Được sống và công tác với ông Ngô Kim Tuấn nhiều năm tháng, qua những lần tâm sự đầy thân thương, gần gũi tôi hết lòng ngưỡng mộ ông.
Năm 1949, ông Ngô Kim Tuấn cất tiếng khóc chào đời ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam – miền quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng. Gia đình ông cũng nằm trong dòng chảy đó với 4 người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cha mẹ và anh trai đều đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ ông vừa là liêt sĩ, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng. Hoàn cảnh đó đã hun đúc nên tinh thần ý chí cách mạng rất sớm trong ông. Ngày 01/10/1964, mới 15 tuổi, đang theo học lớp đệ ngũ[1] ở huyện nhà, ông đã bỏ học rồi rồi tham gia vào đội du kích xã. Đến ngày 20/6/1966, ông tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP Quảng Đà; ngày 15/8/1967 chuyển sang Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 14/12/1969, ông đã được kết nạp Đảng. Những năm tháng ngủ rừng “mưa dầm, cơm vắt” đối mặt với bệnh tật, sự hy sinh tính mạng nhưng ông vẫn một lòng kiên trung.
Tháng 6 năm 1976, ông chuyển ngành về Bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng. Ông được cơ quan cử đi học Đại học Luật tại Hà Nội; được bồi dưỡng đến Cao cấp lý luận chính trị. Ông trải qua nhiều chức vụ: trưởng các phòng và Chủ tịch Công đoàn Bưu điện viễn thông Đà Nẵng.
Với sự đóng góp đó, ông đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ 10 năm liên tục (năm 2000 – 2009, và hàng chục Bằng khen khác.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông bén duyên bà Nguyễn Thị Thu Hiền. Hết lòng yêu thương vợ con, ông có 3 người con, 7 người cháu nội ngoại. Ba người con của ông đều được chăm sóc, ăn học trưởng thành, tốt nghiệp đại học, làm cán bộ, giáo viên. Gia đình ba thế hệ có 4 người là đảng viên sống ấm no, hòa thuận, vui vẻ, kinh trên nhường dưới. Thời gian bà Hiền đau ốm, ông một mực chăm sóc, động viên hết mực. Năm 2015, gia đình ông được công nhận Gia đình hạnh phúc tiêu biểu giai đoạn 2010 – 2015.
Nghỉ hưu, nhưng ông chưa ngừng nghỉ với công tác xã hội; ông đã từng làm tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường An Hải Đông (2013 – 2021), Chủ tịch Hội Cựu TNXP quận Sơn Trà (2011 – 2021)…, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Với sự tận tâm, hết lòng vì nhân dân, tuy tuổi cao, ông vẫn không quản ngại việc phải đi đêm, dậy sớm. Ông luôn trăn trở làm sao để được lợi lạc nhất cho nhân dân. Tiết kiệm từ kinh phí cá nhân, ông đã hỗ trợ cho nhiều cá nhân và tổ chức hoạt động.
Đối với công tác Hội Cựu TNXP, ông chú trọng công tác gắn kết với Mặt trận, Thanh niên, cựu chiến binh trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Quan tâm đến đồng đội, nhất là các hội viên khó khăn, ông động viên, thăm hỏi từng người, chia sẻ cả về vật chất và tìm nguồn để hỗ trợ. Hàng năm ông đều được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hội.
Ông vinh dự là 1 trong 7 đại biểu của Đà Nẵng tham dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ và Tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Khi được hỏi vì sao tuổi cao nhưng vẫn tham gia nhiều lĩnh vực công tác hoạt động như thế, ông nói: vốn ưa đem lại lợi ích cho người khác, lại được tôi luyện trong môi trường TNXP và quân đội, thêm cái chất của người đảng viên cộng sản đã giúp tôi luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách. Là một cựu TNXP, cựu chiến binh, là thương binh 4/4, ông mãi mãi khắc ghi 4 câu thơ Bác Hồ tặng lực lượng TNXP: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”..
Đã hơn 70 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm”, “cựu” về tuổi tác nhưng tâm hồn và ý chí của ông thì vẫn luôn tươi trẻ; trong kháng chiến thì “sống bám cầu bám đường/chết kiên cường dũng cảm” thì nay “tuổi cao gương sáng”. Tóc đã bạc, răng đã long nhưng ý chí sống vì dân, vì Đảng, vì đồng đội vẫn luôn đầy ắp trong tâm hồn ông.
Nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6
Phạm Công Hỷ
Phó Chủ tịch Quận hội Sơn Trà
[1] Lớp cuối cùng của cấp tiểu học trong hệ thống giáo dục của VNCH