Võ Triều Chung người anh hùng trên tuyến lửa Đồng Lộc

Đăng lúc: 13-06-2018 10:02 Sáng - Đã xem: 366 lượt xem In bài viết

 Đội văn nghệ Hội cựu TNXP huyện Can Lộc – Hà Tĩnh đã sáng tác và dàn dựng thành công vở ca kịch “Võ Triều Chung người anh hùng trên tuyến lửa Đồng Lộc” tái hiện hình ảnh người anh hùng những năm tháng chiến đấu kiên cường trong đội ngũ TNXP cho đến thời khắc cuối cùng khi anh hóa thân vào sông núi quê hương, …

Anh Võ Triều Chung sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tá Thượng, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tuổi thơ của anh đã sớm chịu nhiều vất vả, rủi ro của cuộc đời. Mới 7 tuổi anh đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, được gia đình bác họ là ông Võ Triều Khí chăm nuôi, dưỡng dục. Anh lớn dần lên trong nghèo khó, nắng dải mưa dầm nơi đồng chua nước mặn., là đứa trẻ hiền lành chân chất như hạt lúa, củ khoai. Nhờ đất trời che chở và sự bảo dưỡng của gia đình bác Khí, sự yêu thương của xóm làng anh đã từng bước lớn khôn theo bạn bè trang lứa.

Năm 1956, anh xây dựng gia đình với cô gái cùng quê nết na đức hạnh là chị Võ Thị Phụ. Năm 1963 anh được kết nạp vào Đảng và được bầu làm Bí thư đoàn xã. Năm 1965 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc anh đã tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh vào ngày 18/6/1965.

Sau 2 năm bám trụ chiến đấu tại chiến trường Bình – Trị – Thiên ác liệt, đơn vị anh được chuyển về tăng cường cho mặt trận Đồng Lộc ác liệt.

Ngày 23/8/1968, địch đang tập trung đánh phá liên tục vào cung đường của đơn vị anh đảm nhiệm. Tối hôm đó anh nhận được điện khẩn của cấp trên yêu cầu: “Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đoàn xe quân sự của trung ương đi qua Ngã ba Đồng Lộc vào chi viện cho chiến trường miền Nam”. Suốt cả đêm đó máy bay địch vẫn liên tục quần đảo, thả pháo sáng đánh vào các cầu, ngầm và trận địa pháo của Trung đoàn 210.

Anh Chung đã cùng chị đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân luôn bám sát tình hình và chỉ huy đơn vị rà phá số bom từ trường và bom nổ chậm mấy ngày qua địch liên tục trút xuống cung đường.

Vào sáng ngày 24/8/1968, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục quần lượn ném bom. Trong lúc này dưới chân cầu Tùng Cóc vẫn còn một số bom từ trường chưa nổ mà thời hạn đến tối là phải thông đường. Sau khi cùng chị Lân khảo sát hiện trường anh đã quyết định triệu tập họp chi bộ bất thường để bàn biện pháp rà phá bom thực hiện mệnh lệnh cấp trên.

Tại cuộc họp chi bộ anh đã tóm tắt yêu cầu là tìm mọi cách phá bằng được các quả bom ở ngầm cầu Tùng Cóc để thông đường. Anh xác định trước chi bộ đây là một nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm mà thời gian đã quá gấp không thể chậm trễ. Lúc đó một số đồng chí đã giơ tay xung phong đi xử lý. Trong giờ phút thiêng liêng giữa sự sống và cái chết chỉ còn gang tấc, ai sẽ là người cảm tử quên mình? Bỗng anh Chung đứng dậy nhìn khắp một lượt các đồng chí của mình lắng lại chia sẻ với anh em rồi anh nói một cách rõ ràng, dứt khoát: “Thời gian gấp lắm rồi, nhiệm vụ này không thể chậm trễ. Các đồng chí để tôi đi nếu có mệnh hệ gì tôi đã có người chống gậy. Các đồng chí chưa có vợ con nếu có việc gì thì thiệt thòi quá” (lúc đó anh Chung đã có 2 con trai và con thứ 3 chị Phụ đang mang thai 6 tháng). Nghe anh nói vậy cả chi bộ im lặng, xúc động dâng trào. Một số đồng chí môi mím chặt nước mắt ứa ra nhất là số nữ không kìm được bật lên thành tiếng nấc. Không khí cuộc họp trở nên bi tráng, bịn rịn, đượm buồn.

Nhiều cánh tay tiếp tục giơ lên xung phong làm nhiệm vụ trong đó có đồng chí Phan Văn Bổn một chiến sỹ công binh của đơn vị. Anh Chung vẫn với sự nghiêm nghị, nét mặt tỉnh khô nhưng rất gần gũi đi đi lại lại chỗ nữ đồng chí Hòe – A trưởng A5 đang sụt sịt khóc rồi nói: “Biết làm sao được. Đây là mệnh lệnh của chiến trường. Thôi im đi. Tất cả các đồng chí hãy cứng rắn lên!”. Anh tuyên bố kết thúc cuộc họp các đồng chí về chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Nói xong anh Chung và anh Bổn mang theo dụng cụ phá bom ra hiện trường.

Toàn đơnvị bồn chồn lo lắng nhìn theo linh cảm điều chẳng lành đè nặng lên mọi người. Một số đồng chí chạy ra bờ Nam lợi dụng địa hình quan sát theo dõi. Anh Chung đi trước anh Bổn theo sau. Khi hai người vừa tiếp cận hiện trường thì bất ngờ: Gần như cả 3 quả bom từ trường cùng phát nổ làm rung chuyển cả đất trời. Khói bụi, đất đá mù mịt đen kín cả vùng trời. Trong cảnh hoảng loạn bất kể hiểm nguy cả đơn vị chạy ùa xuống ngầm gào thét, đào bới và thấy ngay thi thể anh Bổn ở phía bờ Nam còn tương đối nguyên vẹn. Riêng anh Chung thì không thấy. Ban chỉ huy Đội 55 đã điều động khẩn cấp các đại đội gần địa bàn và tổ máy ủi do anh Uông Xuân Lý phụ trách cùng lực lượng ứng cứu của đơn vị pháo phòng không 210 đào bới lật tìm từng lùm cây, bụi cỏ, san ủi cả thượng, hạ ngầm vẫn không tìm thấy. Toàn đơn vị vô cùng buồn bã, thất vọng. Thi thể của anh Chung đã hòa tan vào đất trời, sông núi quê hương làm thấm đẫm một cung đường Đồng Lộc.

Hai đồng chí Chung và Bổn đã anh dũng hy sinh vào lúc 17h ngày 24/8/1968.

Sự hy sinh của các anh là tấm gương sáng chói tiếp thêm sức mạnh và lòng căm hờn cho “Đại đội thép 557” tiếp tục tiến lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Đêm đó – đêm 24/8/1968 – đoàn xe quân sự đặc biệt của trung ương đã vượt qua ngã ba Đồng Lộc tiến vào chiến trường miền nam ruột thịt.

Ghi nhận và biết ơn sự hy sinh oanh liệt của anh cho tổ quốc ngày 9/10/2014 Đảng, nhà nước đã truy tặng anh danh hiệu: “Anh hùng Lực luowngg vũ trang nhân dân”.

Trước đó mẹ anh – bà Nguyễn Thị Luyến – đã được Đảng và nhà nước truy tặng dannh hiệu: “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

                                                          Võ Trí Vừa

                             Chủ tịch Hội Cựu TNXP Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh