Lời của gió ở Ngã Ba Dân Chủ

Đăng lúc: 20-07-2019 2:52 Chiều - Đã xem: 115 lượt xem In bài viết

(Theo Quảng Bình điện tử) – Qua Làng Ho, kế tiếp là bản Rum, bắt đầu từ Rum đến giáp giới với huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), đường Hồ Chí Minh nhánh phía tây xuyên giữa rừng già, mênh mông rừng, thăm thẳm rừng. Khoảng chiều dài gần ba chục cây số, hoàn toàn không dân cư, không làng bản. Có chăng chỉ là các trạm chốt bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu.

Rừng Động Châu có diện tích gần 20.000ha, được đánh giá là vùng đa dạng sinh học với những loài động thực vật đặc hữu chỉ đứng sau Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ví rừng Động Châu như một mái nhà xanh chở che cho hàng vạn cư dân sinh sống ở lưu vực sông Kiến Giang và Long Đại quả không sai khi trực tiếp được “mục kích sở thị”.

Sang gần đến đất Quảng Trị, khí hậu thay đổi đáng kể, nắng khét hơn, gió Lào thổi hun hút. Trên những đỉnh núi cao chót vót, mây đen cuộn lại báo hiệu vài cơn giông bất chợt đang chờ ở phía trước. Mùa hè, đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn này không sợ thiếu nước để uống, cơ man thác nước to nhỏ, chảy từ lưng chừng núi xuống, nước mát lạnh, ngọt lành.

Tôi cũng dám chắc, hiếm có những người làm báo trải nghiệm trên vùng đất thăm thẳm phía tây này. Ngay chính bản thân mình, trước đây chỉ tới bản Rum rồi quay về. Nay quyết đi hết địa phận Quảng Bình, càng đi, càng cảm giác đến vô cùng.

Trên cung đường, rất nhiều địa danh gắn chặt với những chiến công, hy sinh, mất mát của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ: Ngã ba giao nhau với đường 16, Bãi Đạn, Cầu Khỉ, Đèo Khỉ, Khe Le, Cổng Trời, ngã ba Dân Chủ…

 Bãi Đạn-một trong những di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây.

Cũng chính trên từng cung đường ra trận này, năm 1972, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một người con Quảng Bình đã kể về gương hy sinh dũng liệt của những người con gái mở đường trong bài thơ “Khoảng trời và hố bom”:

“Chuyện kể rằng: Em, con gái mở đường

Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương

Cho đoàn xe kịp giờ ra trận

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa

Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom…

Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn

Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái

Một nấm mồ, nắng ngời bao sắc đá

Tình yêu thương bồi đắp cao lên…

Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em

Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ

Đất nước mình nhân hậu

Có nước trời xoa dịu vết thương đau…”.

Mười hai giờ trưa… vì lần đầu tiên trải nghiệm trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây ở khu vực này Động Châu, tôi chẳng lường trước sự heo hút, hoang vắng. Không chút lương thực phòng thân, tôi khát vốc nước ở các con thác uống, nhưng đói hoa mắt vẫn phải bấm bụng tiến vào nam.

Đến Cầu Khỉ, may quá, gặp được Trạm bảo vệ rừng số 3, Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu. Trạm trưởng Nguyễn Công Thân và những cán bộ trẻ của trạm phần lớn đều là người Lệ Thủy khá ngạc nhiên trước sự “bồng bột” của tôi: “May cho nhà báo… càng vô sâu trong nớ càng heo hút, dám chắc đến Khe Sanh, Quảng Trị mới tìm thấy cái để lót dạ”. Trời trưa trật, anh em vừa dùng cơm xong. Thân bảo chân tình: “Chừ xem trong bếp còn cơm nguội, anh dùng tạm. Ở đây xa ngái chợ đò, biết khách quý ghé, muốn chiêu đãi khách cũng lực bất tòng tâm”.

