Về muộn

Đăng lúc: 07-09-2017 9:55 Sáng - Đã xem: 56 lượt xem In bài viết

 

Mười cô gái từ Vịnh Dừa – Đầm Thị Tường theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên tuyến đường Vĩnh Tế – Ba Hòn tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Sau chiến tranh, chỉ có 5 cô trở về, còn 5 cô ở lại trong hang núi, bờ kinh và cánh đồng chiến trận, hài cốt thất lạc giữa vùng tràm, sậy hoang sơ… của con đường 1C huyền thoại. Nơi “sắt thép chảy tan ra, chỉ con người đi qua được”.

Ngày 10/6/2002, các cô Thanh Xuân, út Mảng, Minh Tâm cùng các anh Năm Đoàn, Chín Tần…, đồng đội cũ của những người đã khuất, trở lại tuyến đường Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Đồng Cừ, Gộc Xây, Hòn Đất… tìm hài cốt những người đã khuất, đưa về an táng tại quê hương. Những bọc ni lông đủ màu, ba mươi năm vùi sâu trong đất, được đồng đội đào lên, nhận ra đặc điểm từng người và kêu réo tên họ nhau, nói với nhau vào chỗ không không, như người chết sống lại trò chuyện:

– Mày đừng buồn, tụi tao không sao quên tụi mày còn nằm đây, nhưng cuộc sống đa đoan mãi tới nay mới rủ nhau tìm lại. Thôi, theo nhang khói về nhận lễ vật, rồi cùng tụi tao về quê hương, nơi chúng mình ra đi thời con gái tóc chấm vai…

Trên bờ kinh Vĩnh Điều, những cựu TNXP, cô Mảnh, cô Xuân, cô Tâm… nước mắt tràn mi, cắt bánh, rót trà, vái vong linh đồng đội. Mây biên giới từ hướng núi Ki-ri-vong lướt qua vòm trời Tà Êm, như sà thấp thêm, che nắng cho đoàn người lượm xương dưới huyệt mả. Cây bời lời hai bờ kinh cùng sậy, cũng đượm vẻ u buồn. Bà con xã Vĩnh Điều, chiến sĩ biên phòng Đồn 965 và anh em phụ trách chính quyền địa phương đến rất đông. Ông cụ Hứa Thành Tấn (có biệt danh là chú Tám Xà Bam) là người gắn bó với Liên đội TNXP như chung đơn vị, cũng là người chôn giấu nhiều liệt sĩ TNXP ở đây. Nhờ chú Tám, nên ba đợt lấy hài cốt đồng đội vùng Gộc Xây – Vĩnh Tế – Ba Hòn… lên đến con số hơn bảy chục. Riêng nữ liệt sĩ Hồng Láng, bà con địa phương chôn riêng bên bờ Vĩnh Điều. Chú Tám Xà Bam cho biết:

– Năm bảy mươi, bảy mốt, giặc tập trung tuyến Vĩnh Tế 2 sư đoàn. Ngoài Sư đoàn 21 và Sư đoàn 9, còn Lữ đoàn bộ binh ứng chiến và Lữ đoàn thiết giáp với các pháo, thêm “dàn nhạc Tân Tây Lan” ở hạm đội 7 từ biển Tây… Coi như không có thước đất nào ở đây không bị các loại bom, pháo dập nát. Nhưng Liên đội I TNXP tuyến 1C của các cháu đây không hề nao núng, luôn bám chặt tuyến đường, vừa đánh giặc bảo vệ hành lang, vừa vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí cho chiến trường miền Tây… Gần mười năm ác liệt như vậy, ít ỏi gì!

– “Đúng như chú Tám vừa nói, còn các loại tàu sắt lớn nhỏ của Hải quân ngụy được Mỹ trang bị tăng cường lên đến mấy trăm chiếc, có lúc chúng đậu ken dày khít mặt kinh Vĩnh Tế, không chừa kẽ hở cho ta qua lọt. Bầu trời ngày đêm có đủ các loại máy bay, hễ khi chúng tản ra là B52 đến rải thảm, hoặc máy bay Đa-cô-ta rải chất hóa học và bom ngạt…”, anh Năm Đoàn, nguyên Liên đội trưởng TNXP, tiếp lời chú Tám.

Mấy bà chị, mấy vị lão thành là cán bộ nhân dân địa phương ở đây tụ hội chỗ lấy cốt khá đông, một bà cụ nói:

– Nhiều anh em qua kinh bị giặc bắn chết hai bên bờ hoặc có người chết chìm dưới nước, khi nổi lên trôi tới trôi lui khúc kinh này, bà con Vĩnh Điều nghe lời chú Tám đây, “xin phép” bọn giặc đem chôn cất. Nhưng nói ngay, chỉ có cô Hồng Láng, thì biết tên và biết gốc gác ở Thị Tường – Đất Cháy – Cà Mau, còn bao nhiêu coi như liệt sĩ vô danh.

