TNXP cơ sở miền Nam của Chính phủ cũng như giai đoạn này được áp dụng từ năm 1965 đến năm 1975 là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được trợ cấp 1 lần và trợ cấp hàng tháng cũng như trợ cấp mai táng phí và các chính sách cho vay vốn sản xuất kinh doanh từ 26 tháng 3 năm 65 cho đến 30 tháng 4 năm 1975 áp dụng từ Quảng Trị đến Cà Mau và một số văn bản khác như là văn bản số 62 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9 tháng 11 năm 2011 áp dụng cho các đối tượng là TNXP bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 mà họ đã phục viên, đã xuất ngũ, đã thôi việc thì được xem xét giải quyết. Quyết định 290 năm 2005 Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định chính sách TNXP trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ và mà chưa được thực hiện thì bây giờ sẽ thực hiện cụ thể như thế nào. Nói chung, bên cạnh những nghị định như thế thì có những văn bản quy định về định mức, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cho người có công, người tham gia kháng chiến bị chất độc hóa học da cam/dioxin và Pháp lệnh Người có công mà Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành rất có ý nghĩa trong vấn đề áp dụng đối TNXP trong thời gian vừa qua. Tóm lại, những văn bản như vậy đã được áp dụng với đối tượng là cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến. Nhưng bây giờ có điều quan trọng là số anh em mà không đầy đủ giấy tờ gốc thì rất khó xác nhận là TNXP đã tham gia vào thời gian nào và thời gian bao lâu để mà áp dụng, thì việc đó còn tồn đọng ở một số địa phương. Cho nên tôi muốn đề nghị Chính phủ sẽ nghiên cứu để có thêm những văn bản cho phù hợp hơn trong lúc vận dụng để xác nhận các cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ để có thể áp dụng được các chế độ, chính sách.

BTV: vâng! Thưa quý vị và các bạn, trong 75 năm qua thì Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước luôn chăm lo thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chính sách được ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình. Trước khi tiếp tục cuộc trao đổi, mời quý vị và hai vị khách mời cùng nghe một tổng hợp ngắn ngay sau đây:

Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mỗi năm giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6 đến 8 nghìn đối tượng; đưa trên 580.000 lượt người có công đi điều dưỡng định kỳ và hỗ trợ giáo dục cho khoảng 40 nghìn lượt người. Mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng mức tiền lương cơ sở. Đến cuối năm 2020 có gần 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,7% xã phường thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Đời sống của người có công cũng từng bước được nâng lên với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy Đảng các địa phương. Đơn cử Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 24 tháng 7 năm 2021 đã nâng mức trợ cấp phụ cấp đối với người có công với cách mạng. Với Nghị định này thì hàng năm ngân sách Nhà nước cũng chi ra gần 900 tỷ thêm so với trước đây, để chi trả trợ cấp cho người có công với cách mạng. Trước đây mức thờ cúng liệt sĩ là mức 500 nghìn một liệt sĩ một năm thì đến nay đã nâng lên thành 1.400.000đ một năm; mức điều dưỡng tại gia đình trước đây là 1.100.000đ một năm thì bây giờ đã điều chỉnh thành 1.460.000đ một năm; điều dưỡng tập trung trước đây là 2.200.000đ nay nâng lên thành hơn 2.900.000đ một năm.

BTV: thưa quý vị và các bạn, những thông tin vừa rồi cho thấy chính sách đối với người có công được hoàn thiện qua các thời kỳ. Thưa ông Nguyên Duy Kiên, ông suy nghĩ thế nào về việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thời gian qua, nhằm chăm lo tốt hơn cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Ông Nguyễn Duy Kiên: chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được hoàn thiện phát triển theo từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Chúng ta có thể chia làm ba thời kỳ:

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì ra đời từ những ngày đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ. Do hoàn cảnh kháng chiến khó khăn gian khổ nên các văn bản pháp luật ưu đãi thương binh, gia đình liệt sỹ trong thời kỳ này còn đơn giản, nội dung mang tính hướng dẫn là chủ yếu, tính pháp luật chưa cao. Cũng do khả năng kinh tế nên trợ cấp cũng chỉ mang tính tượng trưng, chưa có ý nghĩa thiết thực. Vào thời điểm này chúng ta chỉ có cái Sắc lệnh số 242 và Sắc lệnh số 47 để giải quyết chế độ với thân nhân liệt sỹ và thương binh.

