Năm 1939, từ miền quê Kinh Bắc Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh, Nguyễn Tiến Thụ sinh ra và lớn lên trong làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào. Nhưng bom đạn kẻ thù đã rạch nát bầu trời, bẻ gãy cánh cò cùng câu ca quan họ.
Sớm từ giã tuổi thơ, Nguyễn Tiến Thụ tham gia cách mạng với bầu nhiệt huyết cháy bỏng của truyền thống gia đình, quê hương. Năm 1951, anh đang công tác tại Huyện bộ Việt Minh Tiên Du thì được huyện cử tham gia Đội TNXP công tác Trung ương, được cử làm phân đội phó thuộc đơn vị Tô Hiệu gồm hơn 200 nam nữ thanh niên của huyện Tiên Du và Từ Sơn, tham gia phục vụ chiến địch Hoàng Hoa Thám, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và lương thực.
Kết thúc chiến dịch Hoàng Hoa Thám, đơn vị được điều lên phục vụ chiến dịch Tây Bắc với nhiệm vụ mở đường 13 từ Yên Bái lên Nghĩa Lộ. Đường 13 đã lâu không sử dụng, bị hư hại, thành rừng rậm, lại thi công giữa mùa mưa nên công việc thật gian khổ, hầu hết chân anh em đều bị lở loét. Thời kỳ này địch đang sử dụng bom nổ chậm, anh tranh thủ học cách đào phá bom của các đồng chí công binh. Kết thúc chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Nguyễn Tiến Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua của toàn Đội TNXP Trung ương.
Sau chiến dịch Tây Bắc, đơn vị Tô Hiệu được sang phục vụ chiến dịch Thượng Lào, thời kỳ này địch sử dụng nhiều bom nổ chậm ở các đoạn đường xung yếu. Đội phá bom Nguyễn Tiến Thụ phụ trách đã phá được 3 quả ở những điểm then chốt. Kết thúc chiến dịch Thượng Lào ngày 16/12/1953 Nguyễn Tiến Thụ được kết nạp Đảng và được bầu là Chiến sĩ thi đua của Liên phân đội Tô Hiệu.
Tháng 1/1954, cùng hai đồng chí Thụy, Tảo, Nguyễn Tiến Thụ được lệnh cấp tốc về Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Lúc này có thay đổi, tất cả nữ TNXP đều được chuyển ngành, còn nam TNXP thì nhập vào Đoàn TNXP Trung ương do đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký của Bác Hồ làm Đoàn trưởng.
Về Đoàn TNXP Trung ương, Đội phá bom nổ chậm được thành lập gồm 12 cán bộ, đội viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguyễn Tiến Thụ cùng đồng đội được các đồng chí công binh hướng dẫn sơ bộ về kiến thức phá các loại bom mà địch thường dùng: Đội phá bom được điều ngay về Ngã ba Cò Nòi cùng các đại đội 401, 403, 404, 407 của đội 40 và một số đại đội của đội 34.
Ngã ba Cò Nòi là điểm gặp nhau của đường 41 và đường 13. Đây là một thung lũng sâu và hẹp, là điểm xung yếu nhất, quyết liệt nhất từ hậu phương miền Bắc qua Yên Bái, Nghĩa Lộ lên Điện Biên Phủ. Từ khu 4 Hòa Bình lên Điện Biên Phủ, mỗi ngày đêm địch thả xuống đây đến 300 quả bom các loại, chủ yếu là bom phá, bom nổ chậm, rồi đến bom bướm, bom cối xay, bom napan… Tham gia chiến dịch chưa được một tháng mà ngã ba Cò Nòi đất đá đã tơi tả, màu xanh không còn, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, TNXP đã hy sinh để giữ gìn cho con đường luôn được thông suốt.
