Viết từ tâm dịch

Đăng lúc: 10-06-2021 10:02 Sáng - Đã xem: 27 lượt xem In bài viết

1.Nhớ ngày cuối năm 2019 đọc bài viết trên “phây” về chuyện người Vũ Hán mơ được bay lên mặt trăng. Lúc đó mới biết vài nét về dịch cúm mới. Rồi báo chí liên tục cảnh báo về loại vi rút corona mới gây bệnh viêm đường hô hấp vô cùng nguy hiểm, có thể trở thành đại dịch toàn cầu. Nhưng đấy là cảnh báo còn xa vời lắm, vì dịch mới chỉ phát tác ở một thành phố của Trung Quốc thôi. Thời buổi văn minh này người ta dẹp cái bọn cúm kia là chuyện đơn giản. Thường thôi. Năm trước dịch ebola ở châu Phi nghèo thế còn dẹp dễ mà. Thường thôi. Cúm ai chả mắc, ho sốt vài ngày là tự tan. Quá lắm làm nắm lá cúc tần, lá rẻ quạt, lá ngải cứu rồi xông một nồi nước là tan. Thường thôi.

Rồi nghe tin có công nhân làm việc ở Vũ Hán về nước làm lây dịch ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Nhưng chỉ có đâu 16 người mắc và các bác sĩ của ta có ngay phác đồ điều trị hiệu quả. Sau ít ngày khỏi tất. Không ai việc gì. Vào Youtube xem MC Mĩ giới thiệu bài hát Ghen co vi mà sướng tai sướng mắt. Giai điệu xoa xoa đều cùng vũ điệu Ghen co vi trở thành phổ biến cấp độ thế giới. Không kém gì Kangnam stil quất roi ngựa.

2.Tâm dịch Vũ Hán trở lại yên hàn. Thế giới lắng dịu. Người ta đã giải mã xong gen con vi rút mới để chuẩn bị chế vacxin cho nó vào rọ. Đúng là thời đại văn minh. Con vi rút bé thế mà còn giải mã được bộ gen, truy tìm ra tăm tích giống nòi nhà nó để khắc chế lâu dài, vĩnh viễn.

Vậy mà vẫn nghe tin Covid-19, tên mới về bệnh dịch do corona vi rút mới gây ra vẫn phát tác đâu đó ở Nhật, Hàn, Iran. Rồi bùng phát ở Italia, ở Tây Ban Nha. Rồi sang Mĩ, Braxin, Anh, Pháp… Italia thành thảm họa. Không đùa được rồi. Phương Tây giàu có là thế mà hệ thống y tế cũng bất lực thì kinh rồi. Trung Quốc với kinh nghiệm điều trị của mình bắt đầu xuất khẩu ống xét nghiệm, khẩu trang, thuốc điều trị. Rồi đây Trung Quốc sẽ là nước sản xuất vacxin ngừa Covid-19 đầu tiên và xuất khẩu vacxin nhiều nhất thế giới cho coi. Chắc chưa ai tính thiệt hại do dịch gây với cái lợi chuyển giao công nghệ khống chế dịch ở Vũ Hán thì Trung Quốc “thắng” hay “thua”.

Ở ta ồn lên chuyện cô bệnh nhân số 17 giấu bệnh từ Anh về. Rồi xuất hiện tâm dịch Đà Nẵng, Bạch Mai, Hạ Lôi. Chính phủ quyết định giãn cách xã hội cấp độ cao qua hai chỉ thị số 15/TTg và số 16/TTg. Đây là cuộc tập dượt quy mô toàn quốc hệt như lệnh Tổng động viên cả nước bước vào cuộc chiến mới chống giặc Covid-19. Ở quê tôi có người ra thăm người nhà nằm viện Bạch Mai vô tình trở thành F2, phải cách li tại nhà. Đúng là tai bay vạ gió. Nhưng an toàn. Giặc Covid-19 còn ở đâu đó rất xa.

Sau giãn cách xã hội là đợt xét hỗ trợ cho các đối tượng. Với đối tượng chính sách thì dễ. Còn đối tượng “phi nông nghiệp” gặp khó thì hầu như địa phương nào cũng đau đầu. Làm dối thì dễ mắc khuyết điểm sai chỉ thị. Làm kĩ thì sợ sót lọt người đáng được hỗ trợ lại không có hỗ trợ. Nhưng đấy là hỗ trợ của Chính phủ, còn người dân vẫn làm ăn bình thường. Cuộc sống không mấy xáo trộn.

