Trường Sơn còn mãi trong tôi

Đăng lúc: 05-01-2018 10:07 Chiều - Đã xem: 79 lượt xem In bài viết

Được biết hệ thống đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, tôi xin mạo muội kể ra tên đường

 

 

Trường Sơn điệp điệp trùng trùng

Nhưng ta vẫn nhớ chặng đường đã qua

Chiến tranh dù có lùi xa

Đường Trường Sơn “ấy” trong ta mãi còn.

 

Gồm năm (5) trục dọc song song

Hai hai (22), hai bốn (24), và cùng hai ba (23)

Thêm một hai tám (128) nữa là

Bốn đường trên đất Chăm Pa nghĩa tình.

 

Sườn Đông – Đường “Hồ Chí Minh”

Người xe vào cuộc trường chinh anh hùng

Mặc bom đạn Mĩ chặn đường

Không ngăn nổi những chuyến hàng vào ra.

 

Hai mốt (21) trục ngang đó là

Đường mười hai (12) tới ngã ba Lằng Khằng

Hai mươi (20) quyết thắng hiên ngang

Qua bao trọng điểm vượt sang Lùm Bùm.

 

Đường mười (10), mười tám (18) nhớ không

Gặp một hai tám (128) Thà Khồng[i] – Na Bo

Đường mười sáu (16) qua làng Ho

Gặp đường số chín (9) Đông Hà – Sê pôn.

 

Đường bẩy mươi (B70) từ Tam Luông

Cùng bốn lăm (B45) tới chiến trường Bê năm (B5[ii])

Bảy mốt cho đến bảy lăm (B “71,72,73,74,75”)

Hàng từ Lào chuyển hướng nhằm Thừa Thiên (B4[iii]).

 

Năm mươi (50), bốn sáu (B46)- Chà Văn

Gặp đường mười bốn (14) Khu V (B1[iv]) tên miền.

Mười chín (19), bốn chín (49A), đường Miên[v]

Mười sáu (16), mười tám (18) đường liên Hạ Lào.

 

Hàng từ các hướng chuyển vào

Chuyển qua Sê Sụ rồi vào Bê ba (B3[vi])

Hai đường trên Căm Pu chia

Nhận hàng từ Bạn chuyển về Bê hai (B2[vii]).

 

Đường xưa ghi dấu “anh tài”

Bên tay lái lụa một thời chiến chinh

Trường Sơn trong tôi, trong anh

Một thời để nhớ, rạng danh anh hùng.

 Tháng 6/2017

Hà Đỗ Tú

[i] Tha Khốn

[ii] Chiến trường B5 Bắc Quảng Trị được thành lập tháng 6 năm 1964, địa bàn ở khu vực Đường 9 và Bắc Quảng Trị, tách ra từ B4, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Tư lệnh đầu tiên: Đại tá Vũ Nam Long, Chính ủy Nguyễn Xuân Hoàng. Địa bàn chiến trường B5 tương ứng với địa bàn cực Bắc Quân khu I Việt Nam Cộng hòa. Là mặt trận Trị Thiên Huế, phía Bắc tiếp giáp khu vực Vĩnh Linh qua sông Bến Hải. Phía Tây có đường chiến lược 12 (nhánh phía Bắc hệ thống đường Hồ Chí Minh). Phía Nam giáp với địa bàn phía Bắc Khu 5 (Quảng Nam-Đà Nẵng). Đây cũng là địa bàn phía Bắc của Vùng chiến thuật I – Quân đoàn I của QLVNCH.

[iii] Chiến trường B4 Trị – Thiên được thành lập tháng 4 năm 1966, gồm 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, tách ra từ B1, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên: Thiếu tướng Lê Chưởng. Địa bàn chiến trường B4 tương ứng với địa bàn Bắc Quân khu I Việt Nam Cộng hòa.

[iv] Chiến trường B1 Nam Trung Bộ được thành lập đầu năm 1961, gồm các tỉnh từ Khánh Hòa đến vĩ tuyến 17, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Địa bàn chiến trường B1 tương ứng với địa bàn Quân khu I và Quân khu II của Việt Nam Cộng hòa. Tháng 5 năm 1964, 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc được tách ra để thành lập B3 (Tây Nguyên). Tháng 4 năm 1966, 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên được tách ra để thành lập B4 (Trị Thiên). Từ đó cho đến hết chiến tranh, chiến trường B1 gồm các tỉnh ven biển miền Trung từ Đà Nẵng vào đến Khánh Hòa.[3]

[v] Campuchia

[vi] Chiến trường B3 Tây Nguyên được thành lập giữa năm 1964, gồm các tỉnh Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng), tách ra từ B1, do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo. Tư lệnh đầu tiên: Đại tá Nguyễn Chánh, Chính ủy Đại tá Đoàn Khuê[3]. Địa bàn chiến trường B3 tương ứng với địa bàn Cao nguyên của Quân khu II Việt Nam Cộng hòa. Là mặt trận Tây Nguyên, bao gồm hầu hết Cao nguyên Trung phần (trừ các tỉnh Tuyên Đức (Lâm Đồng) và Phú Bổn). Phía Tây là đường Tây Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) trên đất Lào. Phía Bắc giáp với B5. Phía Nam giáp với B2, phía Đông giáp với Khu 5 và Khu 6.[5] Đây là phần phía Tây của địa bàn Vùng chiến thuật II – Quân đoàn II theo cách phân chia địa bàn tác chiến của QLVNCH

[vii] Chiến trường B2 Nam Bộ được thành lập đầu năm 1961, gồm các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau, do Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ đạo tác chiến[3]. Địa bàn chiến trường B2 tương ứng với địa bàn Quân khu III và Quân khu IV của Việt Nam Cộng hòa. Là địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Long Khánh, Biên Hoà, Bình Dương). Phía Bắc tiếp giáp B3, phía Tây giáp Cam pu chia, phía Đông tiếp giáp khu 6, phía Đông Nam tiếp giáp T-4 và khu 8. Trên địa bàn này có các khu căn cứ D và R là nơi đóng trụ sở Quân uỷ Miền và Bộ tư lệnh Miền (Quân giải phóng miền Nam Việt Nam). Đây là phần phía Bắc của địa bàn Vùng chiến thuật III – Quân đoàn III theo cách phân chia địa bàn tác chiến của QLVNCH