Vẫn sáng mãi hình ảnh qua năm tháng cho con cháu

Đăng lúc: 02-07-2018 1:35 Chiều - Đã xem: 128 lượt xem In bài viết

  Thương binh ¾, đảng viên, cựu TNXP Cao Thị Nguyệt, hội viên Hội Cựu TNXP phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã để lại những năm tháng tỏa sáng phẩm chất TNXP cho con cháu. Đi TNXP tháng 3/1968 đến cuối năm 1972. Sau chiến tranh chống Mĩ thắng lợi, bà Nguyệt tham gia công tác ở xã; cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Phước Long (Sông Bé) và trên 15 năm làm bí thư chi bộ…

Những năm tháng chống Mĩ hào hùng

    Từ huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tháng 3/1968, Cao Thị Nguyệt đi TNXP và phục vụ tại đơn vị P31- C201- N241. Địa bàn hoạt động của đơn vị bà từ cầu Diễn Quản – cầu Cấm, huyện Nghi Lộc, qua cầu Bình Thủy, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); công việc chủ yếu là san lấp hố bom trên đường 205 và nạo vét kênh nhà Lê…

    Bà Nguyệt nhớ lại: “Tháng 4/1968, khi cả đơn vị đang lấp hố bom gần cầu Diễn Quản thì máy bay Mĩ ập đến thả bom sát thương. Cả đại đội kịp chui vào hầm theo lệnh của Đại đội trưởng. Duy có chị Đặng Thị Vân là người vào hầm sau cùng. Quả bom sát thương nổ gần đó, Vân bị thương nặng ở chân. Bà cùng đồng đội thay nhau cõng đồng chí mình đến Bệnh viện Diễn Châu, lúc đó sơ tán lên xã Diễn Thắng. Do vết thương nặng, máu ra nhiều và bị nhiễm trùng nên ít ngày sau Vân hy sinh…”.

   Bà Nguyệt cũng bị thương ở phần trên gối trái trong lần máy bay Mĩ oanh tạc. Năm 1969, Cao Thị Nguyệt được UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen và được công nhận chiến sỹ TNXP điển hình của đơn vị đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh…

    Để phòng tránh máy bay Mĩ phát hiện thả bom, đơn vị bà phải chia ra thời gian làm ở hiện trường sao cho phù hợp. Thường đầu tháng đơn vị đi làm từ 17h – 22h mới về. Nhiều lúc công việc chưa hoàn thành, thời gian làm kéo dài tới 12h đêm hoặc đến 1h sáng. Đêm trăng lên là đơn vị huy động đi làm và còn lợi dụng pháo sáng của máy bay địch thả để nạo vét kênh – kênh nhà Lê[i] – để vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện vào chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972, bà Nguyệt trở về địa phương, được hưởng chế độ thương binh hạng ¾.

Tiếp tục cống hiến, sáng mãi phẩm chất TNXP

    Năm 1981, bà Nguyệt cùng gia đình vào tỉnh Bình Phước, bà công tác ở Ban Nông – Lâm – Thủy huyện Phước Long. Đến năm 1985, tỉnh có chủ trương tách các phòng ban, bà Nguyệt chuyển công tác qua Hạt kiểm lâm huyện Phước Long và làm bí thư chi bộ nhiều năm liền. Hoàn cảnh của bà khi vào công tác ở vùng quê mới rất khó khăn. Lúc đó con gái đầu của bà mới sáu tuổi học lớp 1, các cháu kế theo đang học mẫu giáo, cháu cuối mới 1 tuổi. Đến năm 1988, bà Nguyệt mới sinh thêm hai cháu… Mặc dầu hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng bà Nguyệt vẫn hoàn thành tốt mọi công việc trên giao; vừa sắp xếp thời gian phù hợp để nuôi dạy các con ăn học. Hiện các con bà đều đã học qua chương trình đại học và đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, trong số đó có hai người là thạc sỹ. Bà Nguyệt tâm sự: “Trước đây nhà có mấy ha đất vườn canh tác. Để đầu tư chất xám cho các con, bà đã sang nhượng lại hết cho người khác để lo cho từng đứa ăn học. Bà đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người mẹ. Các cháu giờ đã có gia đình, cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc…”.

   Năm nay 68 tuổi và 49 năm tuổi Đảng, bà Nguyệt vẫn thường tham gia đóng góp từ thiện, như: Ủng hộ “hũ gạo tình thương” hàng năm của Ban chấp hành Hội Cựu TNXP thị xã Phước Long; góp tiền, nếp gói bánh chưng giúp người nghèo; ủng hộ tiền, gạo cho bếp cơm tình thương tại Bệnh viên Đa khoa thị xã Phước Long. Ngoài ra bà còn cho hội viên cựu TNXP trong phường và bà con nghèo, khó khăn mượn tiền không tính lãi để cải thiện cuộc sống…

Hình ảnh qua năm tháng cống hiến của Cao Thị Nguyệt vẫn tỏa sáng mãi với con cháu và ấm áp nghĩa tình trong mỗi cựu TNXP chúng ta.

                                                       DUY HIẾN


[i] Sông Nhà Lê (hay Kênh Nhà Lê) là một hệ thống sông cổ được đào từ thời Vua Lê Đại Hành để vận tải quân lương về phía nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà. Hệ thống sông này gồm nhiều sông được đào mới hoặc khơi vét từ các sông tự nhiên mà các triều đại phong kiến nhà Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Nguyễn và trong kháng chiến chống Mỹ đã sử dụng với mục đích giao thông, quân sự và phát triển nông nghiệp. Sông Nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và được coi là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh chống xâm lược của người Việt Hiện nay còn ít nhất 5 sông mang tên sông Nhà Lê ở 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Các sông Nhà Lê này vẫn được nối thông thủy với nhau và với nhiều sông tự nhiên khác. Nhiều đoạn sông Nhà Lê hiện nay được công nhận là tuyến đường thủy quốc gia và Kênh Nhà Lê tại Nghệ An được xếp hạng di tích quốc gia