3.Việc xuất hiện ổ dịch ở Chí Linh “như sét đánh giữa trời quang”. Một cô công nhân sang Nhật lao động, qua xét nghiệm tại Nhật phát hiện dương tính báo về. Phong tỏa, xét nghiệm nhà máy nơi cô công nhân làm thì phát hiện ra ổ dịch mới. Không rõ nguồn lây. Xét nghiệm ở trong nước cũng không thấy con vi rút vô hình kia. Số ca mắc mới tăng hằng ngày. Từ Chí Linh lân ra một số địa phương khác. Đợt ổ dịch Bạch Mai cũng đã lan đến quán bò tươi ở thành phố Hải Dương. Lần này Hải Dương nghiêm trọng hơn. Nhất là có đám cưới ở Sao Đỏ làm lây dịch vào tận miền Nam.

Chí Linh là hàng xóm rồi. Mọi người bắt đầu lo lắng theo dõi. Các biện pháp phòng dịch theo thông điệp 5K đã thực sự đi vào đời sống hằng ngày. Ơn trời, giặc không bay đến quê mình. Và Hải Dương cũng đã chiến thắng dịch bệnh sớm sủa, không vào thế trận giằng co kéo dài quá.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm ở ổ dịch xã Mão Điền.Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm ở ổ dịch xã Mão Điền. Ảnh internet  

4. Kì nghỉ lễ 30/4 và 1/5 liền với ngày nghỉ cuối tuần kéo dài cũng qua đi an toàn. Ngày 3/5 mọi người đến sở làm việc đầy vui vẻ, phấn khởi. Có người mới đi du lịch về. Có người về thăm quê xa hàng trăm cây số. Con gái tôi bận cúng nhà mới không về thăm quê kì nghỉ lễ. Nhà có việc nên bố mẹ cũng không đến thăm con gái. Thế mà hóa may. Sang ngày 5/5 xuất hiện ca nghi nhiễm Covid-19 ở ngay xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) láng giềng. Ngày nghỉ lễ xã này có đến mấy đám cưới, đám ma, đám cỗ. Tình hình nóng lên từng giờ. Cuộc chiến đến bao giờ cũng bất ngờ như vậy. Ngay chiến tranh nóng bên gây chiến cũng giữ bằng được yếu tố bí mật, chỉ đến giờ G đối phương mới biết là có chiến tranh, thậm chí còn chưa tin chiến tranh đã nổ ra. Ở Mão Điền có một đám cỗ cưới thành “siêu lây nhiễm”. Người dự đều vô tình vì làng quê đang yên hàn. Xóm Công, rồi xã Mão Điền trở thành tâm dịch. Cán bộ chuyên môn nhanh chóng xác định được nguồn lây từ Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Ở xóm Công có bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây, họ hàng có đánh một chuyến xe 16 chỗ ra thăm động viên. Đầu tháng 5 bệnh viện phát hiện có ca nhiễm Covid-19. Qua truy vết thì số người nhà bệnh nhân này thành F và tiếp tục xác định có 6 người nhiễm. Con gái tôi lấy chồng xóm Công có dự đám cưới “siêu lây nhiễm”, xác định là F1 phải đi cách li tập trung. Con rể cũng là F1 do tiếp xúc với anh con bác ruột cùng đi cách li tập trung với vợ. Hai cháu nhỏ thành F2 phải cách li tại nhà. Mọi lần bố mẹ đi vắng thì hoặc bà ngoại đến ngủ cùng để chăm sóc cháu, hoặc đón chúng về nhà, rồi sáng sáng ông ngoại đưa cháu đi học. Lần này xóm Công thành tâm dịch, ông bà không thể đến trông nom cháu được. Chị lớp 5 chăm em lớp 2 thôi. “Lòng cha mẹ ngóng theo con/Cầu trời số một không tròn chữ o”. Chỉ đến lúc này tôi mới thấm thía câu chửi cửa miệng của người Nam Bộ “Đồ mắc dịch”. Tôi từng nghe người già kể quê mình thời xưa cũng đã từng có dịch đậu mùa (gây rỗ mặt), dịch sởi, dịch thương hàn. Có chuyện người mắc dịch thương hàn chết bó chiếu trong quan tài, bỗng tỉnh dậy tự tay châm điếu hút thuốc lào trước sự ngạc nhiên của người nhà. Hút xong điếu thuốc mới chết thật. Dịch thương hàn mà ác liệt. Hôm trước đi chôn người mắc dịch mà hôm sau đã có người khác chôn lại rồi. Nhưng chuyện dịch đã lùi xa lắm, trẻ bây giờ không nghe kể lại và cũng không hình dung nổi quê mình từng có dịch. Hồi hộp từng ngày theo dõi diễn biến bệnh tình con cháu. Mỗi ngày chỉ biết gọi điện thăm hỏi, động viên con cháu mà thôi. Do hai con cách li ở Trường cao đẳng Sư phạm của tỉnh nên tôi tán: “Nhà mình có hai người đỗ sư phạm cấp tốc, nay mai có hai thầy cô giáo rồi”. Hai con cười vui theo, cố gắng thực hiện cách li nghiêm túc. Đứa con gái ở Hà Nội gọi điện về “khen” bố xem ngày lên nhà mới cho nó đẹp thật, đẹp đến mức tránh được cả dịch. Ý là nếu không lên nhà mới đúng thời điểm nghỉ lễ vừa rồi thì cả nhà nó kiểu gì chả về thăm nhà, thăm gia đình em gái ở xóm Công và thành F phải cách li và mang lo nghĩ vào người.

