TƯỢNG ĐÀI VẪY GỌI

Đăng lúc: 27-07-2021 3:55 Chiều - Đã xem: 31 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

 

1-

Nơi đây sẽ mọc tượng đài

A-T-P[i] mãi là nơi ta về

Cua Chữ A với Ta Lê

Phu Lai Nhích ai từng nghe một thời

 

A Ky đó ngầm bom rơi

Cà Roòng xa ấy đạn rơi bom gầm

Đêm đêm em đứng canh ngầm

Dốc nào đường tắc em xông tới liền

 

Cua nào nổ chậm nằm yên

Đèo kia ta đợi, thân em quản gì

Xe lên rầm rập quân đi

Con đường chiến dịch đã vì miền Nam

 

Bên nay em Ba sẵn sàng

Bên kia anh cả trung đoàn công bình

Bên trọng nghĩa, bên nặng tình

Chung tay kết nghĩa rừng xanh chứng nguyền

 

Trai anh hùng gái thuyền quyên

Đường thông anh tặng cho em lan rừng

Trắng thơm trinh bạch một vùng

Thương anh em tặng má hồng

 

Chín hồng chờ đợi một vầng tim say…

Đông thì tình chín hây hây

Xuân về hương thoảng gió bay ngát lòng

Thu qua lá thả ánh vàng

 

Hè xanh rực cháy lửa nồng bếp quân

Hẹn nhau đi hái măng rừng

Hẹn nhau cuối dốc chiều mong hôn hoàng

Giọng hò ai động vầng trăng

 

Mịn màng nóng ấm ai cầm tay run

Mà sao vần những quả bom

Mà sao xẻ đá, mở đường xuyên sơn

Mà sao vùn vụt mũi tên

 

Cứu xe cứu cả ánh đêm vượt đèo

Xe lên mắt ngước trông theo

Mưa nhòa nỗi nhớ mây chiều níu chân

Xe lên rầm rập đoàn quân

 

Bất ngờ phản lực nhào tung bom gầm

Phất cờ xe vượt qua ngầm

Em còn đứng đó, sao bầm máu rơi!

Ôi đau thương đến ngút trời

Người này ngả lại mắt ngời xông lên…

 

Bao phen, bao phen, bao phen

Bao mùa bao tháng bao đêm bao ngày

Bao người máu đỏ đường dây

Con đường mạch máu vẫn đầy đường xa…

Hòa cùng nhịp điệu quân ca

Vui ngày Đại thắng nắng nhòa mắt ai…

 

 

2-

Ngoảnh trông trời đất đổi dời

Bốn mươi năm ấy một thời còn đâu…

Dấu xưa đã lặn đất sâu

Cây xanh đã kín nơi nào ta qua

Con đường đất đá nhạt nhòa

 

Nơi đâu xương cốt máu sa

Nơi đấu tóc rụng xót xa trăng đầu

Nơi đâu hương sả nhắc nhau

Nơi đâu họ hẹn tình dầu nụ hôn

Nơi đâu nơi mất nơi còn

 

Trông trời trông đất đầu non cuối đèo

Cua Chữ A đâu tiếng xe reo

Ta Lê đâu sông vẫn nhiều sóng xô

A Ky đâu bóng ngọn cờ

Cà Roòng đâu nhớ bao cô Sẵn Sàng

 

Bóng mây đâu vẫn mơ màng

Sao đâu cuối dốc cho nàng đợi ta

Long lanh như giọt sương sa…

 

Còn đâu xao xuyến tình ta ngát rừng…

Còn đâu ánh mát rưng rưng

Còn đâu thác trắng bọt tung năng chiều…

 

Một thời sâu nặng tình yêu

Một thời sống chết, nắng thiêu, mưa dầm

Một thời đêm giấu tình thâm

Một thời… còn đó bước chân đá mềm…

Một thời còn đỏ niềm tin

Một thời đã hóa tim em tim mình

 

Em đi… như bóng tàng hình

Anh về hiện hữu bình minh rạng ngời

Xuân về muôn nụ hao tươi

Khói hương vẫn nhớ những người xả thân

Cho con đường thẳng vào Nam

Cho tình ta trọn suối ngàn sông sâu

Thủy chung hai chữ làm đâu

Nghĩa nhân hai chữ năng sâu trong lòng

 

Hôm nay bỗng hóa đóa hồng

Hôm nay bỗng hiện hiên ngang tượng đài

Tóc ai bay xỏa lưng trời

Tay ai phất ngọn nắng ngời xe qua

Mắt ai rực sáng xa xa

Bên ai tay cuốc, tay hoa thắm trời…

Bên kia bên giới nụ cười

Một thời chia lửa ai người nỡ quên

 

Ai lên A-T- P thì lên

Thắp hương tưởng nhớ trái tim anh hùng

Tượng đài sừng sững một vùng

Tụ hồn liệt sĩ đã từng nơi đây

Ngước trông nam bắc đông tây

Long lanh nước mắt khói lay lòng người!

 

3-

Tượng đài vẫy gọi lòng tôi

Trong sâu thẳm… tiếng gọi nơi sa trường

Bạn bè máu chảy trào tuôn

Lời trăng trối – lời lặng im giữa rừng…

 

Tượng đài – tiếng thét xung phong

Ngọn cờ đỏ, gió vẫy tung- tay thề

Quê hương lời mẹ vọng về

Dáng em, dáng chị sáng khuya đợi người

 

Xa xa xanh mãi chân trời

Đồng quê vàng lúa – Tượng đài lòng dân

Điệp trùng đội ngũ hành quân

Tượng đài giục bước nhân quần đi lên…

 

Ta xây bằng chí sắc bền

Bằng tâm khảm, bằng mũi tên bịt đồng đồng

Bằng cày, bằng búa công nông

Bằng tay bút, bằng giấy hồng trang thơ

 

Ta xây bằng cả mộng mơ…

Tượng đài vẫy gọi từng giờ trong ta

Tượng đài tình nghĩa bao la

Dục mầm xanh, dục bài ca nhịp nhàng

 

Dục lòng rộng mở bốn phương

Cho ta đến bạn nẻo đường thơm hoa

Tượng đài vẫy cánh muôn xa

Tượng đài vẫy gọi lòng ta… một thời!

 

Tượng – đài – bao – bạn – bè – tôi

Quây quần đó, gió hát lời – Mẹ ru !

 

                                                2000-2012

                                                     HỒ BÁ THÂM

 


[i] Trọng điểm A-T-P là tên gọi tắt của cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích nằm trên trục đường 20 Quyết Thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, tất cả bộ đội vận tải (cơ giới) khi vượt Trường Sơn đều e ngại trọng điểm A-T-P có chiều dài 9 km này vì mức độ đánh phá ác liệt của đối phương