Khi bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì pháp luật ưu đãi người có công đã phát triển tương đối toàn diện về các nội dung chăm sóc vật chất và tinh thần, động viên toàn xã hội chăm lo người có công, góp phần to lớn ổn định hậu phương để cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân hăng hái chiến đấu, hết lòng chi viện sức người, sức của cho miền Nam, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên ở thời kỳ này thì pháp luật còn có những hạn chế, như thiếu đồng bộ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa đề cao vinh dự và xác định trách nhiệm đối với xã hộ, giữa tính pháp luật thống nhất với xu hướng cục bộ dẫn đến nảy sinh những tiêu cực về quan hệ xã hội, thậm chí làm cho tình hình có nơi có lúc thiếu ổn định. Có thể nói là Pháp lệnh ưu đãi người có công trong giai đoạn này mới chỉ mang tính liệt kê, chú trọng đến định tính, chưa có chiều sâu định lượng, chỉ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp.

Khi chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc, cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng thì Nhà nước đã ban hành bổ sung sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật đãi ngộ người có công, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh. Nhìn chung đây là thời kỳ nền kinh tế nước ta có nhiều biến động, thuộc giai đoạn khủng hoảng, đất nước phải bước vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới. Đời sống nhân dân và các đối tượng có công gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy các văn bản pháp luật về ưu đãi trong giai đoạn này còn tản mạn, chắp vá, chi li, phức tạp. Nhiều quy định tuy đáp ứng được yêu cầu trước mắt nhưng còn nhiều hạn chế với những vấn đề cơ bản, lâu dài. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công tác người có công được định hướng và chỉ đạo cụ thể, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, các mối quan hệ được pháp luật điều chỉnh theo cơ chế mới. Pháp luật ưu đãi người có công trong giai đoạn này có những thay đổi phù hợp, đánh dấu một bước chuyển biến có tính quyết định đến mọi mặt đời sống người có công. Có thể nói điển hình trong giai đoạn này là Nghị định 236, và sau đó là đến Hiến pháp. Hiến pháp lúc này quy định rất cụ thể: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước; thương binh được tạo điều kiện phục hồi chức năng lao động, có việc làm phù hợp với sức khỏe và đời sống ổn định. Những người có công (12.18) với nước được khen thưởng, chăm sóc. Nguyên tắc này thì được thể chế trong Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 1994 và được quy định cụ thể ở Nghị định số 28 năm 1995 của Chính phủ. Đây là bước tiến dài trong việc pháp điển hóa Pháp lệnh người có công, là sự kế thừa chọn lọc và phát triển những bài học nửa thế kỉ với hơn một hệ thống gồm trên 1.400 văn bản. Đến nay thì pháp lệnh ưu đãi người có công đã liên tục được sửa đổi bổ sung và hoàn thiện. Đã có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng được công nhận; trong đó có khoảng 1,3 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng. Các nội dung ưu đãi người có công có bước đột phá, trở thành một hệ thống chính sách bao gồm nhiều mặt của đời sống như trợ cấp, phụ cấp, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi về giáo dục đào tạo, về việc làm, về ruộng đất, về tín dụng thuế, ưu tiên giao đất, giao mặt nước cùng với các chương trình lồng ghép như xóa đói giảm nghèo, việc làm, đã thiết thực hỗ trợ người có công với cách mạng ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên.

BTV: Sau khi chiến tranh kết thúc việc phát triển kinh tế của nước ta trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta nhằm đảm bảo đời sống kinh tế, tinh thần cho người có công, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội từng thời kỳ đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục; là Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam thì ông có nhận định như thế nào về quá trình hoàn thiện các chính sách đối với người có công, thưa ông Vũ Trọng Kim?