Từ tâm dịch Mão Điền lây ra một số địa phương khác. Có trường hợp dự đám cỗ cưới. Có trường hợp làm cùng người Mão Điền. Xã tôi có mấy chục F do quan hệ với Mão Điền. Nhưng không ai phát bệnh nên mặc cho vòng quanh có ca nhiễm, nơi đây vẫn bình an lặng gió. Dẫu vậy, kẻ địch vô hình, khó có thể nói trước điều gì. Trong chiến tranh, khoảng lặng có khi lại âm ỉ một trận chiến ác liệt mới. Quả nhiên bùng phát ổ dịch mới tại thôn Lê Xá (xã Nguyệt Đức). Từ một đám tang lây ra. Bí thư, Chủ tịch xã bị tạm đình chức vì lơ là phòng chống dịch. Đám cưới, đám tang, đám cỗ chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết làm cho cán bộ cơ sở lúng túng. Không tập trung đông người ở nơi công sở đã rõ vì có quy định số người. Còn không tập trung đông người ở nhà dân chưa có quy định cụ thể số người. Có nơi vận dụng không quá 3 mâm (mâm 6 người). Người ta làm vài chục mâm cỗ thì chia ra ngồi ở nhiều nhà, mỗi nhà không quá 3 mâm. Ổn. Đám cưới cũng bị vận dụng như thế. Riêng đám tang là lúng túng nhất do phong tục và không thể trì hoãn. Thực ra khi một địa phương đã nằm trong vùng phong tỏa theo Chỉ thị 16/CT-TTg tức là địa phương đó đã ở vào tình trạng thời chiến. Thời chiến thì có luật thời chiến, điều hành bằng mệnh lệnh. Lúng túng giữa mệnh lệnh và vận động là lúng túng giữa hai trạng thái điều hành. Chỉ đến khi huyện ban hành công văn nói rõ, tổ chức tang lễ chỉ có 1-2 người đại diện gia đình cùng cán bộ y tế đưa người quá cố đi hỏa táng, rồi gửi tro cốt tại cơ sở hỏa táng, chờ hết dịch mới mang về làm tang lễ theo phong tục truyền thống thì lúc ấy cán bộ cơ sở mới “dễ thở”, mới dám điều hành bằng mệnh lệnh, vận động nhưng yêu cầu gia đình phải làm theo công văn hướng dẫn.

Xã tôi có F1 do mối quan hệ láng giềng với Mão Điền. Rất vô tình. Có người đi ăn cỗ cưới. Có người thăm người nhà. Có người đi mua hàng. Có cả người đi khám chữa bệnh. Trường Mầm non của xã trở thành Khu cách li tập trung theo kế hoạch chuẩn bị từ trước. Theo phân cấp, hầu hết cán bộ ngành quân sự của xã phải ra đây làm nhiệm vụ quản lí, đảm bảo khử khuẩn và đời sống những người diện cách li. Nhiều tập thể và cá nhân ủng hộ tiền của, vật chất cho cuộc chiến mới. Trong đó có cả những người làm ăn xa quê hoặc cá nhân gửi về, hoặc đứng lên vận động gửi về. Chưa bao giờ thấy lòng yêu quê hương, tinh thần đoàn kết gắn bó như vậy.