Cơm nguội, cá leo khe anh em trong trạm đánh lưới được kho với ớt rừng khô quắn lại, bát canh nấu với cải chua, vậy là chén ngon lành. Tôi ăn chân tình, làm một mạch đến ba bát cơm, còn thèm ăn nữa nhưng “bấm bụng” sợ chủ nhà cười! Một bữa cơm giữa rừng, dọc đường Hồ Chí Minh ngon để đời.

Qua Cầu Khỉ, vượt Dốc Khỉ, lên đến Cổng Trời rồi chạm ngã ba Dân Chủ, điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nhánh tây trên đất Quảng Bình. Ngã ba Dân Chủ, gió Lào thổi bời bời. Gió thổi tung những tàn hương trong Nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ TNXP hy sinh nơi trọng điểm ngã ba Dân Chủ vào giữa nắng hè se thắt.

Bia di tích lịch sử ghi rõ: “Nơi đây ngã ba Dân Chủ, đường Thống Nhất 16A phía tây Quảng Bình, bắc Quảng Trị thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh. Đây là nơi đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung N237, Ban 67 đã từng sống, chiến đấu, lao động và hy sinh anh dũng để bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ ngày 14-4-1969 đến ngày 31-12-1972. Các đơn vị trực thuộc gồm: C2371 huyện Đồng Sơn; C2372 huyện Thọ Xuân; C2373 huyện Triệu Sơn; C2374 huyện Yên Định, Vĩnh Lộc; C2375 huyện Hoằng Hóa; C2376 huyện Tĩnh Gia; C2377 huyện Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh” (đều thuộc tỉnh Thanh Hóa).

Cựu chiến binh Bùi Văn Hoằng, quê quán xã Hà Trung, huyện Hà Bình, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1971-1974 từng sống, chiến đấu trên đường Trường Sơn nhớ lại những kỷ niệm khi hình thành nên trọng điểm ngã ba Dân Chủ: “Điểm đầu đường 10 xuất phát tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Từ Km số 0 đến Km42 thì có một nhánh rẽ phải đó là đường 18. Đường 10 tiếp tục đi lên phía tây đến Km67 lại thêm một nhánh rẽ phải là đường 16D nối liền đường 9. Đường 10 tiếp tục đến Km72 thì gặp đường 16A từ Thạch Bàn đi lên và đấy gọi là ngã ba Dân Chủ”. Tại trọng điểm ngã ba Dân Chủ, đã có 78 liệt sỹ TNXP N237, Ban 67 đã ngã xuống. Họ đều là người tỉnh Thanh Hóa.

Trở lại thăm chiến trường xưa, thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội tại nhà bia ngã ba Dân Chủ, cựu chiến binh Bùi Văn Hoằng bồi hồi: “Qua Vít-Thù-Lù, Làng Ho, Dốc Khỉ/Cổng Trời kia cao điểm lẻ một ngàn/ Đường Thống Nhất, 16A, đường 9/ Gặp đường 10 tại cây số 72/ Nơi ấy đây rồi ngã ba Dân Chủ/ Giờ nhà bia nghi ngút nén nhang thơm/ Đứng lặng nhớ một thời hoa lửa/ Thấm thoắt đã hơn 40 năm/Tuổi trẻ một thời nay mái đầu đã bạc/Rừng Trường Sơn còn đó bạn tôi nằm”.

Thời gian sẽ trôi qua, hoài niệm sẽ còn mãi. Đường Hồ Chí Minh, những con đường ra trận năm xưa, những con đường đổi mới bây giờ chất chứa trong lòng cả một kho huyền sử. Để những ngày lãng du trên cung đường lúc nắng, lúc mưa, tôi có nhiều duyên nợ với đất và người phía tây Quảng Bình xa xôi. Để tôi thêm yêu, quê hương, đất nước Việt Nam này.

  Ngô Thanh Long

Theo hoitruongson.vn