XANH MÃI TRUÔNG BỒN

Đăng lúc: 08-01-2024 10:05 Sáng - Đã xem: 234 lượt xem In bài viết

14 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, Đại đội 317 san lấp hố bom tại Truông Bồn. Ảnh: Phùng Triệu – Phóng viên Báo Nhân Dân chụp ngày 25/7/1968.

 

1

Tập thơ “XANH MÃI TRUÔNG BỒN” – Nhà xuất bản Văn học năm 2015, Soạn giả: Cẩm Thạch – Gia Dũng.

Truông Bồn[1], mảnh đất anh hùng,  chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã viết về Truông Bồn.

Nhà thơ Hoàng Thị Cẩm Thạch (Cẩm Thạch) đã có 2 tập thơ viết về Truông Bồn. Đó là: VẦNG TRĂNG TRUÔNG BỒN[2] – NXB TRẺ, năm 2015; CHUYỆN TÌNH TRUÔNG BỒN – NXB TRẺ – năm 2018[3].

Tập thơ XANH MÃI TRUÔNG BỒN – Nhà xuất bản Văn học năm 2015, soạn giả: Cẩm Thạch – Gia Dũng, gồm có 40 bài thơ của nhiều tác giả, trong đó bài thơ “Xanh mãi Truông Bồn” của nhà thơ Cẩm Thạch đã đưa đưa ta về với một Truông Bồn anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

XANH MÃI TRUÔNG BỒN

Tôi trở về quê mẹ Mỹ Sơn

Nơi làm nên con đường huyền thoại

Giọng nói trong 12 cô gái

Đi san đường lấp những hố bom

 

Đoàn xe qua rầm rập Truông Bồn

Em ở lại cung đường thông tuyến

Ai đếm được bom thù trút xuống

Chỉ có em đứng mũi chịu sào…

 

Bên tượng đài sương khói nôn nao

Người về với Truông Bồn đông lắm

Vẫn còn nghe tiếng cười em vọng

Hàng cọc tiêu di động bên đường

         

 Đôi tay quen cầm lược gương

Em khát khao làm vợ

Cánh cổng trường rộng mở

Mà hàng tên còn trống trang đầu

 

Bạn bè chờ đón cô dâu

Bộ áo cưới đã thành kỷ niệm

Bông hoa hồng không cài ngực

Khô héo dần năm tháng người xa…

 

Tiểu đội mừng vừa mới hôm qua

Tin ngừng bắn ngày mai mồng một

Nếu như không có ngày ba mốt

Em vỗ về…lời ru à ơi…

 

Trái sim chín bao mùa sim chín

Gió qua Truông còn lặng bên đồi

Có phải hôm nay ta mắc nợ

Để Truông Bồn xanh mãi không thôi…?

 

Người về đây bên mộ xanh Truông Bồn

Tượng đài em như đang ngời chiến thắng

Tự hào thay trên cung đường năm ấy

Từng bước chân em

Lời nói yêu thương

Ghi dấu ấn Truông Bồn

Mười tám đôi mươi

Còn mãi nơi đây

Tình yêu ấy mãi còn xanh…

Hoàng Thị Cẩm Thạch

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy tại Truông Bồn, hơn 1.500 TNXP Nghệ An đã cùng với các lực lượng của quân và dân ta đã phải “đọ sức” với không quân Mỹ[4], bất chấp mưa bom bão đạn của kẻ thù làm nên chiến thắng Truông Bồn lịch sử.

Nhưng, chiến thắng nào mà không phải đổi bằng máu xương, vào cái ngày định mệnh 31 tháng 10 năm 1968 ấy, khi chỉ còn 18 giờ nữa máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc[5], một trận bom dữ dội của giặc Mỹ đã cướp đi sinh mạng 13 TNXP của “Tiểu đội thép[6]” anh hùng. 13 bông hoa trắng ấy đã nhuốm màu máu đỏ, hoà vào đất mẹ, làm nên một Truông Bồn bất tử.

2

Tôi trở về quê mẹ Mỹ Sơn

Nơi làm nên con đường huyền thoại

Giọng nói trong 12 cô gái

Đi san đường lấp những hố bom

Mở đầu, nhà thơ Cẩm Thạch giới thiệu về con đường huyền thoại Truông Bồn trên đất mẹ Mỹ Sơn, nơi 12 cô gái TNXP cùng đồng đội ngày đêm bất chấp mưa bom bão đạn của giặc Mỹ tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn làm nhiệm vụ san lấp hố bom, nối liền mạch máu giao thông cho xe ta ra tiền tuyến. Bất chấp mọi hiểm nguy, 12 cô gái thanh niên xung phong ấy vẫn luôn cất tiếng cười, tiếng nói hồn nhiên trong khi làm nhiệm vụ thông đường, với một niềm tin quyết thắng.