Mấy nữ cựu TNXP mặt đầy nước mắt, nhìn chút hài cốt còn lại sau mấy mươi năm của người con gái xinh đẹp ngày xưa. Cô Xuân nói:

– Sau trận B52, đơn vị được lệnh gom qua vùng núi Bang Hang cùng với đoàn 195 đánh bọn ngụy Sài Gòn, bảo vệ kho vũ khí 500 tấn ở đây và xuyên các tuyến rào chặn của địch, chuyển “hàng” về Quân khu 9. Gần 30 đêm liên tục, đêm nào ta cũng chống xuồng đi nhưng tới bờ Vĩnh Tế đều phải quay lại lúc trời gần sáng. Tàu sắt kín mặt kinh, liên tục quăng lựu đạn xuống nước, chúng lại có súng phun lửa và nhiều chốt đóng dã ngoại, quyết cắt đứt con đường 1C lợi hại của ta. Trận mở đường cuối tháng thành công, nhưng Hồng Láng và Tám Hoa đã chiến đấu với quân giặc đến viên đạn chót, hai cô đều bị giặc bắn bị thương, khi đồng đội đã vượt một khoảng xa, Hoa khôn khéo nép vào đám tràm bị bom Napal đốt cháy xơ xác. Cô lấy tro than chà lên cổ, lên mặt và xát vào tay chân ngụy trang, nên giặc chiếu đèn không phát hiện được. Còn Hồng Láng bị thương nặng, gãy tay mặt và gãy lìa chân trái, cô bất tỉnh, miệng bật thành tiếng, nên chúng la lên: “Con gái tụi bây ơi!” Và ráp nhau quần kiếm. Hồng Láng bị giặc bắt, chúng dùng xe bò của dân kéo cô về đồn Vĩnh Điều. Chiếc xe lúc la lúc lắc khiến cô tỉnh dậy vào lúc ban mai, cô nhìn thấy bóng núi và sực nhớ đồng đội: Cô hiểu rõ mình đã sa vào tay giặc và quyết định phải làm gì. Cô bắt đầu mắng chửi quân giặc: Kẻ cướp nước và bọn tay sai bán nước. Bà con hai bên đường nghe thấy rõ, hết sức thán phục người nữ chiến sĩ ở đơn vị vận tải mà họ từng nuôi chứa. Đưa Hồng Láng về đồn, tên trung tá tâm lý chiến bảo tên y tá Sư đoàn 21 chích thuốc cầm máu và thuốc khỏe cho nữ tù binh Việt cộng cho khỏe lại để hắn khai thác. Tên y tá chưa kịp rút hết ống thuốc thì bị Hồng Láng tống một đạp toàn lực vào “bộ hạ”. Tên y tá ôm bụng kêu trời, thuốc và ống tiêm văng tung tóe! Hồng Láng chờ chúng bu lại thật đông, cho biết cô là chiến sĩ giải phóng, một lần nữa cô vừa vạch trần tội ác giặc và kêu gọi binh sĩ vác súng quay về với cách mạng. Rồi cô tự đập đầu vào tường tự sát! Máu chảy ra từ lỗ tai, miệng và trán của cô. Gương mặt bất khuất của người con gái đất Thị Tường – Cà Mau hồng tươi và kiêu dũng lạ lùng. Cả lũ giặc đứng lặng nhìn Hồng Láng với sự sợ hãi và kính nể! Tên trung tá chiến tranh tâm lý nói: “Tụi bây, một lũ mày râu, coi hùng hổ, nhưng chẳng có ai bằng tên nữ Việt cộng này!”

Chúng đưa xác cô lên xe bò, rồi đem đổ ở bãi sậy. Bà con Tà Êm – Vĩnh Điều tìm mọi cách an táng cô đúng nơi mà ta vừa đào lên hôm nay. Tên y tá cho bà con ở đây biết: Cô là Hồng Láng, quê ở Đầm Thị Tường. Anh ta còn nói là dù bị cô đá đau đến chết ngất, anh ta vẫn không giận, vì anh ta cũng là người Cà Mau, bị bắt quân dịch, ra trường huấn luyện Cây Điệp, theo làm y tá sư đoàn. Lúc chưa bị bắt, anh ta có biết Hồng Láng: “Cô có duyên và hát hay lắm“. Hồng Láng còn hay đọc mấy câu thơ về quê cô:

“Tôi như cây đước trên bờ

Mười lăm năm đứng dưới cờ lớn lên

Thị Tường – còn nhớ hay quên

Tôi thường rắn mắc viết tên xuống bùn

Tôi thường rủ bạn cùng chơi

Gội đầu đất sét cười um bãi lầy… “

Chú Tam Xà Bam kể lại sự thán phục cô gái của tên y tá sư đoàn ngụy và chú nói người Tà Êm – Vĩnh Điều gọi Hồng Láng là “Nữ thần”, thường đốt nhang đèn, đặt lễ vật van vái cầu nguyện cô phù hộ.

