Trung đoàn Anh hùng LLVTND đầu tiên trên đường Trường Sơn

Đăng lúc: 14-11-2022 9:31 Sáng - Đã xem: 121 lượt xem In bài viết

           Trong đội hình F316, Trung đoàn 98 (E98) đã có những trận đánh nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp ở vùng Đông Bắc trên Quốc lộ 18, Tây Bắc; trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh chiếm các cao điểm C1, C2, được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1957. Khi chuyển thành E98 công binh lại ghi tiếp những chiến công xuất sắc trong việc khai phá mở đường, chốt giữ và đảm bảo giao thông trên Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ảnh internet  

          Năm 1964, E98 Công binh – đơn vị cấp Trung đoàn đầu tiên – vào chiến trường, ra quân bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường cơ giới Trường Sơn. Những năm tháng sau đó hàng chục đơn vị khác gồm hàng vạn chiến sỹ công binh, TNXP , dân công hỏa tuyến…nối tiếp nhau vào chiến trường mở đường với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tạo nên một “Trận đồ bát quái”, luôn làm đau đầu Nhà trắng trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Sự kiện này là mốc rất quan trọng, đánh dấu bước chuyển hướng mới về phương thức vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược, phương thức vận chuyển bằng cơ giới là chủ yếu.

Ngược dòng lịch sử ngày 19/5/1959, Đoàn 559 được thành lập do đồng chí Võ Bẩm đứng đầu làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Tên đường mòn Hồ Chí Minh xuất hiện từ đó, lúc đầu bằng con đường gùi thồ hết sức bí mật. Liên tục 5 năm từ 1959 – 1964, với 2 tuyến gùi, thồ phía Đông và phía Tây Trường Sơn dài hàng trăm cây số cùng với đoạn đường ô tô 129km do Công binh Quân khu 4 làm. Bộ đội 559 đã khắc phục biết bao khó khăn gian khổ để băng qua đại ngàn Trường Sơn; qua con đường gùi thồ, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, hàng ngàn tấn vũ khí, trang bị đã được chi viện cho miền Nam.

          Nhưng chiến tranh ngày càng phát triển, cần có sự chi viện lớn gấp nhiều lần nữa. Ngày 3/4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết tăng cường nhiệm vụ và tổ chức của Đoàn 559[1]. Theo tinh thần đó, ngày 13/5/1964, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Cục Công binh cử ngay đoàn khảo sát tuyến, khẩn trương khảo sát thiết kế đường cơ giới. Thiếu tá kỹ sư Hoàng Đình Luyến cùng 6 trợ lý đã lên đường khảo sát. Ít tháng sau đó đoạn đường Nafác – Sêpôn[2] – Mường Nòong[3] – Sê Kông đã được thiết kế xong. Ngày 17/6/1964 Thiếu tướng Lê Quang Hòa[4], thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng chính thức giao nhiệm vụ cho E98; động viên Trung đoàn phát huy truyền thống của Binh chủng Công binh, tiếp tục giương cao lá cờ “Mở đường thắng lợi[5]” đi mở đường cơ giới Trường Sơn, mở đường thống nhất. Đầu tháng 7/1964, Trung đoàn chuẩn bị xong và bắt đầu hành quân vào tuyến với mật danh là “Chi hội Bình Minh” thuộc Hội Lao động giải phóng miền Nam, với các trang bị đơn giản: cuốc, xẻng, cùng vũ khí chiến lợi phẩm của Pháp (tiểu liên Sten, trung liên Brơnô), bí mật vượt dốc, trèo đèo xuyên rừng miền Trung. Đầu tháng 8 vượt đường 9 tới Sêpôn, qua Dốc Thơm, dàn quân, hạ trại.

Ngày 9/8/1964, E98 đã chọn đoạn Sa Đi – Mường Nòong là nơi mở đường đột phá đầu tiên. Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 vinh dự được làm lễ khởi công. Chỉ sau một ngày làm việc đoạn đường gần 10km đã hoàn thành, được ngụy trang kín sẵn sàng đưa vào hoạt động. Đây được coi là trận thắng đầu tiên của E98 mở đầu mở một thời kỳ chiến đấu liên tục 4.000 ngày đêm “mở đường Thắng Lợi” ở  Trường Sơn. Trong 11 năm liên tục (1964 – 1975) Trung đoàn đã có hành trình 5.000km xuyên suốt từ giới tuyến phía Bắc tới Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, qua hầu hết các địa hình rừng núi Đông, Tây Trường Sơn trên cả 3 nước Đông Dương, chịu đựng mọi khó khăn, thiếu thốn gian khổ về thời tiết, khí hậu, địa hình, sự khốc liệt của bom đạn địch với  tinh thần quyết chiến, quyết thắng, mở đường giỏi, đảm bảo giao thông giỏi, chiến đấu giỏi và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