 

Đoàn xe qua rầm rập Truông Bồn

Em ở lại cung đường thông tuyến

Ai đếm được bom thù trút xuống

Chỉ có em đứng mũi chịu sào…

Để kịp thời chi viện vũ khí, lương thực, đạn dược cho chiến trường miền Nam, đã có hàng ngàn, hàng vạn chuyến xe đi qua chảo lửa Truông Bồn. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ ra sức leo thang chiến tranh ra miền Bắc, ồ ạt dội bom đánh phá các tuyến đường huyết mạch Truông Bồn. Bất chấp mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, 12 cô gái thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” Truông Bồn vẫn bám đường, san lấp hố bom đón những đoàn xe qua. Những cánh hoa trắng mỏng manh đã “đứng mũi chịu sào” để đối đầu với số lượng bom đạn dội xuống không thể đo đếm được.

 

 “Bên tượng đài sương khói nôn nao

Người về với Truông Bồn đông lắm

Vẫn còn nghe tiếng cười em vọng

Hàng cọc tiêu di động bên đường

Trở lại với thực tại, bên tượng đài liệt sỹ Truông Bồn lịch sử, trong màn sương khói nôn nao, hiện lên hình ảnh hàng “Cọc tiêu sống” của 12 cô gái TNXP anh hùng. Các cô vẫn ở đó, sừng sững hiên ngang giữa đất trời, và trên những khuôn mặt trong sáng ấy, vẫn thường trực nụ cười giòn tan. Tất cả như quyện lại, lắng đọng thành những giọt sương trên mi mắt những người còn sống…

3

 “Đôi tay quen cầm lược gương

Em khát khao làm vợ

Cánh cổng trường rộng mở

Mà hàng tên còn trống trang đầu

13 TNXP “Tiểu đội thép” Truông Bồn, trong đó 11 cô gái và 2 chàng trai đã anh dũng hy sinh. Các chị, các anh đã “lỡ hẹn” với bao ước nguyện của tuổi xuân; ước nguyện của đời người khi tuổi đời còn rất trẻ. Người nhiều tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Tâm vừa tròn 22 tuổi; người ít tuổi nhất là chị Nguyễn Thị Hoài chỉ mới 17 tuổi, và tất cả các chị, các anh chưa ai kịp xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Nỗi khát khao làm vợ, làm chồng của các chị, các anh đã bị bom Mỹ dập tắt. Trong đó, 5 người trong tiểu đội là các chị: Trần Thị Doãn, Vũ Thị Hiên, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Phan Thị Dung đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 3 năm, đã hoàn tất thủ tục ra quân, đã được cầm trên tay giấy báo nhập học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp. Cánh cổng trường đã rộng mở đón các chị vào nhập học và đơn vị đã tổ chức liên hoan chia tay để sáng ngày mai các chị tạm biệt đơn vị, nhưng hàng tên trong lớp học đã chỉ còn lại là một niềm mơ ước, một kỷ niệm với mái trường thân yêu của các chị!

Bạn bè chờ đón cô dâu

Bộ áo cưới đã thành kỷ niệm

Bông hoa hồng không cài ngực

Khô héo dần năm tháng người xa…

Cùng một tiểu đội: Anh Cao Ngọc Hòa, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; chị Nguyễn Thị Tâm quê xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tình yêu của anh chị nảy nở trong những năm tháng cùng với đơn vị làm nhiệm vụ dưới mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ. Mối tình trong sáng, thủy chung ấy đã thôi thúc anh chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chắp cánh cho những ước mơ, dự định cho tương lai, đã được hai bên gia đình tổ chức lễ đính hôn và định ước ngày cưới sau khi hai con hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng có ngờ đâu, cuộc đưa dâu nơi quê nhà của anh chị đã đành phải bỏ ngỏ, để lại nỗi tiếc thương vô hạn đối với người thân, đồng đội, bạn bè và với tất cả chúng ta.

