Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, là một thanh niên tích cực tham gia cùng Thành đoàn Mỹ Tho điều hành giao thông, giữ gìn an ninh trật tự đường phố, tham gia các phong trào bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy. Tháng 8 năm 1976, mới 19 tuổi anh Ngô Ngọc Hùng đã là một trong 182 đoàn viên, thanh niên tham gia vào Đội TNXP Quyết Thắng, Liên đội TNXP Thủ Khoa Huân, giã từ thành phố khai thông các tuyến kinh trên cánh đồng bị bỏ hoang nhiều năm, cây cỏ dày đặc, cản trở dòng chảy, đường đi; đào đắp nền xây dựng nhà ở cho đồng bào vùng kinh tế mới ở Mỹ Trung, Mỹ Lợi thuộc huyện Cái Bè.
Đến tháng 10/1977 Tổng đội TNXP tỉnh Tiển Giang được thành lập, anh tiếp tục tham gia vào Đại đội TNXP Tiến Công. Nhiệm vụ của Tổng đội là gia nạo vét các kênh rạch bị bồi lắp, đào kinh mới dẫn thủy nhập điền xã phèn Đồng Tháp Mười của tỉnh, ngọt hóa vùng ngập mặn Gò Công phục vụ sản xuất thâm canh tăng vụ, tăng sản lượng lương thực của tỉnh; đào mương xẻ liếp xây dựng các nông trường Tân Lập, Nguyễn Văn Phùng, Ấp Bắc, Trương Văn Sanh, 3/2, Mỹ Đông. Những tháng ngày lao động khắc phục hậu quả chiến tranh, trên ruộng đồng, vườn tược bị hoang hóa, nhiều bom mìn thật sự là thời gian thử thách đối với TNXP. Mênh mông là đồng hoang cỏ cháy, mùa nắng không một bóng cây, ngoài kênh nước phèn trong veo tới đáy, nước nấu ăn phải mấy lần lắng lọc bằng tro bếp mới sử dụng được. Mùa mưa, dưới chân luôn ngập nước đưng cỏ thối, nấu ăn phải lấy dá, xẻng treo soong nồi, củi đốt phải cầm trên tay.
Tổng đội còn tham gia xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang phục hóa, xả phèn dẫn ngọt cánh đồng Bắc đông Nguyễn Văn Tiếp với 42.000ha, trồng gần 10.000 ha dứa chuyên canh xuất khẩu, hàng triệu cây mì, cây dừa được trồng phủ xanh cả một vùng đất bao la; tham gia đắp đường giao thông, nối liền Bờ kinh Năng với xã Tân Lập huyện Châu Thành để nhân dân đi lại an toàn, tạo điều kiện giao thương thuận lợi. Nơi đây từ vùng đất phèn chua không người ở thành vùng chuyên canh dứa bạt ngàn xanh tốt, với những rừng mì thân đỏ tốt tươi. Từ kết quả khai hoang tỉnh chủ trương vận động nhân dân ở các huyện đến định cư sinh sống lâu dài và thành lập huyện mới – huyện Tân Phước. Là đội trưởng văn nghệ, anh đã cùng anh em cất lên lời ca tiếng hát, quên đi gian lao mệt mỏi, phấn đấu thi công đạt chỉ tiêu.
Năm 1978, mùa vụ sản xuất đang gặp khó khăn do sâu rầy dịch bệnh, nước lũ tràn về gây bao thiệt hại về nhà cửa, ruộng vườn. Với khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, Tổng đội TNXP tham gia đắp đê bảo vệ tuyến phòng thủ biên giới Việt Nam – Campuchia trong hoàn cảnh mưa nắng thất thường phải che lều ở tạm, địa bàn thi công có nhiều bom mìn của địch cài lại. Nước nổi mênh mông ngập lên đến ngực, TNXP đã phải lặn xuống móc đất đắp đê. Đến cuối năm 1978 vừa ổn định lũ lụt tàn phá thì chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, trước yêu cầu cấp bách phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Tổng đội đã thành lập 01 Tiểu đoàn TNXP sang đất bạn Campuchia làm nhiệm vụ tải đạn dược, khí tài, lương thực và trực tiếp chiến đấu trong hoàn cảnh hết khó khăn. Lực lượng TNXP chưa từng qua chiến đấu, chưa am hiểu chiến trường, ngôn ngữ bất đồng, đa phần đều là học sinh vừa rời ghế nhà trường, lao động sản xuất tốt đã là khó khăn rồi nay lại phải học sử dụng vũ khí, tập chiến thuật để chiến đấu, đối mặt với cái chết. Khó khăn ác liệt là như vậy, nhưng với tình yêu quê hương đất nước, với nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, phát huy truyền thống vẻ vang của TNXP trong kháng chiến, các đội viên TNXP đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có người hy sinh trên đất bạn.
Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới và hoàn thành cơ bản nhiệm vụ khai hoang phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, các liên đội được điều về các nông trường trong tỉnh, làm nhiệm vụ thu hoạch cói và khai hoang để lên liếp trồng dừa, dứa, mì phục vụ xuất khẩu.Lực lượng TNXP đã góp phần không nhỏ vào việc tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh nhà thông qua việc xuất khẩu các sản phẩm.
Anh Ngô Ngọc Hùng (ảnh trên) được điều về thành lập Nhóm Ca khúc chính trị (CKCT) mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cho lực lượng TNXP khắp nơi trong và ngoài tỉnh; được Tổng đội TNXP cử đi tham dự Liên hoan CKCT đầu tiên vào năm 1979 tại thành phố HCM và đạt Huy chương vàng tập thể, nhiều HCV cá nhân. Vào năm 1980, trong Liên hoan CKCT lần II tổ chức tại TP Vinh, nhóm CKCT của Tổng đội TNXP Tiền Giang, lại đạt danh hiệu xuất sắc và nhiều Huy chương vàng cá nhân. Cuối năm 1980, Nhóm CKCT được đi phục vụ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội. Nhóm CKCT đã phục vụ nhiệm vụ theo từng thời điểm chính trị của địa phương: tuyên truyền tuyển quân, đưa quân, các hội nghị, đại hội trong tỉnh, nhiều lần đi phục vụ cho các chiến sĩ ở biên giới Tây Nam.
Cựu TNXP Ngô Ngọc Hùng đã dẫn dắt đội văn nghệ cùng nhóm CKCT của Tổng đội đạt nhiều thành tích. Chuyển về Tỉnh đoàn Tiền Giang, chuyên trách công tác Văn hoá – Văn nghệ, anh được cử đi học tại Nhạc viện TP HCM. Năm 1989, anh vinh dự được đại diện thanh niên tỉnh Tiền Giang tham dự Festival sinh viên – học sinh lần thứ 13 tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sau khi Nhà Thiếu Nhi được thành lập, anh được chuyển về phụ trách phần đào tạo năng khiếu cho các em thiếu nhi. Hiện anh là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP anh được Tỉnh hội Tiền Giang mời thăm lại chiến trường xưa. Nhìn thấy những con đường thênh thanh thẳng tắp, những dòng kênh xanh mướt, những đồng lúa chín vàng, những rừng khóm xanh um bạt ngàn trên những nông trường, những khu công nghiệp hoành tráng được xây dựng trên rừng lồ ô đã từng được TNXP khai thác, in đậm những dấu chân, những giọt mồ hôi…của TNXP anh đã viết ca khúc “Nhớ màu áo Thanh niên xung phong”.
Trần Thị Mỹ Sương
Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh Tiền Giang