Chuyện 50 năm giờ mới kể
Ngày 13/07/1968 Đơn vị TNXP N73, làm lễ xuất ngũ nhiệm kỳ I (05/06/1965-05/06/1968). Phần đông chị em trở về địa phương, một số được cử đi học, chuyển qua quân đội, một số được tiếp tục ở lại nhiệm kỳ II theo yêu cầu, tôi may mắn được ở lại và phân về phòng tài vụ với nhiệm vụ mới là cán bộ cấp phát, áp tải những chuyến hàng “đặc biệt”.
Ngày đầu rời cuốc xẻng, san lấp hố bom cùng một số cán bộ phòng đi áp tải xe hàng “đặc biệt” từ phía bắc vào Quảng Bình, chuyển sang môi trường hoàn toàn mới tưởng như đỡ hơn, nhàn hạ hơn nhưng không phải vậy, trách nhiệm nặng nề hơn, đối mặt với hiểm nguy bom đạn không chỉ một cung đường, vài ba trọng điểm mà cả một tuyến đến nhiều tuyến đường.
Sau khi nhận được hàng từ kho trung chuyển của TW tại Hà Tĩnh xe không thể trở về theo tuyến đường Quốc lộ 1A, vì bến phà Gianh trên Quốc lộ 1A máy bay Mỹ ngày đêm thả thủy lôi dày đặc, xe phải đi vào theo Đường 15 A với những những địa danh nổi tiếng như: Dốc Bò Lăn, Ngã Ba Đồng Lào, Dốc Lụi, Khe Tọ…
Đến bến phà Địa Lợi[i] thì hai bên bến phà bị bom Mỹ đào bới tan hoang, thành bãi bùn lầy lội, phải dấu xe chờ một ngày đêm, lực lượng TNXP, công binh ra sức chống lầy (chống lầy là loại công việc gian khổ nhất đối với TNXP thời chống Mỹ) mở được một lối độc đạo bằng hai làn đá hộc vừa bánh xe lăn, tay lái thật vững, thật chuẩn mới bò qua được.
Đêm thứ nhất thoát hiểm chúng tôi mừng quên cả ăn, xe từ từ lăn bánh vào miền tây Quảng Bình, nơi địch tìm cách phong tỏa, khống chế tất cả các tuyến đường ngang dọc trên đất Quảng Bình nhằm cắt đứt đường vận chuyển từ Bắc vào Nam.
Dọc đường chiến lược 15 từ Thanh Lạng – Khe ve lên đường chiến lược 12 là cả một vùng chiến địa. Xe vào đến Minh Hóa, vượt qua bao túi bom, tọa độ lửa, vừa đến ngầm Ka Tang thì trời đổ mưa, nước dâng nhanh, chảy xiết, hai bên ngầm hố bom chằng chịt, một đoàn xe quân sự nối đuôi nhau vượt ngầm, lách qua chiếc xe bị bom Mỹ đốt cháy từ chiều tối còn mùi khét lẹt, báo hiệu sự nguy hiểm đang rình rập và ập đến bất cứ lúc nào, mãi đến 3 giờ sáng xe hàng “đặc biệt” xen giữa đoàn xe quân sự mới vượt qua ngầm Ka Tang, tiếp tục đi qua bãi Tranh rồi chuẩn bị leo lên đèo Đá Đẻo[ii].
Nỗi lo dồn dập mong sao chuyến xe chơ hàng “đặc biệt” về đến nơi an toàn bởi nơi ấy có hàng ngàn hàng vạn người đang mong đợi. Đường đèo trơn như đổ mỡ, hết mưa là bùn quánh nổi lên, xe lên đèo phải tắt đèn “gầm” trên trời máy bay địch thay nhau tìm kiếm mục tiêu, đèo dốc một bên vách núi cao, một bên vực sâu thẳm, bọn giặc lái mỗi lần bay từ hạm đội 7 ngoài biển Đông vào oanh tạc rồi bay về sân bay U – Tapao Thái Lan còn bao nhiêu bom đạn trút hết xuống đèo Đa Đẻo…
Chiếc xe hiệu Giải Phóng do chở quá tải dù cố sức trườn lên đèo rồi lại tụt xuống, anh em phải nhặt đá chèn bánh mới nhích được từng tý. Đoàn xe quân sự họ cố gắng lách qua cho kịp thời gian nhưng do đường hẹp không lên được.