Anh Năm Đoàn, người chỉ huy Liên đội TNXP gồm 800 anh chị em, bám tuyến đường 1C lửa thép từ cuối năm 1967 cho đến ngày toàn thắng, nói về Hồng Láng như sau:

– Đơn vị chúng tôi có thể nói là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí và đưa rước ba vạn lượt cán bộ, bộ đội, văn công và dân công hỏa tuyến giữa hai trục đường Đông – Tây Nam Bộ. Đơn vị tồn tại ở một địa bàn khung giữa hai bờ biên giới Vĩnh Tế với Bảy Núi – Ba Hòn – Kiên Lương – Cái Sắn, mà tựu trung là khu lòng chảo Tám Ngàn, Gộc Xây với các khu rừng 80, 85, 90… cùng với Đoàn 195, 195A Cục Hậu cần Quân khu 9, sát cánh nhau đánh giặc, bảo vệ kho bãi và tải hàng. Đơn vị TNXP tuyến 1C đã để lại tuyến đường 399 anh chị em – tức là một nửa quân số, trong đó có nữ đồng chí Võ Thị Hồng Láng. Đồng chí Hồng Láng sống xông xáo cùng đồng đội, khiêng vác trên vai từ 20 đến 30 kg “hàng” đi liên tục 30 cây số đường sình lầy vào mùa hạn. Và chở xuồng 500 kg hàng, chống sào nạng xuyên đồng trũng vào mùa lũ, mỗi người một xuồng, vượt bao rào vây, điểm đóng quân và tàu, xe, máy bay, pháo bầy của giặc ba bên bốn phía, quyết đưa “hàng” đến điểm kịp giờ quy định, cung ứng cho chiến trường miền Tây. Khi sa vào tay giặc, đồng chí để lại một tấm gương, cổ vũ đồng đội tiến lên. Đồng chí là nữ anh hùng!

Tiếp lời Liên đội trưởng cũ, nữ đồng chí Ngọc ánh nói:

– Hơn phân nửa lực lượng TNXP tuyến đường 1C là nữ và phần đông còn ở lứa tuổi thiếu niên, phải cước tuổi lên mới được ghi vào danh sách tòng quân. Có nhiều chị em phải trốn gia đình theo bạn bè nhập ngũ. Trong 10 chị em chúng tôi cùng quê ở Đầm Thị Tường, ngoài tấm gương bất khuất của Hồng Láng, còn nhiều chị em tiêu biểu xuất sắc khác như: chị Hồ Thanh Hồng tự “Hồng Cối”, khi giặc tràn vào chiếm kho đạn 500 tấn ở Sóc Mẹt, chị dùng cối 61 ly bắn liên tục vào đội hình địch. Khi trận chiến ác liệt, chị bỏ bàn đế khẩu cối, lấy khăn rằn lót đế súng vào bắp đùi, bắn đến khi nòng pháo phát nóng, chị cởi áo quấn pháo để tiếp tục bắn giặc. Riêng trận chiến đấu này, còn nhiều chị em khác sử dụng AT tăng, cối 81 ly, B40, B41 đại liên và trung liên quét Sư đoàn 9 ngụy có phi pháo và xe tăng yểm trợ. Cuối cùng, ta bảo vệ được kho.

Lịch sử chiến đấu phi thường của đơn vị TNXP Tây Nam Bộ – nơi hàng trăm bạn trẻ đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho tình yêu Tổ quốc – được kể lại khi các đồng đội cũ đưa hài cốt liệt nữ Hồng Láng vào chiếc quách sành, trang trọng phủ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng lên nắp quách. Các chiến sĩ biên phòng và cán bộ đoàn viên thanh niên tình nguyện mùa hè mặc đồng phục xanh đưa chiếc quách lên xe, trên những chiếc quách có đề tên các anh hùng: Nguyễn Thị Bé, Tô Văn Cường, Trần Tấn Cuộc, Phạm Xuân Đào, Ngô Thanh Nguyên… Giã từ những đồng đội và đồng bào, hài cốt của những người con anh hùng từ kinh Vĩnh Tế trở về quê nhà ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau… nơi họ tự nguyện ra đi.

Cao Long Phiêu

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015