Ông Vũ Trọng Kim: về các chính sách cụ thể thì Đảng và Nhà nước luôn luôn nghiên cứu những vấn đề là thực tế, để có những bổ sung cho nó phù hợp. Đặc biệt là có sự tham gia của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và các cơ quan hữu quan thì đã đề xuất một cách cụ thể, rõ ràng. Điều đó đã được các gia đình người có công cũng như các cựu TNXP mà được hưởng chính sách rất là hoan nghênh. Có thể nói rằng là để giải quyết đời sống cho cựu TNXP thì trước hết phải động viên họ tự thân vận động. Có nghĩa là còn có sức khỏe thì chúng ta hãy tham gia vào những công việc của xã hội. Bên cạnh đóng góp vào công việc của xã hội thì có thu nhập riêng của bản thân gia đình mình. Điều đó là cái điều mà mỗi TNXP phải phát huy truyền thống, tinh thần chủ động sáng tạo của mình để khắc phục những khó khăn. Bên cạnh đó thì việc các gia đình mà đặc biệt khó khăn và những nữ TNXP cô đơn, không nơi nương tựa thì đã có những chính sách của Nhà nước và đặc biệt là có sự tham gia của xã hội. Trong đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cũng đã có những phong trào để góp sức cùng với Nhà nước làm cho công tác đền ơn đáp nghĩa của chúng ta có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của cựu TNXP. Nhưng mà, có thể nói rằng cái nhà ở thì thuận lợi, vì dần dần chúng ta sẽ giải quyết được. Như hôm qua thì tôi đã đến tỉnh Hòa Bình, cụ thể là đến huyện Kim Bôi, có tập đoàn Phúc Sơn, công ty cổ phần của tập đoàn này đã đóng góp 7 tỷ và giao trực tiếp cho 120 gia đình cần có nhà ở. Trong đó có lực lượng TNXP của chúng tôi. Điều đó là điều rất tốt. Trong cả nước đều có tinh thần như thế. Nhưng mà vấn đề đất đai thì khó khăn. Khi có một mảnh đất để mà làm nhà thì việc đó chưa có những quy định cụ thể, cho nên việc cân đối đất ở ở địa phương thì có những nơi còn phải chờ đợi lâu dài. Thứ hai nữa là vấn đề sức khỏe của cựu TNXP thì theo Nghị định 146 của Chính phủ ra đời năm 2018 thì quy định đối với TNXP chỉ hưởng được 80% bảo hiểm y tế so với quy định trước đây là 100% thì điều này là anh em đang đề nghị là nên khôi phục lại,rồi là là hưởng 100%.

BTV: thưa quý vị thính giả, lực lượng TNXP của chúng ta đã trải qua các thời kỳ kháng chiến, khắc phục hậu quả của chiến tranh, rồi là khôi phục kinh tế, và tham gia những cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Tổ quốc, hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt trên những địa bàn khó khăn gian khổ. Vậy thì với lực lượng cựu TNXP nói riêng thì các chính sách đối với lực lượng này đã được quan tâm như thế nào và bên cạnh những sự quan tâm như vậy thì những bất cập như ông vừa cho biết thì chúng ta cần phải tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ như thế nào, thưa ông Vũ Trọng Kim!

Ông Vũ Trọng Kim: về vấn đề này thì đối với chế độ của những TNXP là liệt sĩ, là thương binh thì áp dụng là đầy đủ, kể cả chính sách thực hiện trợ cấp mai táng phí và cái quan tâm bằng cái con đường là xã hội hóa thì có thể nói là khá tốt. Nhưng mà chính sách từ năm 75 trở đi thì đang gặp khó khăn bởi vì áp dụng cho TNXP tham gia phát triển kinh tế, giải quyết hậu quả sau chiến tranh cũng như tham gia một số nhiệm vụ mà bảo vệ biên giới thì cái chính sách này chưa được quy định. Hiện nay là các Bộ giúp cho Chính phủ để ra đời văn bản này thì hiện nay đang còn ở trên bàn giấy thôi.

BTV: Vâng! Thưa quý vị và các bạn, thưa hai vị khách mời! Nhất quán với chủ trương là không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước thì mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực tích cực tham gia công tác người có công. Ngoài các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng với gia đình người có công cũng được sự quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực. Chỉ tính riêng từ năm 2011 thì phong trào đền ơn đáp nghĩa, cả nước đã tiếp nhận gần 5.600 tỷ đồng xây mới gần 39.000 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 25.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng. Hiện nay cả nước có trên 4.100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá như thế này. Mời hai vị khách mời và quý vị thính giả cùng nghe.

Thời gian qua thì công tác xã hội hóa đối với chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng được làm rất là tốt, việc huy động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ, xây dựng các đền thờ liệt sỹ ở một số địa phương đã được triển khai với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các cá nhân. Ví dụ gần đây tỉnh Kiên Giang cũng đã huy động xã hội hóa để triển khai đền thờ liệt sỹ Phú Quốc trên 40 tỷ, rất là trang nghiêm, là nơi thờ phụng các liệt sỹ của tỉnh Kiên Giang nói chung và các anh hùng liệt sĩ hi sinh đang được an táng trên các nghĩa trang của tỉnh Kiên Giang. Và nhiều các hoạt động khác. Riêng dịp 75 năm này thì các cấp chính quyền đã quan tâm chi hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, rồi huy động từ các nguồn khác thông qua Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hội, các doanh nhân đối với chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công. Tôi tin tưởng rằng công tác này tiếp tục được quan tâm, được đẩy mạnh hơn trong thời gian sắp tới.