Trong các loại bom có hai loại nguy hiểm nhất là bom nổ chậm và bom bướm. Bom nổ chậm không có hẹn giờ mà bom nổ nhanh hay chậm là do chất axit trong vòng nhựa hãm kim hỏa, quả nào axit loãng vòng nhựa sẽ chậm cháy thì bom chậm nổ, quả nào axit đặc vòng nhựa hãm kim hỏa cháy nhanh thì bom sẽ nổ sớm, phần nữa còn do thời tiết ngày nắng nóng thì bom nổ nhanh hơn, có quả chỉ sau 30 phút đã nổ, có quả ngày hôm sau mới nổ.
Còn bom bướm thì cực kỳ nguy hiểm, đây là loại bom sát thương, từ máy bay thả xuống, bom bướm lớn to hơn cả thùng phi khi mở ra, thường gọi là bom mẹ, khi bom mẹ mở ra trong đó có 250 quả bom con, mỗi quả bằng hộp sữa bò có 4 cánh xòe ra cho bom bay khắp nơi rồi hạ cánh xuống đất là ngòi nổ sẵn sàng, chỉ cần va vào là bom nổ, loại bom bằng chất gang nên giòn và mảnh nhỏ, khi nổ có thể sát thương cả chục người quanh đó.
Một lần đồng chí Thới đại đội 404 giật một quả nhiều lần không nổ, đã dũng cảm cầm trái bom quăng xuống vực thì bom nổ. Anh đã hy sinh. Trước việc đó, Nguyễn Tiến Thụ bàn với anh em trong đội phá bom cần tháo một quả để nghiên cứu, xem xét và khẳng định là bom sát thương thì khi nổ bom sẽ hất mảnh theo mặt bằng mặt đất chứ không khoan xuống phía dưới. Ta có thể đào một hố sâu ngập đầu khi tháo giơ tay lên mặt đất, nếu tình huống xấu quả bom nổ thì chỉ có khả năng cụt hai bàn tay, toàn đội nhất trí, mọi việc được chuẩn bị, quả bom bướm để tháo đã được giật nhiều lần không nổ. Nguyễn Tiến Thụ nhận tháo quả bom này. Anh Chanh người Thái Bình nói vui: “Thụ ơi, cẩn thận đấy, chưa đầy 20 tuổi mà cụt 2 bàn tay là gay đấy!” Nguyễn Tiến Thụ mỉm cười và bình tĩnh nhảy xuống hố. Anh giơ quả bom lên mặt đất bắt đầu thao tác, loay hoay hơn 5 phút vẫn chưa tháo được, cả đội lo lắng, hồi hộp. Anh thử xoay ngược lại thì phát hiện: loại bom này khi tháo phải ngược lại chiều kim đồng hồ, khá vất vả mới đưa được ngòi nổ của quả bom ra ngoài, cả đội vui sướng reo lên và ùa đến kéo Nguyễn Tiến Thụ lên mừng vui khôn xiết, ai cũng tranh xem ngòi nổ của loại bom độc ác này.
Việc phá bom bướm lại đơn giản chỉ lấy sào hoặc lấy dây cho móc vào quả bom tìm nơi an toàn chọc hoặc giật là bom nổ, những quả chọc hoặc giật mà không nổ là do chốt kim hỏa bị vướng hoặc lò xo giữ kim hỏa không hoạt động. Sau lần đồng chí Thới hy sinh, toàn đội phá bom luôn cảnh giác với loại bom này. Anh cùng đồng đội quyết định kéo những quả bom không nổ vào một hố sâu 0,5m, cứ 10 đến 20 quả là cho bộc phá phá nổ.
Những ngày giữa tháng 3 năm 1954 là thời kỳ vô cùng ác liệt, máy bay giặc suốt ngày không biết bao nhiêu đợt đánh phá và trút biết bao nhiêu bom các loại xuống Cò Nòi. Nhớ lại một lần khi đến Cò Nòi chưa được một tuần, trên đài quan sát theo dõi được 2 quả bom nổ chậm, khi xuống anh em quyết định phá quả sát đường trước, các quả khác tìm phá sau. Khi tìm được quả bom, Nguyễn Tiến Thụ bảo đồng chí Tảo khỏe tay lấy thuốn tìm xem đầu bom ở chỗ nào, khi tìm được thì Tảo và Thụy tiếp tục đào để mình đi tìm quả khác, hai anh em bắt đầu đào tìm ngòi nổ thì bất ngờ quả ngay phía sườn đồi phát nổ, Nguyễn Tiến Thụ và Thụy bị vùi, anh em chạy đến bới lên an toàn. Ban Chỉ huy yêu cầu về y tế kiểm tra điều trị.