5.Xã tôi bị vùng có dịch vây kín xung quanh, phải “rào làng chiến đấu”. Trong xã có gần nghìn công nhân đến trọ. Kinh tế nhà trọ đang hình thành, mang lại nhiều nguồn thu cho người dân địa phương. Một công nhân đi làm sau kì nghỉ lễ có tiếp xúc với bạn cùng làm quê xóm Công. Người bạn thành F0 nên người công nhân đó thành F1 phải đi cách li tập trung, ba bạn cùng phòng trọ thành F2 phải cách li tại nơi lưu trú. Sau nửa tháng chiến đấu quyết liệt, cuối cùng xã cũng vào bản đồ Covid do anh công nhân F1 kia chuyển thành F0, rồi cả ba bạn cùng phòng cũng thành F0 cả. Thôn sở tại có công nhân trọ phải “đóng băng”, nghĩa là chỉ có thành viên Tổ covid cộng đồng hoạt động, tổ chức truy vết, trực chốt phòng dịch và đảm bảo đời sống cho người dân theo đơn đặt hàng. Cán bộ các cấp trở nên thiếu hụt nghiêm trọng. Công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã, Trạm Y tế xã điều toàn bộ công an viên thôn, thôn đội trưởng và cán bộ y tế thôn lên làm việc mà vẫn thiếu. Quá nhiều đầu việc phát sinh từng giờ. Số lượng các F cũng thay đổi từng giờ. Công văn chỉ đạo cấp trên toàn loại “hỏa tốc” và “khẩn” bay về liên tục. Mệnh lệnh điều hành cũng thay đổi liên tục do thực tế phát sinh. Với cấp thôn, nơi trực tiếp đối mặt với dịch bảo vệ dân càng thiếu hụt lực lượng vì một phần cán bộ bị điều lên xã, một phần dính F phải cách li. Trưởng thôn quay như chong chóng. Nào truy vết, nào phun khử khuẩn, nào lập danh sách xét nghiệm, nào chỉ đạo thu hoạch lúa, nào tăng cường thêm chốt, nào vận động đám tang theo quy định thời chiến… Ôi trời, nếu cán bộ thôn dính F thì xã có lẽ phải điều hết đảng viên ra làm nhiệm vụ thay thế tạm thời. Xem phim Nga nhân chiến thắng 9/5 có đoạn cả trung đoàn chỉ còn dăm người do một trung sĩ tạm quyền giữ chức trung đoàn trưởng vì có quân hàm cao nhất và còn giữ được lá cờ trung đoàn.

Lúc này đã sát ngày bầu cử. Các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phải bãi bỏ và thay bằng vận động “trực tuyến” trên hệ thống truyền thành và gửi danh sách ứng cử viên đến tận nhà để cử tri tìm hiều và có sự lựa chọn sáng suốt nhất. Trên cũng có văn bản hướng dẫn tổ chức bầu cử trong điều kiện có dịch, vừa đảm bảo quyền cử tri vừa bảo đảm phòng dịch. Cử tri ở nơi cách li tập trung hoặc cách li tại nhà có hòm phiếu phụ. Cử tri bình thường thì đi bỏ phiếu theo sự điều hành của Tổ bầu cử, đảm bảo tốt các quy định phòng dịch và thông điệp 5K. Cuộc bầu cử đã thành công về mọi mặt và an toàn tuyệt đối.

Nhưng chả ai học được chữ “ngờ”. Nhất là địa bàn trong “vùng mặt trận”. Mà kẻ địch thì vô hình, vô ảnh, vô thanh. Ngày gần cuối tháng trong thôn xuất hiện một ca F0. Hôm sau thêm 6 thành viên khác trong gia đình đó thành F0, trong đó có con gái bà chủ và hai cháu ngoại lên ở cùng, do tục con gái mới sinh thì về nhà mẹ đẻ một tháng cho tiện chăm sóc. Đứa bé chưa đầy một tháng tuổi có lẽ là bệnh nhân covid trẻ nhất. Trong trận chiến cam go này chưa ai nghĩ đến việc truy trách nhiệm nguồn lây dẫn đến có dịch. Nhưng chuyện vô tình hoặc giấu khai báo y tế của người mắc dịch là điều có thể. Cháy nhà mới lòi ra nhiều thứ, trong đó có chuyện thiếu tự giác trong thực hiện thông điệp 5K. Trận chiến nào cũng cần sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, mỗi người dân phải là một chiến sĩ đúng nghĩa thì mới ít thiệt hại nhất.