BTV: vâng! Thưa hai vị khách mời, cùng với sự chăm lo của Trung ương, của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác người có công thì việc xã hội hóa đối với công tác này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cũng là thể hiện tinh thần tri ân sâu sắc đối với những người có công. Qua một vài thông tin vừa rồi thì thưa ông Nguyễn Duy Kiên, ông có đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách đối với người có công hiện nay ạ?

Ông Nguyễn Duy Kiên: qua những số liệu nêu trên thì có thể thấy là công tác xã hội hóa thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Và chúng ta có thể thấy sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực không thể thiếu để đạt được mục tiêu của chính sách. Đây cũng là nguồn bổ sung phong phú để góp phần cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công. Tiềm năng của cộng đồng là nguồn bù đắp những thiếu hụt của các gia đình chính sách, bổ sung những nội dung mà chính sách của Nhà nước với tính chất là mặt bằng chung của đối tượng không thể đạt tới, kịp thời giải quyết những yêu cầu bức xúc trong cuộc sống của gia đình chính sách ngay tại thôn, bản, làng xã, đường phố với những hình thức, biện pháp sáng tạo và sinh động. Cũng chính từ đó mà quan hệ giữa các tầng lớp nhân dân với những người có công với cách mạng ngày càng được củng cố và gắn bó mật thiết hơn.

BTV: ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này, thưa ông Vũ Trọng Kim?

Ông Vũ Trọng Kim: thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước ban hành thì đối với TNXP là có 6.735 người được hưởng chính sách là liệt sĩ, và đối với thương binh có 40.451 đồng chí được hưởng chế độ này. Tuy nhiên vấn đề chất độc hóa học thì việc giải quyết này ở cái tỷ lệ còn rất thấp, tức là ở cỡ 37,9%. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng việc này còn phải tiếp tục giải quyết trong thời gian tới để những nạn nhân chất độc da cam, cũng như con em họ sinh ra có cái ảnh hưởng này thì cần phải được giải quyết. Trong cái việc áp dụng chính sách giải quyết một lần cho TNXP thì đạt được một cái số lượng cũng tương đối khá là 209.986 trường hợp. Nhưng mà số chưa giải quyết thì cũng còn đến là mấy chục ngàn cơ. Trong đó cái trợ cấp hàng tháng cũng được 8.624 đồng chí. Nhưng mà số chưa giải quyết thì còn hàng trăm đồng chí. Và riêng cái bảo hiểm y tế như tôi trình bày vừa rồi thì cũng mới giải quyết được 197.680 đồng chí thôi. Số còn lại cũng có 2.000 đồng chí chưa được xem xét, kiểm tra, đánh giá để có thể là giải quyết chế độ về y tế cho họ.

BTV: như hai vị khách mời vừa cho biết thì việc chăm lo đóng góp của cả cộng đồng doanh nghiệp, về xã hội hóa công tác chăm sóc người có công là vấn đề rất quan trọng. Vậy thì để thu hút sự quan tâm chăm lo hơn nữa của toàn xã hội đối với những người có công và gia đình những người có công với cách mạng thì thưa ông Vũ Trọng Kim thì theo ông các chính sách xã hội hóa trong công tác này thì thời gian tới cần được hoàn thiện như thế nào ạ?

Ông Vũ Trọng Kim: vừa qua thì chính sách xã hội hóa về vấn đề này thì làm nhà tình nghĩa thì cũng đã đến hàng ngàn cái. Tức là trong những năm vừa qua chúng ta đã giải quyết cho TNXP được tới 4.227 cái, là tôi chưa cộng năm 2022 này đấy. Như thế là rất tốt. Đối với cái sổ tiết kiệm cũng áp dụng trong việc xã hội hóa là nhiều sổ tiết kiệm, đến tới là 27 tỷ đồng về vấn đề này. Và những cái phần quà mà những ngày lễ, ngày tết đến thăm hỏi là bằng cái xã hội hóa cũng phải nói rất là tích cực và có thể nói rằng đồng bào ta, nhân dân ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề đền ơn đáp nghĩa. Đó là một nghĩa cử rất tốt đẹp của dân tộc mình, mà có truyền thống từ bao lâu nay, bây giờ tiếp tục được phát huy mặc dù kinh tế cũng còn khó khăn. Nhưng mà cái sự tham gia này rất là tốt đẹp. Bên cạnh đó thì cái quỹ nghĩa tình đồng đội của anh em TNXP xây dựng từ cơ sở, từng chi hội cố gắng có một triệu, hai triệu đồng bình quân ở cơ sở. Để từ đó có thể thăm ốm, thăm đau và những vấn đề mai táng, những vấn đề khó khăn, động viên kịp thời thì anh em cơ sở tự động có thể làm được. Thì đấy là điều mà chúng tôi thấy rằng cần động viên và khuyến khích mạn mẽ hơn nữa.