Anh hùng Nguyễn Tiến Thụ phát biểu trong Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
cho 4 TNXP Điện Biên Phủ ngày 16/10/2014 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ngày 16 tháng 3, trời vừa tối, Đội phá bom xuống các điểm mà khi ở đài quan sát phát hiện bom rơi xuống điểm đó không nổ. Toàn đội chia làm 3 nhóm, đồng chí Tảo và Ngoạn phá quả bom giữa lòng đường (nói thêm về đồng chí Nguyễn Sỹ Tảo, quê Phù Đổng, người cao to đẹp trai, thông minh hay đùa, anh có người yêu là Liên ở đơn vị Tô Hiệu cũ, người hiền lành, phúc hậu. Họ hẹn nhau đến ngày độc lập mới tổ chức). Còn Nguyễn Tiến Thụ cùng Thùy tìm phá quả bom bên lề đường, khi thấy mục tiêu thì dùng chiếc thuốn tròn 0,8ly, dài 4m (đây là dụng cụ tối ưu cho anh em phá bom nổ chậm) tìm đón đầu chọc xuống nghe thấy tiếng bom là đào, mọi người mang hết sức lực, cứ 30 phút lại thay người. Quả bom hai đồng chí Tảo và Ngoạn đào không sâu, chỉ cách mặt đường hơn 1m. Đào được hơn 30 phút bỗng một tiếng nổ dữ dội nơi Tảo và Ngoạn đào, Đội phá bom cùng anh em TNXP chạy lại thì thấy Ngoạn bị thương rất nặng, sau ít phút Ngoạn hy sinh, còn Tảo thì không còn. Nguyễn Tiến Thụ cùng đồng đội tìm nhặt những phần nhỏ nhất của cơ thể Tảo và chôn cất tượng trưng tại sườn đồi ngã ba Cò Nòi ngay trong đêm ấy. Tiếng Thùy nghẹn ngào mà vang động: “Biến đau thương thành hành động”, hàng trăm TNXP lại lao vào cuộc chiến đấu thầm lặng và căng thẳng tiếp tục làm nhiệm vụ. Đêm hôm đó các đoàn xe vẫn qua ngã ba Cò Nòi đau thương và anh dũng này.
Địch đánh phá Cò Nòi ác liệt nhưng xe vẫn tiến vào Điện Biên Phủ, địch tăng thêm hỏa lực mở thêm điểm mới, trong đó có đoạn đường ngầm Hát Lót, đoạn qua suối Hát Lót chỉ hơn 100m không thể làm cầu tạm được mà có làm thì cũng bị địch phá ngay. Đoạn qua suối này, đại đội 404 dùng đá rải và xếp thành đường, nước suối ngập so với mặt đường khoảng 30 đến 50cm.
Nguyễn Tiến Thụ được Ban Chỉ huy đội 40 điều về làm Đại đội phó Đại đội 404, đơn vị phụ trách tuyến đường ác liệt này. Anh đề nghị lập đài quan sát cạnh đường ngầm để khi bom rơi xuống biết nằm ở đâu.
Một lần vào 16 giờ chiều, địch đánh phá ác liệt suốt 30 phút, các tốp máy bay thay nhau đánh phá. Khi anh em phát hiện quả bom sau cùng là loại bom lớn 500kg rơi đúng đường ngầm. Anh em đều khẳng định đây đúng là bom nổ chậm. Nguyễn Tiến Thụ cùng toàn đội xuống phá bom ngay khi trời còn chạng vạng ánh hoàng dân, sáng tuy rất nguy hiểm. Khi về đại đội 404, Nguyễn Tiến Thụ đã từng phổ biến kinh nghiệm cho anh em, ở những điểm ác liệt địch đã đánh phá nhiều lần nên đất đá rất tơi và vụn, trường hợp phá mà bị bom gần đó nổ anh em phải bình tĩnh, tỉnh táo khi đất đá đè lên đầu gắng mà nhích người lên, không được nằm im là nguy hiểm không thoát ra được và dễ bị ngạt, anh em đến tìm bới cũng khó khăn.