Thế là thành tâm dịch.

Mới ngày nào còn nghĩ giặc còn xa lắm không đến làng quê mình đâu. Cảnh thành phố mặt trăng năm xưa ai ngờ lại hiển hiện ngay tại làng quê mình. Làng quê mặt trăng. Làng lại đang vào vụ gặt lúa xuân. Thời xưa ngày mùa là tất bật lắm, bận rộn lắm, vui mừng lắm. Bây giờ ngày mùa “thời chiến” do lãnh đạo thôn điều hành. Thôn có một máy gặt sẵn phải đảm đương toàn bộ diện tích vì không có máy gặt nào dám vào vùng dịch. Thôn tổ chức hai người làm dịch vụ vận chuyển thóc đến từng nhà. Hạn chế tối đa người dân ra đồng, tức là thực hiện nghiêm quy định không ra khỏi nhà. Đường áp phan, đường bê tông rộng rãi, phẳng phiu lâu nay là “đường no ấm” do dân mượn phơi thóc ngày mùa, nay không ai ra phơi nữa. Phơi qua ở sân nhà, chờ hết dịch mới lại trải “đường no ấm”.

 Cấp trên tổ chức lấy mẫu xét nghiệm covid toàn thôn ba lần, mỗi lần cách nhau ba ngày. Lấy mẫu gộp 10. Nếu gộp nào nghi ngờ thì xét nghiệm đơn tiếp cả 10 người trong gộp đó. Xét nghiệm lần hai có một gộp nghi ngờ, trong đó có gia đình cán bộ thôn. Mọi người ai cũng hồi hộp. Bởi nếu có F0 mới thì dịch còn phức tạp, cuộc chiến còn cam go, nhất là hầu hết đội ngũ đang phòng chống dịch hiện nay bị tê liệt do đều có tiếp xúc gần nhiều lần với anh cán bộ thôn trong gộp nghi ngờ kia. Rất may, mới “nghi ngờ” chứ không phải là “thật”. Mọi người đùa nhau, có khi có con vi rút ngấp ngoải ở đâu rơi vào người nào đó trong gộp nên mới “nghi ngờ”, đến khi xét nghiệm đơn thì con vi rút đó đã bị tiêu diệt nên an toàn. Ở tâm dịch thì ưu tiên hàng đầu là tất cả đều dồn tâm sức dập dịch nhanh nhất, sớm nhất. Đúng vào thời kì cả xã dồn sức dập dịch thì nghe tin Chính phủ thành lập Quỹ vacxin phòng chống Covid với mục tiêu huy động mọi nguồn lực đủ mua và sản xuất vacxin cho toàn dân, tiến tới miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Người xã tôi vẫn hết lòng ủng hộ chống dịch. Cảm động nhất là trường hợp gia đình bà Chỉnh. Do hoàn cảnh khó khăn, con trai và con dâu bà phải vào thành phố Hồ Chí Minh làm ăn. Làm ăn nhỏ lẻ thôi. Chẳng phải doanh nhân doanh nghiệp nhưng nghe tin quê hương có dịch đã ủng hộ gạo, mì tôm về quê trị giá gần trăm triệu đồng.

Ảnh internet  

Ngẫm đến chữ “an”. Chữ tượng hình này là chữ nữ dưới chữ miên, nghĩa là người con gái ở trong nhà thì an toàn. Hơn bao giờ hết, cuộc chiến chống giặc covid này mọi người cần chữ “an” trên hết. Muốn vậy, mọi người cứ ở yên trong nhà đúng với nghĩa đen chữ tượng hình kia thì sẽ an toàn.

Vừa mới hôm nào lo cho con cháu, bây giờ đến lượt con cháu lo cho mình.

Tên Nôm cổ làng tôi là làng Ngo. Chuyển tự thành Bình Ngô. Làng có 5 thôn, cùng với 4 thôn làng Bưởi hợp thành tổng Bình Ngô. Câu cửa miệng là 5 Ngo 4 Bưởi. Thời cách mạng chia tổng thành 2 xã. Xã tôi có tên là An Bình. Cuộc chiến mới này người dân quê tôi nhất định sẽ an bình, bình an!

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh