Trung ương Cục miền Nam

Đăng lúc: 20-09-2018 9:33 Sáng - Đã xem: 52 lượt xem In bài viết

Trung ương Cục miền Nam[i] là một vùng chiến địa

Là đầu não năm nào của cách mạng miền Nam

Trong chiến tranh vẫn giữ được an toàn

Nay sừng sững trở thành khu di tích …

 

Hơn năm mươi năm, chiếc sa bàn chiến dịch

Trận đánh năm nào lại tái hiện lên

Địch đánh, địch càn tứ phía triền miên

Ta trụ vững vẫn không hề nao núng

 

Bốn phía bủa vây không ngừng tiếng súng

Bảo vệ thế nào không tổn thất được đây?

Vượt biên giới sang Cam-pu-chia để bảo toàn lực lượng

Thế trận bầy ra, mưu lược bậc thầy

 

Xưa Khổng Minh[ii] đóng quân vùng núi hiểm

Đã nhiều lần mang quân tiến đánh mọi nơi

Nhử cho địch phải điên đầu xung trận

Bị Khổng Minh dàn thế trận đánh tơi bời

Nay thế trận vùng Tây Ninh hiểm trở

Giăng thế cờ bát quái mọi nơi

Địch tấn công bị ta đánh tơi bời

Chiến dịch Gian-xơn Xi-ty [iii]đã biến thành tro bụi

 

Chiến thắng một thời, vinh quang mãi mãi

Giương ngọn cờ cách mạng đến thành công

Căn cứ xưa, nay xán lạn một vùng

Thành di sản của Việt Nam thắng Mỹ./.

                     Ngày 31/7/2018

                  Thơ: NGÔ VĂN TUYẾN

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến


[i] Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt lãnh đạo trực tiếp lãnh đạo cách mạng Nam Bộ trong thời kỳ 1951-1954 và miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961-1975, (từ 1964 địa bàn B2). Thời kháng Mỹ, Trung ương Cục chỉ đạo Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam (sau xác định Đảng bộ Miền Nam Đảng Lao động Việt Nam), trực tiếp địa bàn B2, trực tiếp chỉ đạo chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời trên cơ sở chủ trương Trung ương Đảng, nhận chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông qua Ban Thống nhất TW. Trung ương Cục miền Nam nằm ở tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, những dấu tích còn lại tại nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

[ii] Gia Cát Lượng  (181 – 234), biểu tự Khổng Minh  hiệu Ngọa Long tiên sinh là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng là một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài ba. Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Hình tượng của ông càng trở nên nổi tiếng qua tác phẩm tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư của văn minh Trung Hoa.

[iii] Junction City (thường phiên âm thành Gian-xơn Xi-ty) là một chiến dịch kéo dài 53 ngày của Quân đội Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhắm vào các căn cứ của lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Chiến khu C, tức vùng Lò Gò – Xa Mát ngày nay (phía Việt Nam Cộng hòa gọi là Vùng 3 chiến thuật) vào đầu năm 1967. Đây là cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam – huy động 35.000 quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà và kéo dài từ 22 tháng 2 đến 15 tháng 4 năm 1967 – để đánh vào vùng kiểm soát của quân Giải phóng nhưng đã thất bại.