BTV: thưa quý vị và các bạn, thưa hai vị khách mời, cùng với việc tiếp nhận sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội thì hiện nay nhiều tấm gương người có công cũng đã tự nỗ lực vượt khó vươn lên, phát huy năng lực, trí tuệ, phẩm chất của mình đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước khi tiếp tục cuộc trao đổi thì xin mời các vị khách và quý vị thính giả nghe một phóng sự sau.

Năm 1973, ông Võ Minh Dầu (Ba Dầu) ở xã Khánh Lâm huyện U Minh phải rời chiến trường do bị thương sau một trận đánh ác liệt. Trong ông luôn canh cánh nỗi lòng chưa trọn trách nhiệm với quê hương. Người bộ đội cụ Hồ khi lui về làm kinh tế luôn mang trong mình một quyết tâm vươn lên để tiếp tục góp phần xây dựng đất nước. Rất nhiều khó khăn lúc ban đầu, nhưng với quyết tâm ông ra sức đào đắp để thuần hóa vùng đất khó. Khi có chủ trương của Nhà nước cho chuyển đổi cây trồng, lão nông đã đi đầu chuyển từ trồng lúa sang trồng chuối ở địa phương. Cũng từ đó kinh tế gia đình ông phát triển nhanh chóng. Ông Ba Dầu chia sẻ: Làm thế nào để tự đi lên, không trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước, buổi ban đầu cũng gặp khó là đất phèn. Được chủ trương của Nhà nước cho chuyển đổi cây trồng thì mình chớp lấy thời cơ trồng được cây chuối. Ngoài kia mình trồng cây tràm, mình lấy ngắn nuôi dài. Từ đó … phát triển cầy tràm… cây chuối. Hiện nay mỗi tháng gia đình ông Ba Dầu có thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng từ mô hình trồng chuối. Còn đến mỗi chu kỳ thu hoạch cây tràm khoảng 5 năm, gia đình ông có thêm nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Thương binh 4/4 Võ Minh Dầu còn tích cực tham gia công tác xã hội, lo cho con cái học hành là để tiếp tục góp sức xây dựng quê hương. Còn ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có có một người thương binh hạng 2/4 tuy tuổi đã gần 80, ngày ngày vẫn nhiệt huyết với công việc thầm lặng, gom góp tiền túi để xây cầu dân sinh trên những vùng quê nghèo khó xứ Quảng. Người thương binh đó là ông Nguyễn Đình Phùng. Ông cho biết đó là niềm vui lớn nhất của cuộc đời mình: cầu hư hỏng, đi lại khó khăn, té ngã thương tật nên tôi nghĩ cứ tích góp, cứ mỗi năm cố gắng phấn đấu làm bốn cái, trước khi vào Đảng mình thề phấn đấu đế hơi thở cuối cùng. Tôi hứa với con, với bạn bè những người quá cố khi gia đình còn tiền, còn sức cố gắng làm cầu. Một hình ảnh tốt đẹp khác của người thương binh vượt khó chung tay xây dựng bản làng là ông Đào Văn Hải ở bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1984 đến năm 1986, rồi bị mảnh pháo bắn vào người ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Trở về thời bình ông Hải tích cực làm ăn kinh tế và giúp bà con trong bản và anh em đồng chí làm giầu. Thương binh hạng 3/4 Đào Văn Hải cho biết: khi sinh hoạt Hội Cựu chiến binh thì cũng phát biểu, bảo anh em cách làm, rồi là cách trồng cây đưa năng suất kinh tế theo mô hình ở quê lên vào cho trồng và anh em cũng làm. Mà làm được ao, tất cả các thứ thì mình cho cá giống cho anh em.

BTV: vâng, thưa ông Nguyễn Duy Kiên, ông có suy nghĩ gì sau khi nghe phóng sự vừa rồi?