E98 đã chiến đấu góp phần mở thông 3 trong số 5 trục dọc chủ yếu của đường cơ giới Trường Sơn và một số trục ngang quan trọng khác. Đó là trục dọc Tây Trường Sơn, trục dọc 128, trục dọc số 1 đầu tiên – một trục dọc qua nhiều địa hình hiểm trở dốc núi, đèo cao, nhiều điểm vượt sông lớn và khó. Những địa danh sau này đã trở thành những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch từ đường 9 trở vào như La Hạp, Dốc 12 cua, sông Bạc, Tăng Cát, Bô Me, Bô Phiên, Sê Ka mán, Sê Sụ, Ngã ba Phi Hà nối tiếp đến Tà Xẻng (ngã ba biên giới), đèo Ang Bum, Sa Thầy, Po Cô, Sê Re Pốc. Với trên 600km đường mở mới bằng cuốc, xẻng, không có thuốc nổ, không có phương tiện thi công cơ giới từ 1965 – 1968, Trung đoàn đã cùng Trung đoàn Rạng Đông lập nên kỳ công này, tạo nên trục dọc xuyên suốt số 1. Từ trục này, các trục ngang đã nối liền vận chuyển đến các chiến trường Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên. Chính trục này cũng đã xuất hiện anh hùng đầu tiên của Trung đoàn, Anh hùng phá thác Hoàng Văn Nghiên.

Trục dọc đường kín K24, một trục dọc phía Tây Trường Sơn, địa hình không khó như Trục 1, nhưng đòi hỏi phải hết sức bí mật, ngụy trang kín và phải làm thật khẩn trương. Ở đây Trung đoàn đã phát huy truyền thống mở đường thần tốc C4, bằng chiến thuật linh hoạt, kỹ thuật đảm bảo, một đoạn đường 130km với 2 tiểu đoàn trong 2 tháng đã hoàn thành, cùng với các đơn vị bạn trên toàn tuyến, đã tạo nên một tuyến dài gần 3.000km cho một hướng xe vận chuyển lớn ban ngày, tránh được hiểm họa của máy bay AC130. Đây là một tuyến rất sáng tạo, một thắng lợi lớn của Bộ đội Trưởng Sơn.

Trục dọc Đông Trường Sơn – Trục đường 14 là một trục dọc phức tạp và khó khăn về cả địa hình và địch. Những địa danh như cao điểm 1001 Làng Vây, Tà Cơn, Đường 9 – Khe Sanh, Sa Trầm – Hướng Hóa, Li Tôn – Pe Ke, A Sầu – A Lưới, Bù Lạch – Xưởng Giấy, A Vương – Trao, Bung – Giàng…. là những nơi đụng độ với các đơn vị thiện chiến của Mỹ. Cuộc mở đường ở tuyến này nhiều khi là cuộc chiến đấu thực sự, phải đánh địch mặt đất, đánh máy bay, chiến đấu khi mở đường, bảo vệ đường, đảm bảo vận chuyển. Nhưng rồi khó khăn cũng vượt qua, D2, D3 là những tiểu đoàn điển hình trong việc đánh địch, bảo vệ đường. Chính trên tuyến này xuất hiện anh hùng Nguyễn Bá Tòng mưu trí, dũng cảm, đảm bảo đường luôn thông suốt, cứu xe, cứu hàng; Anh hùng Phạm Văn Cờ tham gia diệt 12 máy bay lên thẳng của địch.  Năm 1973, trục đường 14 chuyển sang xây dựng cơ bản, có Tiểu đoàn 303 TNXP Hà Tây được bổ sung phối hợp với công binh dưới sự chỉ huy của Trung đoàn, tốc độ mở đường nhanh hơn vì có xe máy tăng cường; đảm bảo cho cuộc hành quân của các Binh đoàn vào giải phóng Buôn Mê Thuột, giải phóng miền Nam.