Hơn 3 giờ sáng có lệnh bằng mọi giá phải giải phóng mọi vật cản để đoàn xe quân sự qua đèo trước lúc trời sáng. Nhanh như chớp anh lính công binh vừa nói tất cả lùi ra rồi đặt bộc phá để đánh bật xe hàng “đặc biệt” của chúng tôi ra khỏi đường cho đoàn xe quân sự tiến lên với tinh thần thà mất một chiếc hơn cả đoàn xe quân sự bị phá hủy!
Đến giờ phút này tôi buộc phải gặp Đoàn trưởng để trình bày sự thật, những thùng hàng nai nịt kĩ càng trên xe là “tiền”, “tiền Cụ Hồ”, người chỉ huy vừa nhảy lên xe hàng vừa ra lệnh cho tất cả tài xế nhanh chóng vác các thùng hàng trên xe lên đỉnh đèo, bốc được 2/3 thì xe bò lên. Tiếp tục bốc hàng lên xe xếp lại từng hàng như cũ, trong lúc đoàn xe chuyển bánh chúng tôi phát hiện còn thiếu 1 thùng, hoảng hốt kêu các anh bộ đội xin nhờ các anh kiểm tra lại vừa chạy dọc theo đoàn xe, ở phía cuối đoàn có tiếng kêu yếu ớt “lại đây … lại đây”. Trong ánh sáng nhập nhòa một tài xế trẻ nằm cạnh thùng hàng, sự thể là do anh đang lên cơn sốt rét nhưng vẫn gắng vác thùng hàng nặng 70 kg nên ngã quị xuống, anh em đỡ tài xế dậy, anh tiếp tục lên xe, nổ máy cùng đoàn xe tiếp tục hành quân, thùng hàng được trở về an toàn.
Vì quá mừng mà quên hỏi đoàn xe bộ đội thuộc đơn vị nào, cũng chưa kịp nói lời cảm ơn chỉ vẫy tay chào rồi đi tiếp…
Trong nhiệm kỳ II tôi làm nhiệm vụ cấp phát, áp tải những chuyến xe hàng “đặc biệt” ngoài tỉnh về, đến những chuyến đi bộ từ Khe Gát vượt đường Cây Sắn qua đò Phương Hạ đến địa điểm quy định để vận chuyển tiền nhưng chưa bao giờ lo lắng hiểm nguy như chuyến đi này.
Chiến tranh là vậy, biết bao hoài niệm như đang cuộn sóng, đã có bao nguyên mẫu của thiên anh hùng ca với biết bao sự hy sinh cống hiến trên những con đường dọc ngang với tọa độ lửa như đèo Đá Đẻo đã hợp thành tên chung huyền thoại Đường Hồ Chí Minh mà các thế hệ đi trước đã khắc vào lịch sử./.
Ngày 15/12/2019
Đinh Thế Phong
Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quảng Phú
[i] Bến phà Địa Lợi nằm trên tuyến Quốc lộ 15 nối liền từ Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao (tỉnh Hà Tĩnh) để vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, trước đây, ngay từ khi bắt đầu kế hoạch leo thang đánh phá ác liệt ra miền Bắc, máy bay của Mỹ đã quyết tâm biến phà Địa Lợi thành “túi đựng bom”, “chảo bom”, “tọa độ lửa”. Bến phà Địa Lợi được xây dựng từ thời Pháp thuộc, bề mặt phà lát bằng gỗ lim. Trong thời kỳ chống Pháp, bến phà Địa Lợi là nơi chuyên chở, lưu thông người và hàng hóa phục vụ chiến trường miền Bắc, Điện Biên Phủ và Trung Lào… Ngày 18-8-2018, xã Hương Thủy, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với bến phà Địa Lợi.
[ii] Đèo Đá Đẽo nằm trên Đường Hồ Chí Minh ở ranh giới ba xã là xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa và xã Xuân Trạch, Thượng Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay đèo Đá Đẽo là một trong 37 di tích của nhóm “Di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh” được Chính phủ công nhận [5][6]. Trên đỉnh đèo có bia Di tích Đèo Đá Đẽo với dòng chữ “Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 – 1972” ghi nhớ lại thời kỳ chiến tranh ác liệt.