Ông Nguyễn Duy Kiên: vâng, qua những tấm gương như vậy ta có thể nói là cái phương châm mà sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tiếp tay của cộng đồng và bản thân vươn lên của đối tượng là những yếu tố không thể thiếu để chúng ta có được những cái tấm gương như vừa rồi. Trong đó chủ yếu là gì? Là các chính sách về hỗ trợ trong cơ chế thị trường của Nhà nước mang tính hết sức thiết thực, tạo điều kiện cho anh em có thể điều kiện cơ bản để vươn lên. Ví dụ những chính sách ưu tiên tạo việc làm, rồi là ưu tiên giao mặt đất, mặt nước, miễn giảm thuế trong kinh doanh, giao đất sản xuất kinh doanh. Rất nhiều chính sách rất thiết thực, nhưng những cái đó cũng không thể có kết quả nếu như anh chị em không có ý thức vươn lên, không có chí vượt khó. Nhà nước cho cái cần câu và anh chị em phải thực hiện được việc câu. Ở đây có thể nói là nhiều anh chị em sử dụng rất tốt cái cần câu của Nhà nước để đảm bảo không những tự giúp mình mà còn giúp được những người khác, giúp được những bạn bè cũng như người có công, con em người có công. Thậm chí giúp được những người trong địa bàn cư trú cùng xã qua cái việc tạo việc làm.

BTV: trong lực lượng cựu TNXP cũng có rất nhiều tấm gương vượt qua khó khăn, những nỗi đau, sự giảm sút về sức khỏe qua năm tháng chiến tranh để khẳng định mình sống có ích và đóng góp quan trọng cho xã hội. Để giúp người có công thuận lợi hơn trong hành trình vượt khó, tham gia tích cực, đóng góp cho xã hội, theo ông chúng ta cần thiết kế thêm chính sách gì không, thưa ông Vũ Trọng Kim?

Ông Vũ Trọng Kim: hiện nay Hội Cựu TNXP chúng tôi phát động phong trào “Cựu TNXP giúp nhau để thoát nghèo bền vững vì nghĩa tình đồng đội”. Trên tinh thần đó thì nhiều tấm gương tốt có điển hình ở các địa phương khác nhau thì chúng tôi đã có đánh giá và có rút kinh nghiệm cho các phong trào này ở cơ sở. Tuy nhiên, cái sự vươn lên của các cựu TNXP cũng gặp những cái điều vướng mắc. Trong đó chúng tôi cũng muốn làm làm sao có cái chế độ đặc thù để cho anh em là có thể vay vốn được thuận lợi hơn cho cái sản xuất kinh doanh cũng như là quan tâm hơn đối với chính sách thuế mà anh em là doanh nghiệp mà chính TNXP làm ra thì nên có quan tâm đối với anh em về chính sách thuế, cũng như là đất đai và những vấn đề khác mà ông Nguyễn Duy Kiên đã trao đổi, tôi hoàn toàn nhất trí.

BTV: vâng, thưa ông Vũ Trọng Kim, việc hoàn thiện chính sách đối với người có công luôn đặt ra trong bất kỳ thời kỳ nào để tri ân tốt hơn đối với những người đã cống hiến hy sinh vì đất nước. Vậy còn những bất cập hay vướng mắc nào trong thực hiện chính sách đối với người có công khiến ông vẫn trăn trở khi đảm nhận Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP nhưng cũng đồng thời là đại biểu quốc hội hai nhiệm kỳ, thưa ông?

Ông Vũ Trọng Kim: tôi hiện nay thì thấy rằng cái việc tồn đọng một số trường hợp mà anh em chưa có giấy tờ gốc để mà xác nhận là cựu TNXP và áp dụng những cái chính sách cụ thể, thì cái điều này tôi đề nghị là Chính phủ, các ngành cố gắng làm sao chúng ta có một cái quy định mới hơn để có thể vận dụng vào những trường hợp này. Hiện nay cũng có những trường hợp bất khả kháng, cho nên nên quan tâm đối với các đồng chí mà đang mất hồ sơ gốc, để có những cái vận dụng kịp thời. Và cái thứ hai là cái chính sách là khen thưởng của Nhà nước đối với TNXP thì vừa rồi Quốc hội đã có quyết định là Huy chương TNXP vẻ vang cho các cựu TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến cũng như bảo vệ Tổ quốc thì tôi nghĩ là điều đó là TNXP rất là mừng, phấn khởi và hoan nghênh cái chủ trương đó của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên là TNXP ở trong miền Nam thì áp dụng không phải là áp dụng đi theo cái phiên hiệu mà được Nhà nước huy động theo ba đợt chính quy, mà ở trong miền Nam đi theo chiến dịch. Do vậy cho nên anh em mà cộng dồn thời gian lại cũng khó mà đạt được hai năm như quy định của Luật Khen thưởng mà quốc hội vừa ban hành. Cho nên Nghị định Chính phủ tới đây cũng phải vận dụng như thế nào để có thể áp dụng được cái hệ số chiến trường và những trường hợp có thể áp dụng cụ thể đối với TNXP ở cơ sở, cơm nhà và áo của gia đình thôi, tham gia TNXP cơ sở thì được hưởng như thế nào trong chính sách khen thưởng này của Đảng và Nhà nước.