Hôm đó, phá quả bom ở đường ngầm, anh phân công một đồng chí ở lại quan sát có tiếng máy bay thì đánh kẻng để anh em sơ tán. Còn 5 đồng chí cùng anh xuống tìm phá bom, chỉ còn cách quả bom 30m thì bom nổ, đất đá từng tảng lớn rơi xuống nhưng vì mang theo cả nước nên đất đã đè lên toàn đội nhẹ hơn, đồng chí Sung bị nặng nhất đưa về cấp cứu, còn Thụ bị vùi không nhiều nhưng bị hòn đá va vào đầu nên bị choáng không thể tự dậy được, những chiến sĩ dự bị của đơn vị có mặt kịp thời bới đất kéo tất cả 5 anh em đưa về trạm xá hồi sức, sau 4 tiếng hồi phục, Nguyễn Tiến Thụ lại ra hiện trường làm nhiệm vụ.
Một ngày cuối tháng 4, địch đánh phá Hát Lót khá quyết liệt không chỉ phá đoạn đường ngầm mà các sườn núi cao sát đường đều bị bom phá để lấp tắc đường. Anh em phát hiện có một quả bom 500kg, khi thả máy bay hạ thấp sà xuống thả nên bom chỉ nằm dưới đất 0,6m. Ban Chỉ huy công trường yêu cầu đội phá bom phải phá ngay vì nếu để đến tối dân công và TNXP làm đường mà bom nổ thì thương vong sẽ nhiều. Nguyễn Tiến Thụ truyền mệnh lệnh cấp trên và yêu cầu anh em chuẩn bị quả bộc phá 2kg khi cắt sợi dây cháy chậm, cắt hơi ngắn, vì ban ngày dễ chạy, Nguyễn Tiến Thụ cùng đồng chí Tấn đào quả bom to nằm lù lù ngay bên trên đèo. Đào đến sát ngòi nổ, anh bảo đồng chí Tấn về nơi an toàn, còn một mình anh đặt bộc phá xong châm lửa vào đầu dây cháy chậm, khi chạy xuống được hơn 50m thì bom nổ, đất đá vùi lấp không nhiều nhưng bom lớn, lại nằm gần mặt đất nên nổ khá dữ dội. Nguyễn Tiến Thụ bị vùi và bị choáng, anh em bới đất lên dìu về trạm xá cấp cứu hồi sức. Sau một ngày sức khỏe hồi phục, anh lại có mặt trên đài quan sát cùng đồng đội chuẩn bị cho các trận chiến đấu thầm lặng tiếp theo.
Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn Đoàn TNXP Trung ương trong cả nước tại Hà Nội, Nguyễn Tiến Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua số 1 Đoàn TNXP Trung ương vào năm 1955.
Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 3 năm 1956 họp tại Hà Nội Nguyễn Tiến Thụ được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong cả nước.
Và sau dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong 60 năm, ngày 23/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng và truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 5 TNXP, trong đó có Nguyễn Tiến Thụ – người đã có nhiều sáng kiến, dũng cảm trong chiến dịch Điện Biên Phủ – cùng đồng đội phá được 120 quả bom các loại (trực tiếp phá 7 quả bom nổ chậm và 50 quả bom bươm bướm), 4 lần bị bom nổ chậm vùi lấp nhưng sức sống kỳ diệu cùng ý chí đánh giặc kiên cường đã khiến người anh hùng không gục ngã và đã luôn chiến thắng./.
Nguyễn Hương Mai
(Viết theo lời kể của AHLLVTND Nguyễn Tiến Thụ)
Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015