Chiến công mở tuyến đường C4 từ ngã ba Phi Hà sang Xiêng Phang (Campuchia) – một tuyến đường rất quan trọng, đảm bảo hậu cần ngược từ K sang và vận chuyển từ miền Bắc vào miền Đông Nam bộ. Đoạn đường dài 204km, chỉ trong thời gian 38 ngày kể từ khi nhận lệnh (mồng 2 Tết Bính Ngọ1966 ) Trung đoàn đã tổ chức thi công, giữ bí mật nên đã hoàn thành với một tốc độ hiếm có, Trung đoàn được tặng danh hiệu “Mở đường thần tốc”.

Những chiến công khác trong việc đảm bảo vận chuyển, đảm bảo giao thông của Binh trạm 37 – Binh trạm đầu mút, sát ngay chiến trường Tây Nguyên cũng rất vẻ vang. Kẻ địch đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, đánh phá, ngăn chặn rất ác liệt các trọng điểm từ Lâm Du đến đèo 200, Nậm Kông trên trục C4 và đặc biệt là cụm trọng điểm Sê Sụ – Ngã ba Phi Hà, Dốc Trực. Ở đây các loại máy bay, các loại bom đạn, địch đã sử dụng ở tuyến phía ngoài, cửa khẩu địch đều sử dụng cả. Ác liệt hơn ở đây còn có các loại pháo chiến trường từ các Đak Tô, Plây Kần, luôn nhả đạn khống chế vận chuyển. Nhiều đơn vị lính Mỹ, biệt kích thường xuyên dùng trực thăng đổ bộ, nhằm cắt đứt vận chuyển. Trung đoàn đã ngày đêm vừa chiến đấu trên không, vừa ở mặt đất, tháo gỡ bom mìn, san lấp hố bom, đảm bảo các chuyến xe thông suốt, an toàn. Tiểu đội súng phòng không 12,7 ly thuộc C6/D3 của Trung đoàn đã bắn rơi 12 máy bay địch bảo vệ ngầm Sê Sụ, diệt 32 lính Mỹ, VNCH. C5/D2 đã phá hàng trăm bom nổ chậm, bom từ trường, bảo vệ Đèo Dốc Trực. C7/D3 đã khắc phục khó khăn, khai thác vật liệu tại chỗ đóng 2 bộ phà ngay sát địch, đảm bảo binh khí kỹ thuật vượt sông Pô Cô an toàn, bí mật, bất ngờ góp phần đánh thắng căn cứ Đức Cơ. Với những thành tích này Trung đoàn được tặng 2 Huân chương Chiến công.

Với 11 năm, 4.000 ngày trên đường Trường sơn, Trung đoàn 98 đã tham gia mở 3 trong số 5 trục dọc chính của tuyến Trường Sơn, gần 3.000 km đường ô tô, đào đắp hàng triệu m3 đất đá, bắn rơi 38 máy bay địch các loại, diệt hàng trăm tên lính Mỹ, VNCH, phá gỡ hàng ngàn quả bom nổ chậm, bom từ trường, đảm bảo giao thông, thông suốt trên tuyến phụ trách. Trung đoàn được thưởng cờ mang danh hiệu “Mở đường thần tốc”, “Mở đường thắng lợi”, “Mở đường Thống nhất” và cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; một Tiểu đoàn, 3 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và ngày 03/9/1973 Trung đoàn 98 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đây là đơn vị anh hùng cấp Trung đoàn đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn của lực lượng Công binh Trường Sơn, có sự tham gia của TNXP thuộc Đoàn 559.

NGÔ TUYẾN


[1] Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn 559 là mở đường và tổ chức vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào; đồng thời có nhiệm vụ bảo đảm vật chất và an toàn cho các lực lượng hành quân, bảo vệ hành lang chống địch tập kích bằng đường bộ và đường không, phối hợp và giúp đỡ các địa phương củng cố vùng giải phóng ở dọc hành lang

[2] Sông Sê Pôn bắt nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn trên địa bàn muang (mường) Sa Mouay (Sa Muộn) và muang Nong, tỉnh Savannakhet của Lào, đi về hướng Tây Bắc vào địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.

[3] Thuộc tỉnh Savanakhet

[4] Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (1963 – 1967)

[5] Kết thúc Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, với thành tích tiêu biểu về bảo đảm công binh, Bác Hồ đã tặng Bộ đội Công binh lá cờ thêu 4 chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Đây là lời khái quát sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Công binh.