BTV: vâng, thưa ông Nguyễn Duy Kiên, qua thực tiễn công tác quản lý Nhà nước cũng như những ví dụ cụ thể mà ông Vũ Trọng Kim vừa nêu về những vướng mắc trong thực hiện chế độ chính sách với người có công thì ngoài những nội dung đó ra thì hiện nay theo ông còn những vướng mắc nào mà chúng ta cần lưu tâm để giải quyết không ạ?

Ông Nguyễn Duy Kiên: như thính giả đã biết, người có công của chúng ta thì nhiều thế hệ đã nằm xuống, nhiều thế hệ đã hưởng chế độ hiện nay cũng đã không còn, tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là gì? Đó là kịp thời. Kịp thời để những người có công chưa được hưởng chế độ mà đã mất, kịp thời là không để những người có công bị quên lãng. Có những trường hợp là như anh Kim nói là không còn giấy tờ gì, thì giải quyết như thế nào? Kịp thời là một, công bằng là hai. Công bằng là thế nào? Công bằng là không người có công nào không được hưởng quyền lợi, và không phải là người không có công mà được hưởng quyền lợi. Nó có hai vế: Một là giải quyết tồn đọng, hai là ngăn chặn sự trục lợi trong chính sách. Đây là vấn đề mà tôi nói là hết sức phức tạp trong suốt giai đoạn vừa qua. Về tồn đọng thì chúng ta đã có nhiều văn bản bổ sung, hoàn thiện. Chỉ từ năm 2013 đến nay chúng ta lần lượt có Kế hoạch 611, rồi Thông tư liên tịch số 28, đến nay là Nghị định 131 có hẳn một mục về giải quyết tồn đọng. Có thế nói với Nghị định 131 mới ban hành và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2 năm nay thì việc xác nhận người có công còn tồn đọng đã được tiếp thu ý kiến của các địa phương, các cơ quan, dơn vị; cho phép mở rộng căn cứ pháp lý để xác nhận. Các thính giả có thể nghiên cứu kỹ về cái mục này, Điều 72 đến Điều 80 của Nghị định 131. Thế nhưng vấn đề nữa là gì? Song song với việc giải quyết tồn đọng thì chúng ta phải có việc thanh tra, kiểm tra. Tôi nhớ không nhầm mấy năm trước báo chí có nói rất nhiều về nỗi đau giả đẻ ra nỗi đau thật. Có rất nhiều trường hợp lợi dụng cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, tranh thủ để khai man, tranh thủ để làm chứng sai, tranh thủ để làm giấy tờ giả. Thế thì việc của chúng ta là gì? Chúng ta phải đẩy mạnh công tác xác nhận, đồng thời tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tính công khai, tính minh bạch trong công tác xác nhận. Đây cũng là một vấn đề hết sức phức tạp. Nhiều trường hợp rõ ràng là giấy tờ gốc nhưng qua máy móc phát hiện thì lại là giấy tờ làm giả hết. Ở đây tôi muốn nói cái vướng mắc trong thực hiện chính sách nó cũng không ngoài hai chữ: kịp thời và công bằng. Đảm bảo người có công được hưởng chế độ, đồng thời cũng đảm bảo để người không có công cũng không được hưởng chế độ.

BTV: vậy để chăm lo một cách công bằng, kịp thời đối với người có công, Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ưu tiên những giải pháp nào trong thời gian tới thưa ông Nguyễn Duy Kiên.