 

“Tiểu đội mừng vừa mới hôm qua

Tin ngừng bắn ngày mai mồng một

Nếu như không có ngày ba mốt

Em vỗ về…lời ru à ơi…”

Tác giả dùng từ “Nếu như” – “Nếu”- để nêu một giả thiết hoặc một điều kiện nhằm nói rõ cái gì sẽ xẩy ra hoặc có thể xẩy ra. “Nếu như không có ngày 31”, thì “Em vỗ về… lời ru à ơi”. Không có ngày 31, các chị sẽ được trở về quê hương xây dựng gia đình. Lời ru con sẽ là niềm hạnh phúc là thiên chức của những người vợ. Nhưng những trận bom kinh hoàng đã cắt đứt lời ru mỏng manh. Tác giả dùng nghệ thuật đối lập giữa hàng tấn bom với lời ru làm tăng thêm sức tố cáo, sức phá hoại, hủy diệt của bom đạn quân thù.

4

Cùng với các lực lượng của quân và dân ta, 14 thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” Truông Bồn đã vượt qua bao tháng ngày gian khổ, bất chấp mưa bom bão đạn của giặc Mỹ để luôn luôn giữ vững mạch máu giao thông tại “Tọa độ lửa” Truông Bồn, con đường chiến lược “Độc đạo”, huyết mạch giao thông vào chiến trường miền Nam, bởi tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An máy bay Mỹ đã đánh phá phong tỏa. Các chị, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 3 năm.

Ngày 29/4/2018, nguyên Tiểu đội trưởng “Tiểu đội thép” Trần Thị Thông, người sống sót duy nhất của Tiểu đội 14 người trong trận bom Mỹ trút xuống Truông Bồn ngày 31/10/1968, cùng đoàn đại biểu Báo Thanh Niên và CTCP Báo Thanh Niên dâng hương 13 AHLS – TNXP tại ngôi mộ chung.

Theo lời kể của chị Trần Thị Thông, nguyên tiểu đội trưởng, người sống sót duy nhất của tiểu đội 14 người trong trận bom đệnh mệnh của giặc Mỹ sáng ngày 31/10/1968: Chiều ngày 30/10/1968, đại đội tổ chức chia tay những người trong tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ 3 năm để về nhập học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, tổ chức lễ cưới…Rồi sau đó những câu chuyện tha thiết của nỗi niềm con gái của tiểu đội trong đêm thật là xúc động tình đồng đội, xúc động với bao mong ước của người con gái. Trong đó giọng nói rất vô tư và hồn nhiên của chị Hà Thị Đang xen vào: “Các chị nà! Rứa là ngày mai em được mặc cây áo gấm màu hồng đi đám cưới chị Tâm rồi! Ngày mai em được về với mẹ em rồi! Nghe nói sắp đến ngày giải phóng rồi, cả nhà em sẽ được đoàn tụ, lúc nớ… em lại được ôm mẹ mà ngủ!… Mà dừ lại sắp phải xa các chị, xa Truông Bồn rồi – em nhớ lắm! Mà sáng mai em cũng phải ra trận địa lần cuối để chia tay với các chị chớ! hàng ngàn ngày ở đây em nỏ sợ – sợ chi một bữa…!

 Ước mơ và nỗi niềm của mấy chị em con gái thật đơn giản là vậy, thế nhưng, vào lúc 0 giờ ngày 30/10/1968, tiểu đội nhận được mật lệnh: “0 giờ ngày 01/11 máy bay Mỹ ngừng ném bom miền Bắc – 07 giờ sáng có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu; khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe vượt qua”. Nhận được “Mật lệnh”, đơn vị lập tức triển khai nhiệm vụ nhưng các chị, các anh vẫn xin Ban Chỉ huy đơn vị tình nguyện ở lại làm việc cùng mọi người với một suy nghĩ thật đơn giản: “Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường”.