Ông Nguyễn Duy Kiên: vâng, đây cũng không phải riêng việc của Cục Người có công, mà đây cũng là việc của toàn xã hội, của tất cả các cơ quan, các ban ngành và cộng đồng dân cư nữa. Ở đây cái công bằng tôi muốn nói là: thông qua việc xác nhận, qua việc xác nhận, các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh tiến độ xem xét, xác nhận theo quy định mới. Quy định chúng ta cũng đã có rồi. Bây giờ việc đưa vào cuộc sống như thế nào thì nhanh hay chậm do trách nhiệm của các cơ quan. Đấy là tình cảm của các cơ quan với người có công, tình cảm của xã hội với người có công. Còn vấn đề nữa là gì? Vấn đề là không để trục lợi chính sách thì việc này lại liên quan tới cơ sở. Trừ một số rất ít trường hợp hãn hữu còn phần lớn là đều biết trường hợp này có đi hay không đi. Nhưng có điều là người ta có dám nói hay không, hay là lại dĩ hòa vi quý, hay là người ta làm được mình cũng sẽ làm được. Thì ở đây tôi muốn nói là tính minh bạch, tính công khai phải rất rõ ràng ở cấp cơ sở cho đến các cơ quan chức năng. Rồi là cái chế tài. Không thể nói là cái việc anh cứ duyệt đi rồi lúc nào bị phát hiện thì cắt thôi, không truy thu được là không được. Phải có một cái giải pháp nào, chứ còn bảo khi dừng thì chúng ta truy thu chắc đâu sẽ truy thu được, người ta cứ làm. Cái ý thức không tự nhiên nó có. Mà có phải có cái chế tài. Chế tài tôi nghĩ là cần phải nghiêm hơn. Chúng ta thường hay xử về tình., người không có công thì cũng có đóng góp, chưa đến mức có công thôi. Thế nhưng mà có nhiều đóng góp, chúng ta lại nhẹ tay. Ở đây tôi muốn nói cái nhẹ tay đó vô hình trung lại tiếp sức cho việc hưởng chính sách không đúng.

BTV: còn ông Vũ Trọng Kim ạ, thưa ông, để việc thực hiện những chính sách chăm lo người có công trong thời gian tới được tốt hơn thì theo ông những giải pháp nào có ý nghĩa quan trọng ạ?

Ông Vũ Trọng Kim: trước hết tôi nghĩ rằng là cấp ủy và Chính quyền địa phương quán triệt những vấn đề chỉ đạo của Đảng và Nhà nước để mà có chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách kịp thời. Trong đó như anh Kiên nói là cái tình cảm và trách nhiệm của cán bộ chuyên lo cái công tác này thì chúng ta cũng nên nó cái hướng dẫn kịp thời, có cái biện pháp để xác minh cho nó rõ người, rõ việc tránh cái chuyện là nó sai sót trong quá trình áp dụng các chế độ chính sách. Đặc biệt là muốn làm việc này thì cần phải có rà soát ở từng địa phương cơ sở và nên giải quyết rốt ráo việc mà chúng ta khảo sát, kiểm tra, đánh giá mà tôi coi là vấn đề niêm yết danh sách để nhân dân giám sát và coi việc công khai minh bạch để nhân dân tham gia vào quá trình phát hiện và giúp đỡ cho các cán bộ chuyên trách làm công việc này thì tôi nghĩ rằng đó là biện pháp rất là quan trọng. Cho nên việc áp dụng Nghị định số 131 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định thì những cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề tồn đọng đã có. Nhưng mà vấn đề là làm việc tại cơ sở để chúng ta rà lại danh sách và trả lời cho các thân nhân cũng như những gia đình mà yêu cầu thì phải kịp thời hơn. Chứ còn để tồn đọn quá lâu mà không trả lời chính thức thì đó là một cái điều mà chúng ta thấy rằng còn rất là băn khoăn, rất là trăn trở đối với những trường hợp đã lâu, mấy chục năm nay không giả quyết được. Ví dụ bây giờ chúng tôi có 5 trường hợp TNXP phục vụ trên mặt trận Vị Xuyên mà TNXP của Vĩnh Phúc tham gia hiện nay đã đủ điều kiện nhưng mà cũng chưa được giải quyết. Hay là 43 trường hợp của thanh niên xung phong hy sinh ở trên Lai Châu mà đã đưa vào nghĩa trang liệt sĩ Chăn Nưa nhưng mà tới nay cũng chưa được giải quyết hồ sơ đối với liệt sĩ thì tôi nghĩ rằng trường hợp nào làm được thì nên trả lời dứt khoát. Chứ còn mà để lâu dài như thế này thì đúng là chúng ta có một sự băn khoăn lo lắng và thấy trách nhiệm của mình còn thiếu sót đối với những người đã cống hiến, hy sinh như vậy.

BTV: vâng, xin cảm ơn ông. Thưa quý vị và các bạn, xây dựng chính sách đối với người có công với cách mạng đã khó nhưng thực hiện chính sách này còn khó hơn. Khó không nằm ở vật chất mà ở chỗ là làm sao thực hiện được hết trách nhiệm lương tâm và đạo lý uống nước nhớ nguồn đền ơn đáp nghĩa. Một lần nữa chúng tôi xin trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục người có công Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!