Đến 6h10 phút ngày 31/10/1968, công việc vừa hoàn thành, có kẻng báo động máy bay địch, các tiểu đội đã kịp rút về hầm trú ẩn. Riêng “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử” 14 người làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng. Bất ngờ, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống hàng chục quả bom phá. Truông Bồn đã chìm trong biển lửa khói. Ngớt tiếng bom, Đại đội TNXP 317; các đơn vị bạn, các lực lượng đóng quân trên địa bàn và nhiều người dân xã Mỹ Sơn dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh – nhưng chỉ duy nhất chị Trần Thị Thông tiểu đội trưởng còn sống sót. Sau hai ngày, đơn vị chỉ tìm được 6 chiến sĩ, đó là các chị: Trần Thị Doãn, Hà Thị Đang, Nguyễn Thị Phúc, Đinh Thị Vinh, Đàm Thị Bốn và anh Cao Ngọc Hòa. 7 chiến sĩ, là các chị Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Tâm, Phan Thị Dung, Vũ Thị Hiên, Nguyễn Thị Hoài, Nguyễn Thị Văn và anh Trần Văn Hạp, thân thể đã hòa lẫn vào đất, đá, cỏ cây Truông Bồn. Những gì tìm được của 7 chiến sĩ, đồng đội và người thân đành phải ngậm ngùi chia thành 7 phần, để các chị, các anh được yên nghỉ trong ngôi mộ chung. Ngôi mộ này, nay gọi là ngôi mộ chung, ngôi mộ của tập thể 13 anh hùng liệt sĩ TNXP phong “Tiểu đội thép” Truông Bồn, bởi 6 chiến sĩ còn lại hình hài, được đưa về yên nghỉ tại quê nhà, linh hồn cũng đã được trở về với đồng đội.

13 TNXP “Tiểu đội thép” Truông Bồn đã mãi mãi ra đi trong thời khắc định mệnh đau lòng ngày ấy, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với người thân, đồng đội và đối với mọi người. Mọi ước nguyện của tuổi thanh xuân, ước nguyện của cuộc đời của các chị, các anh đã bị bom Mỹ dập tắt. “Nếu như không có ngày ba mốt” thì các chị, các anh đã là những cô giáo, những cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước, những công dân gương mẫu và hàng ngày luôn được “…vỗ về…lời ru à ơi…” bên các con, các cháu thân yêu của mình.

5

“Trái sim chín bao mùa sim chín

Gió qua truông còn lặng bên đồi

Có phải hôm nay ta mắc nợ

Để Truông Bồn xanh mãi không thôi…?”

Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 TNXP “Tiểu đội thép” Truông Bồn, ngày 12/01/1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 TNXP Truông Bồn, thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An; trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 02 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh.

Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngày 19 tháng 4 năm 2010 Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích trên diện tích 217.327m2. Công trình được khởi công vào ngày 27/10/2012 và được khánh thành vào ngày 07/8/2015. Nơi đây, Truông Bồn hôm nay và mai sau mãi vang vọng những lời ru của đất mẹ như là lời ru của cả dân tộc để linh hồn các chị, các anh được yên giấc ngàn thu!

6

Người về đây bên mộ xanh Truông Bồn

Tượng đài em như đang ngời chiến thắng

Tự hào thay trên cung đường năm ấy

Từng bước chân em

Lời nói yêu thương

Ghi dấu ấn Truông Bồn

Mười tám đôi mươi

Còn mãi nơi đây

Tình yêu ấy mãi còn xanh…”

Tác giả giới thiệu với mọi người về Truông Bồn, giới thiệu về tượng đài chiến thắng Truông Bồn nơi “Tọa độ lửa”, “Tọa độ chết”, “Túi bom” của máy bay Mỹ đánh phá năm xưa đã được hồi sinh. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay, biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 anh hùng liệt sĩ. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 11 cô gái và 2 chàng trai thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” anh hùng ngày 31 tháng 10 năm 1968. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của thân nhân các gia đình liệt sĩ; nỗi đau chung của cả dân tộc vẫn còn đó. Tượng đài Truông Bồn là vật thể, Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, và sẽ mãi mãi ghi đậm trong lòng của những người con đất Việt./.

Chu Vĩnh Hiệp

Chủ tịch Tỉnh hội Nghệ An, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Quốc gia Truông Bồn


[1] Thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

[2] Có 35 bài thơ và 13 bài viết về “Tiểu đội thép” anh hùng.

[3] Có 56 bài thơ.

[4] Đoạn quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh cơ giới đi qua Truông Bồn khoảng 5km, nhưng chỉ tính từ tháng 6 đến tháng 10/1968, đã hứng chịu 2.692 quả bom các loại của giặc Mỹ. Tại đây, hơn 1.240 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông đã anh dũng hy sinh.

[5] Năm 1968, do chúng ta thắng lớn về quân sự trên chiến trường và trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải ngừng ném bom ở miền bắc vào 0 giờ ngày 1/11/1968.

[6] Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An.